Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Tao ngộ 12: Không biết mặt.

Có những tao ngộ mà chính ta không biết gọi nó là gì, đó là những người mà cho đến giờ tôi chưa từng đối mặt, nhưng đã có cả một thời gian dài biết đến nhau, họ không là bóng ma nhưng cũng không thể gọi là người thật được.

Nhã Ca.
Tôi chỉ biết cô là một nhà văn, tôi thậm chí không nhớ mình có đọc cuốn nào của cô hay không. Khoảng cuối 76, hầu như toàn bộ văn ngệ sỹ miền Nam vào tù, lúc đó tôi đã ra khỏi biệt giam đang ở khu C/T20 (tên khác của 4 PĐL). Thường tù tập thể sẽ chỉ biết có người mới vào khi nghe tiếng cửa sắt của các phòng biệt giam mở -tiếng động rất ám ảnh- lần đó chỉ thấy thoáng bóng dáng một người đàn bà.

Chiều hôm đó, trong biệt giam một giọng nữ cất tiếng hát, những bài của TCS. Hát chán rồi cô tự giới thiệu là Nhã Ca, một thời gian dài cứ thế khi trời dịu nắng cô bắt đầu hát cho tới khi mệt thì nghỉ, cho đến một hôm tiếng hát biến mất như chưa từng, cô bị chuyển phòng, từ đó không một lần gặp mặt.

Có một điều đáng hận, nhiều người miền Nam yêu nhạc Trịnh, nhưng tên nhạc sỹ này là loại ăn cháo đái bát! tôi không thích hắn nên ghét cả nhạc của y.

Ali Hùng.
Tôi không hề trực diện với Ali Hùng bao giờ, chỉ biết anh qua tiếng nói, thấp thoáng sau khe cửa sắt phòng biệt giam bạn chỉ có thể biết là có người và con người đó hiện diện chỉ bằng tiếng động, âm thanh cùm lịch kịch, giọng nói chỉ vừa đủ nghe.

Nỗi cô đơn của tử tù, cùm và một mình trong biệt giam 24/24, những giây qúy báu khi anh biết chúng tôi phía ngoài cánh cửa biệt giam, anh nói như không chờ bọn tôi phải hiểu hay trả lời, chúng tôi phải canh cán bộ không để ý mới dám trả lời anh. Anh là một trong các tử tù vụ "Nhà thờ Vinh sơn".

Bọn tôi phòng bịnh B1 được ân huệ đặc biệt, mỗi ngày được ra phơi nắng ở hành lang khu B, phòng bịnh khi mở ta thì khoảng 2/3 là lết ra, số đi đứng được đếm trên đầu ngón tay, tôi là một. Dãy phòng biệt giam đối diện phòng bịnh, cách cái hành lang, dãy biệt giam này tôi đã từng nằm phía sau gần 10 tháng khi mới bị bắt. Khi chúng tôi phơi nắng là lúc mà Ali nói, thi thoảng chúng tôi trả lời anh.

Một lần anh xin con dao để tự tử -dao là nửa cái nắp lon mài sắc- anh cắt cổ tay rồi thò xuống bàn cầu cho máu chảy, không hiểu khi gần hôn mê anh vật vã sao mà tay rớt ra ngoài, máu tràn ra cửa bị phát hiện, sau này anh bị chuyển qua khu tử tội Chí Hoà và đời anh chấm dứt ở pháp trường đâu đó.

Chút kỷ niệm từ phòng tập thể nữ.
Tôi khi mới bị chuyển vào T20, bị nhốt biệt giam khu B, khu biệt giam là hai dãy phòng xây đâu đít vào nhau, dãy tôi nằm nhìn chéo vào phòng tập thể nữ, tôi bị nhốt khoảng giữa, cuối dãy nhốt Lm Nghị trong vụ 'Nhà thờ Vinh Sơn', ông này cũng bị tử hình chung với Ali Hùng sau này.

Trong tù nóng nên các cô lấy vải mùng may thành đồ lót mặc -loại vải mùng xưa, bằng sợi vải dệt chứ không phải loại sợi công nghiệp-, phòng tù nữ đợt này cũng đông nghẹt vì tù phản động nhiều, hôm đó tôi nghe một cô thông báo sẽ cho các anh tù phản động rửa mắt, tôi cũng háo hức chờ, một hồi sau từng cô cởi đồ ra đứng ngay cửa phòng tập thể, số tôi đen đúa, phòng tôi vì chéo với phòng nữ nên góc nhìn từ khe biệt giam tôi chỉ thấy thấp thoáng, thật ra không thấy gì cả, nhưng óc tưởng tượng đã thay thế, tôi cũng thầm cám ơn các cô. Chỉ béo các anh vệ binh canh gác!

Tôi không hề quen biết bất cứ nữ tù phản động nào!

À, khu B là khu cũ của Pháp, phòng có cửa lớn với song sắt, thoáng hơn nhiều với kiểu phòng sau giải phóng xây với thiết kế cửa bằng thép tấm, kiến chui không lọt, nằm trong đó như trong nấm mồ, kín bưng. Những người đã từng ở tù, khi xây nhà tù dành cho thế hệ sau thì họ thiết kế với tất cả oán hờn vào đó! Dĩ nhiên.


Mộ phần cha Nghị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét