Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Xót xa đất Việt! #2

Một số người Mỹ từng ủng hộ Hà Nội đã làm ngơ hoặc cố tìm cách giải thích về những cái chết này, như vô số bi kịch khác đã không được biết đến sau 1975, nhiều khả năng hơn cả là họ sẽ tiếp tục duy trì sự im lặng của họ để tránh bị vỡ mộng khi phải tự đối diện sự thật về Việt Nam. Cay đắng thay nếu tự do và dân chủ vẫn là mục tiêu xứng đáng để đấu tranh tại Philippines, Chile, Nam Hàn hay tại Nam Phi, thì nó lại không xứng để bảo vệ tại các nước cộng sản như Việt Nam, mọi người đều nhớ rất nhiều các cuộc biểu tình phản đối sự tham gia của Hoa Kỳ tại Việt Nam và các tội ác chiến tranh của chế độ Thiệu, nhưng một số trong những người mà trước đó rất nhiệt tình tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền đã biểu lộ một sự thờ ơ lạ lùng về giờ đây những nguyên tắc đó đang bị chà đạp trong chế độ cộng sản Việt Nam.

Ví dụ, nhà hoạt động phản chiến William Kunstler từ chối ký một bức thư ngỏ tháng 05/1979 gởi tới nước CHXHCN Việt Nam (trong đó có nhiều nhà hoạt động chống chiến tranh trước đây, bao gồm cả Joan Baez) để phản đối những vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Kunstler nói:'' Tôi không tin vào những điều công khai chỉ trích chính phủ xã hội chủ nghĩa, thậm chí nếu thật có sự vi phạm nhân quyền'' và '' Toàn bộ chiến dịch cuả Baez có thể là một âm mưu cuả CIA''. Tuyên bố này làm tôi nhớ lại các lập luận được xử dụng bởi chế độ Thiệu để đàn áp đối lập: ''Các phong trào hòa bình và các hoạt động đối lập đều là tay sai của cộng sản". 

Còn một ảo tưởng khác về chế độ hiện hành tại Việt Nam mà mọi người nên tỉnh ngộ, nhiều người cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà dân tộc chủ nghiã và cộng sản Việt Nam độc lập với Liên Xô. Tôi đã tin như thế trước khi cs chiếm miền Nam, nhưng chân dung của các nhà lãnh đạo Xô Viết có mặt tại khắp nơi công cộng, trường học và các cơ quan hành chính trên toàn nước "Việt Nam độc lập''. Ngược nhớ lại thời trước ta không bao giờ thấy hình ảnh của bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào trong cái mà gọi là "chế độ bù nhìn" của Tổng thống Thiệu.  

Mức độ lệ thuộc cuả chính phủ hiện nay đối với người bảo trợ Liên Xô được khuyến khích bởi một bài thơ của nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu, ủy viên bộ chính trị và chủ tịch ủy ban văn hóa, đọc nó chúng ta có cơ hội để lắng nghe sự khóc than cuả thi sĩ cao cấp Việt về cái chết của Stalin:

Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười(Đời đời nhớ ông - Tố Hữu)

Không thể tin được một bài thơ như vậy đã được viết ra ở Việt Nam, nơi mà truyền thống gia đình được tôn trọng, cùng với lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, tuy thế bài thơ này đã chiếm một vị trí nổi bật trong tuyển tập thơ Việt Nam đương đại xuất bản gần đây tại Hà Nội. 

Hơn nữa Lê Duẩn bí thư thứ nhất của đảng phát biểu trong báo cáo chính trị ở Quốc hội thống nhất năm 1976: ''Cuộc cách mạng Việt Nam là để thực hiện các nghiã vụ quốc tế'' và đúng  như vậy chính trong nghị quyết đảng năm 1971 đã có cụm từ ''dưới sự lãnh đạo của Liên Xô'', cùng với việc tô hồng cuộc sống ở Liên Xô trong thực tế cũng là mục tiêu của cộng sản Việt Nam. 

Ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ, chính phủ đã đóng cửa tất cả các hiệu sách và nhà hát. Tất cả các sách xuất bản dưới chế độ cũ bị tịch thu hoặc bị thiêu hủy, các tác phẩm văn học cũng không ngoại lệ, bao gồm cả sách của Jean-Paul Sartre, Albert Camus và Dale Carnegie. 'Cuốn theo chiều gió' cuả Margaret Mitchell cũng cùng số phận văn hoá phẩm đồi trụy. Chế độ mới thay thế nền văn học đó với những cuốn sách được viết để huấn luyện trẻ em và người lớn theo ý tưởng mà "Liên Xô là một thiên đường của xã hội chủ nghĩa".

Một lập luận khác của các nhà biện luận phương Tây có liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, một điều khoản trong hiến pháp mới của Việt Nam được thông qua tuyên bố rằng “nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng” viện dẫn điều này, Lê Duẩn đã nhiều lần tuyên bố: ''chế độ hiện nay cuả chúng ta một triệu lần dân chủ hơn bất kỳ chế độ khác trên thế giới". Trong thực tế đã xảy ra chuyện báng bổ tại một ngôi chùa Phật giáo, việc một người phụ nữ khỏa thân, theo lệnh của chính phủ, đi vào chùa khi đang hành lễ. Khi Hòa Thượng Thích Mẫn Giác, một nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng phản đối, chính phủ đã không ngần ngại cáo buộc các Phật tử là kẻ thù của nền dân chủ, vi phạm 'tự do vô thần'. Hoà Thượng Thích Mẫn Giác, người đóng vai trò là cầu nối giữa Phật giáo và nhà nước cộng sản, đã phải vượt thoát Việt Nam bằng thuyền vào năm 1977 và nay đang định cư tại Los Angeles
  
Tất cả những người ủng hộ MTGPMN cảm thấy họ đã bị phản bội và lừa dối. Trước đó khi Harrison Salisbury của tờ The NewYork Times đến Hà Nội vào tháng 12/1966, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội nói với ông: ''cuộc đấu tranh ở miền Nam là của người miền Nam chứ không phải do người miền Bắc''  và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói với Salisbury: ''Không ai ở miền Bắc có cái ý định ngu ngốc, bất lương này trong tâm trí '' rằng miền Bắc muốn thôn tính miền Nam.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu Ở lễ kỷ niệm chiến thắng vào 19/05/1975, Lê Duẩn nói:''Đảng ta là đảng lãnh đạo duy nhất tổ chức kiểm soát và chi phối toàn bộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ ngày phôi thai của cuộc cách mạng''. Trong báo cáo chính trị ở Quốc hội thống nhất tại Hà Nội ngày 26/06/1976, Lê Duẩn cho biết: ''Các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới này là thống nhất đất nước và đưa cả nước tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản''.

Năm 1976, Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập bởi MTGPMN đã bị xoá sổ, miền Nam và Bắc được thống nhất dưới sự cai trị cộng sản. Thời điểm này, trong số 17 thành viên của Bộ Chính trị và 134 thành viên của Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, không có bất cứ ai trong MTGPMN (không kể có một số thành viên đã được đảng Cộng sản Bắc Việt cấy vào MTGPMN), thậm chí Nguyễn Hữu Thọ cựu chủ tịch của MTGPMN chỉ được chức Chủ tịch nước làm vì, một vị trí chỉ dùng để chào đón du khách và tham gia lễ hội, nhưng vị trí này rồi cũng bị bãi bỏ theo hiến pháp mới.


