Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

24 chiếc Sukhoi Su-35 cho Iran.


Các nguồn tình báo phương Tây theo dõi các thỏa thuận an ninh giữa Iran và Nga đã tiết lộ cho báo chí rằng Moscow sẽ sớm cung cấp một đội tiêm kích hoàn chỉnh cho Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Theo các báo cáo mới nhất 24 chiếc tiêm kích Sukhoi Su-35 sẽ sớm được giao cho Iran, 24 chiếc tiêm kích Sukhoi Su-35 nguyên thủy được sản xuất cho không quân Ai Cập, nhưng bị Mỹ chặn đứng.

Năm 2018 Ai Cập đã đặt hàng 24 máy bay chiến đấu hạng nặng Sukhoi Su-35S nhưng vào năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đe dọa rằng nếu việc mua bán diễn ra thành công, việc Mỹ chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua Đạo luật trừng phạt (CAATSA) sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt trên Ai Cập.

Sau đó phía Nga đã tìm kiếm khách hàng cho lô máy bay này và Tehran đã trở thành khách hàng chịu mua, cuộc mua bán này được coi như một công đôi việc, Iran mua lô hàng do Ai cập từ chối và các tiêm kích sẽ được chuyển nhượng như một phần trong thanh toán cho các máy bay không người lái được Iran bán cho Nga.

Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, một chiếc Su-35 đã bị phía Ukraine bắn hạ.

Lời bàn ra:
- Điều này có nghĩa là Nga đã từ bỏ ý định làm chủ không phận Ukraine thậm chí chỉ là ưu thế không trung so với Ukraine, hơn hai chục chiếc Su-35 sẽ rất hữu ích đối với số lượng còn lại rất ít của các loại máy bay MiG-29 và Su-25 của Ukraine nếu không quân Nga biết cách sử dụng chúng, bao gồm cả cách chống lại tên lửa phòng không và chống lại tấn công điện tử.

- Nga đang thiếu nghiêm trọng tiền mặt và muốn thanh toán cho Iran bằng những máy bay này, thay vì số tiền mặt có hạn của mình, đồng ruble (phía Iran không chấp nhận) giảm xuống còn 68/1 đô la Mỹ, từ mức trước chiến tranh là 30/1 đô la Mỹ vào tháng 1 năm 2022. Giá dầu thế giới đã giảm dưới 80 đô la và dầu Nga còn rẻ hơn thế. Hoặc có thể Iran muốn những chiếc máy bay đó để đổi lấy máy bay không người lái Shahed của mình.

- Phiên bản xuất khẩu của thiết bị quân sự Nga luôn bị gỡ bỏ tính năng khác với loại của không quân Nga, thiếu đi một số tính năng tiên tiến nhất, đó là một trong những lý do mà những chiếc máy bay này đã bị bỏ trong kho không bán được trong một thời gian dài. Nga không muốn gián điệp phương Tây khám phá ra chi tiết của những bí mật mới nhất của nó nhằm giữ được lợi thế trong trường hợp chính Nga phải đối đầu với vũ khí của riêng mình trong trận chiến (như trong cuộc chiến Nga-Ukraine).


Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Lada

Chuyện xưa kể lại,

Các bạn có từng thấy người mẫu mặc bikini bằng lông thú chưa! 

Tại Triển lãm ô tô lần thứ 17 tại Trung tâm triển lãm New York ngày 7 tháng 4 năm 1973. Công ty Satra -công ty chuyên buôn bán xe của Liên xô tại Anh- đang triển lãm xe loại 4 chỗ ngồi hiệu Lada được sản xuất tại Liên Xô, tuy nhiên người đặt mua sẽ phải đợi đến năm 1975 mới có thể có xe.

Các giới chức của Satra giải thích rằng thời gian đến năm 1975 là cần thiết để xây dựng hệ thống các đại lý và kho hàng.

Agop Chalekian, chủ tịch của Satra Trading Corporation -một chi nhánh của Satra- cho biết rằng người Nga cũng đang chờ đợi để được cấp đặc quyền về luật thương mại Mỹ trước năm 1975.

Một tuyên bố khác của Satra: "Điều quan trọng hơn là người Nga sẽ phải giảm tỷ lệ nén động cơ của Lada để nó hoạt động trên xăng không chì -unleaded gasoline- octan thấp hơn để đáp ứng tiêu chuẩn kiểm soát khí thải và ô nhiễm tại Mỹ năm 1975".

Ông Chelekian cho biết, nếu Liên xô không được cấp đặc quyền về luật thương mại Mỹ thì xe Lada sẽ bị đánh thuế 35%, so với mức thuế 11 hoặc 12% đối với các xe ô tô xuất xứ từ các quốc gia được cấp đặc quyền.

Yuri Chumakov, phó chủ tịch Avtoexport, cơ quan tiếp thị xe hơi của Nga cho biết rằng 500.000 chiếc Lada sẽ được sản xuất trong năm 1973 tại một nhà máy ở Togliatti trên sông Volga, ông cũng cho biết chiếc xe hiện đang được xuất khẩu đến 17 quốc gia.

Thiết kế của Lada được lấy cảm hứng từ Fiat 124, xe có chỗ cho năm người và được trang bị động cơ 1.2 lít có công suất 60 mã lực, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 29-30 miles/gallon.

Ông Chelekian từ chối cho biết giá của mẫu xe sẽ được bán tại Hoa Kỳ, mặc dù ông nói rằng nó sẽ có giá cạnh tranh, ông không đưa ra bất kỳ dự đoán doanh số nào chỉ nói: “Chúng tôi muốn khám phá thị trường Mỹ trước".

Trả lời một câu hỏi về người Liên xô sở hữu xe, ông Chumakov ước tính rằng trung bình một người Nga mất khoảng một năm để có thể nhận được chiếc xe ở Liên Xô.

Rất tiếc là xe Liên xô đã không xâm nhập được vào thị trường Mỹ, chỉ các cô gái là thành công. Hí hí

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

China-America

 Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật để loại bỏ tiêu chuẩn 'nước đang phát triển' của Trung Quốc.

Hạ viện đã nhất trí thông qua một đạo luật (bill) vào thứ Hai 03/27/2023 và sẽ chỉ đạo Bộ trưởng ngoại giao tiến hành các thủ tục tiến hành việc tước bỏ nhãn hiệu “quốc gia đang phát triển” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong các tổ chức quốc tế.

Dự luật này 'Tiêu đề: PRC không phải là quy chế quốc gia đang phát triển' (the PRC Is Not a Developing Country Act) đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ phiếu bầu 415-0.

Đạo luật sẽ hướng dẫn Bộ trưởng Ngoại giao tiến hành việc thay đổi tình trạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ tiêu chuẩn là nước đang phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, quốc gia có thu nhập cao hoặc quốc gia phát triển đối với các tổ chức quốc tế bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và đề xuất một cơ chế phù hợp.

Ngoài ra, nó sẽ yêu cầu bộ trưởng làm việc “để đảm bảo rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không còn nhận được sự đối xử ưu đãi hoặc hỗ trợ trong tổ chức, do Trung Quốc đã đạt tiêu chuẩn là một quốc gia đang phát triển.”

Hạ nghị sĩ Young Kim (R-Calif.) -một người đỡ đầu cho dự luật- phát biểu tại Hạ viện hôm thứ Hai rằng: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18,6% kinh tế toàn cầu, quy mô nền kinh tế của họ chỉ đứng sau Hoa Kỳ, nếu Mỹ được đối xử như một quốc gia phát triển thì Trung Quốc cũng vậy” “Mỹ được coi là một quốc gia có thu nhập cao trong các hiệp ước và tổ chức quốc tế nên Trung Quốc cũng phải được coi là một quốc gia phát triển.”

“Hiện tại, Trung Quốc được xếp loại là một quốc gia đang phát triển và họ đang sử dụng tình trạng này để qua mặt (playing game) hệ thống và làm thiệt thòi các quốc gia đang thực sự cần” .

Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới -chỉ sau Mỹ- Trung Quốc vẫn được một số tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, coi là một quốc gia đang phát triển.

Theo các nhà lập pháp, việc xếp hạng 'quốc gia đang phát triển' cho phép các quốc gia nhận được các đặc quyền hay sự linh hoạt trong các hiệp ước hoặc tổ chức nhất định.

Hai nhà lập pháp lưỡng đảng đã đưa ra dự luật vào tháng trước nhằm hủy bỏ việc cấp cho Trung Quốc tình trạng “quốc gia đang phát triển” trong các hiệp ước và tổ chức quốc tế trong tương lai, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Ngoại giao tiến hành thay đổi xếp hạng của TQ trong các hiệp ước hoặc tổ chức nơi vẫn còn tồn tại tiêu chuẩn xếp hạng này đối với TQ.

Đạo luật được thông qua hôm thứ Hai là biện pháp mới nhất nhằm trấn áp Trung Quốc. Tháng trước Hạ viện đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu do thám trên lục địa Hoa Kỳ.

42, dịch từ The Hill 03/27/2023. 

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Chuyện về đảo Zmiinyi aka đảo Rắn, phần 2

Kể chuyện chiến tranh như mò mẫm trong sương mù, mọi việc đều mờ ảo!

Zmiinyi - cái bẫy chân gà,
Tối ngày 24 tháng 2 đảo Zmiinyi hoàn toàn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, như vậy Nga đã nắm giữ quyền kiểm soát toàn bộ khu vòng cung ở Biển Đen của Ukraine bao gồm một số yếu tố quan trọng trong vùng

-Yếu tố đầu tiên là các giàn khoan dầu Boiko (Yurii Boiko, là một chính trị gia thân Nga và là cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine bị buộc tội tham ô dưới hình thức mua các giàn khoan dầu mà giờ được đặt tên của ông ta), quân đội Nga đã nhanh chóng biến các giàn khoan dầu từ công nghiệp dân sự thành các cứ điểm quân sự bằng cách chất lên đó các loại vũ khí tấn công và hệ thống phòng không, cùng với Đảo Zmiinyi hình thành thế bao vây cộng thêm các giàn khoan dầu đã tạo thành một tuyến dọc theo bờ biển giúp quân đội Nga có được toàn quyền kiểm soát hỏa lực đối với bờ biển Ukraine.

-Yếu tố quan trọng thứ hai của việc chiếm đóng đảo này là tự hòn đảo sẽ là thành trì nổi của soái hạm Moskva, nó bảo đảm sự di chuyển tự do của chiến hạm trong vùng mà ngoài sức mạnh tên lửa tấn công và pháo binh thì soái hạm Moskva còn có một chức năng cực kỳ quan trọng khác yểm trợ phòng không cho toàn bộ hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga trong vùng, nó bảo đảm điều kiện thuận lợi cho khả năng cơ động và tốc độ phản ứng của hạm đội.

Nhưng quân đội Nga đã không nhận ra rằng chiếm đảo Zmiinyi, như trong truyện xưa về cái chân gà của Tào Tháo, họ đã đánh chiếm một hòn đảo mà rốt cuộc ho không thể kiểm soát như sau này sự thật đã phơi bày.

Khi người Nga đưa binh lính và thiết bị quân sự của họ đến hòn đảo này, họ lại rơi vào tình cảnh giống như những người lính biên phòng Ukraine ngày trước, họ bị mắc kẹt trên biển, hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường tiếp tế từ đất liền và tệ hơn nữa những tuyến đường này thậm chí còn xa hơn đối với người Nga. Nhưng dù sao người Nga có soái hạm Moskva, chỉ với sự hiện diện của nó đã biến các địa điểm riêng biệt nằm rải rác trên biển thành một hệ thống quân sự thống nhất.

Khi cú sốc từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến đã qua đi và rõ ràng là 'đội quân thứ hai trên thế giới' đang phải chịu những tổn thất bất ngờ và trầm trọng ở phía bắc Ukraine và trên mặt trận Mykolaiv, quân đội Ukraine bắt đầu lên phương án để giành lại quyền kiểm soát vùng biển, sẽ không thể kiểm soát vùng biển nếu không có Đảo Zmiinyi và việc tái chiếm đảo sẽ rất khó khăn nếu soái hạm Moskva không bị tiêu diệt, định mệnh của chiếc soái hạm đã được quyết định!

Đánh chìm soái hạm Moskva,
Định mệnh đã bắt kịp chiếc soái hạm xấu số vào đêm 13 tháng 4, tình báo Ukraine phát hiện tọa độ chiếc soái hạm Moskva trên biển, ngay tức tốc Kiev đã gửi yêu cầu tới lực lượng không thám của NATO ở châu Âu để nhờ xác nhận về một mục tiêu quân sự đang ở trong một vùng nhất định mà không nói rõ đó là vật thể gì, phía Ukraine chỉ cần xác nhận là mục tiêu có thật sự hiện diện ở tọa độ đó hay không.

Tình báo NATO trong đó có sự góp sức của một máy bay trinh sát Mỹ P-8 Poseidon đã nhanh chóng trả lời, xác nhận vị trí của soái hạm Moskva đúng như phía Ukraine có, sau khi xác minh được thông tin này quân đội Ukraine đã tiến hành một trong những chiến dịch quân sự xuất sắc nhất trong lịch sử chiến tranh của mình.

BCH quân Ukraine điều 3 máy bay không người lái Bayraktar bay gần chiếc soái hạm và cố tình để bị phát hiện nhằm đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý toàn bộ hệ thống phòng không của chiếc Moskva trong khi hai trái tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine do Poseidon cung cấp được âm thầm phóng đến mục tiêu, soái hạm Moskva cuối cùng đã gặp định mệnh của mình (mà không lâu trước đó người chiến binh giữ đảo đã từng nguyền rủa nó vào ngày 24 tháng 2 vừa rồi).

Đây là một thiệt hại quá lớn đối với hạm đội Nga, sau khi soái hạm Moskva bị đánh chìm thì các chiến hạm khác của hạm đội cũng vội vã di chuyển xa khỏi bờ biển Ukraine, ra khỏi tầm hoạt động của các tên lửa chống hạm Neptunes, kế hoạch đổ bộ và chiếm đóng lâu dài lên đảo bị sụp đổ, nhưng đây chưa phải là kết thúc, sau khi soái hạm ​​Moskva chìm và các chiến hạm khác rời xa, không có sự bảo vệ của hạm đội thì hòn đảo Zmiinyi từ một pháo đài kiên cố trên biển nay trở thành một khối đá trơ trọi giữa biển khơi.

Cho tới thời điểm đó hạm đội Nga đã mang lên đảo một lượng đáng kể vũ khí hạng nặng gồm các hệ thống phòng không Buk và Tr tiên tiến của Nga. Để tái chiếm lại hòn đảo quân đội Ukraine cần phải loại bỏ những vũ khí đó trước.

Thất bại đau đớn,
Đầu tiên là hệ thống phòng không, các tàu cao tốc dùng để vận chuyển và số nhân sự trên đảo của Nga bị phá hủy và tiêu diệt bằng máy bay không người lái Bayraktar, không lực Ukraine đã cố gắng tấn công các giàn thiết bị quân sự của Nga trên đảo hầu như hằng đêm, ngoài những phi vụ tấn công bằng máy bay không người lái Bayraktar sau này còn thêm máy bay ném bom của Ukraine (Quân đội Ukraine biết rõ hòn đảo như trong lòng bàn tay của họ, họ biết hòn đảo đá này không có thể đào công sự trú ẩn và họ biết những nơi mà lính Nga sẽ phải nấp vào khi có pháo kích, không kích!)

Cuối cùng vào đêm ngày 9 tháng 5, lực lượng Ukraine đã sẵn sàng thực hiện nỗ lực đầu tiên để giải phóng hòn đảo, chiến dịch này không có mục tiêu chiếm giữ đảo Zmiinyi vì lưu lại quân đội trên đảo thời điểm này chỉ làm cho họ thành mục tiêu tác xạ từ các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay của hải quân Nga. Đây cũng là lý do tại sao sau các cuộc tấn công bằng máy bay trước đó của lực lượng Ukraine và các cuộc tấn công liên tục bằng máy bay không người lái Bayraktar quân Nga bắt buộc phải sơ tán quân đội khỏi hòn đảo, tuy triệt thoái quân trú phòng nhưng các chuyên viên Nga vẫn đến đó bằng tàu cao tốc để bảo dưỡng các thiết bị còn sót lại và còn hoạt động ở trên đảo, tóm lại hòn đảo đã trở nên không thuận tiện để người Nga sử dụng và nó giờ trở thành mục tiêu chính trong chiến dịch của Ukraine.

Kế hoạch tái chiếm đảo gồm việc đổ bộ biệt kích bằng cả đường biển và đường không lên đảo Zmiinyi, tiếp cận và phá hủy tất cả các thiết bị của Nga đặt trên đảo, cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là phong tỏa tất cả các khu vực cầu cảng có khả năng để tàu thuyền của Nga cập bến, Kyrylo Budanov Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine đã được chỉ thị lập kế hoạch và thực hiện dự án mạo hiểm này.

Máy bay trực thăng và thuyền phải bằng cách nào đó tránh bị phát hiện trước khi đến đảo, vì vậy ưu tiên hàng đầu là phải tiêu diệt bằng được hệ thống phòng không của Nga trên đảo.

Các UAV Bayraktar đã phối hợp xuất kích thành công trong nhiệm vụ tấn công hệ thống ra đa đúng thời điểm ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, khi hệ thống tên lửa phòng không Tor của Nga bị phá hủy, đường ra đảo như rộng mở.

Rạng sáng 9 tháng 5, tám máy bay trực thăng của Ukraine (gồm bốn chiếc Mi-24 và bốn chiếc Mi-8) hướng đến Zmiinyi. Cùng lúc đó bên dưới mấy chiếc pháo hạm bọc thép cỡ nhỏ Gyurza-M cũng lướt sóng hướng về phía đảo. Một chiếc trực thăng Mi-14 săn ngầm bay dọc theo bờ biển của Odessa Oblast, nhiệm vụ của chiếc này là bảo đảm sơ tán trong trường hợp lực lượng tham gia tấn công cần đến.

Nhóm biệt kích Ukraine được thả xuống khỏi trực thăng và bắt đầu triển khai chiếm lĩnh trận địa, nhưng thật bất ngờ không thể tưởng nổi, trước mắt các biệt kích hiện ra một hệ thống phòng không bị phá hủy, nhưng ngay dưới bến cảng là một hệ thống hỏa tiễn Tor khác được tháo rời từ Crimea đang còn được ràng buộc gọn ghẽ nằm trên bong chiếc tàu vận tải đang neo tại đó và hỏa lực từ phía Nga trùm lên nhóm biệt kích vừa đổ bộ từ khắp hướng. Toàn bộ kế hoạch tái chiếm đổ vỡ, nhóm biệt kích rút lui với thương vong nặng nề.

Hôm sau Bộ quốc phòng Nga công bố tổn thất, họ đã tiêu diệt hơn 50 lính dù Ukr, phá hủy một số máy bay trực thăng cả Bayraktar và vài chiếc tàu bọc thép tấn công của Ukraine. Phía Ukraine cũng đưa ra những con số tổn thất khác nhau, thậm chí một số quân nhân còn gọi đích danh Budanov -người đề ra  kế hoạch này- là 'đồ tể' vì đã hy sinh oan uổng những người lính chỉ để hòng cắm cờ trên đảo vào ngày 9 tháng 5 (ngày kỷ niệm chiến thắng Đức quốc xã)

Con số thiệt hại thực sự cũng không có gì bảo đảm chính xác, theo phía Ukraine tổn thất trong chiến dịch này là 10 biệt kích KIA và bị bắn chìm 1 tàu bọc thép, tất cả trực thăng tham gia chiến dịch đều về căn cứ an toàn, chỉ có điều chìm theo khúc ngoặt cay đắng của chiến dịch thất bại này là chiếc trực thăng chống ngầm Mi-14 do Đại tá Ihor Bedzai, Phó Tư lệnh Lực lượng Hải quân Ukraine đã bị quân Nga bắn hạ trên không phận Odessa Oblast, ông chết theo chiếc trực thăng!

Thất bại của chiến dịch tái chiếm này phía Ukraine đã không hoàn tất nhiệm vụ phá hủy các thiết bị của Nga trên đảo cũng như không phong tỏa được các cầu cảng của đảo, tuy nhiên các biệt kích cũng đủ thời gian phá hủy một phần các thiết bị và quan trọng hơn hết sau khi nghiên cứu các hình ảnh do biệt kích mang về, phía Ukraine có đủ hiểu biết để làm thế nào quét sạch quân Nga ra khỏi đảo.

Sau đó Hải quân Nga cũng đã tiến hành một chiến dịch trực thăng vận nhằm đổ quân xuống đồn trú trở lại trên đảo nhưng trong chiến dịch này một chiếc trực thăng của Nga đã bị Ukraine bắn nổ tung lúc đang hạ cánh, chiếc ô phòng không của Hải quân Nga đã không còn đủ hữu hiệu bao bọc cho hòn đảo!

Một tháng sau cuộc tấn công thất bại, các chiến lược gia Ukraine lại tiếp tục lên kế hoạch mới giải phóng hòn đảo với những trang bị vũ khí mới -từ phương Tây- cho quân đội.

Tái chiếm,
Lúc này các vũ khí, pháo binh mới của phương Tây bắt đầu được gởi đến Ukraine và nó mở rộng đáng kể khả năng chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Ukraine, quân đội Ukraine đã quyết định đẩy lui lực lượng Nga khỏi hòn đảo bằng các trận tấn công tên lửa và pháo cỡ lớn. Pháo 155mm của phương Tây có thể dễ dàng tấn công đến hòn đảo từ những điểm gần nhất ở bờ biển phía nam của Odessa Oblast, có những bờ biển chỉ cách hòn đảo Zmiinyi có 40km.

Song song với kế hoạch trên, ngày 20 tháng 6 các tên lửa của Ukraine đã tấn công các giàn khoan dầu ngoài khơi (còn có tên là tháp Boiko) đã được Hải quân Nga biến thành các cứ điểm phòng không để từ đó đe dọa bờ biển Ukraine, kết quả của các cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác là ba trong số bốn giàn khoan bị phá hủy.

Ngày 30 tháng 6, phía Ukraine đã tiến hành liên tục tấn công bằng tên lửa và pháo kích vào đảo Zmiinyi, những bức không ảnh lan truyền vào ngày hôm đó cho thấy hòn đảo bao trùm trong khói đen và lửa.

Đây cũng là thời điểm mà tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine thông báo rằng một đơn vị pháo tự hành 155mm Bohdana do Ukraine sản xuất đã được sử dụng trên chiến trường (chỉ có một khẩu duy nhất và nó cũng chưa được bổ sung vào kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Ukraine).

Sau hơn bốn tháng chiếm đóng quân đội Nga cuối cùng đã di tản những người lính còn lại của họ và rút lui khỏi đảo Zmiinyi.

Trong một thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố việc rút lui là "một cử chỉ thiện chí" cho ta hiểu Nga gián tiếp thừa nhận hoàn toàn việc không thể kiểm soát hòn đảo.

Trong một tuần tiếp sau đó đơn vị Thủy quân lục chiến số 73 đã tiến hành một chiến dịch giải tỏa thủy lôi dưới nước hiệu quả và tạo ra một tuyến đường thủy tới Đảo, các chuyên gia xử lý bom mìn đã dọn sạch mìn và các binh sĩ Ukraine đã có thể tiếp cận hòn đảo và thượng cờ Ukraine trên vùng đất xa xôi này của Ukraine.

Toàn bộ thiết bị của Nga trên đảo bị phá hủy hoàn toàn, theo báo cáo của quân đồn trú Ukraine có hơn 20 đơn vị khí tài quân sự tấ cả.

Chính nhờ giải phóng được Zmiinyi Ukraine đã có thể tạo ra một hành lang ngũ cốc, điều sẽ không xảy ra được nếu quân đội Ukraine không chiếm được lại đảo và đánh chìm soái hạm Moskva. Ngoài những điều trên phía Ukraine đã chấm dứt khả năng Nga kiểm soát bờ biển của Ukraine và của một số quốc gia láng giềng.

Câu chuyện về hòn đảo vẫn chưa kết thúc chừng nào cuộc chiến này chưa chấm dứt để trả lại sự yên bình cho biển Đen, câu này của mình. Hí hí

Tinh dịch 42, từ PravdaUkrainska.

Chuyện về đảo Zmiinyi aka đảo Rắn, phần 1

Trong chiến tranh, mọi câu chuyện kể lại như chìm trong sương mù.

Đêm không ngủ,
Cho mãi đến 23 tháng 2 không ai trên đảo Zmiinyi ( đảo Rắn) mong đợi chiến tranh sẽ xảy ra, trong khi Tổng thống Zelensky và nội các của ông đang thực hiện những nỗ lực cuối cùng để thuyết phục bản thân và dân chúng Ukraine rằng sẽ không có chiến tranh với Nga, hòn đảo và khu vực biển chung quanh hoàn toàn yên bình.

Hòn đảo vẫn yên lặng, không có hoạt động đáng ngờ nào của lực lượng Nga được phát hiện vào đêm trước cuộc xâm lược toàn diện, chỉ vào khoảng 2 tuần trước đó một chiếc máy bay chiến đấu của Nga đã bay rất thấp ngang qua phía trên đảo rồi thôi, không có điều gì bất thường xảy ra kể từ đó.

Vào lúc 3 giờ sáng ngày 24 tháng 2, người lính thông tin trên đảo bất ngờ chặn nghe được một cuộc điện đàm vô tuyến từ một tàu chiến Nga với một tàu dân sự đang trên hướng đi về phía hòn đảo, tàu chiến Nga thông báo rằng thủy lôi đã được gài xung quanh đảo Rắn và ra lệnh chiếc tàu dân sự thay đổi hải trình, họ cho biết đã có lệnh bắt đầu ngăn chặn vận chuyển dân sự trong khu vực.

Bohdan Hotskyi -chỉ huy đồn Biên phòng Ukraine trên đảo Zmiinyi- sau khi nhận được báo cáo từ người lính thông tin đã tức tốc báo cáo cuộc điện đàm chặn được cho các chỉ huy cấp cao ở Izmail và xin chỉ thị, cho đến lúc này toàn thế giới vẫn chưa ai nghe hay biết gì về "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tấn công Ukraine!

Có tổng cộng 80 quân nhân trên Zmiinyi, gồm 30 bộ đội biên phòng, 40 Thủy quân lục chiến thuộc Lữ đoàn 35 Thủy quân lục chiến, một số binh sĩ thuộc bộ binh, công binh Ukraine và vài phi công trực thăng của Không quân Ukraine.

Một vài thường dân sống tại làng Bile, khu dân sự duy nhất trên đảo gồm một người trông coi ngọn hải đăng, trợ lý của anh ta và một số nhân viên dịch vụ thiết yếu, thợ điện, thợ máy...

Ngay giữa đêm toàn bộ lực lượng trên đảo được đặt trong tình trạng báo động, tuy chưa có dấu hiệu chiến tranh nhưng nhóm chỉ huy đảo cảm thấy người Nga đang lên kế hoạch gì đó bất lợi cho đảo, tất cả quân nhân chuẩn bị vũ khí và được phân công vào các vị trí chiến đấu, hệ thống vũ khí trên đảo hoàn toàn  không có gì đặc biệt, không có vũ khí hạng nặng chỉ gồm vũ khí cá nhân và vài súng phòng không.

Các chiến binh Ukraine phân ra chiếm giữ các vị trí phòng thủ trong đêm, nhưng cho mãi đến khi mặt trời mọc phủ trùm lên mặt biển quanh đảo một vầng ráng vàng rực vẫn không hề có kẻ thù nào xuất hiện trong tầm mắt.

Đến công chuyện,
Im lặng chết chóc cuối cùng cũng bị phá vỡ khi chiếc điện đài của kênh 16 -Kênh 16, là tần số vô tuyến hàng hải được sử dụng là tần số cấp cứu quốc tế- phát ra một giọng Nga ồm ồm:

 "Đã rõ ràng là Hoa Kỳ xúi bẩy Ukraine chống Nga đến người Ukraine cuối cùng, vậy nếu tay các bạn chưa nhuốm máu và lương tâm trong sáng thì các bạn có mọi cơ hội để có một cuộc sống bình thường và lương thiện mà không phải tham gia vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn này vì lợi ích của bọn chủ mưu nước ngoài.

Nếu các bạn từ chối tham gia vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn này và chọn phe phải thì các bạn sẽ có cơ hội sống một cuộc sống dân sự tốt đẹp hoặc có thể tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, các bạn sẽ có rất nhiều triển vọng phát triển nghề nghiệp và mức lương ổn định, các bạn sẽ có thể giải quyết các khó khăn cá nhân, sẽ nhận được hưu bổng quân đội tốt khi về già và được sống trong một đất nước rộng lớn và thống nhất, hãy quyết định đúng đắn để sống sót.

Để làm được như vậy các bạn cần phải tuyên bố sự đồng ý của mình trên Kênh 16 và làm theo hướng dẫn sau đó của chúng tôi, hãy hạ vũ khí và cắt đứt liên lạc với bộ chỉ huy của các bạn."

Không ai trong số những người lính bảo vệ đảo Zmіїnyi lúc này nghĩ đến bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng bầu không khí trên đảo lúc này trở nên rất nặng nề, không chỉ vì mọi người nhận ra rằng chiến tranh đã bắt đầu mà còn vì những điều chưa biết trước mắt, họ rồi sẽ như thế nào, một nhúm nhỏ người trên một hòn đảo đá giữa biển?

Cứ sau chừng 15 phút một giọng nói vô hình từ máy vô tuyến yêu cầu họ đầu hàng, nhưng nhìn ra chung quanh biển đến tân chân trời không hề có bóng dáng của bất kỳ kẻ thù nào xuất hiện, chỉ có một đường chân trời căng thẳng chung quanh đáng lo ngại, vùng chân trời biển đã từng là vô tận và tự do mà giờ như biến thành một vòng vây vô hình ngày càng thu hẹp lại cứ như là có một con tàu từ nước Nga xa xôi đã cắm cái neo của nó vào hòn đảo thông qua chiếc đài vô tuyến và giờ đang từ từ kéo nó về phía mình.

Sau ba giờ thuyết phục không thành, tàu chiến Nga chuyển sang đe dọa, bắt đầu từ sau 9 giờ sáng cứ sau 20 phút lại có một thông báo với giọng hăm dọa hoàn toàn khác vang lên:

 "Những người lính trên đảo 'Zmeinyi' -phát âm tiếng Nga- chú ý, các bạn bị phong tỏa, các bạn đang ở trong tầm bắn của chúng tôi, nếu chống cự sẽ bị tiêu diệt. Cơ hội sống sót của các chỉ bạn bằng không, hãy nghĩ về gia đình và bạn bè họ đang chờ bạn sống sót trở về nhà, chiến tranh sẽ sớm kết thúc và các bạn sẽ tiếp tục cuộc sống bình thường của mình, hãy quyết định đúng đắn.

Muốn vậy hãy tuyên bố ý định hợp tác, tắt ra-đa và máy bộ đàm, xếp hàng và hạ vũ khí."

Cùng với sự thay đổi giọng điệu, từ phía đường chân trời một chiếc tàu chiến Nga xuất hiện mũi hướng đến đảo, chiếc Vasily Bykov tàu tuần tra mới nhất của Hải quân Nga lừng lững nổi bật trên mặt nước biển, khoảng giữa trưa thêm một chiến hạm khác tham gia cùng với chiếc Vasily Bykov từ từ tiến gần hòn đảo, chính chiếc chiến hạm này là tác giả đã gửi đi vô số cuộc điện đàm đe dọa trên, nó chính là soái hạm khét tiếng của Nga trong Hạm đội Biển Đen, tuần dương hạm tên lửa Moskva.

Sự xuất hiện của những chiến hạm không chỉ thay đổi diện mạo của đường chân trời mà gần như ngay lập tức sau khi đến khoảng cách đủ gần quân Nga đã sử dụng pháo binh trên boong để bắn loạt đạn đầu tiên lên đảo, tàu Vasily Bykov khai hỏa trước tiên nhưng các quả đạn không đến được mục tiêu mà rơi xuống biển cách bờ biển đá dốc đứng của đảo Zmiinyi không xa.

Địa lý thường thức,
Thoạt nhìn, có thể chúng ta ngạc nhiên là tại sao người Nga lại cần tới hai chiến hạm mạnh mẽ như vậy chỉ để chiến đấu với 80 binh sĩ được trang bị vũ khí hạng nhẹ hòng giành lấy một mảnh đá có kích thước chưa bằng một nửa thành phố Vatican, nhưng nếu bạn nhìn kỹ vị trí của Đảo Zmiinyi trên bản đồ thì rõ ràng nó là chìa khóa để kiểm soát hoặc mở toàn bộ vùng biển Ukraine.

Khoảng cách từ đảo đến bờ biển Odessa Oblast theo đường chim bay ở một số nơi chưa đến 40km, nếu các thiết bị phòng không, rada và tên lửa hiện đại được đặt trên đảo nó cho phép kiểm soát không phận và vùng biển trong khu vực kéo dài từ cửa sông Danube đến thành phố Odessa và xa hơn nữa dọc theo bờ biển. Trên thực tế bất cứ ai kiểm soát Zmiinyi sẽ kiểm soát phần biển của Ukraine.

Ngoài ra, việc kiểm soát đảo Zmiinyi sẽ cho phép người Nga lên kế hoạch đổ bộ vào các vùng Odessa hoặc Mykolaiv, rất thuận tiện để cung cấp vòng đai phòng không cho họ từ đảo.

Vào công chuyện tiếp,
Nhóm lính chưa tới một đại đội Ukraine này đã phớt lờ yêu cầu đầu hàng trong vài giờ, đã ngăn các chiến hạm Nga hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này vào ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, chiến hạm Nga coi thất bại này là điều không thể chấp nhận, do đó phía Nga đã chuyển khá nhanh từ thuyết phục bằng đàm thoại sang lập luận thuyết phục hơn, họ sử dụng pháo liên tục và khi ngay cả hỏa lực pháo binh cũng không có hiệu quả, chiến đấu cơ lập tức xuất hiện trên bầu trời, ngay sau buổi trưa quân Nga bắt đầu không kích hòn đảo bằng máy bay Su-27 và Su-34, các cuộc tấn công tiếp nối sau cuộc tấn công, chỉ trong 3 tiếng quân Nga đã san bằng mọi thứ trên đảo, soái hạm Moskva bổ sung vào cuộc tàn phá bằng hỏa lực từ các khẩu đại bác của nó.

Cùng trong lúc này có hai chiếc thuyền nhỏ được điều ra nhằm sơ tán lực lượng đang cập đảo tại cầu tàu -mỗi chiếc có thể chở được 20 người- đã đến được đảo Zmiinyi từ đất liền Ukraine, tuy nhiên chỉ có ba thường dân đồng ý rời đảo.

Đến tối tình hình trên đảo trở nên hoàn toàn không thể chịu nổi, các cuộc pháo kích vẫn tiếp tục, giọng nói trên điện đài phát đi từ soái hạm Moskva ngày càng trở nên giận dữ, họ không còn hứa hẹn nhắc đến câu "hứa hẹn triển vọng phát triển nghề nghiệp" nữa mà chỉ đơn giản là đe dọa sẽ bị tiêu diệt.

Quân đồn trú Zmiinyi cũng không kém phần cáu kỉnh, nhóm lính không có thương vong sau vụ pháo kích nhưng việc hiểu rằng họ bị bỏ lại một mình với 'sát thủ hàng không mẫu hạm' mà không có cơ hội sẽ nhận được tiếp viện từ đất liền đã khiến bầu không khí trên đảo trở nên nặng nề chết chóc.

Câu thiệu nổi tiếng,
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi đến một lúc -khoảng 6 giờ tối- thần kinh của mọi người không còn giữ vững được nữa và với tất cả sự điên dại và khinh miệt tích tụ trong ngày đã tuôn ra thành 'thông điệp' nổi tiếng gửi cho tàu chiến Nga để trở thành một trong những câu thiệu -khẩu hiệu- nâng cao tinh thần mọi binh sỹ nhất của cuộc chiến này.

Người Nga tiếp tục kêu gọi lính Ukraine trên đảo hạ vũ khí đầu hàng, các người lính trực điện đài và những chiến binh TQLC khác gần đó rảnh tay thay nhau lên sóng chửi qua lại với thủy thủ Nga trên soái hạm Moskva nhằm trút hết những tức giận tích tụ trong ngày, không ai quan tâm ai nói gì, tất cả những nguyền rủa độc địa mà họ có thể nghĩ ra được gào lên trong ống nghe chỉ nhằm trút hết bực tức trong người của các chiến binh đã bị dồn nén trong suốt trận pháo kích và trong một tình cờ câu chửi của một chiến binh đã được truyền miệng thành một câu thiệu để đời!

Trong thực tế việc ghi âm cuộc trò chuyện này không phải được thực hiện trên đảo mà tại trụ sở của lực lượng biên phòng nằm trên đất liền -chính họ đã phổ biến thông điệp này và nó trở thành một câu cửa miệng trong dân chúng cũng như quân đội Ukraine- những người lính biên phòng trên đất liền đã sử dụng hệ thống bộ đàm liên lạc để theo dõi diễn tiến trên đảo, qua đó họ có thể nghe thấy tất cả các cuộc đối thoại trên đảo Zmiinyi và một người lính biên phòng đã dùng điện thoại quay lại lúc họ đang theo dõi đoạn đối thoại nổi tiếng của cuộc điện đàm này.

Bản thu từ đảo Zmiinyi này có sẵn vào tối muộn ngày 24 tháng 2, tuy vậy ông Anton Herashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine đã xử lý thông tin quá vội vàng và bất cẩn, ông đã kết hợp cuộc điện đàm thực sự của những người lính biên phòng Ukraine với huyền thoại hoàn toàn bịa đặt về 12 anh hùng liệt sĩ trên đảo Zmiinyi, huyền thoại này thậm chí còn được đưa vào bài phát biểu của Tổng thống Zelensky sau đó.

Tình thế của đảo Zmiinyi cũng thực sự cay đắng, chỉ khoảng một giờ sau khi soái hạm Moskva bị từ chối lời kêu gọi đầu hàng nổi tiếng  trên kia, sau một đợt tấn công dữ dội bằng hỏa lực trên chiến hạm các liên lạc với hòn đảo bị mất và các tàu chở lính dù Nga đổ bộ lên đảo, toàn bộ lực lượng đồn trú cũng như số dân thường trên đảo đều bị bắt.

Hệ lụy từ huyền thoại,
Huyền thoại về những chiến binh đã ngã xuống trên hòn đảo đã đưa đến một bước ngoặt bất ngờ tệ hại khác khiến 21 người bị quân Nga bắt tù binh.

Sau khi nhận được tin trên các báo đài về câu chuyện 12 chiến binh đã hy sinh trên đảo, một nhóm tình nguyện được hình thành gồm 2 người dân, ba linh mục: Leonid Bolharov, Vasyl Virozub và Oleksandr Chokov tuyên úy quân đội (thuộc Lữ đoàn 35 TQLC có nhóm quân nhân trên đảo), một bác sỹ nhi khoa tên Ivan Tarasenko...mục đích đi ra đảo thu lượm xác các tử sỹ mang về Odessa chôn cất.

Những người tình nguyện dựa trên một thỏa thuận với người Nga (?) rằng dân thường và các linh mục có thể lên đảo để lấy xác các tử sỹ, nhóm tình nguyện thậm chí còn được cung cấp những chiếc túi đựng xác đặc biệt.

Sáng ngày 26 tháng 2 chiếc tàu cứu hộ tên Sapfir chở nhóm người tình nguyện đến gần hòn đảo và bị chặn lại trước khi cập đảo, Thủy quân lục chiến Nga lên tàu bắt mọi người quỳ xuống tay trên đầu và bắt đầu tra hỏi về nhiệm vụ của tàu.

Sau khi trình bày lý do đến để thu hồi thi thể của các tử sỹ Ukraine,  một trong những người lính Nga rút điện thoại di động ra và cho họ xem đoạn video trong đó nói rõ rằng tất cả lính biên phòng và lính thủy quân lục chiến của Ukraine đã bị bắt và còn sống, mọi người trên tàu đều vui mừng cho đến khi bị hỏi vặn lại, nếu các chiến binh Ukraine còn sống thì sự có mặt của mọi người trên tàu ở đây chỉ là để do thám! 

Các linh mục và vị bác sĩ ngay sau đó bị bắt đưa đến thành phố Sevastopol ở Crimea, họ bị thẩm vấn tại trung tâm của FSB (cục điều tra an ninh liên bang Nga) nhiều lần, toàn bộ những người khác và thủy thủ đoàn trên tàu Sapfir còn lại mãi 11 ngày sau mới được chuyển đến Crimea nhốt chung với nhau.

Vài ngày sau, tất cả tù binh chiến tranh của tàu Sapfir bị đưa lên một chiếc máy bay quân sự Il-76 chở đến trại tù binh ở Belgorod Oblast ở Nga rồi sau đó đến một trung tâm giam giữ riêng của quân đội ở thị trấn Starii Oskol ở Nga, cuối cùng họ cùng với nhóm tù binh chiến tranh khác được trao trả vào ngày 24 tháng 3.

Một số tù binh bao gồm cả chỉ huy đảo Hotskyi được trao trả cho Ukraine sau một cuộc trao đổi POW lớn vào tháng Tư, các linh mục được thả ra khỏi nơi giam cầm lần lượt riêng biệt với nhau, Linh mục chính thống Vasyl là người cuối cùng được trả tự do ông đã về lại Ukraine vào tháng Năm.

Tinh dịch 42, từ PravdaUkrainska.

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Iran Fadak 2 unguided aircraft missiles

Viện trợ từ Iran?

Trong hình là các máy bay trực thăng Mi-17V-5 cũ của Afghanistan đang được Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng (một số trực thăng này đang được Ukraine bảo trì thì Afghanistan đổi chủ) bên cạnh trực thăng là loạt tên lửa loại thường -không có hệ thống dẫn đường- "Fadak 2" do Iran sản xuất.

Vấn đề hơi lạ ở đây là, theo số liệu in trên thân vũ khí, những tên lửa này được sản xuất vào năm 2022.

Chú thích thêm: "Ngày 13 tháng 4 năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cung cấp 16 máy bay trực thăng Mi-17 cho chính phủ Ukraine để hỗ trợ quốc phòng trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, trong đó gồm cả 5 chiếc đang được bảo dưỡng ở Ukraine vào thời điểm Afghanistan sụp đổ. Những máy bay trực thăng này thuộc về chính phủ Afghanistan cũ nhưng do Hoa Kỳ trả tiền theo Quỹ Lực lượng An ninh Afghanistan. Do đó Lầu Năm Góc coi những chiếc máy bay này là tài sản của Mỹ sau khi chính phủ đó sụp đổ vào tháng 9 năm 2021".







-Có thể đây là số vũ khí mà Do thái tịch thu được từ Iran rồi chuyển cho Ukraine.

-Anh quốc cũng từng có chặn bắt được hàng vũ khí từ Iran trên đường chuyển cho Yemen.

- Iran ngầm bán cho lái buôn trôi nổi tới Ukraine.

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Trận tập kích Conoco, 4 giờ chạm trán giữa Nga và Mỹ ở Syria.

Đọc truyện chiến tranh cứ như lần mò trong bóng tối! Không có đúng sai.

Trận Khasham aka Nhà máy lọc dầu Conoco.

Viễn cảnh về va chạm giữa lực lượng quân sự Nga và Mỹ từ lâu đã là điều lo ngại khi các đối thủ 'Chiến tranh Lạnh' đứng về hai phía đối đầu trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria khi mỗi bên đều tìm cách gây ảnh hưởng ở Trung Đông.


Các chỉ huy của 2 quân đội từ đầu đã tìm cách tránh đối đầu trực tiếp bằng cách nói chuyện qua các đường dây điện thoại nóng, trước vụ tấn công này Nga và Mỹ mỗi phía đã hỗ trợ các cuộc tấn công riêng biệt nhằm chống lại ISIS ở tỉnh Deir el-Zour giàu dầu mỏ của Syria tại khu vực giáp biên giới với Iraq.

Chỉ huy quân sự Mỹ liên tục được báo báo về số lượng quân tập trung ngày càng đông bên phía kia của bờ sông Euphrates, hệ thống kiểm thính của Mỹ theo dõi liên lạc vô tuyến đã bắt được các liên lạc mặt đất nói bằng tiếng Nga, nhưng khi được thông báo tới các cố vấn quân sự Nga thì họ cho biết đó là quân chính phủ Syria và không có thẩm quyền kiểm soát các chiến binh tập hợp gần sông. Do được xác nhận từ bộ chỉ huy cấp cao của Nga ở Syria bảo đảm rằng đó "không phải là lính Nga", Tướng Joseph F Dunford Jr, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân tại Syria ra lệnh: "Tiêu diệt."

Sau này tình báo Mỹ xác thực đây là tập hợp của lực lượng quân đội của Syria, gồm một số binh sĩ và dân quân chính phủ Syria và phần lớn là lính đánh thuê Wagner thường được Nga sử dụng để thực hiện các mục tiêu mà họ không muốn tai tiếng dính tới chính phủ Nga.

Địa điểm diễn ra trận đánh,
Một nhóm hỗn hợp gồm khoảng gần 30 biệt kích Delta và Biệt động quân từ Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Chung đang cùng với lực lượng người Kurd và Ả Rập thiết lập phòng thủ tại một tiền đồn nhỏ đầy bụi bặm bên cạnh một nhà máy khí đốt Conoco, gần thành phố Deir el-Zour.

Cách đó khoảng 20 dặm tại một căn cứ hỏa lực hỗ trợ trong khu vực, nơi đồn trú một đội Biệt kích mũ nồi xanh và một trung đội Thủy quân lục chiến, các chuyên viên nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính của họ, dữ liệu đang được nhận trực tiếp từ UAV và sau đó chuyển cho lực lượng Mỹ đang đồn trú tại nhà máy lọc dầu nhằm báo động về việc các lực lượng địch đang tập hợp.

Ngày 7/2/2018, vào lúc 3 giờ chiều, lực lượng Syria bắt đầu có ý định tiến về phía nhà máy Conoco, đến đầu giờ tối đã có hơn 500 binh sĩ và 27 phương tiện gồm xe tăng và xe bọc thép đã tập hợp bên kia bờ sông. Căn cứ Không quân của Hoa kỳ tại Al Udeid ở Qatar và Lầu Năm Góc ra lệnh đặt các máy bay trong khu vực trong tình trạng báo động tác chiến.

Trở lại căn cứ hỏa lực hỗ trợ, biệt kích Mũ nồi xanh và Thủy quân lục chiến được lệnh chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng phản ứng nhỏ -gồm 16 binh sĩ trên bốn chiếc Humvee- trong trường hợp họ cần đến khu vực nhà máy Conoco để tiếp viện, các chiến binh kiểm tra vũ khí của mình và chắc chắn rằng các xe được chất đầy tên lửa chống tăng, kính quang học, thức ăn và nước uống, mọi người sẵn sàng.

Vào lúc 8:30 tối  một cánh tấn công của địch gồm ba xe tăng T-72 di chuyển về hướng cách nhà máy Conoco khoảng một dặm chuẩn bị tấn công, khi các biệt kích mũ nồi xanh -Green Berets- chuẩn bị tung ra lực lượng phản ứng nhanh để đối đầu thì bất ngờ một đoàn xe tăng và các xe bọc thép khác xuất hiện từ một khu dân cư mà địch quân đã tập trung từ trước nhưng không bị phát hiện, đoàn chiến xa quay đầu và lao về phía họ, nửa giờ sau toàn bộ lực lượng lính đánh thuê Nga và lực lượng Syria đồng loạt tấn công.

Tiền đồn Conoco bị tấn công bằng hỗn hợp hỏa lực pháo 125mm từ xe tăng, pháo lớn từ bên kia sông và đạn cối, không gian bị quấy tung lên với khói bụi và mảnh đạn, Biệt kích Mỹ và các người lính khác nấp sau các gờ đất bắn tên lửa chống tăng và súng máy vào đoàn xe bọc thép đang tiến lên.

Trong 15 phút đầu tiên của trận chiến, các cố vấn quân sự Mỹ đã gọi điện cho những người đồng cấp Nga thông báo và thúc giục ngừng cuộc tấn công, khi những cố gắng đó thất bại, phía Hoa Kỳ đã phản pháo cảnh cáo vào nhóm chiến xa và khẩu đội pháo của địch, nhưng đoàn quân địch vẫn tiến lên.

Phản công, không kích và bộ chiến,
Thoạt đầu là một loạt đạn pháo M777 của pháo binh TQLC...

Các máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công theo từng đợt, gồm máy bay không người lái Reaper, máy bay chiến đấu tàng hình F-22, máy bay chiến đấu tấn công F-15E, máy bay ném bom B-52, máy bay AC-130 và máy bay trực thăng AH-64 Apache, liên tục trong ba tiếng tiếp theo các cuộc tấn công từ trên không đã dồn tất cả hỏa lực vào bộ binh địch cả xe tăng và các xe bọc thép, trên mặt đất pháo binh Thủy quân lục chiến cũng tiếp tục góp mặt không ngừng.

Đội phản ứng tiếp viện của biệt kích được phái đi trên 4 chiếc Humvee tăng tốc về phía mặt trận, trời tối và đường đầy những đường dây điện bị đứt, cột điện nghiêng ngả và hố bom, quãng đường 20 dặm càng trở nên khó khăn hơn vì những chiếc Humvee chạy không bật đèn pha, tài xế lái xe phải dựa vào ống kính nhìn đêm.

Khoảng 11:30 đêm nhóm tiếp viện Mũ nồi xanh và Thủy quân lục chiến đến gần nhà máy Conoco, họ buộc phải dừng lại vì các trận oanh kích quá nguy hiểm để có thể lái xe băng qua, phía phòng thủ nhà máy toán biệt kích bị pháo binh địch ghìm chặt, một loạt đạn bắn trúng làm cháy kho đạn, những tia lửa khạc ra từ họng súng xe tăng, từ vũ khí phòng không, từ hỏa lực trên không dội xuống và các loại súng cá nhân nổ liên tục thắp sáng không trung, mãi đến lúc 1 giờ sáng khi hỏa lực pháo binh yếu dần, đội Thủy quân lục chiến và Mũ nồi xanh mới có cơ hội đến được gần tiền đồn Conoco và bắt đầu nổ súng vào lực lượng bộ binh địch, lúc này phần lớn máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ đã quay trở lại căn cứ vì hết nhiên liệu hoặc đạn dược.

Phía biệt kích Mỹ lúc này -có thêm nhóm phản ứng nhanh- quân số tổng cộng khoảng 40 người, cùng chuẩn bị phòng thủ trong khi những người lính đánh thuê Wagner rời khỏi các xe bọc thép và di chuyển bộ hướng về tiền đồn ngày càng gần.

Một số lính thủy quân lục chiến nạp đạn cho súng máy và chuẩn bị bệ phóng Javelin để nằm rải rác dọc theo các gờ chiến hào và chen chúc giữa các xe truck, vài người lính mũ nồi xanh và Thủy quân lục chiến khác đang nhắm thử mục tiêu từ các lỗ châu mai ra ngoài, vài người khác ngồi trong xe truck đang sử dụng kết hợp ống kính tầm nhiệt và cần điều khiển để điều khiển và bắn súng máy hạng nặng gắn trên nóc xe, vài lính biệt kích với nhiệm vụ làm hướng dẫn tác xạ cho Không quân đang sử dụng bộ đàm để hướng dẫn đội máy bay ném bom tiếp theo bay về phía chiến trường, cuộc chiến tiếp tục ác liệt với toàn bộ hỏa lực từ hai phía.

Khoảng một giờ sau, các cánh quân địch bắt đầu rút lui và quân Mỹ ngừng bắn, từ tiền đồn các biệt kích theo dõi từ xa nhóm lính đánh thuê và các chiến binh Syria quay lại thu thập xác chết của họ, nhóm nhỏ của Biệt kích Mỹ không bị thiệt hại, chỉ một chiến binh người Syria bị thương.

Đì bết,
Con số thương vong của trận đánh 7/2 gây tranh cãi không ít.

Ban đầu, các giới chức Nga cho biết chỉ có bốn công dân Nga thiệt mạng và một sĩ quan Syria cho biết khoảng 100 binh sĩ Syria đã thiệt mạng.

Theo các phóng viên báo Times ước tính khoảng 200 đến 300 người thuộc lực lượng ủng hộ chế độ đã bị tử thương.

Kết quả của trận chiến cho thấy rằng lính đánh thuê Nga và các đồng minh Syria của họ đã sai lầm khi thực hiện một cuộc tấn công quy mô, đơn giản -không ngụy trang, không giữ bí mật- vào một vị trí quân sự của Hoa Kỳ, kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003, Hoa Kỳ đã tinh chỉnh số lượng thiết bị, hậu cần, phối hợp và chiến thuật cần thiết nhằm phối hợp vũ khí để tác xạ tấn công từ cả trên không và dưới đất. Họ đã lãnh trọn cơn cuồng nộ của tất cả vũ khí hạng nặng từ không lực và bộ binh Mỹ trên một đia hình trống trải.

Thêm câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về việc lính đánh thuê Nga tại sao họ lại tấn công vào nhà máy Conoco, tình báo Hoa Kỳ cho rằng Tập đoàn Wagner -đang ở Syria để chiếm giữ các mỏ dầu khí và bảo vệ chúng thay mặt cho chính phủ Assad- các giới chức phỏng đoán có thể những người lính đánh thuê được hứa thưởng một phần tiền thu được do sản xuất từ ​​​​các mỏ dầu mà họ chiếm được.

Lính đánh thuê được biết là phối hợp rất lỏng lẻo với quân đội Nga ở Syria mặc dù các chỉ huy của Wagner được biết đã từng nhận được khen thưởng từ Kremlin và lính đánh thuê được huấn luyện tại các căn cứ của Bộ Quốc phòng Nga.

Bộ chỉ huy quân đội Nga ở Syria khẳng định họ không tham gia vào trận chiến, nhưng quân Nga đã liên tục gây nhiễu điện tử các máy bay không người lái và các trực thăng chiến đấu -Gunship- của Hoa Kỳ, chẳng hạn như loại trực thăng được sử dụng trong cuộc tấn công này.


Tinh dịch từ  NewYork Time. (Dịch và tinh chỉnh).

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Hostomel, khởi đầu thất bại.

Lời kể của các chiến binh Ukraine,

Nhìn lại trận chiến tại Sân bay Hostomel theo lời kể của các người lính thuộc đơn vị đã thành công trong việc ngăn cản 18 máy bay vận tải Il-76 của Nga hạ cánh sau khi lực lượng nhảy dù Nga -VDV- bất ngờ tập kích lực lượng Ukraine canh phòng sân bay.

Quân đội Nga lên kế hoạch sử dụng sân bay Hostomel, cách khoảng 30km bên ngoài Kyiv để làm đầu cầu đưa quân trực tiếp đến thủ đô. Một nhóm binh sĩ Ukraine đã chiến đấu thành công nhằm ngăn chặn quân Nga sử dụng sân bay làm bãi đáp, buộc họ phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch để dùng đường bộ, cứu nguy cho Kyiv không bị lọt vào tay Nga.

Lực lượng nhảy dù tinh nhuệ của Nga đã hạ cánh bằng trực thăng vài giờ trước đó vào ngày đầu tiên của cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine. Nếu lực lượng nhảy dù khống chế được sân bay và vùng phụ cận, Nga có thể dùng đường không vận chuyển đến hàng trăm binh sĩ và hành quân thần tốc đánh chiếm thủ đô Kyiv, một phần trong kế hoạch buộc Ukraine đầu hàng nhanh chóng của Putin.

Nỗ lực đánh chiếm sân bay của Nga thể hiện chiến thuật đầy tham vọng của các nhà lập kế hoạch quân sự Nga cho rằng lực lượng phòng thủ Ukraine sẽ sụp đổ trước hỏa lực áp đảo của Nga, các quan chức và bộ máy tuyên truyền Nga trong nhiều năm đã khoe khoang rằng quân đội của Moscow có thể áp đảo nước láng giềng nhỏ hơn chỉ trong vài ngày.

Nhưng sự kháng cự của quân đội Ukraine đã làm chậm bước tiến của Nga, khiến nó bị chặn đứng hoàn toàn ở khu vực xung quanh Sân bay Hostomel sau một ngày giao tranh qua lại, sự kháng cự mạnh mẽ và hiệu quả của Ukraine là một trong những lý do lớn khiến các lực lượng Nga không đạt được mục tiêu đề ra.

Bản tường thuật này dựa trên các lời kể lại của hai chiến binh Ukraine trực tiếp tham gia vào cuộc giao tranh tại sân bay.

Chuyện kể của Trung úy Andriy Kulish, Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Dấu hiệu đầu tiên của chiến tranh ở Hostomel xuất hiện vào lúc 7 giờ sáng ngày 24 tháng 2, vài giờ sau khi Tổng thống Putin tuyên bố xâm lược, khi một tên lửa hành trình lao xuống đất cách khu chung cư ở ngoài sân bay vài mét, nổ tung thành một miệng hố và thổi bay các cửa sổ của tòa nhà.

Sân bay có một đường băng dài được sử dụng để thử nghiệm máy bay khiến nó trở thành mục tiêu cho lực lượng không vận Nga tìm cách kiểm soát và sử dụng.

Đơn vị Vệ binh Quốc gia Ukraine bảo vệ sân bay hiện đang ở mức tối thiểu về nhân sự vì hầu hết các thiết bị quân sự hạng nặng và quân số của nó đang ở cách hàng trăm cây số về phía Đông, chiến đấu trên tiền tuyến của cuộc chiến mà Nga đã khơi mào tám năm trước đó.

Tuy nhiên đây là Lữ đoàn phản ứng nhanh tinh nhuệ họ đóng quân tại sân bay chính vì kỹ năng chiến đấu và khả năng triển khai nhanh chóng bằng đường không vận. Lữ đoàn được thành lập vào năm 2015, các chiến binh này đã trải qua nhiều năm chiến đấu với các lực lượng ủy nhiệm của Nga ở miền đông Ukraine.

Trung úy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Andriy Kulish -36 tuổi, gia nhập quân đội vào năm 2014- vài giờ sau khi khu vực bị trúng tên lửa  lúc này đang vừa uống trà cùng hai đồng đội thì anh nghe thấy tiếng phần phật của cánh quạt trực thăng ào đến như một cơn bão, nhóm trực thăng tấn công của Nga đã bay thấp tránh radar Ukraine, ngay khi lọt vào tầm hỏa lực hữu hiệu, các trực thăng đã phóng một loạt tên lửa và súng máy vào sân bay và các căn cứ quân sự liền kề, khiến các binh sĩ Ukraine phải chạy tìm chỗ ẩn nấp.

Trung úy Kulish kể lại: "Hỏa lực của Nga vượt trội, tôi có cảm tưởng giống như việc cầm dao xông vào đấu với súng".

Bị oanh tạc từ trên không là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với các chiến binh Ukr bởi vì các lực lượng ly khai do Nga lãnh đạo ở miền Đông không có không quân nên trong suốt 8 năm chiến đấu họ chưa từng bị tấn công từ trên không, nhưng giờ đây các chiến binh đã sớm nhận ra cuộc chiến này hoàn toàn khác.

Kulish cho biết họ dàn quân ra khắp căn cứ và sân bay và bắn trả nhiệt tình và quyết liệt bằng tất cả những gì họ có: súng trường tự động, súng phòng không và một số tên lửa vác vai.

Quân Nga đã sử dụng khoảng 200 trực thăng tham gia sứ mệnh tấn công và đổ quân nhảy dù xuống sân bay, trực thăng chiến đấu bay thành nhóm từng đôi hay ba chiếc một để tấn công sân bay và căn cứ, đợt tấn công ban đầu của Nga đã làm hư hại nặng chiếc máy bay Antonov Mriya - chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới- Trung úy Kulish kể lại ông nhìn thấy một cột khói bốc lên từ hangar chứa máy bay nơi nó đang đậu để sửa chữa.

Quân phòng thủ Ukraine báo cáo đã bắn hạ ba chiếc trực thăng bằng tên lửa, Trung úy Kulish cho biết thêm còn có 2 chiếc trực thăng khác cũng bị bắn hạ bằng đạn súng cá nhân.

Sau gần ba giờ oanh tạc và bắn phá, các máy bay trực thăng của Nga bắt đầu hạ cánh và đổ bộ lính nhảy dù Nga, những lính này đã tản ra và bắt đầu khai hỏa vào lực lượng Ukraine.

Quân phòng thủ Ukraine đã bắn hết tên lửa phòng không và sắp hết các loại đạn dược cá nhân khác, đối mặt với kẻ thù trên mặt đất cũng như trên không, chỉ huy lữ đoàn ra lệnh rút lui, nhóm lính bảo vệ Ukraine mang theo lá cờ của đơn vị và rút lui, đơn vị rút lui an toàn chỉ một người lính bị thương.

Lính dù Nga đã nhanh chóng di chuyển và thiết lập cứ điểm để chuẩn bị cho đợt vận chuyển đổ bộ hàng không. Một đoàn quay phim của CNN đã quay được đoạn video lính dù Nga chạy với súng máy và đạn dược đựng trong hộp gỗ màu xanh lá cây và trao đổi hỏa lực với lực lượng Ukraine.

Chuyện kể của Trung úy Kharchenko, lực lượng dù phản ứng nhanh,
Sáu mươi dặm về phía Tây của sân bay, đơn vị lính dù 48 của Trung úy Kharchenko báo động, toàn đơn vị trang bị vũ khí nhẹ, lên ba chiếc trực thăng và bay về phía Hostomel, nhiệm vụ của họ rất rõ ràng: Xâm nhập vào sân bay, đến đủ gần bãi đáp để hạ gục ít nhất chiếc Il-76 vận tải đầu tiên để không phi công nào khác dám hạ cánh.

Trực thăng đổ quân đến một cánh đồng phía tây sân bay, những người lính dù nhanh chóng nhảy ra khỏi trực thăng, Trung úy Kharchenko cùng cả toán quân lặng lẽ nhưng nhanh chóng băng qua một con đường hai bên là những ngôi nhà, qua cánh đồng với một con mương đầy cây cối và cành cây, vậy mà khi họ tiến được đến gần khu vực hàng rào sân bay một chiếc drone bay vo ve trên đầu, họ đã bị phía địch phát hiện.

Những người lính dù lao về phía trước, nhưng cả toán quân đụng phải một bức tường bê tông cao 2m có thêm hàng rào thép gai bên trên, không thể dùng chất nổ để phá tường nên các chiến binh đã cắt một đoạn thép gai và bắt đầu giúp đồng đội của mình trèo qua bức tường, năm người lính đầu tiên vượt qua êm thắm nhưng ngay sau đó súng máy của Nga bắt đầu khai hỏa vào họ, những chiến binh vừa lọt được vào trong chưa kịp tìm được vị trí ẩn nấp làm mục tiêu cho hỏa lực địch, ba người lính Ukraine trúng đạn bị thương nặng, Trung úy Kharchenko gọi điện nhờ giúp đỡ từ một đơn vị lính dù Ukraine khác có xe bọc thép thuộc cánh quân đang tấn công địch từ phía Bắc sân bay, nhưng chỉ huy của họ -bí danh Monk- trả lời rằng họ vẫn chưa vào được tới nội vi sân bay, họ vẫn còn xa ở ngoài vòng rào an ninh sân bay.

Quân Nga tiếp tục ghìm chặt đại đội lính dù của Trung úy Kharchenko bằng hỏa lực dày đặc, một quả lựu đạn bay tới phát nổ và làm bãi cỏ nơi họ đang nằm bắt lửa cháy, Trung úy Kharchenko cố gắng trấn an những người lính ở phía bên trong bức tường, lo lắng rằng tiếng la hét của họ sẽ khiến quân Nga tìm ra vị trí và tiêu diệt họ. Nhóm chiến binh hiểu rằng tình hình đã thay đổi hoàn toàn, lực lượng nhảy dù Nga đã kịp hoàn thành chiếm lĩnh và xây dựng một tuyến phòng thủ tốt bên trong sân bay, những người lính dù chỉ còn cách rút xẻng cá nhân và vội vã tiến hành đào một đường hầm dưới bức tường nhằm có thể kéo đồng đội bị thương của họ ra ngoài.

Trung úy Kharchenko gọi pháo binh Ukraine pháo kích vào tọa độ địch từ phía nam, tin từ bộ đàm thông báo Monk và các chiến binh đã bắt đầu chạm súng từ mũi tấn công phía bắc và một đơn vị Ukraine khác đang di chuyển tới từ phía Đông Nam bằng các phương tiện chuyên chở dân sự, do không tấn công thâm nhập được vào nội vi sân bay, nhóm lính dù thiết lập một điểm bắn tên lửa phòng không ở cánh đồng bên ngoài bức tường để nhắm bắn máy bay đáp trên đường băng.

Vài giờ sau khi trận chiến bắt đầu tình thế đã thay đổi rõ ràng, lực lượng lính dù Nga do trang bị nhẹ và không có tiếp viện nên đã bị bao vây chặt, chỉ huy Ukraine liên lạc qua bộ đàm rằng thông tin tình báo mới nhất cho biết những chiếc Il-76 đã hủy bỏ nhiệm vụ đổ quân, họ sẽ không mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay và kêu gọi lính Nga đầu hàng. Ngay lúc đó qua bộ đàm Monk thông báo một đoàn chiến xa Nga đang tiến đến từ phía Bắc hướng đến khu vực của nhóm kính dù của Trung úy Kharchenko.

Nhóm lính nhảy dù của Trung úy Kharchenko sau khi đào được đường hầm chui qua bức tường sân bay, kéo được một chiến binh bị thương nặng bất tỉnh ra, 2 người còn lại cũng trong trạng thái rất xấu nhưng khi nhận được tin đoàn chiến xa Nga đang đến rất gần họ không còn chọn lựa, bỏ lại các chiến binh còn mắc kẹt bên phía kia hàng rào, 2 trong số đó bị thương và bất tỉnh. Nhóm lính dù rút về phía Nam, cả nhóm di chuyển chậm chạp vì một số đã bị thương -trong đó có Trung úy Kharchenko đã bị trúng đạn ở chân- cả nhóm mất khoảng 40 phút để băng qua cánh đồng mà lúc nãy họ đã băng qua chỉ không tới 10 phút lúc tiến quân vào phi trường.

Gần ra đến đường nhựa nhóm lính dù nghe thấy tiếng gầm rú của xe bọc thép Nga đang tiến về phía họ, cả nhóm nhanh chóng tản ra phục kích, sau khi hạ gục chiếc xe tăng dẫn đầu và trút hết số tên lửa còn lại vào các chiếc xe bọc thép đi sau, pháo binh Ukr cũng được điều chỉnh góp phần tấn công khiến các chiếc xe bọc thép khác quay đầu rút lui.

Khi những người chiến binh Ukraine mò mẫm trong bóng đêm trên đường rút về hướng Nam tới Kyiv, một chiếc ô tô dân sự đi ngang qua đã dừng lại và chở nhóm lính dù tả tơi đi. 

Lính dù Ukraine trong những giờ đầu của cuộc chiến đã không chiếm lại được sân bay, nhưng họ đã thành công ngăn chặn chiến dịch đổ bộ đường không của Nga. Ukraine đã nhanh chóng điều quân tiếp viện để ngăn chặn lực lượng Nga trên chiến trường xung quanh Hostomel và các thị trấn lân cận, nơi đã chứng kiến ​​giao tranh ác liệt trong những ngày này, các máy bay vận tải cỡ lớn chở quân từ các sân bay Belarus đã không có cơ hội hạ cánh xuống sân bay Hostomel.

Kết, Trung úy Kharchenko đang dưỡng thương trong một bệnh viện ở thị trấn gần Kyiv, anh đang ngồi hút thuốc bên ngoài một ngày sau cuộc đột kích thì một người lính trẻ cũng với y phục bệnh viện tiến đến chào, Kharchenko không nhận ra ai, anh lính tự giới thiệu: "Em là người lính trinh sát", đó là người lính nhảy dù đầu tiên nhảy qua hàng rào ở sân bay, anh ta đã bò ra ngoài từ cái hố dưới bức tường mặc dù bị thương khá nặng ở lưng do trúng miểng lựu đạn, được người dân địa phương tìm thấy sáng hôm sau và đưa đến bệnh viện.

Viết lại từ bài của James Marson 3/2022.

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Điệp vụ trong bóng tối, Chiến dịch Storm-333, tập 2

Storm-333 chỉ là một phần của chiến dịch lớn hơn, là chiến dịch "Baikal-79" nhằm chiếm giữ và kiểm soát khoảng 20 cứ điểm quan trọng trong và chung quanh Kabul, bao gồm các trụ sở chính phủ và căn cứ quân sự, trung tâm liên lạc và nhà tù aka lật đổ chính phủ Afghanistan hiện tại.

Lực lượng tham dự,

Tham gia vào chiến dịch có 24 biệt kích của lực lượng Alpha và 30 biệt kích của lực lượng Vympel đều trực thuộc KGB, Ngoài ra còn có 87 binh sĩ thuộc Trung đoàn Dù số 345 và 520 người lính thuộc Biệt đội Spetsnaz số 154 (lực lượng đặc biệt Liên Xô) của Bộ Quốc phòng Liên Xô được đặt tên là "Tiểu đoàn Hồi giáo" bởi vì nó chỉ bao gồm các binh sĩ theo đạo Hồi từ các nước cộng hòa phía nam của Liên Xô. Tiểu đoàn này đã được thành lập ở Liên Xô trước đó vào năm 1979 theo yêu cầu cụ thể của nhà lãnh đạo Afghanistan để bảo vệ nơi ở của ông ta vì ông ta không tin tưởng vào quân đội Afghanistan. Lính của hai nhóm Alpha và Vympel được trang bị áo giáp và nón sắt, số còn lại chỉ mặc quân phục bình thường (của lính Afghanistan) để giả làm lính Afghanistan.

Nhóm Alpha với mệnh lệnh ngoài mục tiêu chính là Amin đồng thời tiêu diệt tất cả những người gặp trong cung điện nhằm không để lại nhân chứng nhóm Vympel có nhiệm vụ thu thập tất cả bằng chứng về việc tổng thống Amin hợp tác với Mỹ.

Lực lượng kháng chiến của Babrak Karmal cam kết có 500 chiến binh tham dự nhưng cuối cùng chỉ có nhõn một người có mặt. Lực lượng nhảy dù Liên Xô đồng thời rải quân chiếm giữ con đường chính dẫn đến Kabul cắt đứt mọi khả năng tiếp viện của quân chính phủ nếu có.

Phía Afghanistan canh giữ cung điện có khoảng 2,500 quân gồm đội cận vệ với quân số khoảng 150 quân nhân trong lâu đài, lực lượng phòng vệ chung quanh hàng rào cung điện và các chốt trạm chung quanh, trên một ngọn đồi kế cận cung điện một tiểu tổ gồm 3 xe tăng và lính với nhiệm vụ quan sát từ xa, một đơn vị phòng không trên trục đường vào cung điện cùng nhiệm vụ bảo vệ bầu trời khu vực, dọc theo trục lộ chính vào cung điện được kiểm soát chặt chẽ.

Do cung điện được phòng thủ rất tốt nên yếu tố tấn công bất ngờ rất quan trọng đối với chiến dịch, vì vậy phía Liên Xô đã tiến hành các hoạt động nghi binh, tiến hành các cuộc tập trận quy mô nhỏ ngày 25, 26 và sáng ngày 27, lực lượng phòng thủ Afghanistan được thông báo rằng đây là các cuộc diễn tập bình thường nên lực lượng phòng thủ đã không đề cao cảnh giác các chuyển động của lực lượng Liên Xô. Để giúp thêm vào yếu tố bất ngờ, lính Liên Xô còn được cung cấp quân phục Afghanistan. 

Trận tập kích đẫm máu, 

Cuộc đột kích vào cung điện đúng ra được lên lịch vào lúc 10:00 tối, nhưng do biến động bất ngờ trong vụ tấn công khu đồi phòng thủ cung điện nó được đẩy sớm lên 7:30 tối.

Theo kế hoạch hành quân, 20 phút trước khi cuộc tấn công chính bắt đầu, một nhóm 14 biệt kích dù tấn công ngọn đồi mà các lính xe tăng cùng với lực lượng phòng không Afghanistan đang trấn giữ, lính Afghan không phòng bị và do đang ở trong doanh trại cách xa xe tăng nên nhanh chóng bị khống chế. Từ vị trí này, lính dù Liên Xô đã dùng chính các xe tăng để tác xạ vào cung điện, các hệ thống vũ khí Shilka -phòng không- thu được cũng được toán biệt kích dù sử dụng để nã thẳng vào cung điện.

Theo kế hoạch, các biệt kích chỉ âm thầm  tấn công và chiếm giữ ngọn đồi cứ điểm nơi các xe tăng và hệ thống phòng không rồi chờ đến giờ hành động, nhưng vì lý do nào đó nhóm biệt kích đã -quá phấn kích- bắn vào cung điện!

Khi thấy nổ và cháy tại cung điện, tuy lúc đó mới 7:15 tối Đại tá Kolesnik chỉ huy cánh quân tấn công chính do nghi ngờ có biến động nên đã ra lệnh tấn công lâu đài trước kế hoạch. Chiến dịch Storm 333 bắt đầu.

Các khẩu phòng không Shilka bắt đầu trận tấn công bằng tất cả hỏa lực sẵn có, nó trùm lên bên ngoài cung điện một màn lửa đạn phòng không đỏ rực, hai khẩu khác bắn chéo vào các vị trí tiểu đoàn bộ binh Afghan phòng thủ cung điện nhằm hỗ trợ cho đại đội lính dù LX tiến vào chiếm giữ vòng đai phòng thủ phía ngoài cung điện.

Lực lượng đặc biệt KGB và GRU trên 6 xe bọc thép cùng lúc chia làm 3 nhóm theo đường chính tấn công trực tiếp vào khu trung tâm cung điện. Chiếc APC -xe bọc thép- của nhóm biệt kích LX đầu tiên vượt qua chướng ngại vật tại trạm kiểm soát và xuất hiện trên con đường cong dẫn lên cung điện, ngay sau cú rẽ trái nó hứng chịu toàn bộ hỏa lực súng nhỏ và phóng lựu từ phía bảo vệ cung điện bắn đến bốc cháy -con đường vòng theo ngọn đồi lên cung điện được bảo vệ nghiêm ngặt chống mọi cuộc xâm nhập từ bên ngoài, những lối khác dẫn lên cung điện đều bị gài mìn chống xâm nhập- chiếc APC thứ nhì chạy sau đó cũng bị trúng đạn và tê liệt, các biệt kích phải thoát khỏi xe chạy bộ, hầu như toàn bộ biệt kích bị thương, phó chỉ huy của nhóm Zenit trúng đạn tử thương.

Các APC có trang bị súng máy trên nóc xe, nhưng góc bắn hạn chế chỉ tác xạ cao được đến lầu 2 nên các chiến binh Afghan trên lầu 3 và 4 thoải mái nhả đạn chống trả. Một chiếc APC khác của nhóm thứ nhì chạy cố được đến bức tường gạch cách cung điện 20m và đâm thẳng vào đó, các biệt kích cũng phải thoát ra chạy bộ, vài chiếc khác cũng không may mắn hơn, bị bắn hư hỏng không chạy được.

Đúng lúc này, 7:30 tối nhiều tiếng nổ lớn từ phía Kabul khiến quân phòng thủ Afghan bối rối, các vụ nổ làm đứt hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc chính của thành phố và đúng ra nó là tín hiệu bắt đầu của chiến dịch Storm 333, mục đích là để thu hút tất cả lực lượng Afghan về phía vụ nổ, nhưng vì lý do nào đó mà các lực lượng LX đã không thể phối hợp bài bản được.

Hầu hết những biệt kích LX di chuyển bộ và 2 chiếc APC còn lại của nhóm 3 đã tiến đến gần cửa chính cung điện nhưng khi họ qua khúc cua tại góc cuối cùng đã bỏ sót một chốt an ninh của lính Afghan còn nguyên vẹn, khi nhóm xe biệt kích vừa vượt qua, toán lính Afghan bất ngờ tập kích từ phía sau với toàn bộ hỏa lực họ có, thêm một chiếc APC trúng đạn tê liệt ngay tại chốt và cũng vì vậy toàn bộ nhóm biệt kích từ trong xe đổ ra tấn công, toàn bộ nhóm lính phòng vệ Afghan tại chốt an ninh này bị tiêu diệt ngay tức khắc, kết cục không còn bất kỳ hỏa lực nào từ phía sau hay hai bên sườn đe dọa nữa toán biệt kích LX bây giờ nhanh chóng tiến thẳng về phía cửa tòa cung điện.

Một minh chứng cho thấy quân phòng thủ Afghan đã chiến đấu quyết liệt như thế nào: Chiếc APC vào được đến cửa cung điện là chiếc thuộc nhóm tấn công thứ 3, cả hai nhóm tấn công trước đều bị tiêu diệt trên vành đai phòng thủ cung điện. 

Theo thông báo chính thức trong cuộc tấn công vào cung điện Tajbeg có 5 sĩ quan của lực lượng đặc biệt KGB, 6 binh sĩ thuộc "Tiểu đoàn Hồi giáo" và 9 lính dù đã thiệt mạng. Chỉ huy nhóm biệt kích tấn công Đại tá Boyarinov cũng thiệt mạng, hầu hết tất cả những biệt kích tham gia chiến dịch đều bị thương. Ngoài ra, bác sĩ quân y Liên Xô, Đại tá VP Kuznechenkov đã bị giết bởi hỏa lực của chính các biệt kích trong cung điện (ông này sau được trao tặng Huân chương Cờ đỏ). Tuy nhiên theo các ghi chép sau này, thương vong được cho là khoảng 100 lính LX đã thiệt mạng trong  chiến dịch này (?)

Nhóm tấn công cuối cùng cũng đến được phía trước cửa chính của lâu đài, toán biệt kích nhanh chóng rời khỏi xe và chiếm lĩnh các chỗ ẩn nấp gần lối vào, hỏa lực từ các tầng cao bắn ra ghim chặt không cho nhóm lính LX tiến vào cửa chính, ổ súng đại liên bên góc trái nhả đạn liên tục, các chỉ huy Spetsnaz quyết định bằng mọi giá phải lọt vào trong cung điện hoặc sẽ bị tiêu diệt, họ quyết định xung phong trực tiếp dưới mưa đạn thẳng tới khung cửa chính lâu đài -sau phát hỏa tiễn nổ tung cụm súng đại liên góc trái tòa nhà- toàn bộ nhóm lính Spetsnaz vượt dưới hỏa lực súng cá nhân của lực lượng phòng thủ Afghan tiến vào cửa chính lâu đài, cùng lúc đó bên phía phải cung điện nhóm Alpha cũng tràn qua phía cửa sổ xâm nhập vào thẳng khu tầng trệt cung điện.

Hai nhóm biệt kích Alpha và Vympel với tổng quân số chừng 40 người là nhóm xâm nhập vào bên trong lâu đài, toàn bộ lính thuộc Tiểu đoàn Hồi giáo và lính nhảy dù còn lại thực hành nhiệm vụ khống chế tất cả lực lượng bảo vệ Afghan chung quanh cung điện.

Nhóm Alpha với khoảng 20 biệt kích có nhiệm vụ tìm và giết chết Tổng thống Amin và đồng thời tiêu diệt tất cả nhân chứng mà họ gặp trong cung điện. Nhóm còn lại Vympel cũng tương đương số thành viên với nhiệm vụ thu thập tất cả bằng chứng về việc Tt. Amin hợp tác với Hoa kỳ nhằm tố cáo tội ác của ông ta sau này.

 Bên trong cung điện, sự hỗn loạn nhanh chóng lan rộng, khoảng 150 lính cận vệ Afghan chiến đấu dữ dội từ phòng này qua phòng khác trong khắp tầng trệt của lâu đài, các lính LX lần lượt trúng đạn bị thương, cuối cùng sự hoảng loạn đạt đỉnh điểm khi đám cháy bùng phát lên bên trong tòa nhà, đồng thời lúc này GRU đã dập tắt mọi sự kháng cự phía ngoài tòa cung điện, phần lớn lính Afghan buông súng đầu hàng khi họ nhận ra lực lượng tấn công họ là lính Liên Xô chứ không phải quân Mujahideen.

Bên trong cung điện các biệt kích LX đối đầu với lính cận vệ Afghanistan ở mọi góc rẽ, biệt kích LX ném lựu đạn vào từng phòng, rồi xả súng sau mỗi tiếng nổ -nhóm biệt kích Liên Xô đã có lệnh cụ thể là không để lại nhân chứng- mặc dù vậy vẫn có một số người Afghanistan đã trốn thoát.

Trong sự hỗn loạn cực độ, lửa cháy và khói trùm lên mọi nơi, các biệt kích LX lần lượt di chuyển từ phòng này đến phòng khác và tràn lên tầng trên mang theo những tiếng nổ chát chúa của lựu đạn, tiếng rít cùng âm thanh kim loại của từng tràng súng làm tòa nhà rung lên từng chập, các cư dân -dân sự- chạy nháo nhào không phương hướng tìm lối thoát ra ngoài, tiếng gào thét hòa lẫn với tiếng súng làm thành một thứ âm thanh chết chóc kinh hoàng. 

Phủ nhận thực tế, 

Lúc này, tổng thống Amin sau khi được các bác sỹ Liên Xô tận tình cứu cấp đã tỉnh lại sau cơn hôn mê vì bị đầu độc, mơ màng vì vẫn còn ảnh hưởng độc dược, tay vẫn còn dính sợi dây chuyền nước biển, mặc bộ đồ lót quần đùi và áo thun loạng choạng đi vào khu bar rượu của cung điện trên lầu, ông được truyền IV ở cả hai tay và đang vừa đi vừa kéo theo giá đỡ IV, đứa con trai năm tuổi sợ hãi bám lấy chân ông.

Amin cố gắng nói mạch lạc ra lệnh cho phụ tá của mình lập tức thông báo cho các cố vấn quân sự Liên Xô của mình về cuộc tấn công vào cung điện, Amin nhấn mạnh với anh ta: "Liên Xô sẽ giúp chúng ta", nhưng người phụ tá trả lời ngay tức thì: "Người Liên Xô đang tấn công chúng ta"

Những lời này khiến tổng thống nổi giận ông vớ ngay cái gạt tàn gần đó ném vào người phụ tá và hét lên: "Anh đang nói gì vậy, không thể nào!" Sau đó, chính Amin đã cố gắng gọi cho Tổng tham mưu trưởng, nhưng liên lạc đã bị cắt. 

Amin nói giọng trầm xuống: "Tôi đã nghi ngờ điều này, tôi đã đúng" tổng thống Amin mệt mỏi nằm xuống chiếc kệ được làm từ một mặt gỗ lớn.

Bản thân Amin đã phủ nhận thực tế cho đến phút cuối cùng, ông vẫn nghĩ đang bị đảo chính và LX vẫn đứng về phía ông!

Theo báo cáo sau này, Tổng thống Amin vẫn còn sống khi nhóm biệt kích của Liên Xô xuất hiện, họ tiến hành khám xét căn phòng coi còn lính Afghan không và tiếp tục tiến qua phòng khác, sau đó khi họ quay lại ai đó đã bắn chết Amin, cơ thể ông ta nằm được cuộn lại bọc trong một tấm thảm.

Chiến dịch Storm 333 kết thúc, hầu hết lính cận vệ Afghan đều thiệt mạng hoặc bị bắt, tướng Yuri Drozdov đến cung điện vào sáng hôm sau và quyết định dùng cung điện làm tổng hành dinh.

Sau khi chắc chắn rằng chiến dịch đã thành công, Liên Xô đã dùng máy bay đưa Babrak Karmal thẳng đến Kabul đảm nhận vị trí lãnh đạo mới của Afghanistan, cùng lúc này các đài phát thanh và truyền hình Afghan đưa tin rằng Hafizullah Amin đã bị đưa ra xét xử và tử hình vì tội danh kẻ thù của nhân dân và nền Cộng hòa.

Kết, 

Cuộc tấn công nhanh chóng kết thúc chỉ sau 43 phút, Tổng thống Amin chết và biệt kích Liên Xô nắm quyền kiểm soát cung điện.

Kết cục hoàn toàn không có bất kỳ bằng chứng nào về việc hợp tác của Tt Amin với Mỹ, Amin cho đến lúc chết vẫn tin rằng Liên Xô ủng hộ ông!

Người kế nhiệm được lựa chọn cẩn thận của Liên Xô là Babrak Karmal nhanh chóng được bổ nhiệm làm tổng thống mới của Afghanistan, lực lượng Liên Xô dự kiến ở lại ít nhất sáu tháng để củng cố nhiệm kỳ tổng thống của Karmal... Chín năm sau, cuối cùng quân đội Liên Xô cũng đã rút lui, chịu tổn thất lên tới 26.000 binh sĩ tử trận với hơn 50.000 người bị thương.

Gần 12 năm kể từ ngày quân Nga xông vào cung điện, ngày 26 tháng 12 năm 1991 Liên Xô chính thức tan rã, máu và của cải đã tiêu tốn trong quá trình chiếm đóng lâu dài ở Afghanistan đã gây ra thiệt hại không gượng lại được cho Liên Xô và Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Phụ chú: Các tài liệu được góp nhặt từ nhiều nguồn, nếu có sai sót là ngoài ý muốn, hí hí