Khi Thế Chiến II bước vào giai đoạn kết thúc, trong cuộc đua với Liên xô các tổ chức điệp báo của Mỹ, Anh đã cùng nhau lùng sục khắp lãnh thổ nước Đức thua trận để thu lượm tất cả những nghiên cứu phát triển công nghệ, khoa học và quân sự mà họ có thể tìm được. Theo sát bước các lực lượng chiến đấu Đồng Minh, các tổ chức như Tiểu ban Tình báo Hỗn hợp (CIOS) đã bắt đầu thu lượm các loại tài liệu và vật liệu có liên quan đến cuộc chiến, thẩm vấn các nhà khoa học tại các cơ sở nghiên cứu của Đức mà quân Đồng Minh chiếm được.
Điệp vụ Kẹp Giấy (Operation Paperclip) ra đời nhằm tìm kiếm các nhà khoa học, kỹ sư và các chuyên viên kỹ thuật giỏi của Đức quốc xã, khoảng 1.600 nhà khoa học Đức trong danh sách đó (cùng gia đình của họ) đã được đưa sang Mỹ để làm việc cho nước này trong thời Chiến tranh Lạnh. Chương trình này được thực hiện nhằm mục tiêu thu thập nguồn lực tri thức Đức để giúp phát triển kho vũ khí hóa học, sinh học và tên lửa cho Mỹ, và để đảm bảo những thông tin mật đó không rơi vào tay Liên Xô. Mặc dù phê chuẩn chiến dịch song Tổng thống Harry S. Truman đã cấm tuyển dụng những thành viên của đảng Quốc Xã hay những người tích cực ủng hộ Quốc Xã. Nhưng trên thực tế, các nhân viên của OSS ̣(tiền thân của CIA) đã lờ đi chỉ thị này và tiêu hủy hoặc tẩy xóa mọi bằng chứng về tội ác chiến tranh nếu có trong hồ sơ của các nhà khoa học này, vì cho rằng giá trị kiến thức của họ có ý nghĩa sống còn với những công tác hậu chiến của Mỹ.
Những khoa học gia liên quan trong Operation Paperclip. |
Vài trường hợp liên quan đến operation Paperclip,
Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất, xảy ra vào ngày 15/05/1945, khi chiếc Hộ tống hạm USS Sutton của Mỹ, bắt được chiếc tàu ngầm Đức U-234 đang trên đường tới Nhật Bản ngoài khơi Newfoundland. Trên chiếc Uboat có tiến sĩ Heinz Schlicke, Giám đốc thử nghiệm Hải quân tại Kiel, và số hàng hóa đặc biệt bao gồm các đồ án thiết kế cho bom bay Hs293, bom bay V1 (tiền thân của tên lửa hành trình), hoả tiễn V-2 (tiền thân của SCUD), phản lực cơ chiến đấu Me262 (chiến đấu cơ phản lực đầu tiên), thiết kế mới về tàu ngầm tàng hình, và trong một hộp bọc chì chứa đầy 2,400kg Oxit Uranium, thành phần chính chế bom nguyên tử. Schlicke, lúc đó tự khai là một nhân viên điện báo, trở thành một tù nhân bị nhốt tại Ft. Meade, MD.
Sarin được sản xuất tại Dyhernfurth (Dyhernfurth sau đó rơi vào tay Liên xô). Tên của nó là do ghép các chữ cái đầu của những người phát triển nó: Gerhard Schrader và Otto Ambros khoa học gia khét tiếng của công ty hóa chất IG Farben, là công ty sản xuất các loại khí giết người sử dụng ở các phòng hơi ngạt ở các trại tập trung, và từ tên của hai sĩ quan quân đội Đức, Gerhard Ritter và Van der Linder. Schrader kể về câu chuyện phát minh ra "tabun" một chất độc thần kinh có tên theo chữ tiếng Anh "Taboo" người Đức gọi nó là 9/91, về việc sau thất bại của Đức tại Stalingrad, đã nghiêm túc nghiên cứu xử dụng nó chống lại người Nga.