Hãy nghe Trương Như Tảng, 57 tuổi, một trong những người sáng lập của MTGPMN, cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ cách mạng lâm thời, là một trong những thuyền nhân. Ông Tảng vượt biên tháng 11/1979 và hiện đang sống tại Paris. Trong một cuộc họp báo ở Paris vào tháng 06/1980
, ông nói với các phóng viên về kinh nghiệm của mình. Ông kể về chuyện mười hai năm trước đó, khi ông đang bị  tù bởi chế độ Thiệu vì các hoạt động cộng sản của ông, cha ông đến thăm và hỏi: '' Tại sao con lại từ bỏ tất cả mọi thứ, công việc tốt, gia đình giàu có để theo cộng sản? Con có biết rằng cộng sản sẽ phản bội con và bắt bớ các con, và cuối cùng khi con hiểu được, sẽ là quá muộn!'' ông Tảng đã trả lời cha: '' Điều tốt nhất giờ đây là cha hãy giữ im lặng và chấp nhận sự hy sinh của một trong những người con trai của cha cho nền dân chủ và độc lập của đất nước. ...''

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Tảng đã được trao đổi với ba đại tá người Mỹ là tù binh bị bắt bởi Việt Cộng, sau đó ông biến mất vào rừng theo MTGPMN. Ông đã đại diện MTGPMN đi nhiều nước cộng sản và thế giới thứ ba trong thời gian chiến tranh.  


Ông Tảng cho biết trong cuộc họp báo của mình: ''Tôi đã nhận thức rõ rằng MTGPMN là một bình phong cuả cộng sản bắc việt, và tôi đã đủ ngây thơ để tin rằng Hồ Chí Minh và đảng của ông sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên ý thức hệ và sẽ đặt lợi ích của nhân dân Việt Nam trên đảng, nhưng mọi người kể cả tôi đều đã sai lầm''.

Trương Như Tảng, với kiến thức của riêng mình đã nói về cách thức hoạt động của cộng sản:
"Những người cộng sản là chuyên gia trong nghệ thuật quyến rũ, chừng nào mà  họ chưa kiểm soát được quyền lực họ sẽ làm bất kỳ cách nào để thu hút bạn ngả về phía họ, nhưng một khi họ đạt được quyền lực thì đột nhiên họ trở nên khắc nghiệt, vô ơn, hoài nghi và tàn bạo''. Ông Tảng tóm tắt tình trạng hiện nay ở Việt Nam : ''Các gia đình chia rẽ, xã hội chia rẽ, ngay cả đảng cũng chia rẽ''.

"Nhìn lại về cuộc chiến Việt Nam giờ đây, tôi cảm thấy không còn gì ngoài sự hổ thẹn cho những ngây thơ của mình khi tin rằng đám người cộng sản là những nhà cách mạng thực sự. Trong thực tế, họ đã phản bội nhân dân Việt Nam và lừa dối giới cấp tiến trên toàn thế giới. Chính tôi phải chịu trách nhiệm cho những bi kịch đã nhấn chìm đồng bào, đất nước tôi . Và bây giờ tôi chỉ có thể làm chứng cho sự thật này để tất cả những người đã từng ủng hộ Việt Cộng có thể chia sẻ trách nhiệm của họ với tôi".


Trong thời gian tôi ở trong tù, Mai Chí Thọ, một Ủy viên Trung ương đảng thuyết trình trước một nhóm các tù nhân chính trị chọn lọc, ông nói với chúng tôi : ''Hồ Chí Minh có thể là một người xấu xa, Nixon có thể là một người tuyệt vời, người Mỹ có thể đã có lý do chính đáng, chúng ta có thể không có chính nghĩa, nhưng chúng ta đã giành thắng lợi và người Mỹ đã bị đánh bại bởi vì chúng ta đã thuyết phục được mọi người rằng Hồ Chí Minh là người tuyệt vời, rằng Nixon là một tên sát nhân và người Mỹ là những kẻ xâm lược''. Ông kết luận rằng:
“Yếu tổ chủ chốt là làm thế nào kiểm soát người dân và ý tưởng của họ, chỉ có chủ nghĩa Mác Lê mới có thể làm được như vậy, không ai trong các anh đã từng biết đến một sự kháng cự nào đối với chế độ Cộng sản, bởi vậy không nên nghĩ đến điều đó nữa. Hãy quên chuyện chống đối đi, giữa các anh -những nhà trí thức ưu tú- và tôi, tôi đã nói với các anh sự thật”.

