Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014
Xót xa đất Việt! #1
Tự sự được viết bởi Đoàn văn Toại,
Khi những người Cộng sản tiếp quản miền Bắc vào năm 1954, một triệu người tị nạn chạy trốn vào Nam, cá nhân tôi nghe những câu chuyện đau khổ đáng kinh ngạc của họ, nhưng giống với những người miền Nam khác tôi không tin họ. Một thập niên sau tôi cũng không thể tin vào Solzhenitsyn khi đọc cuốn 'The Gulag Archipelago', tôi đã coi nó như là những tuyên truyền chống Cộng sản. Nhưng sau này năm 1979, tôi đã xuất bản cuốn sách của riêng tôi: 'Ngục tù Việt Nam'. Có thể nào mà những người đã phải chịu đựng sự khủng khiếp của chủ nghĩa cộng sản thuyết phục được những người chưa hề có kinh nghiệm với nó không?
Kể từ ngày tôi được sinh ra năm 1945 ở huyện Cái Vồn, tỉnh Vĩnh Long khoảng 160km phía Nam Sài Gòn cho đến khi tôi rời Việt Nam tháng 5 năm 1978 tôi chưa bao giờ được hưởng hòa bình. Nhà của gia đình tôi đã bị đốt cháy ba lần trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Để tránh chiến tranh, cha mẹ tôi di chuyển từ làng này sang làng khác trong suốt thời tuổi trẻ của tôi và giống như phần lớn những người Việt yêu nước, họ đã tham gia lực lượng kháng chiến chống Pháp.
Khi tôi lớn lên, bản thân tôi đã chứng kiến những người nông dân bị đàn áp bởi các quan chức địa phương chế độ Sài Gòn, cùng là những nạn nhân trong các cuộc oanh kích của Pháp. Tôi đã học về lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh chống lại sự đô hộ của Trung Quốc và hằng thế kỷ nỗ lực chống lại sự thống trị của phương Tây. Với nền tảng đó, tôi và các bạn đồng trang lứa của tôi cùng lớn lên với lòng căm thù về sự can thiệp của nước ngoài.
Khi các sinh viên tại Đại học Sài Gòn bầu tôi làm phó chủ tịch của hội sinh viên Sài Gòn vào năm 1969-1970, tôi tham gia vào các nỗ lực hòa bình khác nhau, tổ chức các cuộc biểu tình sinh viên chống lại chế độ Thiệu và chống lại sự can dự của Mỹ. Tôi xuất bản một tạp chí tên Tự quyết và vào tháng 01/1971 tôi đã đến California thuyết trình các bài phản chiến tại Berkeley và Stanford, vì những hoạt động đó tôi đã bị chính phủ Thiệu bắt và bỏ tù nhiều lần.
Trong thời gian đó, bản thân tôi tin rằng mình đã dốc hết nhiệt huyết của mình cho hòa bình và độc lập của đất nước, tôi cũng tin tưởng cương lĩnh của MTGPMN, hiện đang là tổ chức lãnh đạo cách mạng ở miền Nam. Tôi ghét những người cai trị của Sài Gòn, những người như Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Đặng Văn Quang - họ là những cựu chiến binh của quân đội thực dân Pháp. Đây là những người mà người Pháp đã tuyển dụng trong năm 1940 để giúp tiêu diệt các kháng chiến quân Việt Nam, họ đã thăng tiến trong những năm qua để trở thành các nhà lãnh đạo, nhưng họ không có được sự tín nhiệm từ người dân, bởi vì họ thiếu sự ủng hộ từ dân chúng họ đã phải dựa vào lực lượng nước ngoài.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo sinh viên, tôi cảm thấy tôi phải theo đuổi nguyện vọng dân của nhân dân Việt Nam về dân chủ, tự do và hòa bình.
Ngây thơ, tôi tin rằng chế độ Hà Nội ít nhất cũng là người Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ là kẻ xâm lược nước ngoài giống như người Pháp trước đó. Như những người khác trong phong trào đối lập miền Nam tôi tin rằng chúng tôi sẽ có nhiều thuận lợi và dễ dàng thỏa hiệp những người cộng sản ở miền Bắc hơn là với người Mỹ. Ngoài ra tôi đã bị thôi miên bởi những gương hy sinh cá nhân và sự tận tâm của các nhà lãnh đạo cộng sản, ví dụ như Tôn Đức Thắng cựu chủ tịch nước của miền Bắc Việt Nam, đã bị cầm tù 17 năm trong một nhà tù của Pháp. Tôi cũng đã bị mê hoặc bởi các cương lĩnh chính trị của MTGPMN, trong đó gồm cả chính sách đối nội hòa giải dân tộc, không có sự trả thù và một chính sách đối ngoại trung lập. Sau hết tôi bị ảnh hưởng bởi phong trào tiến bộ trên toàn thế giới và các nhà trí thức có uy tín nhất ở phương Tây thời đó, ấn tượng của tôi là trong thời 60 và đầu những năm 70 ý tưởng của các nhà lãnh đạo phong trào phản chiến Mỹ đã cùng chia sẻ niềm tin giống tôi.
Niềm tin đó được củng cố qua việc ký kết hiệp định Paris 1973 và sự sụp đổ tiếp theo của chính phủ miền Nam hai năm sau đó. Khi giải phóng xảy ra, tôi là người đã nói với bạn bè và người thân không nên bỏ chạy ''Tại sao lại muốn bỏ chạy?" tôi đã hỏi: "Tại sao lại sợ những người cộng sản?''. Tôi chấp nhận một triển vọng gian khổ lâu dài để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nên tôi quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục làm việc ở chức vụ quản lý chi nhánh tại một ngân hàng Sài Gòn -nơi mà tôi đã làm ở đó hơn bốn năm, viết những báo cáo bí mật phân tích về tình hình kinh tế ở Nam Việt Nam gởi cho MTGPMN- Sau khi rời đại học, tôi đã không bị động viên đi lính vì tôi là con trai duy nhất trong gia đình, và tôi đã không vô bưng vì lãnh đạo MTGPMN nhận thấy tôi có thể đóng một vai trò hữu ích hơn trong việc cung cấp báo cáo tài chính từ các ngân hàng.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, tôi tham gia vào ủy ban tài chính cùng một nhóm trí thức mà công việc là để tư vấn cho Chính phủ Cánh mạng lâm thời về các vấn đề chính sách kinh tế, tôi đã tự nguyện tham gia với mức lương cắt giảm đến 90%. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp xây dựng kế hoạch tịch thu tất cả tài sản tư nhân ở miền Nam. Thật sốc, tôi đề nghị rằng chúng ta chỉ nên tịch thu tài sản của những người cầm quyền chế độ cũ và những người đã lợi dụng chiến tranh để làm giàu và chúng ta nên phân phối số tài sản tịch thu đó cho người nghèo, cho các nạn nhân chiến tranh cho dù là cộng sản hay không cộng sản như nhau. Đề nghị của tôi tất nhiên đã bị từ chối, tôi đã đủ ngây thơ khi nghĩ rằng các cán bộ địa phương đã nhầm lẫn và cho rằng họ đã hiểu lầm ý định tốt của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản (tại Hà Nội). Tôi đã nhiều lần đấu khẩu với họ, như tôi đã tin tưởng vào tuyên bố trước đó của Hà Nội ''Tình hình ở miền Nam là rất đặc biệt và khác biệt so với miền Bắc''. Một vài tháng trước khi giải phóng Sài Gòn, Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản đã nói: ''Miền Nam cần chính sách riêng của mình''.
Cuối cùng, tôi đã không thể tuân theo chỉ thị giúp sắp xếp việc tịch thu các tài sản cá nhân, một kế hoạch mà sau đó đã được thực hiện, một chủ trương như vậy thật là trái với nguyện vọng của người dân miền Nam và nó đi ngược lại lương tâm của tôi nên tôi quyết định từ chức. Nhưng không ai từ chức trong một chế độ cộng sản, sự chống đối là không thể chấp nhận với cộng sản. Khi tôi đệ đơn từ chức ông trưởng ban tài chính đã cảnh cáo tôi rằng hành động của tôi ''có tác động như tuyên truyền để kích động dân chúng, chúng tôi không cho phép làm như vậy''.
Vài ngày sau đó , trong khi tôi đang tham dự một buổi hòa nhạc tại nhà hát lớn quốc gia (trước đây là hội trường Quốc hội mà hội sinh viên chúng tôi đã chiếm rất nhiều lần dưới chế độ Thiệu). Tôi đã bị bắt không hề có án lệnh và không lý do gì.
Sau sự sụp đổ của Sài Gòn, nhiều trí thức tiến bộ và cựu lãnh đạo phản chiến tin rằng chế độ mới của Việt Nam sẽ mang lại dân chủ và tự do thoát khỏi sự thống trị của nước ngoài, họ tin rằng chế độ mới sẽ theo đuổi các lợi ích tốt nhất cho nhân dân, tôn trọng lời hứa của mình về thực hiện một chính sách hòa giải dân tộc mà không ai bị trả thù.
Phủi sạch những lời hứa, các nhà lãnh đạo Cộng sản đã bắt giữ hàng trăm ngàn cá nhân -không chỉ là những người đã hợp tác với chế độ Thiệu- nhưng cả những người không hề hợp tác, bao gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo và ngay cả các cựu thành viên của MTGPMN.
Việt Nam ngày này là một quốc gia không có luật pháp, hoạt động với chỉ thị tùy hứng của những người cầm quyền, không có luật dân sự, cá nhân bị giam giữ mà không có lệnh và không cần xét xử. Một lần trong nhà tù, các tù nhân được dạy rằng hành vi, thái độ của họ và ''cải tạo tốt'' là những yếu tố quan trọng trong việc xác định khi nào họ có thể được thả -bất cứ vì tội gì, kết quả là các tù nhân thường tuân theo các cán bộ một cách mù quáng với hy vọng được trả tự do sớm, trong thực tế họ không bao giờ biết khi nào họ có thể được thả- hoặc cả khi bản án có thể bị gia tăng thêm.
Hiện có bao nhiêu tù nhân chính trị ở Việt Nam hôm nay? Bao nhiêu người đã chết trong các nhà tù trong sáu năm đầu tiên của chế độ Cộng sản? Không ai có thể biết được con số chính xác? Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hiện có từ 150.000 đến 200.000 tù nhân, những người tị nạn Việt Nam ước tính khoảng một triệu tù nhân. Hoàng Hữu Quỳnh, một trí thức, tốt nghiệp Đại học Moscow, người từng là giám đốc của một trường kỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ ), gần đây đã đào thoát sang Pháp trong chuyến công vụ qua các nước châu Âu, ông nói với báo chí Pháp: "Có ít nhất 700.000 tù nhân tại Việt Nam hiện nay''. Một nhân chứng khác Nguyễn Công Hoan, một cựu thành viên của Quốc hội thống nhất, được bầu vào năm 1976, đã vượt biên vào năm 1978, cho biết rằng bản thân ông biết ''khoảng 300 trường hợp các vụ hành quyết'' chỉ nội trong tỉnh Phú Yên cuả ông.
Năm 1977 , các quan chức tại Hà Nội cả quyết rằng chỉ có 50.000 người có mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đã bị bắt giữ, tuy nhiên Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một phát biểu trên tạp chí Pháp Paris Match vào 22/09/1978, ''Trong hơn ba năm, tôi đã trả tự do cho hơn một triệu tù nhân từ các trại", làm thế nào để có thể trả tự do cho hơn một triệu người sau khi chỉ bắt giữ có 50.000?
Khi bị bắt, tôi đã được ném vào một phòng giam cỡ 1x2m với tay trái còng vào chân phải và tay phải còng vào chân trái của tôi. Thực phẩm của tôi là cơm trộn với cát, khi tôi phàn nàn về cát các vệ binh giải thích rằng cát được thêm vào gạo để nhắc nhở các tù nhân về tội ác của họ, tôi phát hiện ra rằng đổ nước vào tô cơm sẽ làm cho cát lắng chìm xuống đáy, nhưng khẩu phần nước chỉ có một lít một ngày để uống và tắm rửa và tôi đã phải xài nó một cách thật cẩn thận. Sau hai tháng biệt giam tôi bị chuyển đến một phòng tập thể, phòng rộng 5m và dài 8m nhồi nhét từ 40 và có khi đến 100 tù nhân, ở đây chúng tôi phải thay phiên nhau nằm xuống ngủ, hầu hết các tù nhân trẻ khoẻ thì ngủ ngồi, trong cái nóng oi bức chúng tôi cũng thay phiên nhau ra khung cửa hẹp phiá trước hít một vài hơi không khí trong lành, mỗi ngày tôi chứng kiến bạn tù chết dưới chân tôi.
Vào tháng 03/1976, khi một nhóm các phóng viên phương Tây đến thăm nhà tù của tôi, các quản giáo di chuyển tất cả các tù nhân ra và thay thế bằng bộ đội miền Bắc. Ở phía trước của nhà tù, không có dây thép gai giăng, không có chòi canh, chỉ có một vài cảnh sát và một tấm khẩu hiệu lớn ngay lối vào với câu nói nổi tiếng nhất của Hồ Chí Minh: ''Không có gì quý hơn Độc lập Tự do''. Chỉ những người tù bên trong và những người công an canh gác mới biết những gì ẩn đằng sau cái khẩu hiệu này và mỗi tù nhân đều biết rằng nếu mình bị tình nghi có kế hoạch trốn trại, bạn tù của mình và người thân ở nhà sẽ bị trừng phạt chứ không phải chỉ là bản thân người đó.
Chúng tôi sẽ không bao giờ biết chính xác số lượng tù nhân đã chết, nhưng chúng tôi biết về cái chết của nhiều tù nhân nổi tiếng, những người mà trong quá khứ không bao giờ hợp tác với Tổng Thống Thiệu hay người Mỹ. Ví dụ Thượng tọa Thích Thiện Minh, nhà chiến lược của tất cả các các phong trào hòa bình Phật giáo ở Sài Gòn, một nhà hoạt động chống chiến tranh người đã từng bị kết án 10 năm tù dưới chế độ Thiệu, chỉ được trả tự do nhờ làn sóng phản đối từ những người biểu tình tại Việt Nam và những người chống chiến tranh trên thế giới, TT Thiện Minh đã chết trong tù Hàm Tân sau sáu tháng bị giam giữ vào năm 1979.
Một cái chết âm thầm khác nữa là của luật sư Trần Văn Tuyên, một lãnh đạo của phe đối lập tại Quốc hội Sài Gòn dưới thời Tổng thống Thiệu, nhà hoạt động nổi tiếng này đã chết dưới tay cộng sản năm 1976, mặc dù vậy đến cuối tháng 04/1977 thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn nói với các phóng viên Pháp rằng ông Tuyên còn sống và khoẻ mạnh trong trại cải tạo. Một trong những tổn thất lớn nhất là nhà triết học nổi tiếng Việt Nam Hồ Hữu Tường, ông là bạn cùng lớp của Jean-Paul Sartre ở Paris trong những năm 1930, ông cũng là nhà trí thức hàng đầu tại miền Nam. ông chết trong tù Hàm Tân vào ngày 26/06/1980. Ông đã bị bắt cùng với nhiều người khác thuộc giới tinh hoa và được kính trọng tại miền Nam, mục đích để tước bỏ bất kỳ mầm mống phản đối nào với chế độ cộng sản.
(còn tiếp)
42 chuyển ngữ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tội lỗi là của bọn Lỗ Đít tri thức lập luận bằng cảm tính về cái gọi là Tinh thần dân tộc. Trước tôi cứ tưởng chỉ có CS dối trá hóa ra là cả ông cha ta đã bịa đặt lịch sử.
Trả lờiXóa