Anh lính Lêdương.
Họ tên đầy đủ của Bokassa là Jean Bedel Bokassa, thuộc bộ tộc M’Baka ở Phi châu và sinh ngày 22-2-1921 tại làng Bobangui, cách thủ đô M’Baiki của thuộc địa Phi Châu thuộc Pháp (Equatorial Africa) khoảng 80 cây số về phía bắc. Ông là con của một công nhân làm việc cho Công ty Lâm nghiệp Pháp. Năm 1927, cha của Bokassa bị bắt và bị kết án tử hình về tội phá rối trị an. Ít lâu sau, mẹ của cậu Bokassa cũng tự tử chết vì nghèo và tuyệt vọng. Thời điểm đó cậu bé đang học Tiểu học tại trường Sainte Jeane d’Arc ở M’Baiki, rồi tiếp theo là trường Trung học Saint Louis ở Bangui, do các tu viện Pháp tài trợ.
Khi Thế Chiến thứ II bùng nổ, nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Bokassa gia nhập Lực lượng Nước Pháp Tự do, do De Gaulle lãnh đạo. Từ cấp bậc hạ sĩ, Bokassa được thăng hạ sĩ nhất khi tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Provence của Pháp, rồi được thăng trung sĩ và năm 1950, trung sĩ nhất Bokassa, binh chủng lính Lê dương (Légion Étrangère), đã từng được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, Bokassa theo đội quân Lê Dương có mặt tại nhiều nước như Ma-rốc, Algierie rồi vào năm 1953 có mặt ở Việt Nam. Tại Việt Nam, Bokassa mang lon Trung sĩ nhất đóng quân tại Chánh Hưng Sài Gòn (Quận 8 bây giờ) vùng đất của quân đội Bình Xuyên Năm Lửa. Sau khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, ký kết Hiệp định đình chiến ngày 20/7/1954, cam kết rút hết quân đội về Pháp. J.B. Bokassa lúc này đã lên cấp Thượng sĩ nhất cũng phải lên tàu trở về chính quốc.
Năm 1960, thuộc điạ Phi Châu Xích đạo (Equatorial Africa) giành được độc lập từ tay người Pháp. Vị tổng thống đầu tiên của quốc gia này là David Dacko–có họ hàng xa với Bokassa–quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Trung Phi (Central African Republic) rồi mời Bokassa đang ở Pháp về nắm quyền chỉ huy quân đội.
Với diện tích 662.984 km2, thủ đô là Bangui. Toàn bộ dân số nước CH Trung Phi vào khoảng 3 triệu người (tài liệu năm 2000). Tài nguyên thiên nhiên gồm các mỏ quặng chưa khai thác do chưa đủ tuổi gồm quặng kim cương, coban, sắt... nền kinh tế chủ yếu trông chờ vào các vụ thu hoạch chuối và cà phê, nước này soạn Hiến pháp theo chế độ Cộng Hòa, đứng đầu nhà nước với chức danh Tổng thống.
Mặt khác của Bokassa.
Trong thời gian làm vua, Bokassa có máu mê sưu tập vàng bạc, kim cương. Trong số những đồ châu báu mà ông thu thập được, có 2 viên kim cương thô rất lớn nhưng chưa bao giờ ông đồng ý cho mài giũa!?
Để mua chuộc các chính khách trong đó có cả Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing (làm tổng thống từ 1974 tới 1981), ông đã dùng kim cương làm phương tiện hối lộ. Sau này, Bokassa tố cáo Tổng thông d’Estaing đã đứng đằng sau cuộc đảo chánh lật đổ ông!
Để thể hiện quyền lực của mình, Bokassa đặt tên cho nhiều công trình ở thủ đô Bengui bằng tên mình. Ví dụ, Cung thể thao Jean Bedel Bokassa, Đại lộ Jean Bedel Bokassa, Đại học Tổng hợp Jean Bedel Bokassa v.v… Bên cạnh đó, Bokassa còn cho xây dựng nhiều dinh thự dùng cho tổng thống như Villa Kolongo, Villa Berengo, đồng thời làm chủ nhiều nhà hàng ăn uống, xưởng dệt, trại nuôi gia súc. Hai hãng hàng không dân sự và một hãng độc quyền buôn bán ngà voi cũng là của ông.
Theo báo Le Figaro, Bokassa tự phong cho mình là “Đệ nhất nông dân” và “Đệ nhất thương gia” của Vương quốc Trung Phi.
Những người từng có thời gian thân cận với Bokassa kể lại rằng, ông ta tự cho mình có quyền làm hoàng đế suốt đời, kiêm nhiệm Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và nhiều bộ khác. Tuy nhiên theo nhiều người biết chuyện kể lại rằng Bộ Quốc Phòng của Tổng thống Bokassa là vài căn nhà tôn bé tí.
Tại Pháp, Bokassa có nhiều bất động sản, như lâu đài Villemorant ở Saint Louls Chavanon, lâu đài Handicourt de La Cottenclère ở ngoại ô Paris, lâu đài Mezy sur Seine, lâu đài Nice và Nhà hàng khách sạn Le Montagne ở Romorantin. Và dĩ nhiên, là một người cường tráng, ông cũng có nhiều 'động sản' khác gồm các bà vợ bé (tiếng lóng của Bokassa dùng để gọi họ). Ví dụ vũ nữ Martine N’Douta, kẻ vẫn thường ganh tị với các bà vợ bé người Gabon, người Tunisie, người Pháp, người Đức, Bỉ, Lybie, Cameroon, Thụy Điển, Zaire, Trung Quốc v.v… Nhiều người trong số họ được các nhà lãnh đạo sở tại “tặng” cho Bokassa khi ông ta công du các quốc gia này, chẳng hạn bà vợ bé người Tàu là “quà tặng” của Tưởng Giới Thạch, lúc ấy là tổng thống Đài Loan.
Chuyện kể lại rằng, tại Gabon, trong phái đoàn ra sân bay đón tiếp “Hoàng đế Bokassa”, ông đặc biệt chú ý đến một cô gái tên là Joelle. Bỏ qua mọi nghi thức ngoại giao, Bokassa dặn Joelle “đừng đi đâu hết” rồi tiến đến trước mặt Tổng thống Omar Bongo và nói: “Hồi nãy tôi đến với tư cách quốc khách, còn bây giờ tôi gặp anh với tư cách riêng để xin cưới một công dân của anh làm vợ”. Dù muốn dù không, Tổng thống Omar Bongo cũng phải đồng ý.
Khi công du một quốc gia khác, Bokassa gặp cô vũ nữ tóc vàng Gabriela Brimba trong một vũ trường. Ngỏ lời cầu hôn nhưng bị cô từ chối, Bokassa bèn “bỏ nhỏ” với tổng thống nước này. Vậy là chỉ hơn một tháng sau, Gabriela Brimba được đưa tới Bangui rồi được Bokassa đổi tên thành Martine N’Douta hay ghen tị như chúng ta đã nói bên trên. Sau khi chế độ của Bokassa ở Vương quốc Trung Phi sụp đổ, Brimba trở về cố quốc, bỏ lại đứa con gái tên là Anne de Berengo cho Bokassa nuôi.
Trường hợp cô Nguyễn Thị Huệ ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Năm 1953, nhà nghèo, đi gánh nước mướn khổ quá, Nguyễn Thị Huệ gặp anh chàng trung sĩ nhất Lê dương Bokassa. Bokassa mê cô, luôn luôn tặng quà rồi ngỏ lời cầu hôn. Cô Huệ đồng ý. Gia đình cô tuy nghèo nhưng sợ mang tiếng nên cấm đoán, Bokassa xúi cô (có lẽ bằng tay vì cô không biết tiếng Pháp, hí hí) bỏ trốn sang Tân Thuận Đông, gần doanh trại của mình, thuê cho cô một căn nhà nhỏ nền đất, lợp lá. Khi cô Huệ có thai thì cũng là lúc Bokassa và cánh quân Lê dương được lệnh lên tàu về Pháp. Cô Huệ khóc hết nước mắt. Bokassa cũng khóc. Anh ta móc bóp, có bao nhiêu tiền đưa cả cho vợ rồi dặn sau này nếu sinh con gái thì đặt tên là Martine, nếu con trai thì đặt tên là Martin, hễ có điều kiện anh ta sẽ trở lại Việt Nam tìm vợ con, và ông đã giữ lời hứa!
Hoàng đế Bokassa Đệ I.
Tháng 1/1966, với lực lượng quân sĩ trong tay, Trung tá Bokassa đảo chính lật đổ David Dacko, tự phong Đại tá, tiếp đến là Đại tướng chỉ trong vòng mấy ngày đầu nắm chính quyền. Khi toàn bộ nước CH Trung Phi đã nằm trong tay tướng Bokassa, ông lại tự phong làm chủ tịch Hội Đồng Cách Mạng, Tổng Tư lệnh Quân Đội, xóa bỏ Hiến pháp để quân đội hoàn toàn nắm quyền hành cai trị đất nước. Coi như toàn bộ quyền bính đều nằm trong tay Bokassa và lên làm tổng thống, vẫn giữ tên nước là Cộng hòa Trung Phi như cũ. Năm 1968, dưới áp lực quốc tế, Bokassa tổ chức bầu cử Tổng thống, ông trở thành vị Tổng thống thứ hai của nuớc CH Trung Phi.
Năm 1972, TT Bokassa sửa đổi lại Hiến Pháp cho quyền được làm 'Tổng thống mãi mãi'. Cũng trong thời gian 1972, TT Bokassa nhờ Bộ Ngoại Giao Pháp tìm kiếm dùm ông đứa con rơi đang thất lạc tại Sài Gòn, cuối năm 1976, TT Bokassa không muốn làm Tổng Thống muôn năm, đã tuyên bố giải tán chế độ Cộng Hòa để lậ̣p nên Vương quốc Trung Phi, lấy chế độ Quân chủ lập hiến cai trị. J.B Bokassa tự xưng mình là Hoàng đế Bokassa, cùng với sự ngưỡng mộ Hoàng đế Napoleon, Bokassa tổ chức lễ lên ngôi rất lớn, lấy danh hiệu là “Hoàng đế Bokassa Đệ nhất”. Tuy nhiên, đa số các quốc gia đồng minh lân cận đều nghèo nên chẳng ai gửi quà mừng.
Buổi lễ đăng quang vào năm 1977 ước tính tiêu tốn ngân khố 20 triệu Dollars (80 triệu ngày nay), gần như làm phá sản đất nước, tốn khoảng 1/3 ngân quỹ quốc gia trong một năm. Gồm những thứ: Sắc phục cho hàng ngàn quan khách, một chiếc ngai vàng cao 1,5 mét-rộng 1 mét, nạm vàng kiểu Napoléon. Tám con ngựa trắng, một vương miện nạm kim cương có giá 5 triệu USD (20 triệu ngày nay) do nhà kim hoàn nổi tiếng bên Pháp là Arthus Bertrana thực hiện với những viên kim cương mà có viên lên tới 8 carats. Ngoài ra, còn có 2 bức chân dung “Hoàng đế Bokassa Đệ nhất” vẽ bởi họa sĩ danh tiếng Đức Hans Linus. Khoảng 24.000 chai rượu vang cao cấp 'Moet et Chandon' và 4.000 chai rượu vang siêu hạng 'Château Mouton Rothschild' được mua về phục vụ thực khách, cùng 60 chiếc Mercedes mang từ Tây Đức sang.
Trước sư lạnh nhạt của các nước đồng minh lân cận, Bokassa rất buồn bực trong lòng về số lượng nguyên thủ quốc gia đến tham dự. Khác với lễ đăng quang của Vua Haile Selassie xứ láng giềng Ethiopia hồi năm 1930 với hầu như toàn bộ các vua chúa, tổng thống, bộ trưởng các nước thân hữu đều hiện diện. Còn lễ đăng quang của “Bokassa Đệ nhất” chỉ có 600 trên 2,500 khách mời đến tham dự, ngay cả “người bạn thân” Omar Bongo, người đã từng tặng cô gái đẹp Joelle cho Bokassa, cũng vắng mặt. Bokassa cho rằng những người bạn này không đến vì họ ghen tị với ông, và đồng thời ông bị Tòa thánh Vatican từ chối không cho làm lễ đăng quang ở nhà thờ chính tòa Bangui.
Sau cuộc lễ lên ngôi của Hoàng đế Bokassa vĩ đại, cực kỳ tốn kém, trong 3 năm ông làm vua, dân chúng bất mãn, những cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra, bị đàn áp đẫm máu, giết hại hàng trăm sinh viên mặc dầu dân số trong nước lúc ấy chỉ có 4,3 triệu người. Ông tàn ác tới độ tự mình đích thân giám sát cuộc hành quyết 100 sinh viên học sinh chỉ vì họ từ chối mua đồng phục do nhà máy của vợ sản xuất.
Việc quá ư tàn nhẫn đó khiến chính phủ Pháp phải hành động, cuối cùng ngày 20/09/1979 quân đội Pháp đã gửi Biệt kích và Nhảy dù (Operation Barracuda) vào sáng sớm, lật đổ Hoàng đế Bokassa và trao quyền lại cho TT Dacko. Sau cuộc đảo chính phần lớn các tài sản của Bokassa đều bị tịch thâu, nhiều nước từ chối cho ông tị nạn. Chỉ có tổng thống nước Bờ Biển Ngà là Felix Boigny chịu chứa chấp ông vì áp lực của Pháp. Bokassa lưu vong sang Pháp sau đó.
Về cát bụi.
Năm 1985, Bokassa làm lễ kỷ niệm 20 năm cầm quyền tại lâu đài Handricourt ở phía tây Paris, ở đó chỉ có ông và những đứa con.
Không có tiền mua thức ăn nuôi 15 đứa con,mỗi đứa một mẹ, khiến Bokassa than trời như bọng. Có lúc bí quá, ông làm đơn xin chính phủ Pháp tiền trợ cấp thời gian 6 tháng nằm điều trị vết thương tại một quân y viện ở Sài Gòn hồi thập niên 1950. May thay, mấy tháng sau khi nộp đơn, Bokassa được tòa án cao cấp Pháp trả lại chiếc xe hơi Corvette và một máy bay trị giá 6 triệu frăng. Lập tức, ông Bokassa rao bán để lấy tiền trở về Trung Phi.
Trước khi về, Bokassa viết thư cho Tổng thống Pháp là Francois Mitterand, tự nhận mình là công dân tự do, trở về Cộng hòa Trung Phi để phục vụ đất nước nếu được mời hợp tác.
Lúc xuống sân bay Bangui, Bokassa định đọc một bài diễn văn xác định mình vẫn còn là Hoàng đế Bokassa Đệ I thì bị bắt giữ. Tám tháng sau, tòa án Cộng hòa Trung Phi tuyên án ông tử hình, nhưng do sự can thiệp của chính phủ Pháp, án được giảm xuống còn tù chung thân, rồi 6 năm sau, Pháp can thiệp tiếp, ông được thả.
Bokassa bị nhồi máu cơ tim chết ngày 3/11/1996 tại nhà, ở Bangui, trong sự nghèo khó và thọ 75 tuổi. Tổng cộng ông có 17 người vợ, 50 người con.
Tổng hợp 42, trên mạng từ nhiều nguồn.
Đoàn Dự-Nguyễn Việt-New Histories-Wiki.