Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Hướng về Hà Nội

Người miền Nam trước 75 yêu Hà Nội qua văn thơ nhạc và chính con người của người Hà Nội -những người di cư vào Nam năm 54- nhắc đến người HN thời đó, nét thanh lịch, giọng nói và sự lễ phép không người miền nào có thể sánh được (ngay tại Hải ngoại, nếu ai có lần coi được những video nói chuyện với người Hà Nội cũ sẽ thấy, điển hình như nữ diễn viên Kiều Chinh, Kim Tước)

Mình là một người sinh ra và lớn lên trong Nam đã không ngừng yêu Hà Nội như thế, hí hí

Nhạc phẩm "Hướng về Hà Nội" là một trong những bài được phổ biến và yêu mến có công rất lớn trong lòng người miền Nam, bài hát đã được phát hầu như hàng đêm trên đài phát thanh Sàigòn để đến mức những người không biết gì về Hà Nội đã yêu vô điều kiện một địa phương chỉ có trong thơ văn lẫn mộng tưởng. Cũng nhờ một phần công phổ biến và gìn giữ này, nhạc phẩm này đã không chết theo thời gian như những bài thơ, nhạc khúc khác đã chìm vào dĩ vãng. Số phận đã ưu đãi nó để ngày nay những người Hà Nội tự hào và những người không Hà Nội tiếp tục yêu vô điều kiện những cô "Hà Nội dáng kiều thơm" của một Hà Nội mãi trong tưởng tượng.

Tác giả nhạc phẩm là nhạc sỹ Hoàng Dương tâm sự: 
Vào những năm 1953 – 1954 khi ông đang hoạt động cách mạng tại đội tuyên truyền văn nghệ Thành bộ Hà Nội, chiến tranh nổ ra hết sức quyết liệt, đội của ông phải thường xuyên chạy trốn trước sự truy đuổi của quân thù. Lúc bấy giờ, Hoàng Dương có yêu một người con gái ở nội thành, tình yêu thời chiến chinh lãng mạn và đẹp vô cùng. Một đêm khi đang trú tại nhà của một người dân ở ngoại thành, trong tiếng pháo dội về thành phố, bồi hồi nhớ đến người yêu. Không nén được cảm xúc, ông liền ngồi vào bàn, viết lên những dòng nhạc cho bài hát “Hướng về Hà Nội”. Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào khiến Hoàng Dương viết rất rất nhanh và hoàn tất ca khúc ngay trong đêm hôm đó:

“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”


Ca khúc đã vượt qua ranh giới cảm xúc cá nhân và chạm vào nỗi niềm chung của những người đã từng sống ở Hà Nội. Khi mới ra đời, cùng với “nỗi buồn tiểu tư sản”, ca khúc “Hướng về Hà Nội” không được biểu diễn công khai trong một thời gian dài. Thậm chí, ca sĩ Ngọc Bảo lại hát “Hướng về Hà Nội” trên đài phát thanh để nhắn gửi bạn bè trong Nam nên càng bị… cấm. Năm 1954, bài hát được phổ biến rộng rãi và nổi tiếng qua giọng hát của Kim Tước tại miền Nam. Ca khúc chất chứa trong lòng một nỗi niềm day dứt khôn nguôi, giai điệu mang đầy tính tự sự cùng với ca từ đẹp, giàu chất thơ khiến người nghe nhớ Hà Nội đến nao lòng:

“…Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về…”


Năm 1954, ca khúc “Hướng về Hà Nội” được Tinh Hoa Miền Nam xuất bản, ngoài bìa có hình vẽ một thiếu nữ chít khăn mỏ quạ màu nâu nhạt do hoạ sĩ Duy Liêm trình bày. Hai ca khúc “Tiếc thu” và “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương đã được nữ danh ca Kim Tước trình bày lần đầu tiên, được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Kể từ ngày ấy, ca khúc được lan truyền rộng rãi trong và ngoài nước, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế tái bản nhiều lần mới đáp ứng được sự hâm mộ của độc giả. Những ca sĩ nổi tiếng một thời như Mai Hương, Duy Trác,… đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của “Hướng về Hà Nội”.

Mãi gần đây, những năm cuối cùng của thế kỷ 20, bài hát mới được cho phép hồi sinh và đón nhận nhiều yêu thích của khán giả. Vào năm 1994 trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn, ca khúc “Hướng về Hà Nội” đã may mắn được chọn trong danh mục biểu diễn. Ca sĩ Thu Hà đã giúp nhạc sĩ Hoàng Dương đưa ca khúc trở lại với công chúng, xóa đi lớp bụi thời gian của mấy chục năm về trước. Các nhà phê bình âm nhạc -bọn chuyên vuốt đuôi- đã không tiếc lời nhận định: “Hướng về Hà Nội” là sự kết tinh tài hoa, lắng đọng trong không gian thời gian và linh thiêng của sông núi:

“…Một ngày, mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy,
mịt mờ bên trời bay…
Một ngày, tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa …
luyến thương hình bóng qua…”


Sưu tầm, trích/edit từ Dòngnhạcxưa.com
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét