Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Lãng mạn Cộng sản.

Câu chuyện Liên Xô đổi hạm đội lấy Pepsi.

Cuối năm 1958 Liên Xô và Mỹ thoả thuận tổ chức một cuộc triển lãm ở hai quốc gia nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau, triển lãm của Liên Xô diễn ra tại New York vào tháng 6/1959. Mỹ tổ chức triển lãm tại công viên Sokolniki ở thủ đô Moscow sau đó 1 tháng, tại cuộc triển lãm phía Mỹ quảng cáo văn hóa công nghệ cũng như các sản phẩm tiêu dùng ô tô, hàng gia dụng. Rất nhiều doanh nghiệp của Mỹ tham gia trưng bày sản phẩm.

Ngày 24/7/1959 trước khi triển lãm tại Moscow chính thức khai mạc, phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã mời nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tham quan các gian hàng. Họ dừng lại trước một căn bếp -nơi sau nà̀y nổi tiếng vì trở thành hiện trường cho cuộc tranh luận nổi tiếng trong chiến tranh lạnh- khi so sánh giữa người dân Mỹ và Liên Xô có sở hữu được những tiện nghi như trong triển lãm, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã không hài lòng nên phản ứng. Chủ đề được mở rộng đến các vấn đề chính trị như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, chiến tranh hạt nhân... Ngày hôm sau đoạn tin về "Cuộc tranh luận nhà bếp" (Kitchen Debate) xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo Mỹ và điều thú vị nhất là khi ở đoạn kết Nixon và Khrushchev cùng uống Pepsi. Một nhiếp ảnh gia đã bắt được khoảnh khắc Nixon và Khrushchev đứng cạnh nhau trong khi lần đầu tiên nhà lãnh đạo Liên Xô thưởng thức nước ngọt của một thương hiệu phương Tây. Kể từ đó, nó như trở thành một thứ ma tuý đối với người Nga, một loại đồ uống có ga mùi như "mùi xi đánh giầy" (theo ý kiến của những người Nga lần đầu thử Pepsi).

Sau khi thỏa thuận cho phép Pepsi được hoạt động kinh doanh tại Liên Xô có hiệu lực vào năm 1972, một vấn đề được đặt ra là cách thanh toán, đồng Ruble lúc này không có giá trị trên thị trường quốc tế và không thể quy đổi ra Dollar. Một giải pháp được đưa ra là Pepsi cung cấp đồ uống giải khát, thức ăn nhanh còn Liên Xô sẽ thanh toán trở lại bằng Vodka Stolichnaya -thương hiệu rượu lâu đời của nước này- từ đây Pepsi trở thành đại lý độc quyền Vodka Stolichnaya tại Mỹ.

Năm 1988 Pepsi lần đầu tiên quảng cáo thương mại trên truyền hình địa phương với sự tham gia của vua nhạc Pop Michael Jackson. Đây cũng là thời điểm thăng hoa của thương mại hai nước khi hãng rượu Vodka Stolichnaya trở nên phổ biến tại thị trường Mỹ, cho đến cuối thập niên 80 phong trào tẩy chay Liên Xô vì chiến tranh Afghanistan ngày càng lên cao ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ Vodka cộng thêm lợi nhuận tăng trong kinh doanh, Pepsi phải tìm nguồn khác hơn nhằm chuyển lợi nhuận về Mỹ.

Mùa Xuân năm 1989 Liên Xô đã ký thỏa thuận đáng chú ý với phương thức thanh toán đặc biệt hơn với Pepsi, Liên Xô bán cho tập đoàn nước giải khát 17 tàu ngầm cũ (loại chạy Diesel-Điện, mỗi chiếc khoảng 150.000 USD) và ba tàu chiến bao gồm một khu trục hạm, một tuần dương hạm và một khinh vận hạm. Pepsi cũng mua các tàu chở dầu đóng mới của Liên Xô để cho thuê hoặc bán dầu cùng công ty đối tác Na Uy, đổi lại Pepsi có thể tăng gấp đôi số lượng nhà máy tại Liên Xô.

Ông Kendal có lúc đã cười nhạo Brent Scowcroft -Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống George H.W Bush- rằng Pepsi giải giáp Liên Xô còn nhanh hơn chính quyền Mỹ.

Ngày 9/4/1990 Pepsi ký hợp đồng trị giá lên tới 3 tỷ USD với Liên Xô với phương thức thanh toán là tàu chiến. Với hợp đồng mới này Liên Xô chuyển nhượng cho Pepsi 10 chiếc tàu. Đây là thỏa thuận hợp tác thương mại có một không hai khi Liên Xô mua sản phẩm từ Mỹ được coi như kẻ thù lớn nhất khi đó. Chuyện này đã biến Pepsi bất ngờ trở thành 'cường quốc hải quân', với số lượng tàu chiến này Pepsi đứng hàng thứ 7 về lực lượng hải quân thế giới lúc đó. Pepsi hy vọng hợp đồng khổng lồ này sẽ tạo ra cơ hội mở rộng thêm hoạt động kinh doanh tại Liên Xô. Pepsi thậm chí còn đưa thêm chuỗi nhà hàng Pizza Hut vào Liên Xô và tin rằng nó cũng sẽ có triển vọng tốt như mặt hàng nước ngọt.

Bất ngờ cho Pepsi là khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì thỏa thuận hấp dẫn này cũng không còn được duy trì. Chuỗi nhà hàng Pizza Hut bị rơi vào khó khăn khi nguồn nhập phômai đến từ Lithuania. Pepsi cũng bị khủng hoảng khi công ty cung cấp chai nhựa lại được đặt ở Belarus. Những tàu chiến của Pepsi mua nhưng chưa kịp chuyển đi bị mắc kẹt ở Ukraine, một quốc gia mới độc lập cũng muốn được chia phần trong thương vụ mua bán này. Sau khi các mối làm ăn với Liên Xô bị đình trệ trong nhiều tháng và Pepsi cố gắng kéo lại doanh thu chuyện mà trước đây chỉ phải đối phó với một nước duy nhất ngày nay họ phải làm việc với 15 quốc gia khác nhau.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Coca Cola nhân cơ hội Liên Xô tan rã đã nhảy vào thị trường hoàn toàn mới mẻ này. Nước Nga ngày nay vẫn là thị trường lớn thứ hai của Pepsi ngoài Mỹ nhưng phong độ đã không còn, Pepsi đã mất đi lợi thế khi không còn độc quyền nữa, bởi chỉ sau vài năm Coca Cola đã thay thế Pepsi là thương hiệu nước giải khát phổ biến nhất tại Nga hiện nay, chấm dứt một huyền thọai.

Điều cuối cùng của câu chuyện này mà ai cũng muốn biết, đó là toàn bộ số tàu ngầm và chiến hạm cũ của Liên Xô được Pepsi bán lại cho một công ty tái chế của Thụy Điển với giá đồng nát.

Phỏng dịch 42.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét