Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Venezuela đảo chánh?

Có thể xảy ra đảo chánh ở Venezuela không?
Bài viết 5/3/2019. Tác giả Ken Silverstein là người sáng lập WashingtonBabylon.com, và cũng viết cho nhiều ấn phẩm khác.

Chính quyền Trump rõ ràng muốn, nhưng nhân dân và quân đội Venezuela lẫn các nước láng giềng đều không mong muốn chuyện này.

Trong hai năm đầu cầm quyền Donald Trump không chọn thêm được quốc gia nào mà ông muốn xâm chiếm và lật đổ, Iran đã thoát trong đường tơ kẽ tóc, kế là Bắc Triều Tiên, rồi Syria hay Trung Quốc hoặc một số nước khác đã làm ông nổi giận.

Ngoài một cuộc tấn công tên lửa vào Syria vào năm 2017, Trump đến nay đã không có một hành động biểu lộ giận dữ trong chính sách đối ngoại, nhưng trong thời gian gần đây nỗi ám ảnh chiến tranh đã kích động ông chú tâm vào việc tìm cách lật đổ chính phủ Venezuela của Nicolás Maduro bằng cách thông qua áp lực kinh tế hay một cuộc đảo chính quân sự do Mỹ hỗ trợ hoặc khuyến khích một cuộc xâm lược tập thể được lãnh đạo bởi Brazil -do nhà dân chủ vĩ đại Jair Bolsonaro lãnh đạo- và Colombia nơi chế độ dân chủ được thiết lập từ nửa thế kỷ qua trên những mồ chôn tập thể.

Trong việc tìm kiếm giải pháp Trump được 'bộ ba khủng bố' hướng dẫn: Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton và đặc phái viên của chính quyền Trump về Venezuela, Elliott Abrams (thành tích nổi bật của Abrams gồm những lời khai man về vụ Iran-Contra, ủng hộ các chế độ sát nhân ở Guatemala và El Salvador và cổ vũ chiến tranh Iraq).Trong những tuần gần đây cả Rubio và tờ báo Miami Herald đều đưa ra dự đoán về sự sụp đổ sắp tới của Maduro.

Tôi không ưa gì Maduro nhưng hiện tại theo tôi những dự đoán đó là sai: Vị thế Tổng thống của Maduro được bảo vệ vững chắc và mọi âm mưu tìm cách thay thế ông ta chỉ là ngớ ngẩn.

Vào đầu năm 1989, chính phủ 'tân tự do' do Mỹ hỗ trợ của Carlos Andrés Pérez -còn gọi là tên dối trá- đã ra lệnh cho quân đội bắn những người biểu tình xuống đường chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng cuả Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn người đã bị tàn sát, số liệu thật sự không thể có được vì nhiều người đã bị thủ tiêu trong các mồ chôn bí mật.

Tháng 2/1992 Hugo Chávez lãnh đạo một âm mưu đảo chính chống lại chính quyền, cuộc đảo chính thất bại nhưng Chavez trở thành một anh hùng nổi tiếng, đặc biệt là sau khi ông đọc diễn văn trên đài truyền hình quốc gia nhìn nhận trách nhiệm về hành động của mình, một điều hiếm thấy trong chính trị Venezuela, Chavez với thỉnh cầu nổi tiếng đến các quân nhân, những người ủng hộ cuộc đảo chính quay trở lại doanh trại do "sự hổ thẹn" và "thời cơ" mà họ nhắm đến đã thất bại.

Chavez bị tù, nhưng hai năm sau được trả tự do và nổi tiếng, năm 1999 ông được bầu làm Tổng Thống và tái đắc cử ba lần.

Vào tháng 4 năm 2002, một Hội đồng quân nhân đảo chính lật đổ Tổng thống Chávez và đưa Pedro Carmona, giám đốc Phòng Thương mại của Venezuela thay thế, do Chavez rất đựơc hâm mộ vào thời điểm đó nên các cuộc biểu tình chống đối bùng nổ trên khắp đường phố ở Venezuela và chỉ trong vài ngày chính quyền Carmona sụp đổ và Chávez trở lại cầm quyền (chính quyền George Bush mất mặt vì cú này do thứ trưởng ngoại giao Mỹ Otto Reich đã đi gặp gỡ các giới lãnh đạo đảo chính và tán thành việc truất phế Chávez).

Chiến lược của Trump ở Venezuela rất đơn giản và tương tự như những gì Mỹ đã làm ở Iraq vào cuối 1990 và đầu những năm 2000 trước khi quyết định đổ bộ: Làm kiệt quệ đất nước bằng các biện pháp cấm vận kinh tế tàn bạo và sau đó hoặc là đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng khốn khó hay tự biện minh hành động can dự là tất yếu để phát huy tự do. Như trường hợp phóng viên Lesley Stahl của đài CBS hồi năm 1996 khi phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao thời Bill Clinton, Madeleine Albright: "Chúng tôi đã nghe nói rằng một nửa triệu trẻ em Iraq đã chết, theo tôi nghĩ con số này còn nhiều hơn số trẻ chết ở Hiroshima và theo bà cái giá (cấm vận) có đáng không?" Albright trả lời "Tôi nghĩ đây là một lựa chọn rất khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng cái giá đó là xứng đáng"

Nếu các biện pháp cấm vận không làm chế độ thay đổi, bước thứ nhì là ép buộc hoặc mua chuộc quân đội lật đổ chế độ, điều này từng thất bại ở Iraq và nay cũng thất bại ở Venezuela. Báo New York Time từng loan tin mùa thu năm ngoái chính quyền Trump 'đã có các cuộc họp mật với những quân nhân nổi loạn Venezuela để thảo luận về những kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro'.

Đồng thời chính quyền Mỹ công khai kêu gọi dân chúng lật đổ Maduro, tháng 11 năm ngoái Bolton đã phát biểu tại Freedom Tower -tòa nhà nơi người Cuba chống Castro được chào đón vào năm 1960 sau khi Castro lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista- rằng: "Bộ ba chuyên chế ở bán cầu này -Cuba, Venezuela và Nicaragua- cuối cùng cũng giống nhau một điểm, họ là những tên hề rẻ tiền và yêu cầu họ hãy tự rút lui hay Mỹ sẽ loại bỏ họ ra khỏi quyền lực".

Venezuela hiện nay đang ở giai đoạn giống như hồi chính quyền Bush xâm lược Iraq, vài tuần trước chính quyền Trump tuyên bố triệu hồi tất cả các nhà ngoại giao của Mỹ từ Caracas và chính phủ Maduro trả đũa đã đóng cửa Toà đại sứ tại Washington và đưa nhân sự về nước. Trump đã công nhận chủ tịch Quốc hội là tổng thống mới của Venezuela, ông Juan Guaidó, người từng là một gã bán lẻ hàng điện tử và giờ đây đang vung kiếm xủng xoẻng và hứa hẹn ngày tận số cuả Maduro.

Không ai biết chính xác những gì sẽ xảy ra, Mỹ sẽ xâm lăng? Nghe có vẻ điên rồ nhưng phải nhớ chúng ta đang đấu trí với Trump, hay sẽ có một cuộc đảo chính quân sự do Hoa Kỳ giựt dây? Hay CIA lại một lần nữa tìm cách giết Maduro như đã từng làm với Saddam Hussein, Fidel Castro và một loạt kẻ thù khác?

Tiên đoán luôn bất định, nhưng ở đây tại sao tôi lại đặt cược vào Maduro.

Hiển nhiên ai cũng hiểu rằng ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế tàn bạo của Hoa Kỳ cộng thêm các chính sách tham nhũng và đàn áp của chính Maduro đã tạo ra rất nhiều khổ cực và bất mãn, dân chúng mệt mỏi và tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục bỏ đói đất nước họ cho đến khi Maduro biến mất.

Tuần trước trong chuyến đi đến Caracas tham dự một hội nghị của International Peoples’ Assembly (Hội đồng nhân dân quốc tế,  tổ chức Mỹ Latinh chống can thiệp) tôi né tránh các sự kiện chính thức để đi tham quan các khu phố nghèo, tôi gặp một người phụ nữ trẻ làm việc trong ngành khách sạn nói chuyện với tôi, cô phát biểu: "Tôi đã chán ngấy, tôi muốn có một cuộc đảo chính", cô ấy là người duy nhất tôi gặp mà công khai ủng hộ một cuộc đảo chính, và thoải mái nói như vậy mà không hề sợ bị bắt bớ. (Riêng tôi đã tản bộ quanh thủ đô Caracas ngày lẫn đêm, công khai tuyên bố chính kiến của mình, không ai -chính phủ hay phe đối lập- quấy rối tôi hoặc khó chịu vì ý kiến của tôi).

Mặc dù Maduro không được mọi người hâm mộ lắm nhưng Guaidó và phe đối lập do Hoa Kỳ chi phối lại bị chửi rủa và phản đối rộng rãi. Rất ít người Venezuela muốn quay trở lại thời 1992, khi quân đội tàn sát người chống đối hoặc 1998 -một năm trước khi Chavez được bầu-. Thời những người cầm quyền giầu có xuất thân từ nhóm thành viên của trật tự cũ, mà một trong những thí dụ nhãn tiền về sự đối lập chính là khu George Washington Plaza, một khu phố giàu có nằm chen giữa các khu nghèo nàn El Paraiso và La Vega.

Và trong khi các chính trị gia Mỹ ủng hộ sự can thiệp thường dùng các báo cáo từ truyền thông Mỹ chỉ trích về tình trạng khan hiếm thực phẩm và thậm chí là chết đói tại Venezuela thì những gì tôi thấy khi lang thang trong thành phố lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tôi đã gặp Viviana tại một cuộc họp công đoàn ở El Paraiso và chúng tôi cùng đi bộ khoảng hai cây số về nhà cô ấy, tháp tùng còn có cả William người bạn khác gặp mặt tại cuộc họp của công đoàn, trong lúc đi bộ tôi thấy rất nhiều thực phẩm. Giá cả có thể hơi đắt, nhưng người nghèo vẫn có thể mua nó -cà phê, đường, thịt gà, bánh mì, trái cây cùng nhiều thứ khác- ở những người bán rong và chợ lề đường.

Một vài thứ thật sự rất đắt: Trong khi chúng tôi đi bộ đến nhà Viviana, tôi cố tìm một người nào đó trên phố hút thuốc để có thể mồi nhờ điếu thuốc, thật ngạc nhiên là suốt 20 phút tôi không tìm thấy được người nào hút thuốc, Viviana giải thích "giá thuốc lá quá mắc nên hầu như chẳng ai có khả năng hút thuốc nữa".

Tuy nhiên, Viviana và William sau đó đãi tôi một bữa ăn ngon với dồi huyết, Pasta Bolognese và cơm gan gà, tất cả là các món mà Viviana có trong nhà tại khu phố nghèo La Vega.Tại lối vào khu phố nhiều người xếp hàng chờ xe buýt và xe ôm, tuy ở đây nhiều người nghèo hơn những khu khác mà tôi đã đến, khu La Vega này lại ủng hộ chủ nghĩa Chavista mạnh mẽ, điển hình từ những bức tranh tường vẽ cựu tổng thống Chavez, Simón Bolívar, El Libertador, Che Guevara và các nhà lãnh đạo cách mạng Mỹ Latinh khác.

Tôi đã đến thăm một số khu phố khác và không có thời gian dùng bữa, ở San Augustín -trung tâm Venezuela- tôi gặp một người phụ nữ có ngôi nhà ở trên sườn núi, từ cửa sổ nhà, cô chỉ cho tôi nhìn qua một khu nhà chung cư cao cấp với phần lớn các phòng trống, cô ấy cho tôi biết các chủ sở hữu đã chạy sang Miami, Orlando, Madrid, Lisbon và các nước ngoài khác.

Tôi cũng đã gặp và kết bạn với Iris, Navidad và Pedro, chúng tôi uống bia và hút thuốc lá, họ đồng ý cho tôi chụp ảnh, chúng tôi đã không nói chuyện nhiều về chính trị nhưng tôi thấy rõ họ không thích Guaidó hay phe đối lập, họ hiển nhiên cũng không có vẻ đói, trông rất khỏe mạnh và vui vẻ.

Thêm lý do nữa tôi tin rằng một cuộc đảo chính sẽ không thực hiện được là vì Mỹ đã không thể lập ra một liên minh bịp để thực hiện một cuộc xâm lược -như đã xảy ra ở Iraq năm 2003- cả hai chính phủ Brazil và Colombia đều công khai tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia trong bất cứ cuộc xâm lược vũ trang vào Venezuela.

Sự thúc đẩy của chính quyền Trump đối với quân đội Venezuela đã không có kết quả, cho đến nay lực lượng chung quanh tổng thống Maduro dường như đã vững chắc. Câu hỏi là tại sao các tướng lãnh lại phải ngả sang phía Mỹ? Đó là một rủi ro rất lớn, sẽ bị bắt nếu cuộc đảo chính thất bại, những hứa hẹn về một ngôi nhà ở Miami hoặc một tài khoản ở ngân hàng Delaware cũng không có ích gì nếu bị đi tù.

Maduro theo dõi sát sao quân đội hay nói cụ thể hơn là Diosdado Cabello luôn kiểm soát quân đội và mọi lãnh vực khác ở Venezuela. Cabello là người quyền lực nhất ở Venezuela và là thế lực đứng sau ngai vàng Maduro. Cabello là một cựu sỹ quan quân đội, ít nhất ông và Chavez đã là bạn thân thiết kể từ sau cuộc đảo chính thất bại năm 1992. Tôi có nhiều nguồn tin cho biết rằng lý do Chavez đã chọn ông Maduro 'hãm tài' làm phó tổng thống thay vì Cabello, chỉ vì ông Chavez đã quá cẩn thận đề phòng ông Cabello là một người quá xuất sắc cho chức vụ với quyền lực thứ nhì.

Chính quyền Trump có thể tiếp tục lôi kéo hoặc đe dọa các sỹ quan Venezuela để hạ bệ Maduro, nhưng đừng mơ! Những kẻ phản bội -ở bất kỳ quốc gia nào chống lại chính phủ của mình để được hưởng tiền bạc, hoặc những hứa hẹn thăng tiến sự nghiệp từ một lực lượng ngoại quốc- chắc chắn sẽ bị bắt và xử phạt nghiêm khắc.

Như vậy Mỹ chỉ còn lại giải pháp xâm lược là một chọn lựa duy nhất để lật đổ Maduro. Bolton, Abrams, Rubio và các chính trị gia cánh hữu khác -những người giống như Rubio nhận tài trợ của các nhóm lợi ích- đều kêu gào chiến tranh, nhưng họ sẽ không chết vì chiến đấu trên đường phố ở Caracas. Nhiều nguồn tin tốt đã cho tôi biết rằng phần lớn các quan chức cấp cao của Ngũ giác đài và cục tình báo chống ý định xâm lược của Hoa Kỳ vì xét ra điều đó là điên rồ.

Điều kỳ thú là các công ty dầu mỏ của Mỹ hoạt động ở Venezuela như ExxonMobil và Chevron đã không hề công khai ý kiến gì về âm mưu của Trump nhằm lật đổ Maduro, họ hy vọng Trump -là Tổng thống nên phải- biết chiến tranh rất tệ cho kinh doanh. Tuy nhiên các công ty dầu mỏ có tài sản ở Venezuela, cuối cùng có thể sẽ quyết định tìm ngõ thoát, họ sẽ được nhiều lợi ích hơn nếu Maduro ra đi.

Như lịch sử đã cho thấy cần có một thế lực bên ngoài -ở đây là Mỹ- để kích động một cuộc chiến tranh, đây cũng là mục đích rõ ràng của Rubio, nhưng Rubio ngày càng tuyệt vọng và thất bại trong ý đồ kích hoạt một cuộc xung đột, thậm chí Rubio trong một tweet còn kèm cả hình ảnh đẫm máu của Muamar Gaddafi -cựu lãnh đạo Lybya- khi lên tiếng đòi hỏi Maduro từ chức.

Maduro có thể tham nhũng, độc đoán, khoa trương và tâm thần không ổn định -những cá tính này có phần giống Trump, người đang tìm cách truất phế ông- Maduro có thể cũng đã tìm cách tăng số phiếu bầu của mình trong cuộc bầu cử hồi 2018. Nhưng tạm thời, ông ta vẫn là Tổng Thống tại chức, Trump và các cố vấn theo khuynh hướng can thiệp dường như không thể thay đổi điều này, nhưng tốt nhất họ không nên thử.

https://newrepublic.com/article/153219/coup-unlikely-venezuela

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Chất độc da cam 2

Câu hỏi đầu tiên cần xem xét là vì sao các nguyên đơn Việt Nam đã thua vụ kiện chất Da Cam trước Tòa án Mỹ?

Ta chỉ việc phân tích bản án 233 trang (vụ số 04-CV-400) ngày 10 tháng 3, 2005 của Chánh án Weinstein của Tòa án Liên Bang ở New York thì thấy lý do các nguyên đơn Việt Nam thất kiện: Các luật sư Mỹ của họ đã làm hại các nguyên đơn, vì đã làm trật lất trong việc viện dẫn các căn bản pháp lý của việc kiện và trong việc đưa ra bằng chứng quá sơ sài, mặc dù Chánh Án đã cho nguyên đơn 6 tháng từ ngày 9 tháng 2,2004 để đệ nạp bằng chứng.

A. Luật sư nguyên đơn đã dựa vào nhiều căn bản pháp lý không có cơ hội thành công, vì trái luật quốc nội và luật quốc tế, và không có sức thuyết phục.

1) Trái luật quốc nội Mỹ, vì các bản án tiền lệ về các vụ kiện của cựu chiến binh Mỹ, trước vụ Việt Nam, kiện các hãng sản xuất chất da cam, như Dow Chemical , Monsanto v.v. đã thua khi đưa ra luận cứ là theo luật quốc nội, các hãng này phải chịu trách nhiệm về các sự tác hại của các chất hoá học rải trên chiến trường, mà họ sản xuất, theo luật product liability (trách nhiệm về sản phẩm gây tai hại), vì Tòa án Liên bang trong các vụ tiền lệ đó đã nói là theo nguyên tắc vô trách nhiệm của nhà thầu chính phủ (‘chính phủ biểu chúng tôi làm gì thì chúng tôi làm thế, giao hàng hóa như thế ‘) cho nên họ được miễn trách. Luật sư Mỹ trong vụ Việt Nam lại dùng lại lý luận trên của các cựu chiến binh Mỹ đã thua trên căn bản này.

2) Trái luật quốc tế, hay đúng hơn là trái một phần luật quốc tế.

Trước hết, phải nói là Chánh Án Weinstein của Tòa Án Liên Bang NY đã mở ra một chân trời hy vọng cho các nguyên đơn Việt Nam bằng cách nói rõ là Tòa Án Liên Bang Mỹ làm việc trong vụ kiện quốc tế này như một Tòa Án quốc tế (International Court) để xét xử về nhân quyền của các nạn nhân; và do đó không bị ràng buộc bởi nguyên tắc luật quốc nội Mỹ về sự vô trách nhiệm của nhà thầu, mà có thể xét trách nhiệm trực tiếp của các nhà sản xuất các hóa chất, kể cả chất Da Cam, chiếu theo luật Alien Tort Act của Mỹ đã có từ những năm đầu lập quốc Hoa Kỳ cuối thế kỷ 18, công nhận cho người ngọai quốc được kiện các bị đơn ở Mỹ đã vi phạm nhân quyền ở ngọai quốc.

Trở lại vấn đề các nhà sản xuất hóa chất khai quang bị coi là vi phạm nhân quyền khi sản xuất các chất khai quang đem rải ở Việt nam, làm hại cho dân Việt Nam - Nếu có đủ bằng chứng là có liên hệ nhân quả giữa sản phẩm thuốc khai quang rải hay phun và các bệnh tật của người dân trong các khu vực rải thuốc đó (sẽ bàn ở phần sau về điều kiện dẫn chứng liên hệ nhân quả phải có này, thì mới thắng kiện, điều kiện mà các luật sư Mỹ trong vụ kiện của người Việt Nam đã không làm tròn bổn phận).

Luật sư Mỹ đưa ra một loạt các tội danh khác, dựa trên những luật quốc tế khác, để quy trách nhiệm cho các hãng hóa chất Mỹ, tất cả đều đã bị Tòa Án New York bác bỏ. Đó là các tội danh như: Tội ác chiến tranh, diệt chủng, chống nhân loại, tra tấn, hành hung, cố ý hay bất cẩn gây thống khổ tinh thần, bất cẩn gây tử vong, làm giầu bất chính và làm tổn hại môi trường.

Một phái đoàn nguyên đơn Việt nam có đến Harvard thuyết trình, gồm có giáo sư Đại học Hà Nội Phan Thị Phi Phi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Quý và một vài luật sư của họ. Tôi có hỏi và góp ý kiện là không nên đưa ra lời cáo buộc về tội ác chiến tranh. Tòa án đã bác luận cứ các tội danh này, quá rộng lớn, chẳng khác gì lấy súng săn có đạn bắn tỏa ra nhiều viên đạn để bắn một con ruồi, thật là vô ích. Tòa án cũng nói là một số các luật lệ đao to búa lớn nói trên chỉ áp dụng cho các quốc gia, chứ không áp dụng cho các công ty tư nhân.

B. Luật sư Mỹ của nguyên đơn Việt Nam đã không dẫn chứng liên hệ nhân quả dùng để thuyết phục Tòa án.

Chánh án Weinstein có nói như vậy, vì ông cho là bằng chứng về sự liên hệ nhân quả phải có từ một số lớn các dữ kiện nghiên cứu khoa học về bệnh lý và dịch tễ, vì việc khai quang diễn tiến trên một số diện tích rất lớn và động chạm đến số dân cư rất đông mà nguyên đơn nói là 4 triệu người. Ông nói là nồng độ của chất độc dioxin trong chất khai quang agent orange quá nhỏ, vì thế thuốc khai quang là thuốc diệt cỏ, chứ không phải là thuốc độc. Và Ông Chánh Án nói là nguyên đơn nói quá ngắn gọn, không đủ chứng minh liên hệ nhân quả là: thuốc nào của hãng Dow Chemical đã tác hại đến mấy người nguyên đơn, tức là 25 người gồm các trẻ em và cha mẹ, giám hộ của họ ở Miền Bắc Việt Nam.

Lẽ ra luật sư của các nguyên đơn phải đưa ra hàng lọat các dữ kiện nghiên cứu khoa học của nhiều vùng trên lãnh thổ Miền Nam Việt nam có rải chất khai quang, tức là có các đường bay của phi cơ đi qua, và các con số bệnh nhân có thể gán ghép cho chất Da Cam trong các vùng đất đó ở Miền Nam Việt Nam. Tức là phải theo phương pháp sinh học mới, là thống kê hàng lọat các dữ kiện A (các đường bay khai quang) đi liền với các dữ kiện B ( số bệnh tật) và chứng minh là có liên hệ thống kê giữa các dữ kiện ấy thì mới chứng minh được liên hệ nhân quả giữa chất khai quang và bệnh tật. Đằng này các luật sư nguyên đơn chỉ tập trung vào một vài người ở Miền Bắc Việt nam, có đi Nam đánh trận, và chỉ có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa là người ở trong Miền Nam.

Tôi có hỏi phái đoàn thuyết trình ở Havard tại sao không đem cả những người Miền Nam Việt Nam vào vụ kiện, kể cả những người hiện đang định cư ở Mỹ và có thể đang là công dân Mỹ, họ cũng sống ở những vùng khai quang và họ có thể to mồm trong dư luận Mỹ để giúp vụ kiện tập thể nhân danh toàn thể số dân chúng nạn nhân này , thì phái đoàn không trả lời được. Việc ích kỷ chỉ nghĩ đến các nguyên đơn gốc từ Bắc Việt nam mà quên đại đa số các nạn nhân ở Miền Nam Việt Nam, nơi rải chất khai quang là một lầm lẫn, nhưng Chánh án Weinstein cũng còn rộng lượng nói rằng ông không bác bỏ Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam /Dioxin Viet Nam -lập tại Miền Bắc, và Hội chỉ để ý đến các nạn nhân đi đánh trận ở Miền Nam rồi về Bắc- ra ngọai vụ, mặc dầu các hãng bị đơn đòi như vậy.

Tôi cũng hỏi có muốn giúp ý kiến thì tôi sẵn sàng, nhưng luật sư Mỹ không nói gì. Bởi vì tôi có biết một chuyện có thể khiến cho luật sư của nguyên đơn Việt Nam không thể đưa ra bằng chứng hàng lọat (massive evidence) về các đường bay khai quang ở các vùng lãnh thổ ở Miền Nam Việt Nam và các số bệnh nhân trong các vùng đó: là họ không biết đến các bản đồ các đường bay (flight paths) của các máy bay khai quang và tổng số các bệnh nhân tại các vùng khai quang mà tôi đã đựợc đọc thấy tại nhà bác sĩ Hoàng Đình Cầu, nguyên thứ trưởng Y tế và Khoa Trưởng Đại Hoc Y Khoa, mấy năm trước khi ông qua đời. Vì Ông là anh rể họ, Ông tâm sự với tôi và cho tôi xem những cuốn sách rất dầy như những cuốn tự vị về các đường bay, và nói rằng đây là bản sao ông còn giữ, còn bản chính thì đã trao cho người kế quyền của ông trong chức vụ Chủ tịch Ủy Ban 1080 của Việt Nam chuyên về chất Da Cam, là bác sĩ Lê Cao Đại, cựu sinh viên của ông. Tôi nhớ là có mời bác sĩ Lê Cao Đại đến nhà tôi ở gần trường Harvard dùng cơm trưa khi ông có việc qua thăm Mỹ, nhưng hồi đó tôi chưa được bác sĩ Cầu kể chuyện về sổ sách đường bay nên dịp đó đã không hỏi bác sĩ Đại.

Viện trợ nhân đạo?

Tôi nghĩ việc kiện tụng ở Tòa án chống các công ty tư nhân thì đã đâm lao phải theo lao, vì nếu để cho thua luôn thì sẽ có ảnh hưởng xấu khi xin viện trợ nhân đạo, vì cái lý lẽ để mặc cả yếu hẳn đi.

Còn liệu có cơ may có thể thắng hay không thì tùy thuộc ở việc tranh đấu kiên trì ở tòa Kháng Cáo, Tòa ấy có thể bắt Tòa Liên Bang ở dưới xử lại. Như chính ông Chánh Án Weinstein có nói là, nếu xử lại khi Tòa Kháng án bác phán quyết của Ông, thì Ông sẽ chú tâm xét kỹ đến các dữ kiện khoa học nêu ra liên hệ nhân quả giữa khai quang và bệnh tật, và ông chưa bác bỏ những liên hệ nhân quả đó, vì còn quá sớm. Các luật sư nguyên đơn phải ráng tìm lại các bản đồ các đường bay và các dữ kiện thống kê bệnh tật ở các vùng rộng lớn ở Miền Nam Việt nam, chứ không thể nói sơ sài như trong phiên Tòa trước đây và chỉ nói đến các người Việt ở Miền Bắc.

Do đó, việc xin viện trợ nhân đạo, tức là xin chính quyền Mỹ và nhân dân Mỹ, thì nên tiến hành song song với việc kiện công ty tư nhân, vì nhỡ ra các công ty tư nhân tuyên bố phá sản thì việc kiện là công “dã tràng se cát Biển Đông”. Việc chính phủ Bush đã giúp Việt Nam về việc đối phó với bệnh SARS, bệnh AIDS, là một bằng chứng cho thấy viện trợ nhân đạo vẫn có thể có.

Việc vận động xin viện trợ nhân đạo cũng là ý kiến của bác sĩ Hoàng Đình Cầu khi trả lời câu hỏi của nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt hồi đó hỏi ý kiến có nên kiện hay không, khi có một phái đoàn Mỹ có luật sư đi kèm con ông Đô Đốc Zumwalt sang Việt Nam xúi kiên tụng, thì bác sĩ Cầu nói nên dùng đường lối thương lượng xin viện trợ nhân đạo. Viện trợ này có thể giúp vào việc ủng hộ tài chánh và cộng tác trong các cuộc nghiên cứu khoa học về nhân quả trong nhiều vùng rộng lớn của đất nước Việt Nam có rải chất khai quang và có bệnh tật nhiều; và cũng có thể tiến tới vấn đề chữa trị dài hạn cho các nạn nhân ở Miền Nam Việt Nam là những người bạn cũ của Mỹ, ở Miền Bắc là những người bạn mới của Mỹ. Không nên kỳ thị người Miền Nam trong vấn đề viện trợ nhân đạo này, như đã xảy ra trong một vài việc làm khó khi thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cũ nhận viện trợ xe lăn phải đóng thuế, mà báo Nhật Bản đã nêu ra cách nay vài năm.

Nạn nhân Da Cam, với những hiện tượng bệnh tật có thật và rõ rệt tận mắt, mà ai trông thấy cũng phải mủi lòng, chắc chắn sẽ làm cho lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ trổi dậy và họ sẽ viện trợ nhân đạo nhưng với điều kiện đừng nói đến “Tội ác chiến tranh”, chỉ làm cho dân Mỹ quay nhìn đi chỗ khác.

Link bản án 233: https://img.nyed.uscourts.gov/files/opinions/amoj-04-cv-400-mdl38.pdf

Luật sư Tạ Văn Tài là Tiến sĩ chính trị học, Đại học Virginia; Thạc sĩ luật học, Đại học Harvard; nguyên Giáo sư các trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Quốc gia Hành chánh, Vạn Hạnh, Chiến tranh Chính trị và Cao đẳng Quốc phòng, Việt Nam; nguyên Giảng sư và Phụ khảo nghiên cứu, Đại học luật khoa Harvard.

Đánh giá và ý kiến của luật sư Tài đề cập đến những diễn biến xảy ra trước tháng 6.2007 xung quanh việc Việt Nam muốn theo đuổi vụ kiện chất da cam.

Số phận bi thảm của tàu 40-302

Tàu 40-302 là loại đầu máy bốn khớp nối, chạy đường ray răng cưa tuyến Sông pha - Đà lạt.

Trong kháng chiến chống Mỹ tuyến đường sắt răng cưa Đà lạt này nhiều lần đã là mục tiêu tấn công của MTGPMN. Việt Cộng đã đặt mìn khoảng tám lần. Qua các đợt phá hoại một đầu tàu đã trật đường ray, một lần khác mìn nổ đã tạo ra một hố to tới mức đầu tàu đã sụp vào trong hố.

Năm 1967, một nhóm bốn du kích vũ trang chận đoàn tàu chở hàng lại trên đoạn Đa Thọ (Le Bosquet) và Cầu Đất (Entrerays). Tổ lái tàu bốn người bị bắt mang vào khu rừng gần đó, lần này tổ lái tàu chỉ bị hỏi cung. Hai tuần sau đó cũng chiếc đầu tàu đó và cũng cùng tổ lái tàu đó đã bị cùng nhóm bốn du kích cũ chặn lại ở giữa tuyến Cà Bơ (K’Beu) và Eo Gió (Bellevue), lần này tổ lái cũng phải rời khỏi đoàn tàu và bị bắt phải cung cấp thông tin cách nào có thể phá hủy đầu tàu một cách hiệu quả nhất. Ý tưởng đầu tiên của nhóm du kích là muốn cho nổ ở nơi đốt lò, nhưng các người lái tàu đã giải thích cho họ hiểu rằng đặt mìn nổ lò hơi trong lúc không có thời gian kịp chạy xa đến một khoảng cách an toàn là một hành động tự sát. Người lái tàu đề nghị cho nổ những thùng dầu được gắn thêm trên tàu, nhưng lại đánh lừa bốn du kích bằng cách chỉ cho họ gài mìn vào một thùng đựng nước, do vậy sau khi nhóm du kích đó đặt mìn vào thùng nước rồi rút đi, người lái tàu đã dùng máy liên lạc vô tuyến gọi một đầu máy khác cùng với quân đội VNCH tháp tùng bảo vệ đã đến và kéo chiếc đầu tàu hư hỏng nhẹ này về nhà ga tại Đà Lạt.

Tàu được thiết kế dùng than đốt lò, trong thời chiến miền Nam đã không có nguồn than -than đá chỉ có ở miền Bắc- sau khi thử dùng củi không hiệu quả, các kỹ sư đã thiết kế dùng dầu nặng (heavy oil?) và các thùng dầu được treo dọc phía ngoài toa tàu.

Sau sáu tháng sửa chữa, một tổ lái khác đã lái đoàn tàu từ Đà Lạt về Sông Pha và lần này thì đầu máy 40-302 đã đụng một quả mìn có sức nổ dữ dội làm lò hơi của đầu máy nổ tung. Ba thợ đốt lò Hữu, Bích và Ngọc bị phỏng nặng và chết ngay tại chỗ, người lái tàu tên An may mắn bị sức nổ hất văng lên một cành cây thoát chết chỉ bị gãy tay.

Đầu tàu 40-302 bị phá hủy hoàn toàn sau đó được kéo về Cầu Đất, tuyến đường sắt răng cưa độc đáo ngưng hoạt động sau đó vĩnh viễn.