Và đúng là ông ta đã cho chúng tôi biết sự thật. Từ năm 1978, những người cộng sản Việt Nam đã chiếm đóng Lào, xâm lược Campuchia và tấn công Thái Lan, trong khi Liên Xô đi xâm chiếm Afghanistan. Trong tất cả cuộc cướp phá đó, những người Cộng sản đã tô vẽ bản thân họ tuyệt vời như kẻ giải phóng, vị cứu tinh và tấm khiên bảo vệ chống ngoại xâm v
à mỗi lần như thế dư luận thế giới vẫn giữ yên lặng. 

Nhưng ở Việt Nam, người ta có câu: '' Đừng tin những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn những gì họ làm". Ông Nguyễn Văn Đường, một đảng viên cs miền Nam, người đã bị Pháp giam giữ 15 năm, thời ông Diệm 8 năm và tù 6 năm thời ông Thiệu, đến ngày nay vẫn còn đang ở trong tù cộng sản, nói với tôi: ''Để hiểu được những người Cộng sản, trước hết phải sống dưới chế độ Cộng sản'', Vào một đêm mưa trong nhà tù Lê Văn Duyệt, Sài Gòn ông nói với tôi: ''Giấc mơ của tôi bây giờ không phải là mong được tự do, không phải là để nhìn thấy gia đình của tôi, ước mơ của tôi giờ là tôi có thể trở lại trong một nhà tù của Pháp 30 năm trước đây''. Đó là một trong những mong muốn của một người đàn ông 60 tuổi, người đã dành toàn bộ thời thanh niên của mình ra vào tù vì chiến đấu cho tự do và độc lập của đất nước mình, giờ này có thể ông đã chết trong phòng giam của mình hoặc đã bị khử bởi đám lãnh đạo mới.

Nhân dân miền Nam mong muốn một cuộc cách mạng thực sự, họ không muốn chủ nghĩa cộng sản, các hành động trả thù từ những người Cộng sản đã là nguyên nhân làm hàng ngàn người Việt Nam trốn chạy khỏi đất nước. Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, trong suốt những năm tháng chiến tranh, ngay cả trong nạn đói thảm khốc năm 1945 khi hai triệu người bị chết đói, người Việt đã không ai đành đoạn rời bỏ quê hương mồ mả tổ tiên của họ, làn sóng tị nạn hiện nay là hậu quả trực tiếp từ sự khủng bố của chế độ hiện tại.  


Hãy lắng nghe một người tị nạn, ông Nguyễn Công Hoan cựu thành viên mặt trận và đại biểu Quốc hội thống nhất được bầu năm 1976: ''Chế độ hiện hành này là vô nhân đạo và áp bức nhất đã từng được biết đến''. Ông Hoan vượt biên vào năm 1977 sau khi từ bỏ vị trí của mình trong nội các, ông tuyên bố: ''Quốc hội chỉ là bù nhìn, các thành viên chỉ biết nói có chứ không bao giờ dám nói không".

Trong số những thuyền nhân sống sót, kể cả những người đã bị hãm hiếp bởi hải tặc và những người phải chịu cực khổ trong các trại tị nạn, không ai hối tiếc về việc trốn khỏi chế độ hiện tại, tôi tin rằng một ngày nào đó sự thật về Việt Nam sẽ được công bố, nó luôn sẵn cho những ai muốn tìm hiểu. Như Solzhenitsyn đã nói:'' Sự thật cũng nặng nề như trái đất vậy'' Và Việt Nam là một bài học về sự thật!


Hết.
42 chuyển ngữ.

Nguồn: 
 A Lament for Vietnam, The New York Times, March 29, 1981.

1 nhận xét: