Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Tùng xẻo.


Tùng xẻo.
Những lần cộng đồng cùng nhau lên đồng, tố khổ một ai đó, đòi trừng phạt một tội phạm nào đó bằng những hình phạt tàn khốc nhất để trả thù cho nạn nhân, hãy tưởng tượng ngày nào đó luật pháp chiều theo ý nguyện đám đông. Chúng ta hãy tự xét đâu là giới hạn cho sự trừng phạt.

Mình làm cái caption cho video này để những người không sử dụng
 tiếng Anh có thể thưởng lãm.

Tóm tắt video: Sự biến dạng của Willie Bingham.
Đạo diễn Matt Richards kể câu chuyện về Willie Bingham, tù nhân đầu tiên chịu hình phạt mới được đưa ra trong luật sửa đổi về loại tội phạm nghiêm trọng.

Dưới áp lực gia tăng từ cộng đồng, Nhà nước đã đưa ra "Luật tùng xẻo" như một hình phạt gây tranh cãi. Các trừng phạt được thực hiện trực tiếp với ý muốn và sự chứng kiến của gia đình nạn nhân, được thực hiện trong nhiều năm và chỉ dừng lại theo yêu cầu của gia đình nạn nhân.

Willie được thông báo hình phạt này sau khi bị kết tội hãm hiếp rồi giết một nữ sinh và chặt thành nhiều khúc trong lúc say. Anh ta muốn bị xử tử, nhưng anh không có lựa chọn nào khác, gia đình nạn nhân muốn cắt từng phần thân thể anh ta để trả thù chứ không muốn tử hình.

Vào ngày thi hành án đầu tiên, gia đình nạn nhân bước vào để chứng kiến ca phẫu thuật. Người cha nhấc điện thoại lên và xác nhận anh ta muốn bắt đầu, bác sĩ lấy dao mổ và cắt tay trái của Willie.

Sau phục hồi, Willie được đưa đến các trường học, nhằm giáo dục bọn trẻ về những hậu qủa tội phạm.

Vào tháng 3, họ cắt cánh tay phải của Willie. Sau đó, họ mang anh đến trường trung học đang dạy những học sinh cá biệt...

Người giám sát của Willie cho rằng mọi người đều thoả mãn với những điều đang tiến triển và mong là cha của nạn nhân sẽ sớm hài lòng không đòi trừng phạt thêm.

Nhưng gia đình nạn nhân vẫn tiếp tục, họ loại bỏ tay chân của anh ta, rồi một quả thận và phổi... Willie chỉ còn là một khối thịt, ngồi trong trạng thái mơ màng xem những video về các lần hành hình của mình...

Cuối cùng phẫu thuật lần cuối, ngay cả người cha nạn nhân cũng tàn tạ đến độ không còn cảm xúc với việc hành hình. Họ cắt tai, mũi và đầu lưỡi, dùng laser đốt trụi hết lông của anh. Khi Willie nằm trên giường, bất động, bị băng bó, cha của nạn nhân bước vào và ký giấy tờ đồng ý chấm dứt.

Caption của 42.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Tao ngộ, những người thầy bên đường thiên lý.

Giáo sư Giàu, đại học Vạn Hạnh.

Anh tên H V Giàu, là giáo sư đại học Vạn Hạnh bị bắt sau tôi, khi tôi được cho ra phòng tập thể thì anh bị bắt vào -khoảng cuối 1976- anh người Huế, đối diện anh ngoài những nét khắc khổ chung của những người miền ngoài con người anh toát lên vẻ trí thức chắc do khả năng học vấn của anh biểu hiện.

Theo lời anh kể, anh tốt nghiệp tại Mỹ và về dạy triết tại đại học Vạn Hạnh, Sàigòn. Anh bị bắt trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi trụy miền Nam, một giáo sư dạy triết thì đáng đủ tội để vào tù rồi!

Anh có kể về những kỷ niệm lúc học đại học tại Mỹ, nhưng hấp dẫn nhất lại là những phân tích về tình dục cho bọn trẻ chúng tôi, những thanh niên mới 20 đang trong tù thiếu thốn mọi bề.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh với tôi là lần khám phòng đột xuất, anh nằm kế tôi và chúng tôi chia nhau con dao -con dao trong tù thời đó được làm từ nửa cái nắp lon sữa bò mài bén- khi bất ngờ sau tiếng khoá phòng rổn rảng mở ra, lệnh cán bộ khám phòng đột xuất, anh lại đang giữ con dao trong người.

Con người khi sợ hãi đến mức độ vượt khả năng chịu đựng thì cơ thể không còn phản ứng được nữa, anh Giàu chỉ ngồi và run lẩy bẩy, khuôn mặt trắng bệt ra và không thể cử động được. May mắn anh tỉnh lại và nói nhỏ với tôi về con dao, tranh thủ khi mọi người đang lộn xộn với đống đồ tư trang mang ra cho cán bộ xét, tôi lách nhanh vào cầu tiêu ngồi giả bộ đi cầu rồi thả nhẹ lưỡi dao, lấy tay gẩy nó nhảy ngược vào trong con thỏ bồn cầu.

Chúng tôi thoát nạn lần đó, anh Giàu cũng từ đó không dám dùng dao, rồi chúng tôi bị đổi phòng, từ ngày đó tôi cũng chưa bao giờ nghe về anh, người giáo sư dạy triết tại đại học Vạn Hạnh.

Giáo viên đại học bách khoa Hànội.

Anh tên Tuyến, làm giáo viên -anh sửa bọn tôi nhiều lần: miền Bắc không gọi là giáo sư đại học, chỉ đơn giản là giáo viên- đại học bách khoa (hay tổng hợp, lâu quá quên rồi?) anh du học và tốt nghiệp bên Trung Quốc, anh thông thạo tiếng Quan Thoại và cũng không ngần ngại khi chỉ dẫn bọn tôi học tiếng Tàu cho đỡ buồn chán.

Anh kể rất nhiều về cuộc sống miền Bắc XHCN mà bọn người miền Nam chúng tôi hầu như chưa ai biết, về kiểu ăn gà bằng kéo và quà biếu giáo viên đại học là cỗ lòng heo, anh vui vẻ kể về cuộc sống của anh với lối nói rất nhanh và giọng Bắc đặc làm nhiều khi bọn tôi nghe không kịp hiểu anh nói gì, anh người mảnh khảnh, kiểu người không phải lao động nặng nhọc gì từ bé, chắc dân Hànội gốc. Với giọng nam cao và nhịp phát âm nhanh như chim hót, anh làm phòng giam đôi lúc như bùng lên cùng anh về những mô tả miền Bắc lạ lẫm mà hấp dẫn (mãi sau này, tôi mới nghiệm ra anh nổ không ít!).

Anh bị bắt về tội vào Nam buôn hàng TV, tủ lạnh, giường tủ ra Bắc. Cuộc đời anh sau này ra sao, có kịp trở thành đại gia hay chìm theo những đợt đánh tư sản, tôi không biết gì về anh nữa?

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Ngân hàng


Đọc một số còm trong post của anh Tư mới thấy hệ thống ngân hàng VN có vấn đề, ngân hàng VN hiện nay không có trách nhiệm bảo vệ khách hàng -theo như thú nhận của chính anh Tư và vài Fbkers- khi đụng đến vấn đề tiền bạc mua bán trên mạng anh Tư và những bạn ở VN đều lý luận rằng: "Mình mua bán chứ ngân hàng có mua đâu, khi rắc rối là giữa mình với công ty mua bán, không phải trách nhiệm ngân hàng."

Đây là tư duy sai lầm của những người VN khi xử dụng ngân hàng hay chính là tư duy của ngân hàng VN đã cố tình nhồi vào đầu khách hàng VN.

Nếu thật có lối hoạt động ngân hàng như thế, thì nên học tập từ cung cách vận hành ngân hàng nước ngoài, đơn cử là hệ thống ngân hàng Mỹ: Mình không là chuyên gia ngân hàng, chỉ đứng trên góc nhìn thực tế của một khách hàng xử dụng dịch vụ ngân hàng Mỹ từ trước đến nay có vài vấn đề muốn chia sẻ:

Ngân hàng là đối tác chính bảo vệ tiền của người gửi, trường hợp anh Tư, là ngân hàng bên Mỹ họ sẽ trực tiếp tiến hành lấy lại tiền cho anh Tư -vì anh Tư là khách hàng gửi tiền tại ngân hàng- đây là trách nhiệm của ngân hàng và là quyền lợi thiết thân của khách hàng. Trong suốt quá trình tiến hành giải quyết khiếu nại của khách, ngân hàng là đối tượng trực tiếp liên hệ (bằng email, thư, phone) để giải trình cho khách hàng chứ không phải "khách hàng phải liên lạc với ngân hàng để biết tiền mình tới đâu" đây là một trong trách nhiệm chính của ngân hàng "bảo vệ khách hàng".

Ngay cả trong trường hợp ta dùng dạng credit trung gian (thí dụ Paypal) nếu ta bị ai đó ăn cắp thông tin từ Paypal để mua hàng, khi ta hoặc ngân hàng phát hiện [Ngân hàng sẽ luôn theo dõi các dịch chuyển về tiền của ta trên mạng, nếu do nghi ngờ -thí dụ: IP mua hàng ở quá xa chỗ ta ở đăng ký với ngân hàng, nhịp độ chi dụng đột biến tăng bất thường- họ sẽ trực tiếp liên hệ mình và xác nhận. Còn về thẻ Visa, Mastercard xử lý tương tự, và họ làm rất nhanh gọn] cho dù đã giao dịch xong, ngân hàng vẫn đòi lại tiền cho chính chủ như thường, không cần biết bên bán đã hoàn thành với ai (dĩ nhiên là với những công ty mua bán chứ không phải với cô bán cá ngoài chợ thì đòi vào mắt) 

Nên đấu tranh với hệ thống ngân hàng làm tốt hơn, bọn này đã không làm tròn bổn phận:

Ngân hàng là để bảo vệ quyền lợi của người gởi tiền chứ không chỉ là chỗ lấy tiền dịch vụ của khách hàng.

Với các bạn không ở Mỹ, thật ra có một nước Mỹ như thế.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Die like a dog.

Trong video mới đây, khi Trump anh tôi công bố trước dân Mỹ về việc nhóm Biệt kích Mỹ đã thanh toán gọn mục tiêu từng là nỗi lo lắng của Mỹ, thủ lĩnh ISIS al-Baghdadi.

Sau khi nhiếc móc đủ điều: "trốn vào hang cụt, vừa chạy vừa rên rỉ và mếu máo, chạy trốn như một tên hèn nhát la hét suốt dọc đường và chết như một con chó -die like a dog-"

Theo nhận xét của mình, Trump anh tôi đã bị nhiễm quá nhiều phim chiến tranh của Hollywood nên đã cường điệu quá đáng khi mô tả về thủ lĩnh ISIS trong trận chiến cuối cùng của hắn ta.

Có lẽ ông Trump chưa bao giờ trực tiếp chiến đấu và trải nghiệm chiến trường, một người thủ lãnh sừng sỏ như al-Baghdadi (cầu mong hương hồn anh được về Thiên đàng đối diện với các nạn nhân của anh) chắc chắn không bao giờ có những phản ứng như Trum anh tôi tưởng tượng.

Trong trận đột kích như đã mô tả, dưới hoả lực của Biệt kích và sự chống trả của thuộc cấp, dĩ nhiên thủ lĩnh al-Baghdadi luôn phải gào lên để ra mệnh lệnh chứ không phải để rên rỉ khóc mếu, trong suốt trận đột kích cho đến lúc anh ý kích nổ dây 'suicide belt' trên người anh chắc chắn không còn thời gian để ra mệnh lệnh chứ nói gì đến sợ hay nói đến chuyện khóc lóc.

Thêm về thành ngữ die like a dog, To die in a manner that is unpleasant and demeaning. Một thành ngữ xưa dùng để chỉ một cái chết trong đau đớn và vô nghĩa (thời xưa này có thể bọn Mỹ cũng ăn thịt chó như xứ Việt hiện nay chăng?) Anh Trump tôi dùng thành ngữ này để mạt sát tên thủ lãnh ISIS, nhưng theo quan điểm hiện nay thành ngữ này có vẻ không hợp thời lắm, người Mỹ thời nay yêu chó gần như nhất thế giới rồi, Trump anh tôi dùng thành ngữ này không hợp cho lắm -ông Trump có kiểu mạt sát người khác hay ví von với thú vật, điểm trừ cho ông- trong các tranh luận.

Tuy nhiên mình vẫn ủng hộ Trump anh mình 2020, hí hí.

Video editing.



Video thử cài code: trump nói về vụ kill Isis:

Video gốc, embed:

<iframe width="1280" height="720" src="https://www.youtube.com/embed/GKKpkJansOA" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>





Video đã bỏ code vào: [Chạy từ 0:00 stop 0:24]

https://www.youtube.com/embed/GKKpkJansOA?start=000&end=024


Cách copy embed code của video rồi cài timming start và end:



https://www.youtube.com/embed/chElHV99xak?start=53&end=59



Các loại code cho video:

 developers.google.com/youtube/player_parameters#Parameters










Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

Hướng về Hà Nội

Người miền Nam trước 75 yêu Hà Nội qua văn thơ nhạc và chính con người của người Hà Nội -những người di cư vào Nam năm 54- nhắc đến người HN thời đó, nét thanh lịch, giọng nói và sự lễ phép không người miền nào có thể sánh được (ngay tại Hải ngoại, nếu ai có lần coi được những video nói chuyện với người Hà Nội cũ sẽ thấy, điển hình như nữ diễn viên Kiều Chinh, Kim Tước)

Mình là một người sinh ra và lớn lên trong Nam đã không ngừng yêu Hà Nội như thế, hí hí

Nhạc phẩm "Hướng về Hà Nội" là một trong những bài được phổ biến và yêu mến có công rất lớn trong lòng người miền Nam, bài hát đã được phát hầu như hàng đêm trên đài phát thanh Sàigòn để đến mức những người không biết gì về Hà Nội đã yêu vô điều kiện một địa phương chỉ có trong thơ văn lẫn mộng tưởng. Cũng nhờ một phần công phổ biến và gìn giữ này, nhạc phẩm này đã không chết theo thời gian như những bài thơ, nhạc khúc khác đã chìm vào dĩ vãng. Số phận đã ưu đãi nó để ngày nay những người Hà Nội tự hào và những người không Hà Nội tiếp tục yêu vô điều kiện những cô "Hà Nội dáng kiều thơm" của một Hà Nội mãi trong tưởng tượng.

Tác giả nhạc phẩm là nhạc sỹ Hoàng Dương tâm sự: 
Vào những năm 1953 – 1954 khi ông đang hoạt động cách mạng tại đội tuyên truyền văn nghệ Thành bộ Hà Nội, chiến tranh nổ ra hết sức quyết liệt, đội của ông phải thường xuyên chạy trốn trước sự truy đuổi của quân thù. Lúc bấy giờ, Hoàng Dương có yêu một người con gái ở nội thành, tình yêu thời chiến chinh lãng mạn và đẹp vô cùng. Một đêm khi đang trú tại nhà của một người dân ở ngoại thành, trong tiếng pháo dội về thành phố, bồi hồi nhớ đến người yêu. Không nén được cảm xúc, ông liền ngồi vào bàn, viết lên những dòng nhạc cho bài hát “Hướng về Hà Nội”. Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào khiến Hoàng Dương viết rất rất nhanh và hoàn tất ca khúc ngay trong đêm hôm đó:

“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”


Ca khúc đã vượt qua ranh giới cảm xúc cá nhân và chạm vào nỗi niềm chung của những người đã từng sống ở Hà Nội. Khi mới ra đời, cùng với “nỗi buồn tiểu tư sản”, ca khúc “Hướng về Hà Nội” không được biểu diễn công khai trong một thời gian dài. Thậm chí, ca sĩ Ngọc Bảo lại hát “Hướng về Hà Nội” trên đài phát thanh để nhắn gửi bạn bè trong Nam nên càng bị… cấm. Năm 1954, bài hát được phổ biến rộng rãi và nổi tiếng qua giọng hát của Kim Tước tại miền Nam. Ca khúc chất chứa trong lòng một nỗi niềm day dứt khôn nguôi, giai điệu mang đầy tính tự sự cùng với ca từ đẹp, giàu chất thơ khiến người nghe nhớ Hà Nội đến nao lòng:

“…Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về…”


Năm 1954, ca khúc “Hướng về Hà Nội” được Tinh Hoa Miền Nam xuất bản, ngoài bìa có hình vẽ một thiếu nữ chít khăn mỏ quạ màu nâu nhạt do hoạ sĩ Duy Liêm trình bày. Hai ca khúc “Tiếc thu” và “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương đã được nữ danh ca Kim Tước trình bày lần đầu tiên, được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Kể từ ngày ấy, ca khúc được lan truyền rộng rãi trong và ngoài nước, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế tái bản nhiều lần mới đáp ứng được sự hâm mộ của độc giả. Những ca sĩ nổi tiếng một thời như Mai Hương, Duy Trác,… đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của “Hướng về Hà Nội”.

Mãi gần đây, những năm cuối cùng của thế kỷ 20, bài hát mới được cho phép hồi sinh và đón nhận nhiều yêu thích của khán giả. Vào năm 1994 trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn, ca khúc “Hướng về Hà Nội” đã may mắn được chọn trong danh mục biểu diễn. Ca sĩ Thu Hà đã giúp nhạc sĩ Hoàng Dương đưa ca khúc trở lại với công chúng, xóa đi lớp bụi thời gian của mấy chục năm về trước. Các nhà phê bình âm nhạc -bọn chuyên vuốt đuôi- đã không tiếc lời nhận định: “Hướng về Hà Nội” là sự kết tinh tài hoa, lắng đọng trong không gian thời gian và linh thiêng của sông núi:

“…Một ngày, mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy,
mịt mờ bên trời bay…
Một ngày, tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa …
luyến thương hình bóng qua…”


Sưu tầm, trích/edit từ Dòngnhạcxưa.com
















Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Khúc thụy du.

Khúc Thụy Du là tên ghép giữa chữ Thụy -tên lót của cô gái (Thụy Châu) và chữ Du- tên đầu trong bút danh Du Tử Lê của ông.

"Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn khởi đầu. Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải tỏa khu Ngã Tư Bảy Hiền.
Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.

Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.

Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải tỏa khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….

Trên đường về, khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…

Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.

Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Sàigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại - - Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.

Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng. Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…

Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi. Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!

Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 bài thơ.

Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)
Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thơ của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ - bày quạ rỉa xác người - (của tươi đời nhượng lại) - bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…

Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?

Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai họa, một tuyệt lộ.

Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).

Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 1973.

Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…
Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thụy Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”

Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.

Khi ca khúc “Khúc Thụy Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thụy Du”…

Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông..."


Bonus:
Thụy của Khúc Thụy Du tên thật là Huỳnh Thị Châu (có tài liệu khác ghi là Huỳnh Thụy Châu), từng là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Sài Gòn Nhỏ, tòa soạn đặt tại California, Hoa Kỳ. Cái tên Thụy Châu chỉ là một trong những bút danh của bà (các bút danh khác còn có Hoàng Dược Thảo, Đào Nương, Nghé Ngọ, ...). Ngoài ra, bà Huỳnh Thị Châu còn có họ tên tiếng Pháp là Brigitte Lauré Huỳnh, mang quốc tịch Pháp. Hiện cái tên phổ biến để gọi bà là Đào Nương Hoàng Dược Thảo.

Du Tử Lê và Đào Nương Hoàng Dược Thảo từng là vợ chồng và có với nhau 2 người con. Năm 1975 khi Du Tử Lê sang Hoa Kỳ thì năm 1978, nhờ có quốc tịch Pháp, bà Châu đi Pháp rồi qua Hoa Kỳ.
Năm 1980, Huỳnh Thị Châu và Du Tử Lê ly dị, sau đó bà tái giá mấy lần.



như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?

mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

(Cóp nhặt từ Atabook.com)

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Joe Biden

Bạn có từng nghe đến ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joseph R. Biden, người đã từng tố cáo việc Tổng thống Trump chống lại những người Trung Mỹ -Central America- với phong trào xin tị nạn hàng loạt thời gian qua, nhưng chính J Biden lại là người đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc tái định cư những người tị nạn Nam Việt Nam (những người đã giúp đỡ Hoa Kỳ trong chiến tranh có nguy cơ bị trả thù).

Theo Washington Examiner, trích dẫn hồ sơ từ thời chính quyền Tổng thống Gerald R. Ford, khi ông Biden đang là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, chính Biden đã từ chối việc tỵ nạn hàng trăm ngàn người Việt chạy trốn khỏi chiến thắng sắp đến của Bắc Việt và có khả năng bị đàn áp từ Cộng sản.

Ông Biden, lúc đó lập luận hoàn toàn trái ngược với những gì ông và đảng Dân chủ ngày nay lớn tiếng rao giảng là "những quy tắc đạo đức", lúc đó ông phát biểu rằng: "Hoa Kỳ không có nghĩa vụ, hoặc đạo đức hay nói một cách khác đi là nhiệm vụ di tản người nước ngoài" (người miền Nam Việt Nam).

Sau đó ông Biden lập lại: "Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải sơ tán một hay thậm chí một trăm lẻ một ngàn người Nam Việt Nam nào cả".

Trong một cuộc họp vào tháng 4/1975 tại Nhà Trắng của các quan chức về chính sách đối ngoại trong đó có Henry Kissinger, ông Biden nói rằng ông sẽ không bỏ phiếu để tài trợ cho việc di tản những người nào mà không phải là người Mỹ.

Ông nói: "Chúng ta nên tập trung vào việc rút quân Mỹ ra, việc cứu người Việt ra và viện trợ quân sự (cho chính phủ Nam Việt Nam) là chuyện hoàn toàn khác".

Ông Kissinger trình bày với ông Biden và những người khác trong phái đoàn Thượng viện rằng: "Chúng ta có trách nhiệm với khoảng từ 170.000 đến một triệu người Nam Việt Nam", nhưng ông thượng nghị sĩ Delaware, thành viên của Ủy ban Đối ngoại là ông Joe Biden đã phủ định điều này.

Hai tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, Biden đã phát biểu: "Tôi sẽ bỏ phiếu thuận cho bất kỳ số tiền nào để di tản người Mỹ ra ngoài, nhưng tôi không muốn liên quan với việc di tản người Việt".

Điều này đã làm Tổng thống Ford tức giận, ông gọi việc từ chối như vậy là sự phản bội các giá trị của Mỹ. Điều tương tự giống như những gì đảng Dân chủ đang nói về Trump vào năm 2019.

Tổng thống Ford nói: "Chúng ta đã mở cửa cho người Hungary, truyền thống của chúng ta là chào đón những người bị áp bức",

Trong một chuyên mục của Miami Herald tháng trước, ông Biden đã lên tiếng với chính quyền Trump trong nỗ lực ngăn chặn những người xin tị nạn ở biên giới "là hành động lật đổ các giá trị của nước Mỹ".

Nhưng ông Biden đã từng không đồng ý mở cửa nước Mỹ cho những người Nam Việt Nam đang gặp nguy hiểm.

Ông là một trong ba thành viên hội đồng đối ngoại bỏ phiếu chống lại yêu cầu tài trợ của Ford cho Việt Nam và là một trong số 14 người chống lại việc này tại Thượng viện.

Kết:
Có hơn 130.000 người Nam Việt Nam chạy trốn khỏi những người Cộng sản chiến thắng cuối cùng đã được sơ tán và được tị nạn tại Hoa Kỳ.https://www.washingtonexaminer.com/news/the-us-has-no-obligation-biden-fought-to-keep-vietnamese-refugees-out-of-the-us

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Chuyện kể của anh Bảy.

Chuyện kể của anh Bảy,
Ngày 21/9/1966 trong chuyến bay tuần tiễu gồm phi đội 4 máy bay, nhận chỉ thị từ trạm điều khiển mặt đất -GCI, trạm rada đánh chặn- cho lệnh tấn công mục tiêu khoảng 16 km phía trước, anh Bảy lúc đó đang dẫn đầu, sau khoảng 7 phút anh phát hiện 2 chiếc tiêm kích F105 khoảng cách chừng 3-4 km. Cả phi đội xông lên rượt theo, sau đó anh rẽ vào phía đuôi của hai chiếc F105 nhưng vẫn xa ngoài tầm bắn, biết rằng các máy bay F105 bao giờ cũng bay đội hình 4 chiếc, Bảy dùng mắt lùng tìm khắp bầu trời chung quanh để tìm 2 chiếc còn lại. Thường thì chúng rất dễ thấy -do những vệt khói đen xịt ra từ động cơ, kiểu sơn ngụy trang xanh đậm và nâu đặc trưng- rất khó nhìn thấy trên nền rừng xanh thẫm, nhưng lại nổi bật trên nền trời xanh lơ, nhưng Bảy không thấy gì, chắc ăn không thấy gì thêm, anh cho lệnh người wingman bay kế bên Đỗ Huy Hoàng tấn công chiếc F105 phía trước bên trái.

Những phi công Hoa Kỳ khi bay trên đất địch, do không có ra đa mặt đất hướng dẫn luôn bay cặp gần nhau -welded wing, gọi là vị trí phòng thủ- ở thế bay này, người wingman luôn bay sát với chỉ huy nhằm kiểm soát phía sau đội hình bay để cho người chỉ huy lái chiếc kia chỉ cần tập trung chú ý tấn công hay tác xạ tiêu diệt mục tiêu phía trước. Tuy vậy chiến thuật tách wingman ra tác chiến riêng lẻ cũng được không quân VNDCCH cho phép xử dụng.

Hoàng quẹo rộng bên trái, nhắm thẳng ngay sau chiếc F105 bên trái và cùng với Bảy chờ hai mục tiêu quẹo cua để tấn công, bất chợt 2 chiếc F105 nghiêng xoắn vào một đường bay thấp xuống.

Bảy hét lên trong máy "Bị phục kích rồi"

Bay thấp -ở mức quá thấp để radar mặt đất bắt được- và xa phía sau 2 chiếc F105 là 2 chiếc chiến đấu cơ F105 khác dẫn đầu là Trung úy Karl Richter và Đại úy Ralph J. Beardsley, hai người đang bay tìm kiếm các địa điểm SAM để tấn công, Richter và đồng đội của anh đang bay ở cao độ rất thấp, theo họ đến mục tiêu thì bất ngờ Richter nhìn thấy nhóm máy bay MiG17. Sau này anh có kể lại: "họ lướt ngay trước mặt chúng tôi rất ngộ, cách khoảng 2 km, thật là hài hước. Chúng tôi rất ít khi gặp được  MiG, phải mất cả một giây trước khi điều này làm tâm trí tôi sôi lên...Chúng không phải là loại máy bay giống như bất kỳ máy bay nào chúng ta đang bay."

Richter bấm bỏ bình xăng phụ, với họng súng M-61 Gatling sẵn sàng, hướng thẳng về chiếc MiG17 bên trái (do Hoàng lái) anh kể lại: "mục tiêu thật dễ dàng" "tôi đưa ống nhắm hơi chếch về phía trước mũi anh ta và bắt đầu bắn"

Richter tiếp tục bắn loại đạn 20 mm với tốc độ 100 viên/giây "tôi tự nhủ, thiệt là nhục nếu mà mình bắn trật chiếc này" cùng lúc đó giọng wingman, Beardsley vang trong máy "mày bắn trúng rồi, trúng rồi" Richter nhìn thấy lửa phụt ra từ phía đuôi chiếc MiG, nhưng dường như chiếc MiG vẫn bay được bình thường.

Hoàng chợt nghe tiếng 'bình bình' đập vào thân máy bay, chiếc máy bay xoay tròn một vòng. Phản ứng anh bấm afterburner, chiếc máy bay vừa vọt về phía trước và càng nghiêng về bên phải, anh gắng thử điều khiển nó, chiếc máy bay có vẻ tuân theo nhưng anh cảm thấy không bình thường, nhìn qua cửa kính anh thấy cánh máy bay bên phải rách tươm "nhưng nó vẫn điều khiển được nên tôi vẫn cố lái nó".

Richter bắn thêm một loạt đạn nữa.

Hoàng nhanh chóng kiểm tra bảng điều khiển trước mặt, hệ thống máy phản lực chỉ dấu bình thường nhưng "khi tôi nghĩ mọi chuyện ổn rồi thì bất ngờ thân máy bay vỡ ra từng mảng" bảng điều khiển rung lên rồi vỡ tan, Hoàng chợt thấy nhói bên hông và lưng, anh chỉ kịp chộp lấy chiếc cần thoát hiểm giữa hai chân.

Vừa lúc Richter xả hết loạt đạn, cánh phải của chiếc MiG gẫy rời ra, nhiều mảnh vụn văng ra từ đuôi và từng phần máy bay văng tung ra bầu trời chung quanh máy bay. Trong khi Richter phóng cao lên để tránh những mảnh máy bay vỡ vụn anh nhìn thấy người phi công MiG bắn ra khỏi máy bay đồng thời trong máy vang lên tiếng Beardsley "hắn bung dù ngon lành", cả 2 chiếc Thud -tiếng lóng để gọi Thunderchief  F105- tống hết ga vọt lên phía trước.

Bung dù ngon lành hay không, đại nạn của Hoàng chưa chấm dứt ở đây, các phi công VNDCCH luôn mang theo cờ đỏ sao vàng kèm theo balô đựng dù sau lưng để lấy ra vẫy báo hiệu khi sắp tiếp đất nhằm phân biệt bạn thù, đã có trường hợp phi công Bắc Việt bị chính dân quân bắn chết vì nhầm lẫn.

Hoàng kể lại "tôi bị thương chảy máu nhiều bên hông và sau lưng, cánh tay trái bị gãy nên không thể thò ra sau lấy lá cờ ra được"

Trong lúc đó Bảy chỉ còn một mình chống chọi với nhóm F4 vừa xuất hiện, anh cố lạng lách tránh các hoả tiển hết chiếc này đến chiếc khác bắn về phía anh, anh tránh được nhưng làm tiêu hao toàn bộ nhiên liệu, anh kể lại: "tôi né tránh được nhưng đang trong tình thế rất nguy hiểm, xăng cạn gần hết, tôi định nhẩy dù bỏ máy bay nhưng khi hạ độ cao thì các máy bay Mỹ bay vượt qua, chợt thấy chiếc máy bay của anh Võ Vân đang bay phía trước, tôi bám theo và hạ cánh an toàn."

Dù của Hoàng đáp xuống một ánh đồng lúa, anh la lớn lên cho biết anh là phi công miền Bắc nhưng khi các dân quân nghe giọng Nam bộ của anh, họ càng nghĩ anh là phi công VNCH -còn đáng ghét hơn cả phi công Mỹ- Hoàng kể lại: "họ lột bộ đồ bay của tôi ra, trói ngoặt tay ra sau, một nông dân bắt đầu đánh tôi cho tới khi một người lính cản lại"

Hoàng bị thương không đứng nổi nên mọi người chở anh trên chiếc xe bò vào thị trấn, cả hàng giờ sau người ta mới xác nhận được nhân thân anh là phi công VNDCCH. Khi phát hện ra lầm lẫn, họ nhanh chóng cởi trói và đưa anh đi bệnh viện.

Kết,
Sau khi phục hồi, Hoàng được chuyển qua lái MiG19 và bị bắn rớt lần nữa ngày 29/9/1967, những vết sẹo ở cổ và tay trái giờ vẫn còn rõ mồn một từ trận đụng độ với Richter.

Mười tháng sau trận này Richter tử nạn trong một phi vụ khác trên bầu trời Bắc Việt.

Các chiến binh hãy yên nghỉ, Hết.

https://www.airspacemag.com/military-aviation/nguyen-van-bay-and-the-aces-from-the-north-1606486/?all

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

MiG 17

http://nasicaa.org/uploads/3/4/7/6/3476155/col_tomb.pdf

Câu chuyện về chiếc MiG17 mang số 3020 sơn cờ VNDCCH trong Bảo tàng không quân Mỹ National Museum of the United States Air Force - Ohio.

Vào năm 1986 chính phủ Ai cập tặng cho bảo tàng Hoa Kỳ mộc chiếc MiG17 cũ để bảo tàng phục chế và trưng bày, chiếc MiG17 được gởi đến Ohio.

Các chuyên viên phục chế tại bảo tàng ở Ohio có ý định phục dựng một phiên bản MiG17 trong chiến tranh Việtnam, qua tìm hiểu nhóm quyết định phục dựng chiếc MiG17 này mang số hiệu 3020 nổi tiếng trong chiến tranh Việtnam.

Huyền thoại về chiếc MiG17-3020.
Trong suốt cuộc chiến, huyền thoại về chiếc MiG17-3020 (từ nay viết gọn là 3020) nó được các phi công Mỹ biết đến vì trong các trận không chiến thông qua các tín hiệu truyền tin thu được nổi bật một cái tên Đại tá Toon/Tomb trong tín hiệu liên lạc phía Bắc Việt -người này được cho là đẳng cấp ace, đã bắn hạ trên 5 mắy bay địch- Câu chuyện càng nổi hơn khi tạp chí Koku-Fan, một tạp chí chuyên về hàng không của Nhật, đăng 2 tấm hình về Mig17 của VNDCCH trong đó có chiếc 3020 với 6 ngôi sao đỏ sơn trên thân -cho biết là nó đã bắn hạ được 6 máy bay địch- mọi người đều cho rằng chiếc 3020 này do Đại tá Toon lái.

Huyền thoại này mãi đến ngày 10/5/1972, Hải quân Trung uý Phi công Randy Cunningham với chiếc F4 Phantom mới phá vỡ, cuộc đụng độ chớp nhoáng ngày hôm đó kết thúc với việc Randy bắn hạ chiếc MiG17-3020, kết thúc một trong những huyền thoại dai dẳng trong cuộc chiến, mọi người đều cho rằng Đại tá Toon đã chết hoặc ít nhất cũng không còn khả năng chiến đấu.

Vấn nạn của bảo tàng.
Trong 2 tấm hình của tạp chí Koku-Fan, chiếc 3020 được sơn ngụy trang vằn vện, chiếc kia nguyên màu bạc kim loại không sơn. Chiếc MiG quà tặng của Aicập thì trong tình trạng quá tệ, thời gian bỏ bê trên khí hậu sa mạc đã làm lớp vỏ hư hỏng phải dặm vá, muốn che những chỗ dặm vá thì tốt nhất là sơn kiểu ngụy trang để dấu những chỗ vá dặm.

Điều ngại ngùng nữa, chiếc 3020 là do Hải quân Mỹ bắn hạ mà bây giờ Bảo tàng Không quân lại dùng nó để trưng bày -điều này hơi nhạy cảm với 2 lực lượng từ trước đến nay- nhưng cuối cùng, không còn lựa chọn, chiếc MiG đã phải sơn ngụy trang và mang số hiệu 3020 với cờ VNDCCH sơn bên hông và cánh.

TB: Trên mạng thấy có phiên bản MiG17-3020 trưng bày tại Bảo tàng San Diego, đây có thể là phiên bản khác.













Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Chiến dịch 'Bọ ngựa bắt mồi'

Chiến dịch Bọ Ngựa bắt mồi -Operation Praying Mantis- con Bọ Ngựa khi chuẩn bị bắt mồi lúc đứng rình và đưa hai càng trước lên trong tư thế như chắp tay cầu nguyện nên trong tiếng Anh có từ 'Praying Mantis' (nghĩa đen là Bọ Ngựa chắp tay cầu nguyện) có nghĩa là con Bọ Ngựa sắp sửa tấn công, đây cũng là ý nghĩa của chiến dịch. Đây là một cuộc tấn công của Hải quân Mỹ vào 2 giàn khoan dầu của Iran trong vịnh 'Persian Gulf'.

Chiến tranh Iran-Iraq  và cuộc chiến tàu chở dầu (Tanker War)

Năm 1988 lúc cuộc chiến giữa Iran-Iraq đang diễn ra rất quyết liệt -còn có tên gọi là Chiến tranh vùng vịnh I, hay còn gọi là chiến tranh vùng Persian Gulf (vịnh Pécxích)- hai phe chiến tranh bắt đầu tiến hành cuộc chiến nhằm tấn công vào các tàu dầu của các bên liên hệ ở eo biển Hormuz.

Năm 1984, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã có một mưu kế rất táo bạo nhắm vào Iran nhằm lôi kéo quốc tế hoá cuộc chiến đó là cho Hải quân Iraq tấn công và bắn chìm các tàu dầu của Iran trong vịnh Ba Tư với mục đích là khiêu khích Iran trả đũa bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz -một eo biển rất quan trọng của vùng Trung Đông- nơi mà khoảng 40% lượng dầu mỏ của thế giới phải di chuyển ngang qua đây.

Đúng như Saddam tính toán, eo biển Hormuz bị Hải quân Iran phong tỏa sau đó, mọi tàu dầu của Iraq và các nước Ả Rập ủng hộ Iraq đều bị Iran tấn công hay bắn chìm. Điều này dẫn đến việc Mỹ và các nước Đồng Minh bắt buộc phải nhảy vào can thiệp để bảo vệ nguồn an ninh năng lượng của mình. Cho dù Mỹ đã cảnh cáo về việc phong tỏa eo biển Hormuz sẽ gây ra hậu quả khó lường nhưng hải quân Iran tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các tàu chở dầu dân sự của Kuwait và Ả Rập Saudi.

Hải quân Iran vào những năm 80 được xem là mạnh nhất trong khu vực Trung Đông với lực lượng tàu hộ vệ do Anh sản xuất (từ thời Pahlavi), đặc biệt là các tàu hộ vệ tên lửa lớp Alvand.

Trước tình hình này, Hải quân Mỹ bắt buộc phải  tiến hành chiến dịch Earnest Will đưa các tàu chiến của Mỹ vào khu vực vịnh Ba Tư nhằm hộ tống các tàu dầu Kuwait khỏi sự tấn công của Hải quân Iran với lời cảnh báo cứng rắn: ''bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhằm vào tàu chiến Mỹ sẽ bị đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ nhất".

Tàu hộ vệ Mỹ trúng thủy lôi, lý do cho chiến dịch 'Bọ Ngựa bắt mồi' khởi động.

Ngày 14/4/1988, tàu hộ vệ tên lửa USS Samuel B.Roberts của Hải quân Mỹ khi đang làm nhiệm vụ hộ tống tàu chở dầu mang cờ Kuwaitt rong vịnh Ba Tư thì đụng phải thủy lôi của Hải quân Iran rải tại đây. Vụ nổ gây ra vết thủng rộng 4,5m (15 feet) tại thân tàu, rất may là không có thiệt hại về nhân mạng nào xảy ra, tàu sau đó được câu vào Dubai ngày 16/4 để sửa chữa.

Sau vụ nổ, lực lượng người nhái của Hải quân Mỹ tiếp tục thu được thêm rất nhiều ngư lôi tại vùng biển này. Sau khi so sánh các số seri trên thân các ngư lôi này thì hoàn toàn trùng khớp với số ngư lôi mà Mỹ đã thu được từ tàu rải ngư lôi Iran Ajr của Iran bị Mỹ đánh chìm trước đó. Dựa vào những chứng cứ thu được, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lập tức ra lệnh cho hạm đội Mỹ trong khu vực tấn công những mục tiêu của Iran trong khu vực vịnh Ba Tư.

Diễn tiến trận hải chiến

Ngày 18/4, hai nhóm tàu chiến Mỹ bao gồm cả Tàu sân bay USS Enterprise với Tuần dương hạm USS Truxtun đi bảo vệ trực chỉ hướng hai gian khoan dầu Sassan và Sirri của Iran.

Cuộc chiến được bắt đầu với sự tấn công của 2 nhóm Thủy quân lục chiến:
- Một nhóm gồm khu trục hạm USS Merrill (gồm trong đó là đội không quân đa dụng, biệt đội 1- trực thăng vũ trang HSL35)
- USS Lynde McCormick cùng với tàu vận tải đổ bộ USS Trenton với lực lượng đặc nhiệm hàng không của nó và biệt đội 5 trực thăng vũ trang HSL44.
Với nhiệm vụ phá hủy vũ khí và các cơ sở quân sự đặt trên khu vực giàn khoan dầu Sassan.

Vào 8 giờ sáng, chỉ huy của Khu trục hạm Merrill phát đi một cảnh báo cho những nhân viên dân sự lẫn quân nhân Iran đang phòng thủ trên giàn khoan dầu, ra lệnh rút lui khỏi đó thời hạn là 20 phút, sau đó phía Mỹ sẽ nổ súng. Tại dàn khoan Sassan, lính Iran chống trả quyết liệt bằng đại liên 23 ly ZU-23, các ổ đại liên này nhanh chóng bị dập tắt bởi pháo của các tàu chiến Mỹ bao gồm: USS Merrill, USS Lynde McCormick và phi đội trực thăng vũ trang Cobra, cuối cùng thì lực lượng Iran cũng liên lạc xin ngừng bắn để rút lui, sau khi cho phép một tàu kéo di chuyển phần lớn số nhân sự trên giàn khoan, phía Mỹ tiếp tục tấn công, khi các ổ kháng cự cuối cùng bị diệt, lính thủy đánh bộ và biệt kích SEAL đổ bộ lên dàn khoan -chỉ tìm thấy một lính Iran sống sót bị thương nặng- và đặt bom xung quanh toàn bộ dàn khoan sau đó kích nổ, phá hủy toàn bộ giàn khoan.

Sau khi tiêu diệt giàn khoan Sassan đội tàu chiến Mỹ trực chỉ dàn khoan Rakhsh kế tiếp, đúng lúc này thì 2 chiếc F-4 của Iran vừa bay đến khu vực với ý định tấn công nhóm tàu chiến, gần như lập tức tàu khu trục USS Lynde McCormick lock 2 chiếc F-4 này vào tầm bắn của tên lửa đối không RIM-66 Standard, kết quả 2 chiếc F-4 sợ hãi rút lui, bay trở lại căn cứ mà không dám bắn phát súng nào vào hạm đội Mỹ. Trên đường đến giàn khoan Rakhsh hạm đội Mỹ được lệnh dừng cuộc chiến nhằm cho phía Iran thấy ý định xuống thang chiến tranh của Mỹ.

Lúc này tại giàn khoan Sirri một nhóm khác gồm tuần dương hạm tên lửa USS Wainwright, khu trục hạm USS Simpson và khu trục hạm USS Bagley, đã đồng loạt dùng hoả lực tấn công giàn khoan dầu Sirri. Lực lượng SEAL của Hải quân được giao nhiệm vụ đổ bộ tấn công, bắt giữ tù binh và phá hủy hoàn toàn giàn khoan dầu Sirri nhưng do thiệt hại quá nặng trước cuộc tấn công bằng hoả lực của hải quân, các chỉ huy đã xác định rằng không cần thiết có cuộc đổ bộ của biệt kích lên giàn khoan nữa.

Đáp lại hải quân Iran quyết định tấn công bằng chiến thuật 'du kích trên biển' bất ngờ áp sát mục tiêu bằng tàu cao tốc Boghammar (do Thụy Điển chế tạo) để tấn công các tàu mang cờ Mỹ, Anh và Panama trong khu vực này, trong đó có tàu tiếp liệu Willy Tide, tàu chở dầu York Marine, tàu hàng Scan Bay đều là các tàu dân sự. Trả đũa lại hành động liều lĩnh này của Iran, hai máy bay A-6E Intruder của Mỹ do Trung úy James Engler và Trung úy Paul Webb điều khiển được lệnh xuất kích từ Tàu sân bay USS Enterprise mang theo bom chùm CBU-100 nhằm tiêu diệt các tàu cao tốc này, 2 chiếc A-6E đánh chìm được 1 tàu cao tốc và làm hư hỏng nhiều chiếc khác, buộc nhóm tàu này phải tháo chạy, quay đầu về phía đảo Abu Musa.

Không sợ hãi, Hải quân Iran tiếp tục đưa tàu khu trục Joshan lên nghênh chiến với tàu USS Wainwright, mặc cho thuyền trưởng tàu Wainwright ra lệnh dừng tàu và đầu hàng nếu không sẽ đánh chìm, tàu Joshan bất ngờ khai hoả một tên lửa Harpoon về phía hạm đội Mỹ. Tàu USS Simpson và Wainwright lập tức bắn trả bằng 3 tên lửa Standard làm tàu Joshan hư hỏng nặng đồng thời giết chết toàn bộ lực lượng sĩ quan chỉ huy trên tàu, tàu Joshan trả đũa bằng một tên lửa Harpoon khác nhắm vào tàu USS Bagley nhưng trật mục tiêu, tàu USS Wainwright nhanh chóng áp sát và cùng với USS Bagley dùng hoả lực bắn chìm chiếc tàu Joshan đang bốc cháy rừng rực.

Tàu Joshan vừa chìm xuống đáy biển thì 2 chiếc F-4 nữa của Iran lại bay gần đến khu vực với ý định tấn công tàu USS Wainwright, khi còn cách tàu khoảng 48 km chiếc Wainwright bắn 2 hoả tiễn tầm xa nhằm xua đuổi 2 chiếc chiến đấu cơ, một chiếc ngay lập tức bỏ chạy khi bị lọt vào tầm ngắm của hệ thống radar, chiếc F-4 còn lại không kịp né tránh nhận 1 trái tên lửa nổ cự ly gần, làm một bên cánh hư hỏng và phần thân bị trúng mảnh đạn, hư hỏng nhưng chiếc F-4 này vẫn bay về được căn cứ tại Bandar Abbas.

Mặc dù liên tiếp thiệt hại, Hải quân Iran vẫn tiếp tục tung lực lượng chiến đấu, khu trục hạm Sahand (lớp Alvand do Anh sản xuất) lại được lệnh xuất kích từ Bandar Abbas, chiếc tàu Sahand này nhanh chóng bị 2 máy bay A-6E của chiến hạm USS Joseph Strauss Mỹ phát hiện khi đang bay tuần tra. 

Một cuộc đấu tên lửa giữa Iran và Mỹ diễn ra, Sahand đã bắn tên lửa vào 2 chiếc A-6E Intruder, đáp trả các chiến đấu cơ bắn hai tên lửa Harpoon và 4 tên lửa Skipper dẫn đường bằng laser về phía tàu Sahand, tàu trúng đạn và bốc cháy, chiếc khu trục Sahand cháy từ mũi tàu lan đến đuôi và lửa nhanh chóng lan tới kho đạn của tàu gây nổ làm con tàu thứ hai của Iran chìm.

Xung đột vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, cuối ngày khi một tàu tên lửa khác của Iran là khu trục hạm Sabalan dùng tên lửa tấn công các máy bay A-6E của Mỹ, các chiến đấu cơ này đáp trả bằng cách thả một quả bom Mark 82 dẫn đường bằng laser tấn công tàu Sabalan, làm tàu này bốc cháy và hư hỏng hoàn toàn, đuôi chìm dưới nước, không thể tiếp tục chiến đấu.

Để trả đũa các cuộc tấn công, Iran đã bắn tên lửa đất đối hải Silkworm từ các căn cứ trên đất liền chống lại hạm đội Mỹ ở eo biển Hormuz và chống lại USS Gary ở phía bắc vịnh Ba Tư, nhưng tất cả đều bị trật mục tiêu do kỹ thuật né tránh và ngụy trang của hạm đội. Thậm chí một tên lửa có lẽ đã bị bắn rớt bởi đạn súng 76 mm của tàu Gary.

Lầu Năm Góc và Chính quyền Reagan sau đó đã phủ nhận cuộc tấn công bằng tên lửa Silkworm đã xảy ra, có thể là để giữ cho tình hình không leo thang hơn nữa -vì họ đã hứa công khai rằng bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy sẽ bị đáp trả vào các mục tiêu trên đất Iran- nhắc lại, chiến dịch Bọ Ngựa bắt mồi chỉ nhằm đánh các mục tiêu trên biển, phía Mỹ đã cảnh cáo Iran sẽ không tấn công Iran trên bộ nếu Iran không dùng các căn cứ trên bộ để tấn công hạm đội Mỹ.

Ngừng chiến

Nhận thấy phía Iran bị thất bại hoàn toàn, Hải quân Mỹ quyết định ngừng chiến dịch tấn công, nhằm tạo lối thoát cho Iran, ngay lập tức phía Iran chấp nhận ngừng bắn và bãi bỏ phong tỏa eo biển Hormuz.

Tổn thất của Iran trong cuộc chạm trán ngắn ngủi với Mỹ: 2 giàn khoan dầu bị phá hủy (giàn khoan bị cho là xử dụng cho mục đích tình báo), 3 tàu cao tốc tấn công nhanh Boghammar, một tàu khu trục tên lửa Sahand và một tàu khu trục Joshan bị bắn chìm hoàn toàn, tàu Sabala thì trúng bom laser hoàn toàn mất khả năng chiến đấu.

Phía Mỹ có 2 tổn thất nhân mạng xảy ra khi một máy bay AH-1T Sea Cobra gặp tai nạn trong khi đang bay trinh sát trên biển.

Trận hải chiến của Chiến dịch Bọ Ngựa bắt mồi này là một trong những trận hải chiến lớn nhất của Mỹ sau Thế Chiến II, nó cũng thể hiện sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ so với các thế lực đối nghịch tại Trung Đông, đặc biệt là đập tan hy vọng ảo tưởng của Hải quân Iran với chiến thuật 'du kích trên biển' mà trước đó Iran thường rêu rao có thể tiêu diệt Hạm đội Mỹ bằng các tàu, ca-nô tốc độ cao áp sát tấn công.

42, tổng hợp.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Lãng mạn Cộng sản.

Câu chuyện Liên Xô đổi hạm đội lấy Pepsi.

Cuối năm 1958 Liên Xô và Mỹ thoả thuận tổ chức một cuộc triển lãm ở hai quốc gia nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau, triển lãm của Liên Xô diễn ra tại New York vào tháng 6/1959. Mỹ tổ chức triển lãm tại công viên Sokolniki ở thủ đô Moscow sau đó 1 tháng, tại cuộc triển lãm phía Mỹ quảng cáo văn hóa công nghệ cũng như các sản phẩm tiêu dùng ô tô, hàng gia dụng. Rất nhiều doanh nghiệp của Mỹ tham gia trưng bày sản phẩm.

Ngày 24/7/1959 trước khi triển lãm tại Moscow chính thức khai mạc, phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã mời nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tham quan các gian hàng. Họ dừng lại trước một căn bếp -nơi sau nà̀y nổi tiếng vì trở thành hiện trường cho cuộc tranh luận nổi tiếng trong chiến tranh lạnh- khi so sánh giữa người dân Mỹ và Liên Xô có sở hữu được những tiện nghi như trong triển lãm, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã không hài lòng nên phản ứng. Chủ đề được mở rộng đến các vấn đề chính trị như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, chiến tranh hạt nhân... Ngày hôm sau đoạn tin về "Cuộc tranh luận nhà bếp" (Kitchen Debate) xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo Mỹ và điều thú vị nhất là khi ở đoạn kết Nixon và Khrushchev cùng uống Pepsi. Một nhiếp ảnh gia đã bắt được khoảnh khắc Nixon và Khrushchev đứng cạnh nhau trong khi lần đầu tiên nhà lãnh đạo Liên Xô thưởng thức nước ngọt của một thương hiệu phương Tây. Kể từ đó, nó như trở thành một thứ ma tuý đối với người Nga, một loại đồ uống có ga mùi như "mùi xi đánh giầy" (theo ý kiến của những người Nga lần đầu thử Pepsi).

Sau khi thỏa thuận cho phép Pepsi được hoạt động kinh doanh tại Liên Xô có hiệu lực vào năm 1972, một vấn đề được đặt ra là cách thanh toán, đồng Ruble lúc này không có giá trị trên thị trường quốc tế và không thể quy đổi ra Dollar. Một giải pháp được đưa ra là Pepsi cung cấp đồ uống giải khát, thức ăn nhanh còn Liên Xô sẽ thanh toán trở lại bằng Vodka Stolichnaya -thương hiệu rượu lâu đời của nước này- từ đây Pepsi trở thành đại lý độc quyền Vodka Stolichnaya tại Mỹ.

Năm 1988 Pepsi lần đầu tiên quảng cáo thương mại trên truyền hình địa phương với sự tham gia của vua nhạc Pop Michael Jackson. Đây cũng là thời điểm thăng hoa của thương mại hai nước khi hãng rượu Vodka Stolichnaya trở nên phổ biến tại thị trường Mỹ, cho đến cuối thập niên 80 phong trào tẩy chay Liên Xô vì chiến tranh Afghanistan ngày càng lên cao ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ Vodka cộng thêm lợi nhuận tăng trong kinh doanh, Pepsi phải tìm nguồn khác hơn nhằm chuyển lợi nhuận về Mỹ.

Mùa Xuân năm 1989 Liên Xô đã ký thỏa thuận đáng chú ý với phương thức thanh toán đặc biệt hơn với Pepsi, Liên Xô bán cho tập đoàn nước giải khát 17 tàu ngầm cũ (loại chạy Diesel-Điện, mỗi chiếc khoảng 150.000 USD) và ba tàu chiến bao gồm một khu trục hạm, một tuần dương hạm và một khinh vận hạm. Pepsi cũng mua các tàu chở dầu đóng mới của Liên Xô để cho thuê hoặc bán dầu cùng công ty đối tác Na Uy, đổi lại Pepsi có thể tăng gấp đôi số lượng nhà máy tại Liên Xô.

Ông Kendal có lúc đã cười nhạo Brent Scowcroft -Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống George H.W Bush- rằng Pepsi giải giáp Liên Xô còn nhanh hơn chính quyền Mỹ.

Ngày 9/4/1990 Pepsi ký hợp đồng trị giá lên tới 3 tỷ USD với Liên Xô với phương thức thanh toán là tàu chiến. Với hợp đồng mới này Liên Xô chuyển nhượng cho Pepsi 10 chiếc tàu. Đây là thỏa thuận hợp tác thương mại có một không hai khi Liên Xô mua sản phẩm từ Mỹ được coi như kẻ thù lớn nhất khi đó. Chuyện này đã biến Pepsi bất ngờ trở thành 'cường quốc hải quân', với số lượng tàu chiến này Pepsi đứng hàng thứ 7 về lực lượng hải quân thế giới lúc đó. Pepsi hy vọng hợp đồng khổng lồ này sẽ tạo ra cơ hội mở rộng thêm hoạt động kinh doanh tại Liên Xô. Pepsi thậm chí còn đưa thêm chuỗi nhà hàng Pizza Hut vào Liên Xô và tin rằng nó cũng sẽ có triển vọng tốt như mặt hàng nước ngọt.

Bất ngờ cho Pepsi là khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì thỏa thuận hấp dẫn này cũng không còn được duy trì. Chuỗi nhà hàng Pizza Hut bị rơi vào khó khăn khi nguồn nhập phômai đến từ Lithuania. Pepsi cũng bị khủng hoảng khi công ty cung cấp chai nhựa lại được đặt ở Belarus. Những tàu chiến của Pepsi mua nhưng chưa kịp chuyển đi bị mắc kẹt ở Ukraine, một quốc gia mới độc lập cũng muốn được chia phần trong thương vụ mua bán này. Sau khi các mối làm ăn với Liên Xô bị đình trệ trong nhiều tháng và Pepsi cố gắng kéo lại doanh thu chuyện mà trước đây chỉ phải đối phó với một nước duy nhất ngày nay họ phải làm việc với 15 quốc gia khác nhau.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Coca Cola nhân cơ hội Liên Xô tan rã đã nhảy vào thị trường hoàn toàn mới mẻ này. Nước Nga ngày nay vẫn là thị trường lớn thứ hai của Pepsi ngoài Mỹ nhưng phong độ đã không còn, Pepsi đã mất đi lợi thế khi không còn độc quyền nữa, bởi chỉ sau vài năm Coca Cola đã thay thế Pepsi là thương hiệu nước giải khát phổ biến nhất tại Nga hiện nay, chấm dứt một huyền thọai.

Điều cuối cùng của câu chuyện này mà ai cũng muốn biết, đó là toàn bộ số tàu ngầm và chiến hạm cũ của Liên Xô được Pepsi bán lại cho một công ty tái chế của Thụy Điển với giá đồng nát.

Phỏng dịch 42.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Nhị đẳng Huyền đai Thái cực đạo.

Cô người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, tomboy, thích để tóc kiểu ‘demi garson’ kiểu thời thượng vẫn còn ăn khách đầu thập niên 70, khuôn mặt tròn với đôi mắt to như hút hồn người đối diện. Ngoài những lúc cô diện quần áo kiểu tomboy để đi học đi chơi, những khi đi nhà thờ cô mặc áo dài không ai có thể ngờ cô gái dịu dàng nhí nhảnh như thế lại đang đeo đai đen đệ nhị đẳng Thái cực đạo.

Thời trước 75 phong trào học Thái cực đạo được phát triển rầm rộ thông qua lực lượng quân đội Đại Hàn, môn võ này được khuyến khích cả trong quân đội miền Nam lẫn ngoài dân chúng. Cô Hiền là một trong những cô gái hiếm có ở vùng Xóm mới theo học võ và mang đai đen, cô hay qua lại chơi với các bạn học xứ tôi, thế mới bén duyên anh Minh chồng cô sau này.

Anh Minh chồng cô là sỹ quan quân đội, anh lính trẻ yêu cô học trò xứ đạo là câu chuyện tình muôn thưở mà ta vẫn thường nghe qua những bài Bolero, kết thúc là đám cưới rộn ràng. Hai người vui duyên mới chẳng bao lâu thì biến cố 30/4 phủ tràn xóm đạo, anh Minh như bao nhiêu sỹ quan lìu tìu trong quân đội miền Nam qua một khoá học tập cải tạo, hơn 2 năm sau anh được tha về với cô vợ trẻ và không nghề nghiệp.

Chuyện! nghèo thì gia đình hay lục đục, gia đình anh Minh không thoát khỏi lẩn quẩn đời thường đó, lâu lâu tôi lại thấy anh rượt cô Hiền chạy vòng quanh xóm, thậm chí có lần cô còn bị anh đánh dập dụi ngay ngoài ngõ. Tôi nhớ chẳng bao giờ thấy cô phản ứng lại, lần nào cũng cùng một kết thúc cô len lén về nhà và hôm sau mọi chuyện như chưa từng xảy ra. Hai người cứ thế bươn chải kiếm sống trong buổi giao thời khó khăn, rồi cô một lần sinh đôi hai cô con gái.

Cuộc sống cứ lững lờ trôi, gần 30 năm xa xứ lần tôi về gần đây, thấy gia đình anh chị vẫn yên ấm hai cô con gái đã chồng con, cũng chưa bao giờ nghe hàng xóm kể cô Hiền có lần nào dùng Taewondo chống lại anh chồng vũ phu.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Rừng Amazon

Những tấm hình Satellite cho ta thấy gì về chuyện cháy rừng Amazon.
Nhiều người đang làm rộn lên chuyện rừng Amazon của Brazil bị cháy, thậm chí than khóc cho ngày tàn của kỷ nguyên loài người đến ngày diệt vong.

Sự tực ra sao, chúng ta cần biết chút xíu cho đỡ sợ, hí hí

Theo các chuyên viên nghiên cứu về các tấm hình Satellite chụp trên khu vực 'cháy rừng' tại vùng Amazon cho biết, đại đa số các vùng cháy đó là vùng rừng đã được dọn sạch thành nông trại để làm nông nghiệp.

Theo các khoa học gia của đại học Maryland, hầu hết các đám cháy là do nông dân đốt rẫy -Việt nam trên vùng cao bà con dân tộc vẫn làm- sau vụ mùa để chuẩn bị đất cho năm tới, hình chụp không ảnh cho thấy là nông dân đốt rẫy sau thu hoạch, nông nghiệp của vùng Amazon thuộc Brazil hiện nay đều đã được hình thành từ phá rừng để làm thành đất nông nghiệp.

Hầu như đất nông nghiệp hiện nay tại vùng Amazon đều từ phá rừng mà có, Brazil muốn làm nông nghiệp thì phải phá rừng để có đất làm, chỉ có khác biệt là thay vì trước đó từ khu rừng giờ này nó là nông trại trồng đậu nành.

Những vùng nông trại này có chu kỳ lập đi lập lại hàng năm và theo từng tháng mức độ cháy lớn hay nhỏ đều đặn, mức độ cháy lớn nhất hàng năm dồn vào các tháng 8-9-10 phù hợp với mùa trồng đậu nành và bắp.

Kèm theo đây là bản đồ không ảnh để so sánh của tháng 8 hàng năm 2011-2018 và bản đồ mới nhất của năm 2019, các nhà khoa học Brazil cho thấy chỉ có điều khác biệt là năm nay cường độ đốt lớn hơn các năm trước khoảng 35%.

Các đám cháy này không phải cháy tự nhiên, mà do nông dân đốt, giải thích về những đám cháy với cường độ mạnh bất thường, chuyên gia tại đại học Maryland giải thích: "Khi nông dân khai phá một vùng rừng để chuẩn bị cho nông trại, họ thường gom cây vào một chỗ để cây khô sau đó đốt nó, vì thế sẽ cháy rất mạnh và tạo nên rất nhiều khói -vì cháy tập trung- và khuynh hướng phá rừng đang tăng lên sau nhiều năm giữ ở mức thấp.

Theo các chuyên gia phân tích của New York Times cho thấy các biện pháp thực thi để bảo vệ chống phá rừng của cơ quan môi trường Brazil đã giảm 20% trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ sau vài ngày thế giới biểu lộ sự phẫn nộ về các vụ cháy, tổng thống Bolsonaro đã hứa hẹn sẽ huy động quân đội vào việc giúp bảo vệ môi trường và gnăn chặn các đám cháy.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Woman in love.

Bài hát này là lời trần tình của cô gái với người yêu, cô phạm lỗi lầm khiến 2 người chia tay, theo mạch lời hát, cô chắc gian dối gì đó với người tình, trước nguy cơ mộng tình tan vỡ, cô tự biện hộ:
"Em là một phụ nữ đang yêu, nên em có quyền tự vệ để bảo vệ tình yêu" (It's a right I defend). 
"Em có làm gì sai đâu" (what do I do?) 
Không biết rồi cô có kéo lại được tình yêu không, tội cô bé. 

Life is a moment in space
When the dream is gone
It’s a lonelier place
I kiss the morning goodbye
But down inside you know
We never know why
The road is narrow and long
Đời chỉ là khoảnh khắc, khi mộng tình đã tan, chỉ còn trống vắng, buổi sáng đó hôn anh tạm biệt, tự thâm tâm chúng ta không thể hiểu, sao đường tình mình lắm trắc trở.

When eyes meet eyes
And the feeling is strong
I turn away from the wall
I stumble and fall
But I give you it all...
Gặp anh, cảm xúc thật mãnh liệt, em thoát khỏi cõi cô đơn, em yêu anh, trao anh tất cả.

I am a woman in love
And I do anything
To get you into my world
And hold you within
It’s a right I defend
Over and over again
What do I do?
Em là gái đang yêu, làm tất cả để anh đến với em, và giữ chặt anh, điều này đúng chứ, em vẫn tự vấn, em làm gì sai

With you eternally mine
In love there is
No measure of time
We planned it all at the start
That you and I
Would live in each other's hearts
Anh là riêng em, tình yêu là thế, vĩnh viễn, mình đã định, rằng anh và em mãi thuộc về nhau

We may be oceans away
You feel my love
I hear what you say
No truth is ever a lie
I stumble and fall
But I give you it all
Mình dù xa cách, anh có nhớ tình em, vẳng lời anh nói, không chấp nhận dối gian, mà anh ơi em yêu anh đã trao anh tất cả tình em.


Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Nhìn lại Hongkong 1967.

"Trước đây... Hongkong chỉ là nơi tá túc vay mượn, nhưng sau cuộc bạo loạn mọi người hiểu ra rằng Hongkong là ngôi nhà của chính họ"

Cuộc bạo loạn từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1967, tổng cộng 51 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương, hơn 8.000 quả bom đã phát nổ (phần lớn là các vụ nổ có kiểm soát, do cảnh sát phá hủy), trong đó có khoảng 1.100 quả là bom thật.

Hồng Kông là một nơi rất khác biệt cách đây nửa thế kỷ, rất nhiều người dân là những người tị nạn từ cuộc hỗn loạn tại nội địa Trung Quốc, những người tị nạn đã tá túc, dựng nhà của họ trong các trại tị nạn, các vùng đất vô chủ tồi tàn, các sườn đồi tràn nghập khu ổ chuột, nơi không có nước sinh hoạt hoặc nhà vệ sinh, việc làm không có và nhà chủ có thể thoải mái chọn người họ muốn, nhưng bằng cách nào đó mọi người sống sót, là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng sự bất mãn trong dân chúng.

Vào đầu 1967, tác động của Cách mạng văn hoá từ Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng lên Hồng kông, công nhân bị sa thải mang tâm lý bị đối xử bất công. Các cuộc bạo loạn tại Macau nổ ra 12/1966 và 5/1967,  sự leo thang tranh chấp lao động tại một nhà máy sản xuất hoa giấy ở San Po Kong-Cửu Long đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đụng độ sẽ làm rúng động Hồng Kông sau này.

Vào lúc 1 giờ chiều ngày 6/5 thì sự việc rắc rối tại nhà máy sản xuất hoa giả Hồng Kông xảy ra, tại nhà máy các công nhân đình công vì bất bình về tiền lương và việc sa thải 29 công nhân chạy máy, hôm sau các đại diện công đoàn đưa thỉnh nguyện rồi mọi người giải tán.

Biểu tình tiếp tục xảy ra, cảnh sát phản ứng cứng rắn, bắn đạn cay và dùng dùi cui, và rồi rắc rối lan sang Wong Tai Sin, đến Đông Cửu Long và tập trung tại Shek Kip Mei.

Số ra ngày 12/5 của tờ South China Morning Post viết rằng: Chỉ 13 tháng sau cuộc nổi loạn [Star Ferry] năm ngoái, đêm qua một phần của Cửu Long một lần nữa bị lệnh giới nghiêm sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và đám đông công nhân và thanh thiếu niên.

Sự phẫn nộ tiếp tục âm ỉ và sôi sục suốt mùa hè, nhưng sau những cuộc đình công và biểu tình ôn hoà ban đầu, mọi người bắt đầu nhận ra rằng các vấn đề chính trị mới là cốt lõi của phong trào lao động, và rồi mọi thứ trở nên tồi tệ. Nhiều người bắt đầu không ủng hộ phong trào lao động một khi nó xử dụng đến bạo lực trắng trợn bằng cách đặt bom khắp nơi -khủng bố đô thị- là một thuật ngữ chính xác để mô tả tình hình trong nửa cuối năm 1967. Phong trào lao động cánh tả dần biến thành phong trào khủng bố.

Bạo động
Giới giàu có tại Hồng Kông bắt đầu tìm cách rời khỏi khi tình trạng bạo động ngày tăng lên, nững người biểu tình -chống chính phủ- copy nguyên bản của cuộc Cách mạng văn hoá đang nở rộ tại TQ, mọi người mặc sơmi trắng với quần xám, đeo hình lãnh tu Mao trên ve áo. Các loại bom tự chế được đặt khắp nơi trong thành phố, đa số là bom giả nhưng chỉ cần vài quả bom thật trong số đó cũng đủ để khủng bố tinh thần dân chúng, sự sợ hãi gieo rắc vào dân chúng đến độ khi thấy một cái lon cũ bên vệ đường, vì sợ là bom, người ta sẵn sàng đi phía bên kia để tránh nó.

Tại trường trung học Chung Hwa, học sinh được yêu cầu chế bom trong lab của trường, gây ra tai nạn làm nổ đứt cánh tay của một học sinh, 18 tuổi Siu Wai -trường này sau bị đóng cửa vĩnh viễn với tội danh: phổ biến giáo trình học cộng sản với ý đồ nuôi dưỡng sự thù địch và bạo động- một ngày sau vụ tai nạn, cảnh sát cũng lục soát 4 trường khác có cùng khuynh hướng giáo trình-cộng sản là trường: Mongkok Workers’ Children School, Heung To Middle School, Western’s Hon Wah Middle School và Fukien Middle School.

Khủng bố càng ngày càng trầm trọng, ngày 20/8 bé gái Wong Yee-man 8 tuổi và em trai 2 tuổi Wong Siu-fan lượm được một hộp giấy cạnh Kiangsu Chekiang college, hai em ôm về nhà thì bom phát nổ, cô bé chết tại chổ vì thủng bụng, cậu em chết trên đường cấp cứu.

Ngày 24/8 Lam Bun, một phát thanh viên radio với những chỉ trích về chủ nghĩa cánh tả cực đoan cùng người em họ lái xe đi làm thì bị chặn lại, tưới xăng lên người và đốt, cả hai anh em chết vì bỏng nặng vài ngày sau trong bệnh viện. Giết chóc làm dân chúng thêm hoảng loạn, dân Hồng Kông bắt đầu quay lại chống thành phần cánh tả.

Ngày 8/7, Khảng 300 dân quân có vũ trang TQ và người biểu tình đã tấn công đồn cảnh sát trên khu vực biên giới giới hạn 2 dặm, giết chết 5 cảnh sát, vây đồn cảnh sát, nhốt toàn bộ 86 cảnh sát trong toà nhà Ủy ban thôn Shataukok khoảng 10 tiếng.

Hạ sỹ Fung Yin-ping, thư ký Kong Shing-kai, Mohamed Nawaz Malik, Khurshid Ahmed và Wong Loi-hing đã bị mất mạng trước khi chính quyền Anh quốc kịp điều 500 lính Gurkha thuộc lữ đoàn 48 Bộ binh tại Sek Kong -đóng quân tại Sha Tow Kok và dọc biên giới phía Tây- đến để giải cứu, phá vỡ vòng vây.

Những người nông dân đại lục tại biên giới luôn biểu thị bằng cách vừa đi vừa hát những bài hát cách mạng, mang theo các biểu ngữ màu đỏ khi họ phải đi qua biên giới Hồng Kông để canh tác mùa màng của họ.

Ngày 29/2, hai cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra vô tình chạy xe máy qua biên giới và bị băt giữ, khi thanh tra cảnh sát cấp cao Frank Knight cùng phái đoàn đi điều tra, sau hồi tranh luận lớn tiếng tại hàng rào biên giới ông đã bị một nhóm nông dân xúm lại lôi qua cầu biên giới.

Hệ quả là cây cầu thông thương qua Hồng Kông bị chắn lại, việc di chuyển qua biên giới chấm dứt, những nông dân đại lục ủ rũ vì mùa màng không được chăm bón, dân Hồng Kông tức giận vì việc giam giữ các cảnh sát viên HK. Ông Akers Jones và ông cố vấn chính trị Kenneth Kinghorn được đưa đến đàm phán với các giới chức TQ, cuộc đàm phán bắt đầu với thủ tục đọc ba câu từ cuốn sách đỏ "Mao tuyển", kết qủa chính quyền Hồng Kông phải trả tiền đền bù cho các cây trồng bị hư hại do đóng cửa biên giới, phía TQ thả 2 cảnh sát cùng vũ khí và tư trang.

Vào khoảng 12/1967 cuộc bạo loạn quay cuồng như lốc xoáy cuối cùng đã lắng xuống, chính thời gian này rất nhiều cải cách xã hội lớn, những nền tảng mới được đặt ra và định hình xã hội Hồng Kông sau này, chính quyền sau cuộc bạo loạn nhận ra sự thờ ơ với dân chúng đã tự thay đổi, thành lập những Văn phòng hội đồng quận -District Council offices- để cho những người dân bình thường có thề truyền đạt nhu cầu của họ, vụ bạo loạn đã làm thay đổi mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền sâu sắc.

Chính quyền thuộc địa Anh đã nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe công chúng và do đó, mối quan hệ cộng đồng đã được tăng cường, không lâu sau đó vào năm 1971 Hồng Kông đã có một thống đốc mới, Murray MacLehose.

Ông đã chủ động công khai chủ trương nhà ở công cộng và giáo dục miễn phí, việc cải thiện dịch vụ xã hội công cộng, nhiều người đã chạy trốn khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa ở trong các khu định cư tồi tàn ở Cửu Long, dưới khu Lion Rock vào năm 1972 bắt đầu nhìn thấy một Hồng Kông tiến lên thoát ra khỏi nghèo đói.

Quốc tịch Hồng Kông được phát triển lần đầu tiên vào năm 1967, trước khi xảy ra sự cố rất nhiều người nghĩ Hồng Kông chỉ là một nơi tá túc vay mượn, nhưng sau các cuộc bạo loạn, mọi người biết rằng Hồng Kông chính là nhà của họ và họ sẽ không quay trở lại Trung Quốc nữa.

42 Phỏng dịch.

“Looking Back – Hong Kong 1967 Riots,” South China Morning Post archives.





https://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/2089195/witnesses-anarchy-1967-riots-hong-kong-some-those

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

Chuyện kể của Mai Hoà.

CHUYỆN BUỒN, CHUYỆN VUI NHỚ CHUYỆN CHIẾN TRƯỜNG !

Viết cho Trần Văn Lại nhân dịp 27/7/2017.
Mỗi khi có dịp vào Nam dù là theo đoàn CCB E205 hay cá nhân mình thường dành thời gian đi thăm lại chiến trường xưa. Đi với ai? Người mà nghĩ đến đầu tiên ở Sài Gòn là Mai Đăng Tiến, chia tay Trung đoàn từ tháng 10/1977 mãi cho đến năm 2010 mình mới liên lạc được với ông này qua ông Trường Bắc Giang. Khỏi cần biết Tiến giầu hay nghèo, sự nghiệp ra sao? Lý do là với những anh em bạn bè đồng ngũ Bắc vô Tiến nhiệt tình số 1 trong số những đồng đội định cư ở Sài Gòn.


Ngồi với Tiến trên lầu của quán Bia Hà Nội tại đường Nguyễn Thị Minh Khai vào một buổi trưa mình biết thêm về Lại. Phải nói thật là một trong những bất ngờ thú vị khi biết Lại có vợ là cô bạn học cùng lớp với mình trong 3 năm cấp III, từ đó mới liên lạc thường xuyên với Lại. Đi với Tiến mình được biết thêm nhiều bất ngờ, một trong những câu chuyện đó là gặp gỡ gia đình anh Sáu Nọ ở Bàu Cỏ, gặp Quy ở Lộc Tấn…

Chuyện anh Sáu kể trong và sau bữa nhậu cuốn hút suốt đêm, trong đó Lại là một phần của thời 1975. Nhân dư âm ngày buồn 27/7 mình muốn chia sẻ tới anh Lại về trận đánh đồn Thốt Nốt ngày 13/01/1975, với tinh thần là biết gì kể nấy vì mỗi cá nhân chỉ biết một phần của sự kiện, góp nhặt câu chuyện buồn xưa, anh Lại có mang đại liên tăng cường cho bọn mình trận này nhưng chứng kiến còn có những ai khác?

Sau trận Suối Đá ngày 07/12/1974 mấy ngày, cả Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm cỏ qua đất Cambodia rồi về rừng Nhum (rừng có cây nhum nên gọi rừng Nhum, anh em mình hay gọi rừng Nhôm), tại đây đã thấy truyền đơn của bên kia rải xuống rừng nói về E205 tại Suối Đá rồi, nội dung là đại bại.

Đại đội 1 quân số còn rất mạnh, lính trải qua Chiến dịch Bù Bông – Kiến Đức và được mấy anh cán bộ đi học về bổ sung. C1 làm thao trường bằng cành cây mô hình chốt Thốt Nốt trong rừng Nhum để luyện tập, chiến thuật kỳ tập (kiểu như đánh Suối Đá) là bí mật cắt rào, đánh bộc phá phá rào rồi tràn diệt địch trong tường hộp và đánh nhà chỉ huy bằng hỏa lực, không hiểu sao Trung đoàn vẫn ngoan cố chơi kiểu này vì bộ binh và C1 cũng chưa từng thành công, đồn Thốt Nốt hình tam giác, bên trong có nhà chỉ huy và tháp canh, ba góc tam giác là 3 lô cốt bát úp.

Phương án tác chiến: Đánh đồn bằng cả 3 mũi trong đó mũi chủ công (anh Việt cà lăm C trưởng và anh Sáu Chính trị viên phó chỉ huy) được phá rào bằng mìn ĐH10 với giá 3 quả, mình đi mũi này, 2 mũi còn lại chỉ dùng 1 quả ĐH10. Một mũi do anh An C phó chỉ huy (Minh, Nga Thiện đi mũi này), mũi còn lại mình ko rõ ai chỉ huy (Trường, Bắc Giang đi mũi này). Phá rào giữa cạnh đồn không thẳng lô cốt, thêm một bộc phá sào dọn rào nếu rào chưa sạch, nếu sạch rào bằng mìn ĐH10 rồi thì sẽ dùng bộc phá sào phá tường hộp, bộ đội xông vào phát triển ra hai bên diệt địch.

Diễn biến trận đánh.
Xuất phát từ rừng Nhum từ mờ tối, theo ruộng của dân đến đồn Thốt Nốt trong đêm, mình đeo một trái ĐH10 đến cách đồn 1 quãng gần hàng rào thép gai thì dừng lại tổ hợp trên một cái giá tam giác có cọc chống thành cụm 3 quả, khi đó nhóm của Tạo trinh sát tiểu đoàn đã cắt rào. Được lệnh tiếp cận hàng rào mình cùng Thực (Hàm Rồng – Hoằng Hóa) khênh giá ĐH10 vào vị trí, anh Sáu dù là Chính trị viên phó nhưng rất xông xáo trong việc đấu kíp điện và kiểm tra giá mìn, chính anh là người bấm điện cho ĐH10 nổ. Phương án đã nói ở trên, có 1 bộc phá sào dự phòng cho việc ĐH10 nếu không phá sạch hàng rào, nếu hàng rào được quét sạch sẽ dùng bộc phá sào thọc lỗ châu mai phá tường hộp.

ĐH10 nổ tất cả nghe lệnh xông lên bởi ko thấy bộc phá sào nổ (lý do Thực đút bộc phá sào vào rồi nhưng không giật nụ xòe), tất cả ào ào xông lên vì ĐH10 quét rất sạch, sát tường hộp là một hào rộng chừng 2,5m sâu chừng 70cm (có thể do đào lấy đất đắp tường hộp) nước lúp xúp và dây thép gai rải bùng nhùng nhưng vẫn lội qua được, anh em khá đông lúp xúp dưới chân tường hộp, mình và Tĩnh – Nga Thạch (Tĩnh mang trung liên RPD, mình AK) leo lên nóc lô cốt phiá bên phải. 

Thời điểm oan nghiệt bắt đầu khi địch thẩy trái láng ra ngoài chân tường chỗ anh em đang tập trung và chưa leo lên được tường hộp, tiếng nổ và ánh sáng bùng lên, anh em la hét đau đớn. Đồn Long Giang bắt đầu bắn cối sáng sang chi viện cho Thốt Nốt, nằm trên nóc lô cốt dưới ánh cối sáng mình và Tĩnh quan sát được toàn bộ cái đồn và nhìn được đường ra phía ấp. Nói về cái đồn, tường hộp trên 3 cạnh tam giác hoàn toàn bằng bao cát đất, nóc mái bằng để đi lại và có lỗ để lính nhô lên. Chiều dài tường chừng 15m, chiều cao tường chừng hơn 2m ngoài tầm với chút (nếu muốn trèo lên phải kênh kiệu), chiều rộng chừng 2m. Ba góc là ba lô cốt đất hình bát úp cũng cao bằng tường, bên trong có một cái nhà bằng bao cát và một chòi canh bằng thép góc. Cái lô cốt mình và Tĩnh leo lên có độ thoải và đặt được chân để bám lên, trên nóc lô cốt nó xếp bao cát làm cái tăng sê rộng chừng 1m, cao 70cm đủ cho một người ngồi, nó làm 4 cọc và che nắng bằng lá dừa, ĐH10 thổi làm bay cọc nhưng lá dừa vẫn nằm gần đấy, mình và Tĩnh nấp vào chân tăng sê, mình nằm bên trái nó nằm bên phải, trong tăng sê có cái đèn 3 pin vẫn còn sáng (khi tiếp cận và trước lúc ĐH10 nổ vẫn thấy lính nó đi lại), từ lô cốt nhìn sang chỗ anh em hy sinh chân tường hộp là bên trái. 

Nói lại về thời khắc đen tối, chỉ trái láng đầu tiên đã làm sát thương khủng khiếp cho anh em rồi cứ thế đều đều tiếng nổ và ánh lửa nháng nháng cho đến khi tiếng kêu im lặng dưới hào nước dưới chân tường hộp, hai mũi còn lại hầu như không động tĩnh. Mũi của Trường hình như cũng mở được rào nhưng không lên. 

Trong một khoảng im lặng Tĩnh phát hiện một tên nhô lên khỏi nóc tường hộp bên phải, Tĩnh bảo: Hòa ơi bắn đi, mình hỏi: đâu? Tĩnh nói: đây này, mình bảo: Mày bắn đi, nó nói: súng tao nghiêng không bắn được. Trong khoảnh khắc mình nhìn thấy thằng địch cách chừng 2m nhô lên nóc tường hộp ngang ngực, mình điểm xạ 2 phát AK, nó tụt xuống, sau chừng 30 phút tất cả im ắng. 

Cối sáng từ Long Giang vẫn thay nhau bắn sang, biết là hỏng rồi mình bảo Tĩnh: Tĩnh ơi ra thôi, nó bảo: Mày ra trước tao ra sau, cái thằng rất lì nó mang trung liên nhưng vẫn không cùng ra, tôi nói: tao ra đây. Lợi dụng lúc ánh sáng cối tắt mình phóng theo cừa mở và thoát ra ngoài, bên ngoài anh em vẫn chưa rút hết, vẫn còn người loanh quanh ngoài hàng rào. Mình gặp Hùng, Tới – Nga Thành và cả 3 cùng hướng rừng Nhum để về trong đêm tối, cả Tới và Hùng đều bị thương, mình không sao do nằm trên nóc lô cốt nên mảnh trái không tới, ba thằng cùng về. trên đường đi mình rơi tõm xuống cái giếng nước làm ruộng của dân, giếng sâu chừng gần 3m có nước ngang đùi, giếng tròn đường kính khoảng 1m, Hùng thò khẩu AK cho mình bám để leo lên, sau này nó có nói lại là khẩu AK nó chưa khóa chốt an toàn, thật may mắn, nếu không đi cùng nhau chắc sớm mai xong vì không thể tự lên được. Cả 3 bị lạc nên núp vào bụi cây để quan sát, khi loáng thoáng thấy có người đi về mang băng trắng vậy là lặng lẽ theo về đến trạm phẫu tiểu đoàn.

Lại nói về Tĩnh, khi mình rút nó chưa bị thương và chưa bắn phát đạn nào, lúc nó ra nó đã bị thương và nồi trung liên chỉ còn 3 viên, không biết nó nằm lại bao lâu, mình nhớ không nhầm thì chỉ có Tĩnh sau trận này trở về đơn vị, số còn lại loanh quanh K23 cho đến ngày 30/4/1975. 

Sau này mình gặp lại Tĩnh một lần tại Thanh Hóa khi nó từ Nông trường 3 Cao su Phú Riềng ra giám định lại, trước khi về Long Khánh lần đầu mình đã nhờ Tiến chọi hỏi nó để rủ đi cùng thì được biết nó đã về miền cực lạc.

Mình nhớ, địch chỉ ném trái láng chứ không hề bắn ra một viên đạn nhọn, địch không hề chạy hết sau khi ĐH10 nổ và chỉ còn tên bị thương nằm ném trái như lời đồn đại, tuy nhiên số còn trong đồn có thể chỉ vài tên.

Mất mát trận này C1 mất rất nhiều lính kì cựu từ thời Vĩnh Phú, Nam Hà, Bắc Thái xưa và thông tin tiểu đoàn…Riêng ông Việt cà lăm mình không hề ấn tượng, mình không thấy hình ảnh của ông Đại đội trưởng này qua trận Suối Đá và trận này.

Mình chỉ viết những gì mình thấy, không có ý hơn thua, như đã nói: mình chứng kiến một phần sự kiện đau lòng này, ví như thầy bói xem voi sờ chỗ nào thì phán chỗ ấy, mình đã tự về Long Khánh 2 lần và còn muốn về thăm nữa.

Hy vọng sẽ được bổ sung thêm trong ngày gặp mặt 28/8/2017.
Viết dài, lan man chịu khó đọc nhé ! — với Tran van Lai.

Phụ lục:
Trở lại Long Khánh sau ngày 30/4 được người dân kể lại:
Địch đổ quân bằng cam nhông chặn đường rút của ta nhưng do sương mù nên không phát hiện được hướng rút, mặt khác ta cứ thẳng hướng về rừng Nhum địch lại dự đoán hướng khả nghi nên an toàn.

Địch cho xe bịt kín chở tử sỹ đi luôn sáng sớm người dân ko được đến gần nên không rõ, địch gom anh em hy sinh đặt trên đường xe bò sau 1 ngày thì người dân Cao Đài xin phép chôn anh em, giống như việc chôn cất ở Suối Đá 07/12/1974.

Có chuyện anh Sáu bị thương nặng nhưng chưa chết, sáng tỉnh dậy biết ko qua khỏi nên đã rút chốt da láng tự vẫn (?).

Cũng nghe dân kể: Sau khi DH10 nổ địch bỏ chạy khỏi đồn, chỉ có một người lính bị thương mang theo một đứa con trai vào đồn vì vợ chồng bỏ nhau, người lính đó hướng dẫn con thẩy trái láng ra lỗ châu mai tường hộp. Sát thương khủng khiếp, 12 anh hy sinh tại chỗ, 1 hy sinh tại phẫu, bị thương đáng kể.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Tản mạn về bựa.

Bựa, chẳng là gì cả, chỉ là một trào lưu phá cách, ra khỏi những ràng buộc đời thường. Bựa không có nghĩa là chửi tục văng mạng, không phải là lật ngược giá trị sống tiêu chuẩn, bựa chỉ là lối thoát cho những ẩn ức không giãi bày được từ phong cách cũ, là lối thoát ra khỏi những đời thường sáo mòn vốn dĩ không đủ không gian cho bản thân người đó vùng vẫy, khỏi những suy nghĩ bó cứng, khuôn phép cũ từ ngàn xưa.

Văn bựa, không có gì đặc biệt, chỉ dùng những lối hành văn khác với lối cũ sáo mòn, tự mỗi người sẽ xây dựng cho mình một lối viết, cách hành văn -khi đọc một bài viết, ta sẽ tự cảm thấy văn phong của từng người khác biệt cho dù bài viết đã không đề tên tác giả- trên hết, văn bựa phải trên nền tảng của người có khiếu văn chương, nếu không nó chẳng là văn bựa. Không một quy tắc nào làm chuẩn để viết văn bựa, người viết nhiều, với khiếu văn chương sẽ từ từ hình thành cung cách của mình.

Không ai tự xưng mình là bựa cả, chỉ bị gọi là bựa, khi những đoản văn họ viết theo phong cách khác hẳn lối mòn thông thường và thường khi làm độc giả rối trí vì không nắm bắt được ý đồ tác giả.



Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

"Hà nội trong mắt ai" 2

Em hãy phân tích và diễn giải đoạn văn sau (Thời gian 45 phút, thang điểm 5):

"Hình như để bù lại với nỗi thất vọng buổi trưa, tối đó vài người Hà nội quen sơ trên Fb chiêu đãi trận bia hơi, khung cảnh thật ồn ào không tả nổi, mọi người cùng hét vào tai nhau những câu vô nghĩa với toàn bộ âm lượng có thể, bia ngon uống không thấy say như để bù cho khí hậu quá nóng nực, sự đón tiếp có hơi quá thân mật, làm mình có cảm giác như bọn này đang thay mặt xin lỗi cho những bất cập của ngày qua mà mình gặp phải -ít ra cũng không phải mọi người Bắc đều khó ưa- trận uống bia ngon cho mình một đêm yên ả." Trích.

Bài làm:
Đây là một đoạn văn được viết theo cung cách 'bựa', một trào lưu phá cách phát xuất từ nhóm "An Hoàng trung tướng" được nhiều người sử dụng từ thập niên trước.

"Hình như để bù lại với nỗi thất vọng buổi trưa, tối đó vài người Hà nội quen sơ trên Fb chiêu đãi trận bia hơi" Đoạn nhập đề, tác giả nhắc đến nỗi thất vọng từ việc bị đối xử không thân thiện tại Ninh Bình-Bái đính, giờ đây là lúc được vài người bạn ở tại Hà nội đã quen trên Fb chiêu đãi uống bia hơi, tiếp đó là diễn tiến tại quán bia hơi "khung cảnh thật ồn ào không tả nổi" cho thấy đây là một quán rất đông khách, suy từ điều này cho thấy tụ điểm này có bia ngon. Trên bàn nhậu "mọi người cùng hét vào tai nhau những câu vô nghĩa với toàn bộ âm lượng có thể'' tác giả mô tả lại sự hưng phấn của mọi người trong bàn, cái ồn ào vốn dĩ của quán nhậu cộng hưởng với sự vui nhộn từ từng thành viên làm cho ai ai cũng như muốn tuôn hết những hưng phấn trong người ra, từng tràng ngôn ngữ tuôn ra không theo thứ tự, mọi người như đồng loạt cùng nói với hết âm lượng, điều này làm cho men bia như bay mất, uống bia nhiều mà không cảm thấy say.

Để chứng minh ý trên, "bia ngon uống không thấy say như để bù cho khí hậu quá nóng nực" kết luận của tác giả chứng minh cho việc khi hưng phấn, nói nhiều với âm lượng hết cỡ sẽ giúp cho bớt say, "sự đón tiếp có hơi quá thân mật" điều làm cho tác giả ngạc nhiên là sự đón tiếp thân tình ngoài sức tưởng tượng, không ngờ đến tấm lòng của những người bạn chỉ quen qua Fb đã dành cho sự đón tiếp nồng hậu như thế.

Từ sự đón tiếp nồng hậu như trên, tác giả chợt liên tưởng "làm mình có cảm giác như bọn này đang thay mặt xin lỗi cho những bất cập của ngày qua mà mình gặp phải" không phải những người miền Bắc mình gặp đều không thân thiện, rõ ràng ở đây đang có một nhóm người tiếp đãi mình nồng hậu đến như vầy cơ mà, điều này cho thấy "-ít ra cũng không phải mọi người Bắc đều khó ưa-" không phải mọi người Bắc mình gặp đều khó chịu, có những người rất thân thiện như bọn đang ngồi nhâu đây mà.

Câu kết, tác giả đã ngầm cám ơn, thừa nhận sự dễ chịu và nồng hậu của những người bạn đã đãi một trận bia thú vị "trận uống bia ngon cho mình một đêm yên ả." mang đ́ến một buổi tối yên ả cho tác giả bên bờ hô Tây. Hết.

Bonus. Bựa từ điển.
Bọn, bỏn: Từ chỉ số nhiều, một nhóm người.
Trận: Bữa, Lần.
Hét: Nói to
Hơi quá: Nhiều trên mức bình thường.
Đọc văn bựa cần chút 'bựa' và trí tưởng tượng.













Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

"Hà nội trong mắt ai"

Mình ra Hà nội đúng ngày nóng kinh khủng, sau chuyến bay từ Đà nẵng xuống Nội bài -sân bay quốc nội bé như cái móng tay, cú ngạc nhiên này kéo dài cho đến khi mình thấy những căn nhà trong khu phố cổ mới hết, những ngôi nhà bé đến độ không thể hẹp hơn- chuyến du lịch bắt đầu về hướng Ninh bình, khu Tràng an với cảnh sông núi đẹp không tả xiết, rời Bái đính với cảm giác hụt hẫng khủng khiếp về người miền Bắc, nói chuyện tục tĩu, coi du khách miền Nam như quân thù.

Bọn mình nói giọng miền Nam đối diện với thái độ thù địch rõ ràng từ ánh mắt nhìn cho đến từng câu đối thoại, sự kỳ dị của chuyện đi vệ sinh phải trả tiền (có hẳn một người ngồi đó thâu tiền -những bà thím trên 50 với lối nói liến thoắng như chim rất khó nghe- chuyện trả tiền để đi vệ sinh không đáng nói nhưng thái độ thù địch của đám người làm, thu tiền này thật đáng kinh sợ, những phụ nữ khá lớn tuổi có lẽ bị ký ức ác cảm với miền Nam từ cuộc chiến còn sót lại?) Trải nghiệm tồi tệ nhất là bà thím coi khu vệ sinh chùa Bái đính, ngôi chùa dùng để kinh doanh nhưng coi du khách như quân thù từ kiếp trước. Cũng may, nét đẹp kỳ vĩ của cảnh vật khu Tràng an đã xoá đi những những khó chịu trong chuyến đi.

Hôm về Hà nội, mình được chào đón với món bánh tôm chiên bờ hồ, một thất vọng không nhẹ sau những giới thiệu có cánh về nó, sau nhiều háo hức mong chờ, giờ đây ngồi trong quán bờ hồ với cái nóng không chịu nổi, nhấm chiếc bánh tôm chiên và tự nhủ mình hảy bớt tin vào những mô tả, những mộng mơ về một Hà nội trong thơ ca!

Sau chầu ăn uống, mình băng qua đường để tham gia chút nhộn nhịp phố phường, một Hà nội lộn xộn của bến xe người lên xuống và hàng rong, không tìm được chút lãng mạn nào mình thất vọng về khách sạn ngắm mặt hồ Tây từ khhung cửa khách sạn Hoàng hôn bên bờ hồ.

Buổi chiều với chuyến xe điện chạy vòng phố cổ, những căn nhà bé như tổ chim xen lẫn với nhiều con hẻm sâu hun hút (mình khi nhìn những căn nhà này tự thán phục những cô bạn xinh xinh trên Fb với những góc chụp Hà nội thật đẹp, không biết các cô nàng Hà nội này phải tốn bao nhiêu công sức tìm tòi để có những góc chụp đẹp không tưởng như vậy, hí hí) Phố đi bộ có hơn Sài gòn nhưng cũng không đáng để phí thời gian ra đó. Kem Tràng tiền, không như mình tưởng tượng qua những áng văn, nó nhếch nhác và bẩn đến không ngờ.

Hình như để bù lại với nỗi thất vọng buổi trưa, tối đó vài người Hà nội quen sơ trên Fb chiêu đãi trận bia hơi, khung cảnh thật ồn ào không tả nổi, mọi người cùng hét vào tai nhau những câu vô nghĩa với toàn bộ âm lượng có thể, bia ngon uống không thấy say như để bù cho khí hậu quá nóng nực, sự đón tiếp có hơi quá thân mật, làm mình có cảm giác như bọn này đang thay mặt xin lỗi cho những bất cập của ngày qua mà mình gặp phải -ít ra cũng không phải mọi người Bắc đều khó ưa- trận uống bia ngon cho mình một đêm yên ả.

Hà nội trong mắt mình, hiếm gái xinh, không biết bỏn trốn đâu hay chỉ có trên Fb? Điều đọng lại trong mình nhiều nhất là các loại biển hiệu và tiệm buôn bán, Hà nội có vẻ hướng ngoại -Âu Mỹ- hơn Sài gòn, mình không tưởng được có ai đó dám nói với dân Hà nội là chuẩn bị quay về thời XHCN ngày xưa, chuyện gì sẽ xảy ra?

Tóm lại, Hà nội trong mắt mình không có gì hấp dẫn, hí hí


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Venezuela đảo chánh?

Có thể xảy ra đảo chánh ở Venezuela không?
Bài viết 5/3/2019. Tác giả Ken Silverstein là người sáng lập WashingtonBabylon.com, và cũng viết cho nhiều ấn phẩm khác.

Chính quyền Trump rõ ràng muốn, nhưng nhân dân và quân đội Venezuela lẫn các nước láng giềng đều không mong muốn chuyện này.

Trong hai năm đầu cầm quyền Donald Trump không chọn thêm được quốc gia nào mà ông muốn xâm chiếm và lật đổ, Iran đã thoát trong đường tơ kẽ tóc, kế là Bắc Triều Tiên, rồi Syria hay Trung Quốc hoặc một số nước khác đã làm ông nổi giận.

Ngoài một cuộc tấn công tên lửa vào Syria vào năm 2017, Trump đến nay đã không có một hành động biểu lộ giận dữ trong chính sách đối ngoại, nhưng trong thời gian gần đây nỗi ám ảnh chiến tranh đã kích động ông chú tâm vào việc tìm cách lật đổ chính phủ Venezuela của Nicolás Maduro bằng cách thông qua áp lực kinh tế hay một cuộc đảo chính quân sự do Mỹ hỗ trợ hoặc khuyến khích một cuộc xâm lược tập thể được lãnh đạo bởi Brazil -do nhà dân chủ vĩ đại Jair Bolsonaro lãnh đạo- và Colombia nơi chế độ dân chủ được thiết lập từ nửa thế kỷ qua trên những mồ chôn tập thể.

Trong việc tìm kiếm giải pháp Trump được 'bộ ba khủng bố' hướng dẫn: Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton và đặc phái viên của chính quyền Trump về Venezuela, Elliott Abrams (thành tích nổi bật của Abrams gồm những lời khai man về vụ Iran-Contra, ủng hộ các chế độ sát nhân ở Guatemala và El Salvador và cổ vũ chiến tranh Iraq).Trong những tuần gần đây cả Rubio và tờ báo Miami Herald đều đưa ra dự đoán về sự sụp đổ sắp tới của Maduro.

Tôi không ưa gì Maduro nhưng hiện tại theo tôi những dự đoán đó là sai: Vị thế Tổng thống của Maduro được bảo vệ vững chắc và mọi âm mưu tìm cách thay thế ông ta chỉ là ngớ ngẩn.

Vào đầu năm 1989, chính phủ 'tân tự do' do Mỹ hỗ trợ của Carlos Andrés Pérez -còn gọi là tên dối trá- đã ra lệnh cho quân đội bắn những người biểu tình xuống đường chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng cuả Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn người đã bị tàn sát, số liệu thật sự không thể có được vì nhiều người đã bị thủ tiêu trong các mồ chôn bí mật.

Tháng 2/1992 Hugo Chávez lãnh đạo một âm mưu đảo chính chống lại chính quyền, cuộc đảo chính thất bại nhưng Chavez trở thành một anh hùng nổi tiếng, đặc biệt là sau khi ông đọc diễn văn trên đài truyền hình quốc gia nhìn nhận trách nhiệm về hành động của mình, một điều hiếm thấy trong chính trị Venezuela, Chavez với thỉnh cầu nổi tiếng đến các quân nhân, những người ủng hộ cuộc đảo chính quay trở lại doanh trại do "sự hổ thẹn" và "thời cơ" mà họ nhắm đến đã thất bại.

Chavez bị tù, nhưng hai năm sau được trả tự do và nổi tiếng, năm 1999 ông được bầu làm Tổng Thống và tái đắc cử ba lần.

Vào tháng 4 năm 2002, một Hội đồng quân nhân đảo chính lật đổ Tổng thống Chávez và đưa Pedro Carmona, giám đốc Phòng Thương mại của Venezuela thay thế, do Chavez rất đựơc hâm mộ vào thời điểm đó nên các cuộc biểu tình chống đối bùng nổ trên khắp đường phố ở Venezuela và chỉ trong vài ngày chính quyền Carmona sụp đổ và Chávez trở lại cầm quyền (chính quyền George Bush mất mặt vì cú này do thứ trưởng ngoại giao Mỹ Otto Reich đã đi gặp gỡ các giới lãnh đạo đảo chính và tán thành việc truất phế Chávez).

Chiến lược của Trump ở Venezuela rất đơn giản và tương tự như những gì Mỹ đã làm ở Iraq vào cuối 1990 và đầu những năm 2000 trước khi quyết định đổ bộ: Làm kiệt quệ đất nước bằng các biện pháp cấm vận kinh tế tàn bạo và sau đó hoặc là đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng khốn khó hay tự biện minh hành động can dự là tất yếu để phát huy tự do. Như trường hợp phóng viên Lesley Stahl của đài CBS hồi năm 1996 khi phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao thời Bill Clinton, Madeleine Albright: "Chúng tôi đã nghe nói rằng một nửa triệu trẻ em Iraq đã chết, theo tôi nghĩ con số này còn nhiều hơn số trẻ chết ở Hiroshima và theo bà cái giá (cấm vận) có đáng không?" Albright trả lời "Tôi nghĩ đây là một lựa chọn rất khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng cái giá đó là xứng đáng"

Nếu các biện pháp cấm vận không làm chế độ thay đổi, bước thứ nhì là ép buộc hoặc mua chuộc quân đội lật đổ chế độ, điều này từng thất bại ở Iraq và nay cũng thất bại ở Venezuela. Báo New York Time từng loan tin mùa thu năm ngoái chính quyền Trump 'đã có các cuộc họp mật với những quân nhân nổi loạn Venezuela để thảo luận về những kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro'.

Đồng thời chính quyền Mỹ công khai kêu gọi dân chúng lật đổ Maduro, tháng 11 năm ngoái Bolton đã phát biểu tại Freedom Tower -tòa nhà nơi người Cuba chống Castro được chào đón vào năm 1960 sau khi Castro lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista- rằng: "Bộ ba chuyên chế ở bán cầu này -Cuba, Venezuela và Nicaragua- cuối cùng cũng giống nhau một điểm, họ là những tên hề rẻ tiền và yêu cầu họ hãy tự rút lui hay Mỹ sẽ loại bỏ họ ra khỏi quyền lực".

Venezuela hiện nay đang ở giai đoạn giống như hồi chính quyền Bush xâm lược Iraq, vài tuần trước chính quyền Trump tuyên bố triệu hồi tất cả các nhà ngoại giao của Mỹ từ Caracas và chính phủ Maduro trả đũa đã đóng cửa Toà đại sứ tại Washington và đưa nhân sự về nước. Trump đã công nhận chủ tịch Quốc hội là tổng thống mới của Venezuela, ông Juan Guaidó, người từng là một gã bán lẻ hàng điện tử và giờ đây đang vung kiếm xủng xoẻng và hứa hẹn ngày tận số cuả Maduro.

Không ai biết chính xác những gì sẽ xảy ra, Mỹ sẽ xâm lăng? Nghe có vẻ điên rồ nhưng phải nhớ chúng ta đang đấu trí với Trump, hay sẽ có một cuộc đảo chính quân sự do Hoa Kỳ giựt dây? Hay CIA lại một lần nữa tìm cách giết Maduro như đã từng làm với Saddam Hussein, Fidel Castro và một loạt kẻ thù khác?

Tiên đoán luôn bất định, nhưng ở đây tại sao tôi lại đặt cược vào Maduro.

Hiển nhiên ai cũng hiểu rằng ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế tàn bạo của Hoa Kỳ cộng thêm các chính sách tham nhũng và đàn áp của chính Maduro đã tạo ra rất nhiều khổ cực và bất mãn, dân chúng mệt mỏi và tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục bỏ đói đất nước họ cho đến khi Maduro biến mất.

Tuần trước trong chuyến đi đến Caracas tham dự một hội nghị của International Peoples’ Assembly (Hội đồng nhân dân quốc tế,  tổ chức Mỹ Latinh chống can thiệp) tôi né tránh các sự kiện chính thức để đi tham quan các khu phố nghèo, tôi gặp một người phụ nữ trẻ làm việc trong ngành khách sạn nói chuyện với tôi, cô phát biểu: "Tôi đã chán ngấy, tôi muốn có một cuộc đảo chính", cô ấy là người duy nhất tôi gặp mà công khai ủng hộ một cuộc đảo chính, và thoải mái nói như vậy mà không hề sợ bị bắt bớ. (Riêng tôi đã tản bộ quanh thủ đô Caracas ngày lẫn đêm, công khai tuyên bố chính kiến của mình, không ai -chính phủ hay phe đối lập- quấy rối tôi hoặc khó chịu vì ý kiến của tôi).

Mặc dù Maduro không được mọi người hâm mộ lắm nhưng Guaidó và phe đối lập do Hoa Kỳ chi phối lại bị chửi rủa và phản đối rộng rãi. Rất ít người Venezuela muốn quay trở lại thời 1992, khi quân đội tàn sát người chống đối hoặc 1998 -một năm trước khi Chavez được bầu-. Thời những người cầm quyền giầu có xuất thân từ nhóm thành viên của trật tự cũ, mà một trong những thí dụ nhãn tiền về sự đối lập chính là khu George Washington Plaza, một khu phố giàu có nằm chen giữa các khu nghèo nàn El Paraiso và La Vega.

Và trong khi các chính trị gia Mỹ ủng hộ sự can thiệp thường dùng các báo cáo từ truyền thông Mỹ chỉ trích về tình trạng khan hiếm thực phẩm và thậm chí là chết đói tại Venezuela thì những gì tôi thấy khi lang thang trong thành phố lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tôi đã gặp Viviana tại một cuộc họp công đoàn ở El Paraiso và chúng tôi cùng đi bộ khoảng hai cây số về nhà cô ấy, tháp tùng còn có cả William người bạn khác gặp mặt tại cuộc họp của công đoàn, trong lúc đi bộ tôi thấy rất nhiều thực phẩm. Giá cả có thể hơi đắt, nhưng người nghèo vẫn có thể mua nó -cà phê, đường, thịt gà, bánh mì, trái cây cùng nhiều thứ khác- ở những người bán rong và chợ lề đường.

Một vài thứ thật sự rất đắt: Trong khi chúng tôi đi bộ đến nhà Viviana, tôi cố tìm một người nào đó trên phố hút thuốc để có thể mồi nhờ điếu thuốc, thật ngạc nhiên là suốt 20 phút tôi không tìm thấy được người nào hút thuốc, Viviana giải thích "giá thuốc lá quá mắc nên hầu như chẳng ai có khả năng hút thuốc nữa".

Tuy nhiên, Viviana và William sau đó đãi tôi một bữa ăn ngon với dồi huyết, Pasta Bolognese và cơm gan gà, tất cả là các món mà Viviana có trong nhà tại khu phố nghèo La Vega.Tại lối vào khu phố nhiều người xếp hàng chờ xe buýt và xe ôm, tuy ở đây nhiều người nghèo hơn những khu khác mà tôi đã đến, khu La Vega này lại ủng hộ chủ nghĩa Chavista mạnh mẽ, điển hình từ những bức tranh tường vẽ cựu tổng thống Chavez, Simón Bolívar, El Libertador, Che Guevara và các nhà lãnh đạo cách mạng Mỹ Latinh khác.

Tôi đã đến thăm một số khu phố khác và không có thời gian dùng bữa, ở San Augustín -trung tâm Venezuela- tôi gặp một người phụ nữ có ngôi nhà ở trên sườn núi, từ cửa sổ nhà, cô chỉ cho tôi nhìn qua một khu nhà chung cư cao cấp với phần lớn các phòng trống, cô ấy cho tôi biết các chủ sở hữu đã chạy sang Miami, Orlando, Madrid, Lisbon và các nước ngoài khác.

Tôi cũng đã gặp và kết bạn với Iris, Navidad và Pedro, chúng tôi uống bia và hút thuốc lá, họ đồng ý cho tôi chụp ảnh, chúng tôi đã không nói chuyện nhiều về chính trị nhưng tôi thấy rõ họ không thích Guaidó hay phe đối lập, họ hiển nhiên cũng không có vẻ đói, trông rất khỏe mạnh và vui vẻ.

Thêm lý do nữa tôi tin rằng một cuộc đảo chính sẽ không thực hiện được là vì Mỹ đã không thể lập ra một liên minh bịp để thực hiện một cuộc xâm lược -như đã xảy ra ở Iraq năm 2003- cả hai chính phủ Brazil và Colombia đều công khai tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia trong bất cứ cuộc xâm lược vũ trang vào Venezuela.

Sự thúc đẩy của chính quyền Trump đối với quân đội Venezuela đã không có kết quả, cho đến nay lực lượng chung quanh tổng thống Maduro dường như đã vững chắc. Câu hỏi là tại sao các tướng lãnh lại phải ngả sang phía Mỹ? Đó là một rủi ro rất lớn, sẽ bị bắt nếu cuộc đảo chính thất bại, những hứa hẹn về một ngôi nhà ở Miami hoặc một tài khoản ở ngân hàng Delaware cũng không có ích gì nếu bị đi tù.

Maduro theo dõi sát sao quân đội hay nói cụ thể hơn là Diosdado Cabello luôn kiểm soát quân đội và mọi lãnh vực khác ở Venezuela. Cabello là người quyền lực nhất ở Venezuela và là thế lực đứng sau ngai vàng Maduro. Cabello là một cựu sỹ quan quân đội, ít nhất ông và Chavez đã là bạn thân thiết kể từ sau cuộc đảo chính thất bại năm 1992. Tôi có nhiều nguồn tin cho biết rằng lý do Chavez đã chọn ông Maduro 'hãm tài' làm phó tổng thống thay vì Cabello, chỉ vì ông Chavez đã quá cẩn thận đề phòng ông Cabello là một người quá xuất sắc cho chức vụ với quyền lực thứ nhì.

Chính quyền Trump có thể tiếp tục lôi kéo hoặc đe dọa các sỹ quan Venezuela để hạ bệ Maduro, nhưng đừng mơ! Những kẻ phản bội -ở bất kỳ quốc gia nào chống lại chính phủ của mình để được hưởng tiền bạc, hoặc những hứa hẹn thăng tiến sự nghiệp từ một lực lượng ngoại quốc- chắc chắn sẽ bị bắt và xử phạt nghiêm khắc.

Như vậy Mỹ chỉ còn lại giải pháp xâm lược là một chọn lựa duy nhất để lật đổ Maduro. Bolton, Abrams, Rubio và các chính trị gia cánh hữu khác -những người giống như Rubio nhận tài trợ của các nhóm lợi ích- đều kêu gào chiến tranh, nhưng họ sẽ không chết vì chiến đấu trên đường phố ở Caracas. Nhiều nguồn tin tốt đã cho tôi biết rằng phần lớn các quan chức cấp cao của Ngũ giác đài và cục tình báo chống ý định xâm lược của Hoa Kỳ vì xét ra điều đó là điên rồ.

Điều kỳ thú là các công ty dầu mỏ của Mỹ hoạt động ở Venezuela như ExxonMobil và Chevron đã không hề công khai ý kiến gì về âm mưu của Trump nhằm lật đổ Maduro, họ hy vọng Trump -là Tổng thống nên phải- biết chiến tranh rất tệ cho kinh doanh. Tuy nhiên các công ty dầu mỏ có tài sản ở Venezuela, cuối cùng có thể sẽ quyết định tìm ngõ thoát, họ sẽ được nhiều lợi ích hơn nếu Maduro ra đi.

Như lịch sử đã cho thấy cần có một thế lực bên ngoài -ở đây là Mỹ- để kích động một cuộc chiến tranh, đây cũng là mục đích rõ ràng của Rubio, nhưng Rubio ngày càng tuyệt vọng và thất bại trong ý đồ kích hoạt một cuộc xung đột, thậm chí Rubio trong một tweet còn kèm cả hình ảnh đẫm máu của Muamar Gaddafi -cựu lãnh đạo Lybya- khi lên tiếng đòi hỏi Maduro từ chức.

Maduro có thể tham nhũng, độc đoán, khoa trương và tâm thần không ổn định -những cá tính này có phần giống Trump, người đang tìm cách truất phế ông- Maduro có thể cũng đã tìm cách tăng số phiếu bầu của mình trong cuộc bầu cử hồi 2018. Nhưng tạm thời, ông ta vẫn là Tổng Thống tại chức, Trump và các cố vấn theo khuynh hướng can thiệp dường như không thể thay đổi điều này, nhưng tốt nhất họ không nên thử.

https://newrepublic.com/article/153219/coup-unlikely-venezuela