Cựu phó tổng thống và bộ trưởng thương mại Henry Wallace tin tưởng vào các nhà khoa học Đức có thể khởi động các ngành công nghiệp dân sự mới và sản xuất công ăn việc làm sau chiến tranh. Thật vậy, có thể kể vài sản phẩm mà các nhà khoa học Đức đã phát triển, cao su tổng hợp (được sử dụng trong vỏ xe hơi), hàng dệt kim mà trước thế chiến chưa có, nhiệt kế đo ở tai (ear thermometer), băng từ (tape), và các linh kiện điện tử vi mạch.
Một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất là Werner von Braun, giám đốc kỹ thuật tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Peenemünde tại Đức, và là người có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển loại tên lửa V-2 vốn đã tàn phá nước Anh trong thời chiến. Von Braun và các nhà khoa học tên lửa khác đã được đưa đến Fort Bliss, Texas và White Sands, New Mexico để giúp quân đội Mỹ thí nghiệm tên lửa. Von Braun sau đó đã trở thành Giám đốc Trung tâm Phi hành Vũ trụ Marshall thuộc NASA và là người thiết kế chính của tên lửa đẩy Saturn V, loại tên lửa sau này đã đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng. Thời tổng thống Ford, von Braun đã được xem xét trao Huân chương Tự do, chỉ khi một trong những cố vấn cao cấp của Ford, ông David Gergen phản đối về quá khứ phát xít của von Braun, nên việc này đã không xảy ra.
Ít được biết đến hơn là nhà khoa học Kurt Debus, một người ủng hộ Đức Quốc xã cuồng nhiệt đã lãnh đạo khoảng 120 nhà khoa học, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật góp phần phát triển hỏa tiễn đẩy Saturn V, hoặc làm việc tại giàn phóng Cape Canaveral, Florida. Trung tâm lắp ráp thẳng đứng (dùng để lắp ráp hỏa tiễn) là khu liên hợp có quy mô lớn hơn Lầu Năm Góc và cao gần bằng Washington Monument, được thiết kế bởi Bernhard Tessmann, nhà thiết kế cũ của cơ sở phóng tên lửa Đức tại Peenemünde.
Vài khoa học gia Đức nổi tiếng khác được tuyển dụng từ Operation Paperclip có:
Tiến sĩ Hubertus Strughold, người đóng một vai trò quan trọng trong y học không gian, đã thiết kế y phục không gian và các hệ thống hỗ trợ khác cho phi hành gia. Tháng 6/1948, con khỉ tên Albert đã được đặt trong phòng áp lực và phóng lên không gian bằng tên lửa V-2, bước đầu tiên trong nỗ lực để gửi con người vào không gian.
Tướng Reinhard Gehlen, cựu giám đốc tình báo Đức Quốc xã chuyên trách bộ phận chống Liên Xô, được quân đội Mỹ thu dụng tiếp tục điều hành 600 điệp viên cũ của Đức quốc xã ở khu vực của Liên Xô chiếm đóng. Mãi đến năm 1948, Giám đốc CIA Roscoe Hillenkoetter mới nắm quyền kiểm soát của Tổ chức Gehlen.
Tiến sĩ sinh học Kurt Blome được thu dụng để giúp quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển khả năng tấn công và phòng thủ trong chiến tranh sinh học với Liên Xô.
Mặc dù có nhiều ý kiến ủng hộ cho chiến dịch này và cho rằng cán cân quyền lực đã có thể dễ dàng nghiêng về phía Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh nếu Mỹ không đưa những nhà khoa học Đức Quốc Xã này sang Mỹ và xử dụng họ, song cũng có nhiều người phản đối chiến dịch này vì cái giá đạo đức phải trả khi không trừng phạt hay bắt những nhà khoa học này chịu trách nhiệm vì những tội ác chiến tranh ghê tởm của họ, tranh cãi đến nay vẫn còn nóng hổi!
Chuyển ngữ XâyXậpZì.
(https://www.cia.gov/library/center-for-the-study-of-intelligence/csi-publications/csi-studies/studies/vol-58-no-3/operation-paperclip-the-secret-intelligence-program-to-bring-nazi-scientists-to-america.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét