Cần hiểu thời gian đã trải qua đối với người tù như tôi là một ý niệm rất mờ nhạt, hầu như được ép vào trong một khoảng ký ức rất ngắn nên những mốc thời gian chỉ tương đối, có những sự việc xảy ra sẽ không khớp vào nhau vì thời gian đã bị đảo lộn trong hồi ức cuả tôi. Chỉ có nhà văn mới viết cho mạch lạc được, người thường như tôi thì chịu!
Nhà văn Doãn quốc Sỹ.
Ai cũng đã từng đọc bài thơ 'ông đồ già' trong văn chương VN, nên ông nhà văn này thực gợi cho tôi một liên tưởng mãnh liệt về hình ảnh đó. Dáng người gầy gò, cao mảnh khảnh, khuôn mặt toát lên vẻ trí thức qua cặp kiếng dầy cộp cộng với giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ thật đã làm tôi không ngừng liên tưởng đến những câu thơ ' Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già...' thực sự chả có gì liên hệ giữa người thật và cái hình tượng này nhưng thực là tôi đã giữ mãi cho đến ngày nay những cảm nhận về nhà văn như vậy, có những cảm xúc, cảm nhận mà mình thực không nghĩ ra tại sao lại thế. Tôi vẫn nhớ như in, cái dáng lòng khòng cuả nhà văn ngồi khi kể chuyện, chắc vì giống hình ảnh ông đồ già ở đây.
Nhà văn thì dĩ nhiên kể chuyện sẽ không bao giờ cùng, bọn tôi được nghe những kho chuyện này ngày này qua ngày khác mà không chán, trong tù lại được một điều là bọn tôi không còn bị thời gian, không gian và những lo buồn cơm áo lăng nhăng ngoài đời thường làm phiền muộn, nên cũng không ai thắc mắc chuyện cả ngày ngồi nghe chuyện, tán nhảm...... trong tận cùng cuả bất hạnh vẫn có những niềm an ủi là thế.
Từ ngày vào tù, nhà văn Doãn quốc Sỹ là một trong những người mà để lại ấn tượng mạnh cho tôi, vì sự uyên bác, tư cách ăn nói cuả ông đã làm cho tôi một người trẻ ngưỡng mộ, theo tôi nhớ nhà văn thời điểm đó có lẽ khoảng 50 tuổi.
Ông ở cùng phòng khu C trong trại 4 Phan đăng Lưu với tôi khoảng nửa năm thì bị chuyển đi, sau này tôi mới biết là ông bị chuyển qua Chí Hoà để ra toà xử cùng nhóm Hoàng Hải Thuỷ, bọn "Biệt kích cầm bút".
Ai từng đọc báo Công an thời đó chắc không quên loạt truyện-phóng-sự "Những tên biệt kích cầm bút" viết về các nhà văn thời VNCH nhằm chuẩn bị dư luận cho việc xử nhóm nhà văn, nhà báo chế độ cũ, mà ông là một.
Có những tao ngộ mà ta như cánh bèo trôi sông, chỉ bị cuốn vào nhau rất ngắn trong một vùng xoáy biến động rồi khi thoát được ra giòng chảy êm, mỗi người trôi theo một hướng không bao giờ có cơ hội tái ngô, tôi cũng không gặp lại ông từ hồi đó, đâu cũng quãng năm 1977. Âu cũng là duyên tận.
Hình mạng, Doãn Quốc Sỹ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét