Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Hoả châu.

Hoả châu cầm tay.

Lướt mạng mấy hôm nay, chợt thấy một tấm hình chụp Bộ đội ngày 30/4/75 với chiếc ống điếu thuốc lào bằng nhôm sáng loáng, kỷ niệm uà về những ngày chinh chiến.

Những ai còn biết về chiếc ống nhôm này thì đã trên 60 tuổi, già hết rồi, ký ức chắc cũng mai một nhiều, thậm chí nhiều người dùng chiếc ống này không biết nó là vũ khí gì trong chiến tranh.

Chiếc ống nhôm này là phần vỏ của trái sáng cầm tay, M127A1 Parachute flare của Mỹ, thời đó chỉ gọi đơn giản là trái hoả châu, dùng để báo động khi bị tấn công đêm hoặc khi cần nhìn gì đó trong đêm tối -nghi ngờ địch đang ở gần đâu đó- dùng cho các cứ điểm cố định.

Muốn khai hoả, lấy chiếc nắp đậy chụp vào đít ống rồi hoặc dùng tay đập ngược lên hay cầm ống đập xuống đất, lính thường đập xuống đất vì lực đập ngược bằng tay không đủ mạnh, chiếc nắp có gắn một cây đinh lồi ở giữa sẽ đập vào đít ống sẽ nổ và phóng ra một trái hoả châu với dù nhỏ, cháy sáng được khoảng nửa phút.

Dân niền Nam thường dùng ống cắt ngắn để đựng đồ gia dụng, làm ống đựng nhang, ae hút thuốc lào dùng làm ống điếu thuốc lào cũng là sáng kiến, mình không hút thuốc lào nên không nghĩ ra. Hí hí

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Lính

Nhiều người đọc báo sau này hay cho rằng chế độ Ngụy bắt lính, cưỡng bách thanh niên nhập ngũ chống cách mạng, khác với aekr Bộ đội ai ai cũng tự nguyện hăng hái đi tòng quân diệt giặc.

Trong miền Nam thời chiến tuy có lệnh tổng động viên, nhưng vẫn tồn tại hai loại lính:

Lính tình nguyện, là những thanh niên tự xin đi lính, có ký giấy tình nguyện nhập ngũ, họ gồm: Từ cấp bậc hạ sỹ quan trở lên -cậu đây là một trong số đó- sẽ đi học quân trường rồi ra đeo lon thấp nhất là trung sỹ.

Lính tình nguyện cho các đơn vị tổng trừ bị, như TQLC, Biệt động quân, Nhảy dù, Biệt kích 81...

Lính tình nguyện vì muốn đóng quân gần nhà, thí dụ muốn đi lính sư đoàn 25 cho gần nhà ở Củ chi.

Trong các trung tâm phố lớn luôn có các trạm của các đơn vị khác nhau để cho thanh niên muốn tự nguyện đăng ký chọn binh chủng mình thích -google ra nhiều- không nói nữa.

Thành phần bị bắt lính, là các ae thuộc diện bắt buộc đi lính -thường là aekr nông dân, ae dân nghèo thành thị- nhưng nhát sợ, tìm cách tránh né, số này sẽ bị cảnh sát hoặc quân cảnh phối hợp lùng bắt để bắt buộc đi lính.

Số aesx (anh em sui xẻo) này sau 3 tháng quân trường sẽ được bổ xung ra các nơi cần quân, thường là xa nhà để tránh ae trốn về. Tất cả số aesx này sẽ bổ xung vào bộ binh, không có mặt trong những lực lượng tổng trừ bị.

Một lực lượng tình nguyện lớn nữa nhưng thường được trang bị rất kém nhưng đặc biệt hữu hiệu trong việc chống lại chiến tranh du kích là: Địa phương quân và Nghĩa quân, cái tên cũng cho thấy là ae đi lính này là đóng chung quanh vùng quê nhà của anh em.

Mình đi lính vì mình thích thôi.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Tao ngộ 24

Thánh lễ trong tù.
Hôm qua mới tham dự thánh lễ online, chợt nhớ về một thời đã từng trải nghiệm.


Thời trại cải tạo Z30C mới thành lập, khuôn viên trại lúc đó chưa bị rào chia cách từng lán, những ngày cuối tuần bọn tù cải tạo còn được đi từ lán này qua lán kia thăm hỏi nhau -mỗi lán thường chứa 2 đội tù, như lán tôi ở là đội của tôi 'đội 25 rau xanh' và 'đội 18 rau xanh'- lúc này tôi đã nằm trong tù được khoảng 3 năm.

Khu lán đối diện là những 'đội lâm nghiệp' tức bọn vào rừng chặt tre làm hàng, đốn củi mang về nhà bếp để nấu, những trại viên này là thành phần sỹ quan cấp thấp đã được cho là không có ý định trốn trại nên được cho đi rừng làm việc. Trong nhóm đội này, có Linh mục Thanh là một Linh mục tuyên úy bị đi cải tạo.

Mỗi Chúa nhật, bọn tôi đều được hẹn giờ cùnh nhau lang thang qua lán của ngài dự lễ, thánh lễ được cha Thanh làm một mình trong góc nằm của ngài -cha Thanh được phân nằm giường tầng trên trong góc cửa ra vào, đây chắc là một ưu ái của anh em trong đội, bọn lìu tìu sẽ nằm gần cầu tiêu!- cha ăn mặc bình thường cũng chỉ áo quần dài của tù, ngồi nghiêm chỉnh cầu nguyện riêng, bọn tôi những tín hữu lảng vảng quanh đó.

Sau khi làm phép bánh thánh, ngài bẻ vụn cỡ bằng móng tay và chia ra từng phần nhỏ -mỗi người mang theo một hoặc vài hộp dầu cù là của mình và của những người khác- bọn tôi lãnh phần rồi lặng lẽ từng người về lán.

Thời gian sau, vì lý do an ninh hay do chủ trương thay đổi, các lán bị rào riêng thành từng khu vực và bọn tôi bị cấm đi lại từ lán này qua lán khác, cũng từ đó chúng tôi chỉ còn tự mình mỗi người cầu nguyện riêng.

Trong những lúc ta chìm trong tuyệt vọng, khi cả thế giới này quay lưng với ta thì tôn giáo là chiếc phao cho ta bám để sống sót, thượng đế chỉ thực sự cần khi ta không còn chỗ bấu víu, tự xét thấy mình ngày xưa khác giờ nhiều.