Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Chuyện Biệt kích - Trận đánh tại núi Cô Tô và Tức Dụp #3

 Trận đánh Cô Tô phần 3

Vào ngày 17/03/1969, một nhóm 9 người bộ đội VC hồi chánh đào thoát sang phía Mỹ ở Tức Dụp, nỗ lực tâm lý chiến hàng ngày ở khu vực Núi Cô Tô, kết hợp với những chiến thắng hiện tại của lực lượng Biệt kích đã tác động trực tiếp đến tư tưởng của bộ đội  trấn giữ tại đây, mọi người đều hiểu là Tức Dụp chắc chắn sẽ thất thủ, và họ sẵn sàng cung cấp tất cả những thông tin có giá trị để đổi lấy sự an toàn cho bản thân, các hồi chánh viên đã chỉ ra những vị trí của kho lưu trữ vũ khí, địa điểm có ụ súng, chi tiết về quân số, lối vào và cách để vào những đường hầm của các hang động chính yếu, thông tin của họ càng khẳng định thêm và làm sáng tỏ hơn các dữ liệu mà ba biệt kích người Thượng trong đội của Trung sỹ Al Belisle đã thu thập được trong cuộc trinh sát đột phá hôm trước.

Vào sáng sớm ngày 18/03, những toán lính biệt kích bắt đầu càn quét về phía nam quả đồi, lực lượng của tiểu đoàn 1 sẽ bảo đảm phần nửa dưới của ngọn đồi và tiểu Đoàn 2 sẽ bảo đảm phần nửa trên đồi. Ba đại đội còn lại cuả tiểu đoàn Tác chiến Cơ động 4 làm nhiệm vụ bọc hậu để bảo vệ đại đội 1/5th và đại đội 2/5th không bị tấn công từ phía sau. Đến khoảng giữa trưa, nhóm biệt kích gặp phải sức kháng cự rất mạnh và bị thương vong đáng kể, quân tiếp viện được đưa vào thay thế và tốc độ tấn công về phía trước được tiếp tục giữ ổn định, bất chấp những tay súng bắn tỉa, những tổ súng máy kháng cự, các hầm hố bí mật, và các hang động các chiến binh biệt kích vẫn tiến đều đặn đúng theo dự kiến.


Đại đội B của Tiểu đoàn 6/77th Pháo binh (Sư đoàn 9 bộ binh) đã bắn hơn 14.000 trái đại bác 105ly, với kỹ thuật tác xạ chính xác đã hỗ trợ pháo binh trực tiếp và giúp dập tắt những hoả lực kháng cự phiá trước cuả nhóm biệt kích, trung đội vũ khí đặc biệt của biệt kích tại trận địa cũng là hỗ trợ vô giá khi sử dụng đại bác không giật 106 ly gắn trên xe jeep với những tác xạ chính xác vào các mục tiêu nơi mà những tay súng bắn tỉa Việt cộng ẩn núp và các tổ súng máy nguỵ trang kỹ càng trong khe đá.

Các mũi tiến quân của nhóm biệt kích tiếp tục cuộc tấn công nhưng tiến độ chậm và thương vong tiếp tục tăng, các tay súng bắn tỉa liên tục là nỗi đe doạ và sợ hãi, đạn bắn tỉa bắn đến từ khắp mọi phiá. Sự kinh hoàng lớn nhất đối với nhóm biệt kích mũ xanh là kẻ thù gần như vô hình, những chiến binh bảo vệ "Núi Huông" lẩn khuất, mờ ảo và ma mỵ như chính cái truyền thuyết về ngọn núi thần thoại này. Những dấu vết về sự hiện diện thật sự của Việt Cộng ở đây dù là người còn sống hay xác chết rất ít thấy nhưng các trái B40, lựu đạn và đạn từ vũ khí cá nhân rất là thực, không ngừng bắn tới gây chết chóc cho các Biệt kích, khi các toán biệt kích tấn công về phía trước, bộ đội VC chỉ đơn giản là biến mất vào địa hình xung quanh, cùng với những xác chết và người bị thương cuả họ.



Khi màn đêm phủ trùm xuống trên vùng đất kinh hoàng, các cuộc tấn công chậm đi nhưng không dừng lại, mặt trăng kết hợp với hoả châu và đạn pháo sáng tạo ra một cảnh quan ma quái của những cái bóng cực kỳ méo mó và những biểu tượng hoang dại chạy đuổi dài trên những tảng đá khổng lồ. Nhóm lính gần như kiệt sức vẫn tiếp tục tấn công về phía trước, nhưng nhiều lúc đã phải tự hỏi lòng là khi nào sẽ bắt kịp kẻ thù mà lúc nào cũng như trốn đi trước họ một bước!

Vào sáng sớm ngày thứ tư của chiến dịch cũng không có mấy thay đổi, các cuộc tấn công vẫn tiếp tục chậm chạp vòng quanh những khối đá vĩ đại, hoả lực phe địch vẫn tiếp tục chống trả với cường độ không giảm và vẫn có rất ít dấu hiệu thật sự của đối phương, tinh thần trong đoàn quân xuống thấp, các chiến binh đã chứng kiến rất nhiều đồng đội của họ thiệt mạng và bị thương và trong đầu của họ, quay cuồng liên tục những ý nghĩ không mấy sáng suả.  

Hầu hết các hạ sĩ quan trong Lực lượng Đặc biệt là những chiến binh kỳ cựu đã được trui rèn, những người đã từng rất nhiều lần làm việc và chiến đấu cùng đội quân biệt kích, nhưng họ chưa bao giờ đụng độ với một lực lượng thù địch quá là nguy hiểm nhưng lại lẩn như chạch như hiện giờ, vào khoảng nửa đêm hôm đó, phía biệt kích mũ xanh đã dùng loa tuyên bố đơn phương ngừng bắn cho đến đúng 07:30 sáng hôm sau.


Nghỉ ngơi tại Tức Dụp
Thời gian ngừng bắn đã mang tới sự nghỉ ngơi rất cần thiết cho những người lính biệt kích đã kiệt sức vì gian khổ nhiều và thời gian chiến đấu quá dài trong đợt tấn công vừa rồi đồng thời cũng cho phép đơn vị tâm lý chiến có thời gian tăng cường chiến dịch tâm lý chiến của họ, xử dụng loa với công xuất lớn họ vừa khuyến dụ vừa khích bác các đơn vị Việt cộng vẫn còn trên núi hoặc là ra đầu hàng hoặc lộ diện và chiến đấu, nhưng hầu như có rất ít phản ứng. Đúng ngay chóc 07:30, các sườn núi ở khu vực còn nằm trong tay địch quân bùng nổ dữ dội với hoả lực tập trung của pháo binh và không quân chiến thuật, các cuộc tấn công của biệt kích cũng đồng thời tiếp tục khởi động, sau đợt nghỉ ngơi lấy sức hai tiểu đoàn biệt kích tấn công về phía trước hai ngày nữa, chiếm giữ và bảo vệ thành công  một vài hang động lớn và khe núi.

Vào ngày 22/03, Nhóm Biệt kích chiếm được khu vực phức hợp hang động rộng lớn đầu tiên, và người Mỹ thật sự ngạc nhiên trước quy mô rộng lớn của các cơ sở trong lòng hang động, có một hang động đủ lớn cho VC để có thể chứa đến 2 tiểu đoàn lính trong đó. Ngày hôm sau, nhóm Biệt kích phát hiện ra một bệnh viện ngầm sâu bên trong pháo đài đá hoa cương với đầy đủ trang bị hoàn chỉnh với giường bằng tre, có cả vài máy phát điện nhằm cung cấp điện cho đèn chiếu sáng và hệ thống thông gió cùng với hệ thống dẫn nước mưa đọng tự nhiên trong những hồ trũng trên đỉnh núi cao được dẫn xuống bằng ống để cung cấp cho khu vực sinh hoạt. 

Có nhiều cuộc đụng độ với Việt cộng vào ngày 24 và 25/3, nhóm biệt kích chiếm giữ thêm nhiều hang động và các đường hầm với nhiều kho vũ khí đồng thời tịch thu được nhiều tài liệu quan trọng, nhưng hầu hết hang động đã rút bỏ, tin tức cung cấp từ những hồi chánh viên và cuả nhóm trinh sát người Thượng trong nhóm của trung sỹ Belisle cho thấy là lực lượng tấn công đang ở rất gần khu phức hợp chính cuả cộng sản và bộ chỉ huy cuả Châu Kim, tiêu diệt được nhóm Châu Kim sẽ là một cú đánh lớn vào uy tín VC ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hầu hết các bộ đội Việt Cộng đã rút lui mất, nhưng hàng trăm vũ khí và số lượng lớn vật tư, đạn dược, cùng với hàng ngàn trang tài liệu và hồ sơ lưu trữ cá nhân đã bị tịch thu. Trong mười ngày kế đó, lực lượng Tác chiến Cơ động cùng với sự hỗ trợ cuả các đơn vị Dân sự chiến đấu và Cảnh sát Quốc gia đã phối hợp càn quét khu vực và phát hiện thêm nhiều hang động khác cùng các kho tàng thiết bị bổ sung và vật dụng.  

Khoảng 55 xác Việt Cộng được phát hiện, nhưng số lượng thực sự về số bộ đội chết và bị thương sẽ không bao giờ được biết đến. Người ta tin rằng Châu Kim và khoảng 250-300 quân sống sót của mình đã trốn thoát qua biên giới Campuchia.  

Các chiến binh Mike Force trả một giá đắt cho sự dũng cảm và quyết tâm của họ. Tổn thất về phiá Biệt kích là 45 người chết và 191 người bị thương trong suốt cuộc hành quân.  

Lực lượng đặc biệt Mỹ thương vong bao gồm 24 người bị thương và ba tử trận: Trung sỹ John Greene, Trung sỹ nhất Benedict Davan, và Thượng sỹ nhất Willis F. House thuộc Trung đội Vũ khí Đặc biệt, trúng đạn bắn tiả ngày 13/03/1969.

Trận Núi Cô Tô ít được chú ý trong giới truyền thông Mỹ. Vào thời điểm này báo chí đang tràn ngập với những câu chuyện của "Chicago Eight", Abbie Hoffman, Jerry Rubin, David Dellinger, Rennie Davis, John Froines, Lee Weiner, Bobby Seale, và Tom Hayden. Vào ngày 20/03/1969, những người này đã bị truy tố bởi toà đại hình Chicago về tội kích động bạo loạn trong cuộc họp đảng Dân chủ vào năm 1968, và các phương tiện truyền thông đã làm xiếc trên tất cả các trang nhất báo chí ở Mỹ hàng mấy tháng trời. Cái chết của ba lính Mũ xanh và 45 biệt kích người bản địa từ miền Nam Việt Nam không có chỗ đứng trên mặt báo. 

Tuy nhiên, tại vùng Thất sơn của đồng bằng sông Cửu Long, tiếng vang của cuộc chiến này là một chuyện lớn, lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm khu vực này không nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản, đồi Tức Dụp đã đổi chủ.

Hết,

[Sources: Recommendation for Valorous Unit Awards: Company D (5th MSFC), 5th Special Forces Group (Airborne), 1st Special Forces – 1970 (NARA); Operational Report – Lessons Learned, Headquarters, 5th Special Forces Group, 1st Special Forces, Period Ending 30 April 1969; “The News and Courier” Charleston, S.C., 31 March 1969 – “Only Ghosts at Tuk Chup Now” – Horst Faas (AP); “Mike Force” – Lt. Col. L. H. “Bucky” Burruss; “Mobile Strike Forces in Vietnam 1966-1970” – Gordon Rottman]

(UnlikelyWarriors)
Chuyển ngữ XâyXậpZì.

1 nhận xét: