Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Chuyện về đảo Zmiinyi aka đảo Rắn, phần 2

Kể chuyện chiến tranh như mò mẫm trong sương mù, mọi việc đều mờ ảo!

Zmiinyi - cái bẫy chân gà,
Tối ngày 24 tháng 2 đảo Zmiinyi hoàn toàn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, như vậy Nga đã nắm giữ quyền kiểm soát toàn bộ khu vòng cung ở Biển Đen của Ukraine bao gồm một số yếu tố quan trọng trong vùng

-Yếu tố đầu tiên là các giàn khoan dầu Boiko (Yurii Boiko, là một chính trị gia thân Nga và là cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine bị buộc tội tham ô dưới hình thức mua các giàn khoan dầu mà giờ được đặt tên của ông ta), quân đội Nga đã nhanh chóng biến các giàn khoan dầu từ công nghiệp dân sự thành các cứ điểm quân sự bằng cách chất lên đó các loại vũ khí tấn công và hệ thống phòng không, cùng với Đảo Zmiinyi hình thành thế bao vây cộng thêm các giàn khoan dầu đã tạo thành một tuyến dọc theo bờ biển giúp quân đội Nga có được toàn quyền kiểm soát hỏa lực đối với bờ biển Ukraine.

-Yếu tố quan trọng thứ hai của việc chiếm đóng đảo này là tự hòn đảo sẽ là thành trì nổi của soái hạm Moskva, nó bảo đảm sự di chuyển tự do của chiến hạm trong vùng mà ngoài sức mạnh tên lửa tấn công và pháo binh thì soái hạm Moskva còn có một chức năng cực kỳ quan trọng khác yểm trợ phòng không cho toàn bộ hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga trong vùng, nó bảo đảm điều kiện thuận lợi cho khả năng cơ động và tốc độ phản ứng của hạm đội.

Nhưng quân đội Nga đã không nhận ra rằng chiếm đảo Zmiinyi, như trong truyện xưa về cái chân gà của Tào Tháo, họ đã đánh chiếm một hòn đảo mà rốt cuộc ho không thể kiểm soát như sau này sự thật đã phơi bày.

Khi người Nga đưa binh lính và thiết bị quân sự của họ đến hòn đảo này, họ lại rơi vào tình cảnh giống như những người lính biên phòng Ukraine ngày trước, họ bị mắc kẹt trên biển, hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường tiếp tế từ đất liền và tệ hơn nữa những tuyến đường này thậm chí còn xa hơn đối với người Nga. Nhưng dù sao người Nga có soái hạm Moskva, chỉ với sự hiện diện của nó đã biến các địa điểm riêng biệt nằm rải rác trên biển thành một hệ thống quân sự thống nhất.

Khi cú sốc từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến đã qua đi và rõ ràng là 'đội quân thứ hai trên thế giới' đang phải chịu những tổn thất bất ngờ và trầm trọng ở phía bắc Ukraine và trên mặt trận Mykolaiv, quân đội Ukraine bắt đầu lên phương án để giành lại quyền kiểm soát vùng biển, sẽ không thể kiểm soát vùng biển nếu không có Đảo Zmiinyi và việc tái chiếm đảo sẽ rất khó khăn nếu soái hạm Moskva không bị tiêu diệt, định mệnh của chiếc soái hạm đã được quyết định!

Đánh chìm soái hạm Moskva,
Định mệnh đã bắt kịp chiếc soái hạm xấu số vào đêm 13 tháng 4, tình báo Ukraine phát hiện tọa độ chiếc soái hạm Moskva trên biển, ngay tức tốc Kiev đã gửi yêu cầu tới lực lượng không thám của NATO ở châu Âu để nhờ xác nhận về một mục tiêu quân sự đang ở trong một vùng nhất định mà không nói rõ đó là vật thể gì, phía Ukraine chỉ cần xác nhận là mục tiêu có thật sự hiện diện ở tọa độ đó hay không.

Tình báo NATO trong đó có sự góp sức của một máy bay trinh sát Mỹ P-8 Poseidon đã nhanh chóng trả lời, xác nhận vị trí của soái hạm Moskva đúng như phía Ukraine có, sau khi xác minh được thông tin này quân đội Ukraine đã tiến hành một trong những chiến dịch quân sự xuất sắc nhất trong lịch sử chiến tranh của mình.

BCH quân Ukraine điều 3 máy bay không người lái Bayraktar bay gần chiếc soái hạm và cố tình để bị phát hiện nhằm đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý toàn bộ hệ thống phòng không của chiếc Moskva trong khi hai trái tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine do Poseidon cung cấp được âm thầm phóng đến mục tiêu, soái hạm Moskva cuối cùng đã gặp định mệnh của mình (mà không lâu trước đó người chiến binh giữ đảo đã từng nguyền rủa nó vào ngày 24 tháng 2 vừa rồi).

Đây là một thiệt hại quá lớn đối với hạm đội Nga, sau khi soái hạm Moskva bị đánh chìm thì các chiến hạm khác của hạm đội cũng vội vã di chuyển xa khỏi bờ biển Ukraine, ra khỏi tầm hoạt động của các tên lửa chống hạm Neptunes, kế hoạch đổ bộ và chiếm đóng lâu dài lên đảo bị sụp đổ, nhưng đây chưa phải là kết thúc, sau khi soái hạm ​​Moskva chìm và các chiến hạm khác rời xa, không có sự bảo vệ của hạm đội thì hòn đảo Zmiinyi từ một pháo đài kiên cố trên biển nay trở thành một khối đá trơ trọi giữa biển khơi.

Cho tới thời điểm đó hạm đội Nga đã mang lên đảo một lượng đáng kể vũ khí hạng nặng gồm các hệ thống phòng không Buk và Tr tiên tiến của Nga. Để tái chiếm lại hòn đảo quân đội Ukraine cần phải loại bỏ những vũ khí đó trước.

Thất bại đau đớn,
Đầu tiên là hệ thống phòng không, các tàu cao tốc dùng để vận chuyển và số nhân sự trên đảo của Nga bị phá hủy và tiêu diệt bằng máy bay không người lái Bayraktar, không lực Ukraine đã cố gắng tấn công các giàn thiết bị quân sự của Nga trên đảo hầu như hằng đêm, ngoài những phi vụ tấn công bằng máy bay không người lái Bayraktar sau này còn thêm máy bay ném bom của Ukraine (Quân đội Ukraine biết rõ hòn đảo như trong lòng bàn tay của họ, họ biết hòn đảo đá này không có thể đào công sự trú ẩn và họ biết những nơi mà lính Nga sẽ phải nấp vào khi có pháo kích, không kích!)

Cuối cùng vào đêm ngày 9 tháng 5, lực lượng Ukraine đã sẵn sàng thực hiện nỗ lực đầu tiên để giải phóng hòn đảo, chiến dịch này không có mục tiêu chiếm giữ đảo Zmiinyi vì lưu lại quân đội trên đảo thời điểm này chỉ làm cho họ thành mục tiêu tác xạ từ các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay của hải quân Nga. Đây cũng là lý do tại sao sau các cuộc tấn công bằng máy bay trước đó của lực lượng Ukraine và các cuộc tấn công liên tục bằng máy bay không người lái Bayraktar quân Nga bắt buộc phải sơ tán quân đội khỏi hòn đảo, tuy triệt thoái quân trú phòng nhưng các chuyên viên Nga vẫn đến đó bằng tàu cao tốc để bảo dưỡng các thiết bị còn sót lại và còn hoạt động ở trên đảo, tóm lại hòn đảo đã trở nên không thuận tiện để người Nga sử dụng và nó giờ trở thành mục tiêu chính trong chiến dịch của Ukraine.

Kế hoạch tái chiếm đảo gồm việc đổ bộ biệt kích bằng cả đường biển và đường không lên đảo Zmiinyi, tiếp cận và phá hủy tất cả các thiết bị của Nga đặt trên đảo, cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là phong tỏa tất cả các khu vực cầu cảng có khả năng để tàu thuyền của Nga cập bến, Kyrylo Budanov Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine đã được chỉ thị lập kế hoạch và thực hiện dự án mạo hiểm này.

Máy bay trực thăng và thuyền phải bằng cách nào đó tránh bị phát hiện trước khi đến đảo, vì vậy ưu tiên hàng đầu là phải tiêu diệt bằng được hệ thống phòng không của Nga trên đảo.

Các UAV Bayraktar đã phối hợp xuất kích thành công trong nhiệm vụ tấn công hệ thống ra đa đúng thời điểm ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, khi hệ thống tên lửa phòng không Tor của Nga bị phá hủy, đường ra đảo như rộng mở.

Rạng sáng 9 tháng 5, tám máy bay trực thăng của Ukraine (gồm bốn chiếc Mi-24 và bốn chiếc Mi-8) hướng đến Zmiinyi. Cùng lúc đó bên dưới mấy chiếc pháo hạm bọc thép cỡ nhỏ Gyurza-M cũng lướt sóng hướng về phía đảo. Một chiếc trực thăng Mi-14 săn ngầm bay dọc theo bờ biển của Odessa Oblast, nhiệm vụ của chiếc này là bảo đảm sơ tán trong trường hợp lực lượng tham gia tấn công cần đến.

Nhóm biệt kích Ukraine được thả xuống khỏi trực thăng và bắt đầu triển khai chiếm lĩnh trận địa, nhưng thật bất ngờ không thể tưởng nổi, trước mắt các biệt kích hiện ra một hệ thống phòng không bị phá hủy, nhưng ngay dưới bến cảng là một hệ thống hỏa tiễn Tor khác được tháo rời từ Crimea đang còn được ràng buộc gọn ghẽ nằm trên bong chiếc tàu vận tải đang neo tại đó và hỏa lực từ phía Nga trùm lên nhóm biệt kích vừa đổ bộ từ khắp hướng. Toàn bộ kế hoạch tái chiếm đổ vỡ, nhóm biệt kích rút lui với thương vong nặng nề.

Hôm sau Bộ quốc phòng Nga công bố tổn thất, họ đã tiêu diệt hơn 50 lính dù Ukr, phá hủy một số máy bay trực thăng cả Bayraktar và vài chiếc tàu bọc thép tấn công của Ukraine. Phía Ukraine cũng đưa ra những con số tổn thất khác nhau, thậm chí một số quân nhân còn gọi đích danh Budanov -người đề ra  kế hoạch này- là 'đồ tể' vì đã hy sinh oan uổng những người lính chỉ để hòng cắm cờ trên đảo vào ngày 9 tháng 5 (ngày kỷ niệm chiến thắng Đức quốc xã)

Con số thiệt hại thực sự cũng không có gì bảo đảm chính xác, theo phía Ukraine tổn thất trong chiến dịch này là 10 biệt kích KIA và bị bắn chìm 1 tàu bọc thép, tất cả trực thăng tham gia chiến dịch đều về căn cứ an toàn, chỉ có điều chìm theo khúc ngoặt cay đắng của chiến dịch thất bại này là chiếc trực thăng chống ngầm Mi-14 do Đại tá Ihor Bedzai, Phó Tư lệnh Lực lượng Hải quân Ukraine đã bị quân Nga bắn hạ trên không phận Odessa Oblast, ông chết theo chiếc trực thăng!

Thất bại của chiến dịch tái chiếm này phía Ukraine đã không hoàn tất nhiệm vụ phá hủy các thiết bị của Nga trên đảo cũng như không phong tỏa được các cầu cảng của đảo, tuy nhiên các biệt kích cũng đủ thời gian phá hủy một phần các thiết bị và quan trọng hơn hết sau khi nghiên cứu các hình ảnh do biệt kích mang về, phía Ukraine có đủ hiểu biết để làm thế nào quét sạch quân Nga ra khỏi đảo.

Sau đó Hải quân Nga cũng đã tiến hành một chiến dịch trực thăng vận nhằm đổ quân xuống đồn trú trở lại trên đảo nhưng trong chiến dịch này một chiếc trực thăng của Nga đã bị Ukraine bắn nổ tung lúc đang hạ cánh, chiếc ô phòng không của Hải quân Nga đã không còn đủ hữu hiệu bao bọc cho hòn đảo!

Một tháng sau cuộc tấn công thất bại, các chiến lược gia Ukraine lại tiếp tục lên kế hoạch mới giải phóng hòn đảo với những trang bị vũ khí mới -từ phương Tây- cho quân đội.

Tái chiếm,
Lúc này các vũ khí, pháo binh mới của phương Tây bắt đầu được gởi đến Ukraine và nó mở rộng đáng kể khả năng chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Ukraine, quân đội Ukraine đã quyết định đẩy lui lực lượng Nga khỏi hòn đảo bằng các trận tấn công tên lửa và pháo cỡ lớn. Pháo 155mm của phương Tây có thể dễ dàng tấn công đến hòn đảo từ những điểm gần nhất ở bờ biển phía nam của Odessa Oblast, có những bờ biển chỉ cách hòn đảo Zmiinyi có 40km.

Song song với kế hoạch trên, ngày 20 tháng 6 các tên lửa của Ukraine đã tấn công các giàn khoan dầu ngoài khơi (còn có tên là tháp Boiko) đã được Hải quân Nga biến thành các cứ điểm phòng không để từ đó đe dọa bờ biển Ukraine, kết quả của các cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác là ba trong số bốn giàn khoan bị phá hủy.

Ngày 30 tháng 6, phía Ukraine đã tiến hành liên tục tấn công bằng tên lửa và pháo kích vào đảo Zmiinyi, những bức không ảnh lan truyền vào ngày hôm đó cho thấy hòn đảo bao trùm trong khói đen và lửa.

Đây cũng là thời điểm mà tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine thông báo rằng một đơn vị pháo tự hành 155mm Bohdana do Ukraine sản xuất đã được sử dụng trên chiến trường (chỉ có một khẩu duy nhất và nó cũng chưa được bổ sung vào kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Ukraine).

Sau hơn bốn tháng chiếm đóng quân đội Nga cuối cùng đã di tản những người lính còn lại của họ và rút lui khỏi đảo Zmiinyi.

Trong một thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố việc rút lui là "một cử chỉ thiện chí" cho ta hiểu Nga gián tiếp thừa nhận hoàn toàn việc không thể kiểm soát hòn đảo.

Trong một tuần tiếp sau đó đơn vị Thủy quân lục chiến số 73 đã tiến hành một chiến dịch giải tỏa thủy lôi dưới nước hiệu quả và tạo ra một tuyến đường thủy tới Đảo, các chuyên gia xử lý bom mìn đã dọn sạch mìn và các binh sĩ Ukraine đã có thể tiếp cận hòn đảo và thượng cờ Ukraine trên vùng đất xa xôi này của Ukraine.

Toàn bộ thiết bị của Nga trên đảo bị phá hủy hoàn toàn, theo báo cáo của quân đồn trú Ukraine có hơn 20 đơn vị khí tài quân sự tấ cả.

Chính nhờ giải phóng được Zmiinyi Ukraine đã có thể tạo ra một hành lang ngũ cốc, điều sẽ không xảy ra được nếu quân đội Ukraine không chiếm được lại đảo và đánh chìm soái hạm Moskva. Ngoài những điều trên phía Ukraine đã chấm dứt khả năng Nga kiểm soát bờ biển của Ukraine và của một số quốc gia láng giềng.

Câu chuyện về hòn đảo vẫn chưa kết thúc chừng nào cuộc chiến này chưa chấm dứt để trả lại sự yên bình cho biển Đen, câu này của mình. Hí hí

Tinh dịch 42, từ PravdaUkrainska.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét