Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Điệp vụ trong bóng tối, Chiến dịch Storm-333, tập 2

Storm-333 chỉ là một phần của chiến dịch lớn hơn, là chiến dịch "Baikal-79" nhằm chiếm giữ và kiểm soát khoảng 20 cứ điểm quan trọng trong và chung quanh Kabul, bao gồm các trụ sở chính phủ và căn cứ quân sự, trung tâm liên lạc và nhà tù aka lật đổ chính phủ Afghanistan hiện tại.

Lực lượng tham dự,

Tham gia vào chiến dịch có 24 biệt kích của lực lượng Alpha và 30 biệt kích của lực lượng Vympel đều trực thuộc KGB, Ngoài ra còn có 87 binh sĩ thuộc Trung đoàn Dù số 345 và 520 người lính thuộc Biệt đội Spetsnaz số 154 (lực lượng đặc biệt Liên Xô) của Bộ Quốc phòng Liên Xô được đặt tên là "Tiểu đoàn Hồi giáo" bởi vì nó chỉ bao gồm các binh sĩ theo đạo Hồi từ các nước cộng hòa phía nam của Liên Xô. Tiểu đoàn này đã được thành lập ở Liên Xô trước đó vào năm 1979 theo yêu cầu cụ thể của nhà lãnh đạo Afghanistan để bảo vệ nơi ở của ông ta vì ông ta không tin tưởng vào quân đội Afghanistan. Lính của hai nhóm Alpha và Vympel được trang bị áo giáp và nón sắt, số còn lại chỉ mặc quân phục bình thường (của lính Afghanistan) để giả làm lính Afghanistan.

Nhóm Alpha với mệnh lệnh ngoài mục tiêu chính là Amin đồng thời tiêu diệt tất cả những người gặp trong cung điện nhằm không để lại nhân chứng nhóm Vympel có nhiệm vụ thu thập tất cả bằng chứng về việc tổng thống Amin hợp tác với Mỹ.

Lực lượng kháng chiến của Babrak Karmal cam kết có 500 chiến binh tham dự nhưng cuối cùng chỉ có nhõn một người có mặt. Lực lượng nhảy dù Liên Xô đồng thời rải quân chiếm giữ con đường chính dẫn đến Kabul cắt đứt mọi khả năng tiếp viện của quân chính phủ nếu có.

Phía Afghanistan canh giữ cung điện có khoảng 2,500 quân gồm đội cận vệ với quân số khoảng 150 quân nhân trong lâu đài, lực lượng phòng vệ chung quanh hàng rào cung điện và các chốt trạm chung quanh, trên một ngọn đồi kế cận cung điện một tiểu tổ gồm 3 xe tăng và lính với nhiệm vụ quan sát từ xa, một đơn vị phòng không trên trục đường vào cung điện cùng nhiệm vụ bảo vệ bầu trời khu vực, dọc theo trục lộ chính vào cung điện được kiểm soát chặt chẽ.

Do cung điện được phòng thủ rất tốt nên yếu tố tấn công bất ngờ rất quan trọng đối với chiến dịch, vì vậy phía Liên Xô đã tiến hành các hoạt động nghi binh, tiến hành các cuộc tập trận quy mô nhỏ ngày 25, 26 và sáng ngày 27, lực lượng phòng thủ Afghanistan được thông báo rằng đây là các cuộc diễn tập bình thường nên lực lượng phòng thủ đã không đề cao cảnh giác các chuyển động của lực lượng Liên Xô. Để giúp thêm vào yếu tố bất ngờ, lính Liên Xô còn được cung cấp quân phục Afghanistan. 

Trận tập kích đẫm máu, 

Cuộc đột kích vào cung điện đúng ra được lên lịch vào lúc 10:00 tối, nhưng do biến động bất ngờ trong vụ tấn công khu đồi phòng thủ cung điện nó được đẩy sớm lên 7:30 tối.

Theo kế hoạch hành quân, 20 phút trước khi cuộc tấn công chính bắt đầu, một nhóm 14 biệt kích dù tấn công ngọn đồi mà các lính xe tăng cùng với lực lượng phòng không Afghanistan đang trấn giữ, lính Afghan không phòng bị và do đang ở trong doanh trại cách xa xe tăng nên nhanh chóng bị khống chế. Từ vị trí này, lính dù Liên Xô đã dùng chính các xe tăng để tác xạ vào cung điện, các hệ thống vũ khí Shilka -phòng không- thu được cũng được toán biệt kích dù sử dụng để nã thẳng vào cung điện.

Theo kế hoạch, các biệt kích chỉ âm thầm  tấn công và chiếm giữ ngọn đồi cứ điểm nơi các xe tăng và hệ thống phòng không rồi chờ đến giờ hành động, nhưng vì lý do nào đó nhóm biệt kích đã -quá phấn kích- bắn vào cung điện!

Khi thấy nổ và cháy tại cung điện, tuy lúc đó mới 7:15 tối Đại tá Kolesnik chỉ huy cánh quân tấn công chính do nghi ngờ có biến động nên đã ra lệnh tấn công lâu đài trước kế hoạch. Chiến dịch Storm 333 bắt đầu.

Các khẩu phòng không Shilka bắt đầu trận tấn công bằng tất cả hỏa lực sẵn có, nó trùm lên bên ngoài cung điện một màn lửa đạn phòng không đỏ rực, hai khẩu khác bắn chéo vào các vị trí tiểu đoàn bộ binh Afghan phòng thủ cung điện nhằm hỗ trợ cho đại đội lính dù LX tiến vào chiếm giữ vòng đai phòng thủ phía ngoài cung điện.

Lực lượng đặc biệt KGB và GRU trên 6 xe bọc thép cùng lúc chia làm 3 nhóm theo đường chính tấn công trực tiếp vào khu trung tâm cung điện. Chiếc APC -xe bọc thép- của nhóm biệt kích LX đầu tiên vượt qua chướng ngại vật tại trạm kiểm soát và xuất hiện trên con đường cong dẫn lên cung điện, ngay sau cú rẽ trái nó hứng chịu toàn bộ hỏa lực súng nhỏ và phóng lựu từ phía bảo vệ cung điện bắn đến bốc cháy -con đường vòng theo ngọn đồi lên cung điện được bảo vệ nghiêm ngặt chống mọi cuộc xâm nhập từ bên ngoài, những lối khác dẫn lên cung điện đều bị gài mìn chống xâm nhập- chiếc APC thứ nhì chạy sau đó cũng bị trúng đạn và tê liệt, các biệt kích phải thoát khỏi xe chạy bộ, hầu như toàn bộ biệt kích bị thương, phó chỉ huy của nhóm Zenit trúng đạn tử thương.

Các APC có trang bị súng máy trên nóc xe, nhưng góc bắn hạn chế chỉ tác xạ cao được đến lầu 2 nên các chiến binh Afghan trên lầu 3 và 4 thoải mái nhả đạn chống trả. Một chiếc APC khác của nhóm thứ nhì chạy cố được đến bức tường gạch cách cung điện 20m và đâm thẳng vào đó, các biệt kích cũng phải thoát ra chạy bộ, vài chiếc khác cũng không may mắn hơn, bị bắn hư hỏng không chạy được.

Đúng lúc này, 7:30 tối nhiều tiếng nổ lớn từ phía Kabul khiến quân phòng thủ Afghan bối rối, các vụ nổ làm đứt hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc chính của thành phố và đúng ra nó là tín hiệu bắt đầu của chiến dịch Storm 333, mục đích là để thu hút tất cả lực lượng Afghan về phía vụ nổ, nhưng vì lý do nào đó mà các lực lượng LX đã không thể phối hợp bài bản được.

Hầu hết những biệt kích LX di chuyển bộ và 2 chiếc APC còn lại của nhóm 3 đã tiến đến gần cửa chính cung điện nhưng khi họ qua khúc cua tại góc cuối cùng đã bỏ sót một chốt an ninh của lính Afghan còn nguyên vẹn, khi nhóm xe biệt kích vừa vượt qua, toán lính Afghan bất ngờ tập kích từ phía sau với toàn bộ hỏa lực họ có, thêm một chiếc APC trúng đạn tê liệt ngay tại chốt và cũng vì vậy toàn bộ nhóm biệt kích từ trong xe đổ ra tấn công, toàn bộ nhóm lính phòng vệ Afghan tại chốt an ninh này bị tiêu diệt ngay tức khắc, kết cục không còn bất kỳ hỏa lực nào từ phía sau hay hai bên sườn đe dọa nữa toán biệt kích LX bây giờ nhanh chóng tiến thẳng về phía cửa tòa cung điện.

Một minh chứng cho thấy quân phòng thủ Afghan đã chiến đấu quyết liệt như thế nào: Chiếc APC vào được đến cửa cung điện là chiếc thuộc nhóm tấn công thứ 3, cả hai nhóm tấn công trước đều bị tiêu diệt trên vành đai phòng thủ cung điện. 

Theo thông báo chính thức trong cuộc tấn công vào cung điện Tajbeg có 5 sĩ quan của lực lượng đặc biệt KGB, 6 binh sĩ thuộc "Tiểu đoàn Hồi giáo" và 9 lính dù đã thiệt mạng. Chỉ huy nhóm biệt kích tấn công Đại tá Boyarinov cũng thiệt mạng, hầu hết tất cả những biệt kích tham gia chiến dịch đều bị thương. Ngoài ra, bác sĩ quân y Liên Xô, Đại tá VP Kuznechenkov đã bị giết bởi hỏa lực của chính các biệt kích trong cung điện (ông này sau được trao tặng Huân chương Cờ đỏ). Tuy nhiên theo các ghi chép sau này, thương vong được cho là khoảng 100 lính LX đã thiệt mạng trong  chiến dịch này (?)

Nhóm tấn công cuối cùng cũng đến được phía trước cửa chính của lâu đài, toán biệt kích nhanh chóng rời khỏi xe và chiếm lĩnh các chỗ ẩn nấp gần lối vào, hỏa lực từ các tầng cao bắn ra ghim chặt không cho nhóm lính LX tiến vào cửa chính, ổ súng đại liên bên góc trái nhả đạn liên tục, các chỉ huy Spetsnaz quyết định bằng mọi giá phải lọt vào trong cung điện hoặc sẽ bị tiêu diệt, họ quyết định xung phong trực tiếp dưới mưa đạn thẳng tới khung cửa chính lâu đài -sau phát hỏa tiễn nổ tung cụm súng đại liên góc trái tòa nhà- toàn bộ nhóm lính Spetsnaz vượt dưới hỏa lực súng cá nhân của lực lượng phòng thủ Afghan tiến vào cửa chính lâu đài, cùng lúc đó bên phía phải cung điện nhóm Alpha cũng tràn qua phía cửa sổ xâm nhập vào thẳng khu tầng trệt cung điện.

Hai nhóm biệt kích Alpha và Vympel với tổng quân số chừng 40 người là nhóm xâm nhập vào bên trong lâu đài, toàn bộ lính thuộc Tiểu đoàn Hồi giáo và lính nhảy dù còn lại thực hành nhiệm vụ khống chế tất cả lực lượng bảo vệ Afghan chung quanh cung điện.

Nhóm Alpha với khoảng 20 biệt kích có nhiệm vụ tìm và giết chết Tổng thống Amin và đồng thời tiêu diệt tất cả nhân chứng mà họ gặp trong cung điện. Nhóm còn lại Vympel cũng tương đương số thành viên với nhiệm vụ thu thập tất cả bằng chứng về việc Tt. Amin hợp tác với Hoa kỳ nhằm tố cáo tội ác của ông ta sau này.

 Bên trong cung điện, sự hỗn loạn nhanh chóng lan rộng, khoảng 150 lính cận vệ Afghan chiến đấu dữ dội từ phòng này qua phòng khác trong khắp tầng trệt của lâu đài, các lính LX lần lượt trúng đạn bị thương, cuối cùng sự hoảng loạn đạt đỉnh điểm khi đám cháy bùng phát lên bên trong tòa nhà, đồng thời lúc này GRU đã dập tắt mọi sự kháng cự phía ngoài tòa cung điện, phần lớn lính Afghan buông súng đầu hàng khi họ nhận ra lực lượng tấn công họ là lính Liên Xô chứ không phải quân Mujahideen.

Bên trong cung điện các biệt kích LX đối đầu với lính cận vệ Afghanistan ở mọi góc rẽ, biệt kích LX ném lựu đạn vào từng phòng, rồi xả súng sau mỗi tiếng nổ -nhóm biệt kích Liên Xô đã có lệnh cụ thể là không để lại nhân chứng- mặc dù vậy vẫn có một số người Afghanistan đã trốn thoát.

Trong sự hỗn loạn cực độ, lửa cháy và khói trùm lên mọi nơi, các biệt kích LX lần lượt di chuyển từ phòng này đến phòng khác và tràn lên tầng trên mang theo những tiếng nổ chát chúa của lựu đạn, tiếng rít cùng âm thanh kim loại của từng tràng súng làm tòa nhà rung lên từng chập, các cư dân -dân sự- chạy nháo nhào không phương hướng tìm lối thoát ra ngoài, tiếng gào thét hòa lẫn với tiếng súng làm thành một thứ âm thanh chết chóc kinh hoàng. 

Phủ nhận thực tế, 

Lúc này, tổng thống Amin sau khi được các bác sỹ Liên Xô tận tình cứu cấp đã tỉnh lại sau cơn hôn mê vì bị đầu độc, mơ màng vì vẫn còn ảnh hưởng độc dược, tay vẫn còn dính sợi dây chuyền nước biển, mặc bộ đồ lót quần đùi và áo thun loạng choạng đi vào khu bar rượu của cung điện trên lầu, ông được truyền IV ở cả hai tay và đang vừa đi vừa kéo theo giá đỡ IV, đứa con trai năm tuổi sợ hãi bám lấy chân ông.

Amin cố gắng nói mạch lạc ra lệnh cho phụ tá của mình lập tức thông báo cho các cố vấn quân sự Liên Xô của mình về cuộc tấn công vào cung điện, Amin nhấn mạnh với anh ta: "Liên Xô sẽ giúp chúng ta", nhưng người phụ tá trả lời ngay tức thì: "Người Liên Xô đang tấn công chúng ta"

Những lời này khiến tổng thống nổi giận ông vớ ngay cái gạt tàn gần đó ném vào người phụ tá và hét lên: "Anh đang nói gì vậy, không thể nào!" Sau đó, chính Amin đã cố gắng gọi cho Tổng tham mưu trưởng, nhưng liên lạc đã bị cắt. 

Amin nói giọng trầm xuống: "Tôi đã nghi ngờ điều này, tôi đã đúng" tổng thống Amin mệt mỏi nằm xuống chiếc kệ được làm từ một mặt gỗ lớn.

Bản thân Amin đã phủ nhận thực tế cho đến phút cuối cùng, ông vẫn nghĩ đang bị đảo chính và LX vẫn đứng về phía ông!

Theo báo cáo sau này, Tổng thống Amin vẫn còn sống khi nhóm biệt kích của Liên Xô xuất hiện, họ tiến hành khám xét căn phòng coi còn lính Afghan không và tiếp tục tiến qua phòng khác, sau đó khi họ quay lại ai đó đã bắn chết Amin, cơ thể ông ta nằm được cuộn lại bọc trong một tấm thảm.

Chiến dịch Storm 333 kết thúc, hầu hết lính cận vệ Afghan đều thiệt mạng hoặc bị bắt, tướng Yuri Drozdov đến cung điện vào sáng hôm sau và quyết định dùng cung điện làm tổng hành dinh.

Sau khi chắc chắn rằng chiến dịch đã thành công, Liên Xô đã dùng máy bay đưa Babrak Karmal thẳng đến Kabul đảm nhận vị trí lãnh đạo mới của Afghanistan, cùng lúc này các đài phát thanh và truyền hình Afghan đưa tin rằng Hafizullah Amin đã bị đưa ra xét xử và tử hình vì tội danh kẻ thù của nhân dân và nền Cộng hòa.

Kết, 

Cuộc tấn công nhanh chóng kết thúc chỉ sau 43 phút, Tổng thống Amin chết và biệt kích Liên Xô nắm quyền kiểm soát cung điện.

Kết cục hoàn toàn không có bất kỳ bằng chứng nào về việc hợp tác của Tt Amin với Mỹ, Amin cho đến lúc chết vẫn tin rằng Liên Xô ủng hộ ông!

Người kế nhiệm được lựa chọn cẩn thận của Liên Xô là Babrak Karmal nhanh chóng được bổ nhiệm làm tổng thống mới của Afghanistan, lực lượng Liên Xô dự kiến ở lại ít nhất sáu tháng để củng cố nhiệm kỳ tổng thống của Karmal... Chín năm sau, cuối cùng quân đội Liên Xô cũng đã rút lui, chịu tổn thất lên tới 26.000 binh sĩ tử trận với hơn 50.000 người bị thương.

Gần 12 năm kể từ ngày quân Nga xông vào cung điện, ngày 26 tháng 12 năm 1991 Liên Xô chính thức tan rã, máu và của cải đã tiêu tốn trong quá trình chiếm đóng lâu dài ở Afghanistan đã gây ra thiệt hại không gượng lại được cho Liên Xô và Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Phụ chú: Các tài liệu được góp nhặt từ nhiều nguồn, nếu có sai sót là ngoài ý muốn, hí hí


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét