Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Vụ án Trịnh vĩnh Bình.


1. Kinh doanh
Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng. Năm 1976, vượt biên qua định cư ở Hoà Lan với hai bàn tay trắng. Ông tiếp tục học và tốt nghiệp đại học. Được báo chí Hoà Lan ca ngợi là một người thành công trong hội nhập, và thành công trong kinh doanh. Báo chí gọi là “Vua chả giò”. Ông tham gia đảng chính trị Dân Chủ Tự Do, là đảng cầm quyền cuối thập niên 1980 ở Hòa Lan.
Đầu năm 1990, TVB tháp tùng đoàn doanh nghiệp Hòa Lan, đến VN thăm dò khả năng đầu tư.
Ông quyết định đóng cửa công ty chả giò ở Hòa Lan, đem 2,328,250 Mỹ kim tiền mặt, và 96 kí vàng về đầu tư ở VN.
Thành lập công ty Tín Thành ở Sài Gòn, xuất cảng nông, thủy sản. Công ty Bình Châu có nhà máy hải sản đông lạnh ở Vũng Tàu. Mua một số nhà đất ở Sài Gòn và BR/VT để phục vụ sản xuất. Xử dụng số vốn rất lớn trên 200 hecta đất ở Bà Rịa để trồng rừng, nghiên cứu việc nuôi tôm.
Xây dựng cơ sở biến chế thủy hải sản xuất cảng, với sản lượng 35% trên tổng số đánh bắt ở BR/VT. Xây khách sạn 10 tầng.
Sau 8 năm thành công trong kinh doanh, tài sản lên tới 6 tỷ đồng VN.

2. Bị bắt
Năm 1996 bị bắt và ra toà năm 1998.
Trịnh Vĩnh Bình trả lời phỏng vấn của đài RFA như sau:
“Công ty tôi có một số anh em cấu kết nhau, ăn cắp một số tiền ước lượng mấy trăm ngàn đô la qua nhiều năm tháng. Sau khi bị phát hiện, họ sợ bị tù tội nên dùng tiền bạc đút lót cho công an địa phương, phòng đó là PA-42, phòng cảnh sát điều tra Vũng Tàu. Đó là giám đốc, phó giám đốc và trưởng phòng tài chánh của tôi, thành một hệ thống ăn cắp. Bên công an nhận hối lộ, tìm cách bao che. Họ ra tay trước. Chụp mũ công ty tôi trốn thuế, khám xét công ty và bắt giam tôi.
Việt kiều về nước không được quyền mua nhà đất, cho nên phải nhờ thân nhân đứng tên. Một số người bà con lật lọng, tráo trở, giật tiền, tôi ở trong trường hợp đó.

3. Lòng tham
Trịnh Vĩnh Bình nói tiếp: “Thấy Việt kiều về nước làm ăn phát đạt nên họ có ý cướp giật. Tôi không quen đút lót, làm ăn chân chính, cho nên trở thành nạn nhân. Ở VN, khi Việt kiều làm ăn phát đạt thì bị chính quyền địa phương gây khó dễ để đòi tiền, đây là vụ án mà tôi bị hàm oan. Qua một thơi gian dài, gia đình tôi, bản thân tôi và một số người binh vực công lý, đã gởi nhiều đơn khiếu nại khắp nơi, nhưng không được cứu xét. Cuối cùng, tôi phải dựa vào Hiệp Ước thương mại giữa VN và Hòa Lan, đưa vụ tranh chấp ra Toà án Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc.
Sau một thời gian tại ngoại, tôi rất lo ngại cho mạng sống của mình, có thể bị bắt và bị giết, cho nên tôi phải đào thoát khỏi VN.” (Trả lời phỏng vấn đài RFA)
Thật vậy, thời đó, ngay cả người dân, hễ thấy Việt kiều thì có ý “chặt đẹp” trong việc mua bán bình thường. Một tô bún bò ở chợ An Đông, một trái dừa xiêm bán cho Việt kiều thì giá cao hơn bán cho người trong nước. Một trái dừa là một trái dừa mà giả cả khác nhau tùy theo người mua là ai.

4. Báo chí kết tội.
Xin trích nguyên văn bài báo:
“Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng. Năm 1976 vượt biên qua Hòa Lan.
Tính đến tháng 8 năm 1998, TVB nhập cảnh VN 63 lần, mỗi lần như thế mang theo vàng và đô la, tổng cộng 2,328,250 đô la và 96 kí vàng. Lập công ty Tín Thành mua bán nông hải sản.
Nhờ Trịnh Hiền Thanh chạy lo hộ khẩu cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Thi, cho các em vợ là Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Bé, Phạm Thị Tuyết Hằng về cư ngụ tại hộ, thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng có thêm hai hộ khẩu nữa ở thành phố Hồ Chí Minh và tại huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Vợ chồng của đứa cháu gái là Trịnh Mộng Kiều và Triệu Văn Dữ và Trịnh Hiền Thanh cũng có tên trong hộ khẩu ở Vủng Tàu, với mục đích đứng tên mua nhà cửa và bất động sản. TVB nhận đất trồng rừng theo chương trình 327 của chính phủ.
Trịnh Vĩnh Bình nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2,847,745 mét vuông đất.
Năm 1992, TVB chỉ đạo cho nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện, cán bộ phụ trách Nhà Đất tỉnh BR-VT.
Ngày 11-12-1998, Tòa Án Nhân Dân BR/VT phạt TVB 13 năm tù giam, nhưng cho Bình được tại ngoại. TVB kháng án. (Tù giam nhưng tại ngoại)
Trong khi TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử, thì TVB chạy vào nhà thương Chợ Rẫy xin cứu cấp vì cao huyết áp.
Qua chi tiết trong hồ sơ, Tòa phúc thẩm TP/HCM phạt 11 năm tù giam, tịch thu toàn bộ tài sản, tổng cộng 6.1 tỷ đồng và 480 lượng vàng.
Lợi dụng vẫn còn được tại ngoại, TVB bỏ trốn.
Đầu tháng 4 năm 2005, TVB chính thức nạp đơn lên Toà án Quốc tế đòi bồi thường 100 triệu đô la.
Đó không phải là đơn thuần của một vụ kiện tụng, mà có ý đồ gây hoang mang cho những người đã, đang và sẽ đầu tư vào VN. Một luật sư tuyên bố “Trịnh Vĩnh Bình bị tội bỏ trốn, về mặt pháp lý, VN cần phải phát hành lệnh truy nã và yêu cầu dẫn độ TVB về VN thi hành bản án” (Trích)

5. Phản ứng của Hoà Lan
Năm 1996, Trịnh Vĩnh Bình bị bắt giam. Năm 1998 đem ra xử.
Đầu năm 2000, chính phủ Hoà Lan (HL) phổ biến một tập tài liệu 752 trang về vụ án của TVB. Người tích cực vận động cho TVB là GS J.J.C. Voorhoever, là một trong 18 thành viên của Hội đồng Chính phủ Hoà Lan. Cựu Bộ trưởng Quốc Phòng HL, cựu chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do mà TVB là một đảng viên.
- Thủ tướng HL, Wim Kok và Bộ trưởng Ngoại giao Van Aartsen gởi thơ trực tiếp cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu giải quyết vụ án TVB. Đồng thời, triệu tập đại sứ CSVN là Đinh Hoàng Thắng đến Bộ Ngoại giao để phản đối.
- Cắt viện trợ phát triển và nhân đạo cho VN.
- Trong năm 2000, có 8 phái đoàn CSVN đến thăm HL. Đã bị tiếp đón lạnh nhạt và bị chất vấn tơi bời về vụ án TVB. Các phái đoàn của Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An (QH), Phan Văn Khải, Nguyễn Dy Niên (NG), Nguyễn Đình Bin… đều bị chất vấn và chống đối. Báo chí nổi giận gọi họ là “Những khách không mời mà đến”. Tệ hại hơn nữa, công khai chỉ trích họ là “Những con vẹt chỉ biết nói mà không biết nghe”. Trong khi đó, báo chí VN thì cho rằng các chuyến công du thành công mỹ mãn.
- Bà Margareeth de Boer, Chủ tịch Ủy Ban Ngoại giao Hạ viện HL dẫn đầu một phái đoàn sang VN, trực tiếp gặp Bộ trưởng NG Nguyễn Dy Niên. Bà Boer nhấn mạnh “Vì quyền lợi của hai nước, vụ án TVB phải được giải quyết tức khắc”.
Kết quả, Hoà Lan chỉ nhận được một công hàm của Bộ Ngoại giao CSVN, thông báo với nội dung là “Bắt đúng người, xử đúng tội, áp dụng đúng luật pháp”. Sự khác biệt về quan điểm giữa VN và Hoà Lan đưa đến bế tắc.
CQVN cho rằng, TVB là công dân VN. Vụ án là việc nội bộ, và HL đã xen vào công việc nội bộ của VN.
Trái lại, Hoà Lan coi vụ án là một vi phạm vào Hiệp ước Thương mại mà hai nước đã ký năm 1994. Trong đó bao gồm những khoản cho phép thân nhân trong nước được tham gia dưới hình thức là những công ty con, còn gọi là “đầu tư đội nón”.
Ngày 4-11-2001, tại đại hội đảng bộ Vũng Tàu, trung ương đảng cho rằng vụ Trịnh Vĩnh Bình là một vụ xử sai lầm, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, vì thế, cấp trên thi hành kỷ luật đảng bộ Vũng Tàu. (Đây là bằng chứng mà TVB nắm lấy)
Ở Hoà Lan, một luận án tiến sĩ đệ nạp tại Đại học Luật Khoa Den Haag, trình bày rõ ràng trường hợp đầu tư của TVB, dựa theo Hiệp Ước Thương mại giữa hai nước VN và HL ký kết năm 1994. Luận án được in thành sách với 3 thứ tiếng, Hoà Lan, Anh và Pháp. Một bản tiếng Việt được phát hành sau đó.
Luận án nêu rõ luật rừng ở VN, sự lộng hành của Công an VN, phép vua thua lệ làng, cuối cùng đưa người đầu tư đến tù tội và bị tịch thu tài sản.

6. Thế giới lên án
Vụ án TVB gây sôi nổi khắp thế giới.
Ngày 28-3-2005, nghị sĩ Jules Maaten, Quốc Hội Liên Âu (EU), từ Brussels cho biết, vụ án TVB đã gây hoang mang trong giới đầu tư ở châu Âu. Vụ án là một tác động tiêu cực đến quan hệ giữa EU và VN.
 
Tháng 6 năm 2005, khi Phan Văn Khải sang thăm Hoa Kỳ, kêu gọi ngoại quốc và người Việt đầu tư vào VN, thì các cơ quan truyền thông đồng loạt loan tin về CQVN âm mưu chiếm đoạt tài sản của Việt kiều Hòa Lan Trịnh Vĩnh Bình. Đài RFA (Mỹ), đài RFI (Pháp), đài BBC (Anh) đều phổ biến bài phỏng vấn ông TVB về trường hợp nạp đơn kiện CQVN tại Toà Án QT đòi bồi thường 100 triệu đô la.

Dư luận nhận thấy đầu tư vào VN là một việc bấp bênh do cái thành tích lật lọng, tráo trở của QVN. Đồng thời nhắc lại những vụ án để làm bằng chứng. Đó là vụ án của Luật sư người Ý Manizio Liberato, kiện sự lật lọng của VNAirlines và phán quyết của Toà án buộc phía VN phải bồi thường 6.5 triệu Đô la cho nguyên cáo. CQVN không chịu bồi thường, tưởng đâu không có ai dám vào VN đòi tiền. Tức thời, Toà án ra phán quyết phong toả tất cả những chương mục của VN Airlines trên toàn châu Âu, và nếu VN không bồi thường, thì một án lịnh cho một ngân hàng xuất triền ra bồi thường cho nguyên cáo Manizio Liberato. CQVN chịu thua.

7. Trịnh Vĩnh Bình vô tội
Ngày 4-12-1996, một thân nhân của TVB là Trịnh Hiền Thanh vu cáo TVB đưa hối lộ, khiến cho TVB bị bắt giam. Việc vu cáo nằm trong âm mưu của công an BR/VT.
Đến ngày 24-6-2002, Trịnh Hiền Thanh thú nhận bằng văn bản là y đã vu cáo cho TVB. Hiền Thanh chết vài năm sau đó do bịnh tiểu đường.
Qua bút phê của Phan Văn Khải cũng là một bằng chứng cụ thể TVB không có tội. Qua lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch nước, tại QH và qua Trung Ương đảng tuyên bố thi hành kỷ luật đảng bộ Vủng Tàu và qua lời xác nhận của Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên với các quan chức Hoà Lan, là vụ án có nhiều sai trái. Tất cả đều chứng tỏ TVB vô tội. Đó là những bằng chứng mà TVB sẽ xử dụng tại Tòa án QT, để chứng minh rằng mình vô tội, và đòi bồi thường 100 triệu USD.

8. Vụ án kinh tế biến thành chính trị
Phòng cảnh sát điều tra PA24 do trung tá Ngô Chí Đan làm trưởng phòng, đã nhận hối lộ và cũng thừa cơ hội đó, thực hiện âm mưu cướp tài sản của TVB. Thế lực của Ngô Chí Đan rất mạnh, và có ô dù ở trên bao che, cho nên thường tống tiền các doanh nhân, cụ thể là trong vụ án Phương Vicarrent, đã tống tiền 100,000 đô la . Ngô Chí Đan bị cách chức, tước danh hiệu Công an nhân dân.
 
Trung tá Ngô Chí Đan và anh vợ là Phạm Văn Phương đã trở thành 2 “ông trùm” ở địa phương. Vì TVB không biết luật giang hồ ở BR/VT, đã không “thần phục”, không làm lễ ra mắt ông trùm, không “cống nạp”, cho nên đã trở thành nạn nhân, bị tù và tịch thu tài sản.
 
Trong xã hội VN, làm ăn lương thiện thì bị nạn là thế. Cũng đừng ỷ lại vào việc cống nạp cho cấp trên là đủ. Phải nhớ qui luật, phép vua thua lệ làng mới tồn tại an toàn được.
 
Trung tá Ngô Chí Đan là đàn em của Thứ trưởng CA Nguyễn Khánh Toàn, ngoài ra, từ Tổng bí thư đảng cho đến những chức vụ lãnh đạo, Ngô Chí Đan quen lớn trên vài chục người.
 
Một bí mật ít người biết đến là, khi một Việt kiều về nước đầu tư, làm ăn, đều bị bí mật giám sát chặt chẽ của an ninh CS. Ban đầu chỉ là một vụ có mục đích tống tiền, xét công ty và nhà để lấy vàng và tiền mặt, nhưng vì áp lực bên trên khá mạnh, cho nên vụ án kinh tế đã biến thành vụ án chính trị.
 
Bắt đầu, TVB là một đảng viên của đảng Dân Chủ Tự Do của Hoà Lan, do đó, TVB bị ghép vào tội làm gián điệp. Những bằng chứng được ngụy tạo, kế hoạch được dàn dựng, khiến cho những người cho rằng TVB vô tội như Phan Văn Khải, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Dy Niên, Nguyễn Mạnh Cầm đều lạnh cẳng, thụt lùi.
 
Những chứng cớ được ngụy tạo như việc TVB đã gặp Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch UBND tỉnh BR/VT Nguyễn Trọng Minh, để móc nối, lôi kéo, mua chuộc làm gián điệp. Thật sự, có việc gặp gỡ, đưa tiền, nhưng đó không phải là gián điệp, mà là một hình thức “bôi trơn” phong bì để làm ăn dễ dàng. Nhưng rất tiếc là TVB không biết bôi trơn ở địa phương, cho nên mới ra nông nỗi. Bị nắm tẩy, cho nên Phan Văn Khải không dám tiếp tục can thiệp nữa. Trong vụ TVB, Nguyễn Trọng Minh bị mất chức Chủ tịch UBND tỉnh BR/VT.

9. Bí mật bao trùm quanh vụ đào thoát
Bí mật bao trùm chung quanh việc TVB đào thoát khỏi VN. Một người bị kết án 11 năm tù giam mà làm thế nào để lên phi cơ bay về Hoà Lan cho được?

Mới đây, ngày 7-4-2011, Trưởng cục thi hành án dân sự tỉnh BR/VT tên Trần Văn Mười cùng 2 tên Lê Huy Hoàng và Hoàng Anh Linh bị bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ba người bị bắt đã vi phạm nghiêm trọng trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình “dẫn đến việc khiếu kiện lâu dài”.
Nhóm từ “Dẫn đến khiếu kiện lâu dài” có thể hiểu là gồm cả việc để cho TVB đào thoát mới có khiếu kiện lâu dài. Bài báo không nêu đích danh lý do nào khiến cho 3 người bị bắt, nhưng đã nêu một trường hợp tương tự là 3 người đã ngâm bản án hơn 2 năm, không thi hành phán quyết của toà án. Cũng tương tự như TVB bị kếu án 13 năm tù giam mà vẫn nằm nhà thoải mái.
 
Thế nhưng cũng có điều lạ khó hiểu, là tại sao vụ việc xảy ra từ 1998 cho đến nay là 13 năm, 3 đương sự mới bị bắt?

10. Kiện ra Toà Quốc Tế
Ngày 15-10-2003, vụ án bước sang giai đoạn mới, vượt ra khỏi phạm vi hai nước VN và HL, ông Trịnh Vĩnh Bình đã chính thức nhờ Tổ hợp Luật sư Covington Burling, có trụ sở ở Anh và Hoa Kỳ, đứng ra kiện nhà cầm quyền VN đòi bồi thường 100 triệu đô la Mỹ, trong khi số vốn đầu tư mang về VN khoảng 4 triệu.
Phụ trách vụ án, Tổ hợp Covington Burling có 1 luật sư đứng tòa, 3 luật sư lo hồ sơ, 2 thông dịch viên, 2 thư ký. Riêng TVB có một luật sư VN phụ trách liên lạc giữa TVB với Tổ hợp luật sư Mỹ. Ông TVB ký quỹ 150 ngàn USD.

Đầu tiên, luật sư Thomas Johnson, đại diện cho TVB gởi thơ cho Viện trưởng Viện Kiểm Sát ND Tối Cao VN là Hà Minh Trí, đề nghị dàn xếp giữa hai bên.
Nổ lực dàn xếp kéo dài gần 2 năm không có kết quả.
 
Tháng 5 năm 2004, TVB chính thức nạp đơn lên Toà Án QT thuộc Liên Hiệp Quốc. Toà án thụ lý và sẽ mở phiên tòa xét xử tại Stockholm, Thủ đô Thụy Điển vào cuối năm 2005. Tòa nầy gồm 3 thẩm phán, một người Thụy Điển, một người gốc Mỹ và một gốc Pháp.
 
Phía CSVN, cũng đã ký quỹ 150 ngàn USD để nhờ Tổ hợp luật sư Pháp Glide Loyrette Rouel, có văn phòng tại Hà Nội. Việc nầy chứng tỏ CSVN chấp nhận việc bồi thường 100 triệu USD cho TVB, nếu bị thua kiện.
Toà Án QT thông báo sẽ mở ra xét xử từ ngày 4-12-2005 đến 12-12-2005.
Ba tuần lễ trước phiên xử, Tổ hợp luật sư Mỹ thấy chắc ăn, cho nên tăng số tiền đòi bồi thường lên thành 150 triệu USD. Viện dẫn lý do là dựa theo thời giá mới.

Tham dự phiên toà
VN là bị cáo, nếu không tham dự phiên toà thì bị mất quyền tự bào chữa. Nếu vắng mặt thì bị xử khiếm diện và buộc phải tuân theo phán quyết của toà án.
Do kinh nghiệm lần trước, vụ một luật sư người Ý, ông Manizio Liberato kiện hảng hàng không VNAirlines, phía VN thua kiện mà không chịu bồi thường, tưởng rằng không có ai dám vào VN đòi tiền, cho nên tất cả các chương mục của VNAirlines ở các ngân hàng châu Âu bị phong toả để trả tiền bồi thường.

Toà Án Quốc Tế tạm hoãn.
Đáng lẽ Toà sẽ mở phiên xử từ ngày 4-12-2005 đến 12-12-2005, nhưng Toà tuyên bố tạm hoãn, vì lý do hai bên thỏa thuận dàn xếp bên ngoài Tòa.

Thế mạnh của Trịnh Vĩnh Bình
Đúng thời cơ
Đó là cuối năm 2006, VN có thể được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (World Trade Organization=WTO) là cơ hội để được tham gia vào sinh hoạt của nền Kinh tế Thị trường tự do của chế độ tư bản. Vì kinh tế quốc doanh XHCN không ai muốn giao dịch và bị tư bản chèn ép về tội bán phá giá. Từ đó, VN sẽ có điều kiện dễ dàng ký những Hiệp ước thương mại với các quốc gia khác, mà VN rất muốn mở cửa, hội nhập.
VN rất cần có nguồn vốn, cho nên kêu gọi ngoại quốc đầu tư do đó, phải từ bỏ bớt thói quen ngang tàng bướng bỉnh cố hữu. Đành phải chịu nhượng bộ, đó là thời cơ thuận lợi cho vụ án của TVB.

Trịnh Vĩnh Bình vô tội
Chính những văn bản và tài liệu chính thức của các quan chức VN đã xác nhận TVB vô tội. Cụ thể là bút phê của Thủ tướng Khải. Chính Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên thừa nhận với quan chức Hòa Lan “Có sự sai sót trong vụ án TVB và hứa sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra lại”.
CQVN muốn dàn xếp bên ngoài Toà án, vì ở đó, số tiền bồi thường có thể được giữ bí mật. Hơn nữa, bị Toà án xử có tội, và ra lịnh phạt tiền bồi thường thì mất mặt quá. VN muốn còn chút đỉnh thể diện để mạnh dạn kêu gọi hùn hạp làm ăn. Nếu bản án được loan truyền khắp thế giới thì còn mặt mũi gì nữa.

Kết:
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã giữ lời hứa với nhà cầm quyền VN là không tiết lộ số tiền mà VN bồi thường.

Trúc Giang
Minnesota ngày 28-11-2011

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Đẹp, nguy hiểm.


Tổng cộng chiến công trong tấm hình này là 775 mạng địch quân đã bị bắn chết bởi những người đẹp cuả Lữ đoàn 3 xung kích, Phương diện quân thứ Nhất - Belarussia (số địch quân đã được kiểm chứng đúng).

Hàng đầu từ trái qua,
Trung sỹ nhất VN Stepanov, bắn chết 20. Trung sỹ JP Belousov, bắn chết 80. Trung sỹ AE Vinogradov, bắn chết 83.

Hàng thứ nhì,
Thượng sỹ EK Zhibovskaya, bắn chết 24. Trung sỹ KF Marinkin, bắn chết 79. Trung sỹ OS Marenkina, bắn chết 70.

Hàng thứ ba,
Thượng sỹ NP Belobrova, bắn hạ 70. Thượng sỹ N. Lobkovsky, bắn chết 89. Thượng sỹ VI Artamonov, bắn chết 89. Trung sỹ nhất MG Zubchenko, bắn hạ 83.

Hàng thứ tư,
Trung sỹ NP Obukhov, bắn chết 64. Trung sỹ AR Belyakov, bắn hạ 24 địch.
Ảnh chụp ở Đức, ngày 4 tháng 5 năm 1945.


Các nữ xạ thủ bắn tỉa của Lữ đoàn 3 xung kích, thuộc phương diện quân 1/ Belorussian. Lữ đoàn xung kích được tổ chức với mục tiêu cụ thể là mũi nhọn tấn công và tiêu diệt các lực lượng địch quan trọng, khi cần thiết có thể được ưu tiên tăng cường với cả xe tăng và pháo binh hơn các đơn vị vũ trang khác.

Trở ngại trong việc tìm đủ số quân nhân nam giới phục vụ trong quân đội và công nghệ, nhà nước Xôviết đã tuyển mộ 7,75 triệu nữ giới, trong đó có 800,000 người phục vụ trong quân đội. Bắn tỉa là công việc cần sự chính xác tỉ mỉ, rất hợp với kỹ năng của nữ giới. Vào năm 1943 đã có hơn 2,000 tay súng bắn tỉa nữ trong lực lượng vũ trang Liên Xô, những tay súng bắn tỉa nữ đã được ghi nhận với hơn 12.000 xác địch quân bị giết.

Liên bang Xô viết đã sử dụng phụ nữ trong bắn tỉa rất nhiều, quân đội Sôviết đã nhận ra phụ nữ rất hợp với nhiệm vụ bắn tỉa, tính kiên nhẫn, cẩn thận, kiên định, luôn tránh lộ diện đối đầu trực tiếp, cơ thể chịu đựng được nhiều điều kiện khó khăn. Thần kinh và kỹ năng của phụ nữ rất hợp chuẩn cho sự chính xác trong việc bắn tỉa. Thiếu tướng Morozov, "cha đẻ của chương trình bắn tỉa" đã từng nhận xét: ''bàn tay phụ nữ nhạy cảm hơn nam giới, vì thế khi bóp cò ngón tay trỏ của cô ta sẽ bắn nhạy hơn và chính xác hơn''.


Việc sử dụng lực lượng bắn tỉa thành công nhất của Liên Xô trong Thế chiến II là trong giai đoạn phòng thủ của chiến tranh (1941-1943), sau khi Liên xô phản công, lợi thế đã chuyển sang phía Đức và các tay súng bắn tỉa của Đức đã trở thành mối nguy thực sự đối với các đơn vị quân Liên Xô trên đà phản công.

Theo học thuyết quân sự của Liên Xô, họ sử dụng những tay bắn tỉa để dùng như hoả lực đe doạ từ xa, và tiêu diệt mục tiêu khi có cơ hội, đặc biệt là các sỹ quan, bởi vì trong Thế chiến II, các nhà lãnh đạo quân sự Liên Xô nhận ra rằng địch sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế các sĩ quan trong thời chiến. Họ cũng phát hiện ra rằng chi phí cho một khẩu súng trường bắn tỉa đắt tiền và dễ hư hỏng thì cũng bằng với chi phí đào tạo một chiến binh huấn luyện kỹ lưỡng và trang bị một khẩu súng trường tấn công sản xuất hằng loạt giá rẻ, họ đã bám theo học thuyết này. (Điều này dẫn đến việc Đức vượt hơn Liên xô về bắn tỉa trong phần cuối cuộc chiến)

42, Chuyển ngữ từ Rare Historical Photos.


Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Tình vụn.

Chiều nay bất ngờ nhìn thấy một phụ nữ trung niên người Ấn đang chờ đèn để sang đường trên đất Mỹ, chợt chạnh lòng nhớ lại chút tình vương vấn ở Tây ninh thời trai trẻ.

Bọn tôi, những thằng lính trẻ lãnh lương ra chỉ huy hoàng được tối đa là một tuần, ba tuần còn lại là thê lương với ăn thiếu nợ, ký sổ. Lương lính ra khỏi bàn phát lương là hết, bọn chủ nợ chờ ngay ngoài cửa phòng lương, số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ cho vài ngày huy hoàng, rồi lại tiếp tục rơi vào vòng nợ nần-ký sổ.

Đấy là nói nếu ở hậu cứ, bọn câu lạc bộ biết mình mới cho ăn thiếu, còn đi công tác dân bỏn biết chúng tôi là ai mà cho nợ nần? Thế, bọn tôi phải tự cứu mình, toán đi thường 4 thằng, chia nhau ra đi đến đâu là phải tìm cách cua gái kiếm ăn, đừng nghĩ bọn trai trẻ chúng tôi vô tình, yêu cũng thật đấy, nhưng đói thì cấp thiết hơn nhiều, hí hí

Tôi quen em cũng trong dịp tình cờ, nhà em là tiệm bán tạp hoá ngay dưới chân cầu của con kinh cắt ngang giữa lòng thị trấn, bên con lộ chính của thành phố, đầu dãy nhà buôn dọc theo con phố chính, phiá hông nhà em là con đường hẻm dọc kinh dẫn vào khu động đĩ mà bọn kính tráng hay lui tới. Hôm đó tôi cần mua cục xà bông thơm cô Ba nên ghé vào mua, thả dê, tán tỉnh và thế là dính!

Em tên Nê, chả biết tiếng Ấn nghĩa gì, nhưng nghe chẳng có tý ấn tượng! người gầy ngẳng đen và hơi ngố, chắc ông bà già giữ kỹ quá nên ít tiếp xúc với người ngoài. Khuôn mặt điển hình của Ấn với đôi mắt sâu lông mày rậm và đen nháy, mũi cao quá nên nhìn hơi dữ tuy rằng em hiền khô. Em chỉ có mỗi dáng cao quá khổ là hơi khác bọn gái Việt, còn lại thì em đặc kiểu miền Nam, chẳng khác gì bọn gái mà tôi chọc ghẹo hằng ngày, hàng họ cũng đâu ra đấy.

Chắc vì bị giữ kỹ quá, khi tôi thả dê là em đổ liền, nhà em ngay bờ kinh nên hẹn hò cũng dễ, căn nhà hai mặt tiền nên mặt dọc bờ kinh có cửa phụ, cứ thế em lẻn ra và bọn tôi tà tà dọc bờ kinh với những hàng quán bán đêm, em lúc nào cũng cả nắm tiền trong túi cầm theo chi trả, không bao giờ để tôi lo lắng vấn đề chi tiêu, hí hí

Tôi lâu cũng ghé tiệm em ban ngày, thấy ông già Ấn đứng bán hàng là biến, nếu em đứng quầy, ghé vào thế nào cũng một mớ nhu yếu phẩm gói mang về, bọn tôi xài kem đánh răng, xà bông, thuốc hút thoải mái. Những lúc đói, nháy em là em chỉ ra ki ốt bánh mì đầu cầu, nơi em đã bảo kê cho tôi. Cạnh những khu vực bến xe trong Nam luôn có những quầy bánh mì mà ổ to như bắp đùi, gọi là bánh mì bến xe, ai trong Nam đều biết. Một ổ bánh mì bến xe nhồi thịt, phải hai thằng ăn khoẻ mới ăn hết, tôi có tiêu chuẩn muốn nhiêu lấy nhiêu, chủ ki ốt không hỏi!

Cho đến một hôm, em buồn buồn thông báo làm tôi cũng lo, ông già em nghi ngờ, chắc sẽ khó khăn cho hẹn hò. Tuy vậy, cấm đoán thế nào thì cấm, bằng cách nào đó em vẫn trốn ra đi chơi, ăn uống hẹn hò và mang nhu yếu phẩm tiếp tế cho tôi.

Cuộc tình chấm dứt đột ngột giống như nó đến! Giải phóng, chúng tôi thế là bặt tin nhau, để giờ đây chiều hôm qua chợt thấy một bà sồn sồn người Ấn đứng chờ sang đường ở góc ngã tư, chạnh nhớ em giờ trôi nổi phương nào?

42.

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Con Hoa

Nó thuộc lớp gái bị thiệt thòi nhiều nhất, vừa lớn trổ mã thì giải phóng, đám dân trong xứ đạo ngơ ngác, bọn gái mới lớn thì mất mẹ nó đối tượng yêu đương, đám lính trẻ tan hàng lơ ngơ như chó lạc, bọn bộ đội vc thì có đi lại giao lưu nhưng không đứa nào dám tò tí, chắc được bọn chính trị viên cảnh cáo không giao thiệp với đám giáo dân trong giáo xứ.

Điều quan trọng nữa là con Hoa không đẹp gái, chỉ loại làng nhàng, nhà lại nghèo nữa, thế! Cuối cùng nghe theo tiếng gọi đoàn thanh niên, nó đăng đi thanh niên xung phong, năm đó 1975 nó vừa 18 tuổi.

Nó tính đúng, ra quân cuỗm theo được một thằng nhìn hơi ngơ ngáo nhưng được trai, hai vơ chồng về dân sự hai vợ chồng chí thú làm ăn, đẻ sòn sòn. Nó bán gánh bún riêu, chồng thợ đụng-đụng đâu làm đó-hai vợ chồng cứ thế cun cút làm ăn.

Con Hoa có cái đam mê mà phần lớn bọn gái Nam kỳ vướng, là bài tứ sắc, mấy quân bài nhỏ bằng ngón tay út xanh xanh đỏ đỏ thế mà nó có thể ngồi cả ngày, không màng ăn uống, con cái.

Đứa con gái tầm 1 tuổi, bò vòng quanh mũi dãi, con mẹ cứ thế chăm chú vào mấy quân bài, đứa bé khóc đòi sữa, con Hoa cứ một tay xoè bài, tay kia vạch áo, cái áo chỉ cài hai nút dưới phiá trên lúc nào cũng trễ ra hững hờ, nó kéo bầu vú bên trái quặt ra đằng sau, con bé con chừng cũng quen với kiểu bú này, bò đến tợp ngay rồi cứ thế, mẹ ngồi xoè bài, một bên kẹp vú quặt ra sau, con lổm ngổm đằng sau chu mỏ lên bú.

Năm ngoái tôi về lại xứ đạo thăm chú em, tha thẩn đi vào ngõ sau nhà thờ xứ, gặp lại gánh bún con Hoa vẫn đó, giờ con gái nó đã ngồi bán bún thay mẹ, nghĩ lại cặp vú mướp mẹ nó ngày nào, nó đon đả mời bác ăn bún mà thèn thẹn trong bụng! hí hí

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Mụ Jane đáng khinh.

Thư của Michael Benge
thưa qúy vị,

Tôi là một cố vấn phát triển kinh tế dân sự ở Việt Nam, và bị Cộng sản Bắc Việt bắt ở Nam Việt Nam năm 1968, và đã bị cầm tù trong hơn 5 năm, tôi đã trải qua 27 tháng biệt giam, một năm nhốt trong cũi ở Campuchia, và một năm ở "phòng tối" tại Hà Nội.

Những người cai tù Bắc Việt đã cố ý đầu độc và giết chết một nữ truyền giáo-một y tá ở trại cùi Ban Mê Thuột Nam Việt Nam, người mà chính tay tôi đã chôn cô ta trong rừng gần biên giới Campuchia.

Đã có thời tôi chỉ cân nặng khoảng 40kg (Trọng lượng bình thường của tôi là 70kg). Chúng tôi bị Jane Fonda gọi là "bọn tội phạm chiến tranh". Khi Jane Fonda ở Hà Nội, tôi đã được các viên chức chính trị cộng sản trại giam sắp đặt gặp Jane Fonda. Tôi đồng ý vì tôi muốn nói với cô ấy về những đối xử thực sự mà chúng tôi đã nhận được, điều này khác xa với các tuyên truyền từ Bắc Việt, và được nhai lại bởi Jane Fonda là "nhân đạo và khoan dung".

Bởi vì sự thật này, tôi đã bị qùy ba ngày trên sàn đá bằng đầu gối với hai cánh tay dang ra bàn tay cầm hai miếng thép, mỗi khi cánh tay mỏi trễ xuống tôi bị đánh bằng gậy tre. Jane Fonda đã mặt dầy mày dạn để nói rằng những tù binh chiến tranh đã nói dối về tra tấn và cách bị đối xử.

Giờ đây, đài ABC đang cho Barbara Walters tôn vinh Jane Fonda trong chương trình "100 năm, những phụ nữ vĩ đại". Đáng khinh bỉ, xấu hổ Jane Fonda! Xấu hổ, đáng khinh bỉ cho Barbara Walters! thật đáng khinh bỉ show 20-20, đài ABC và toàn bộ công ty Disney.

Tôi đã có cơ hội gặp Jane Fonda trong vài giờ sau khi tôi được thả ra (năm 1973), tôi hỏi cô ấy liệu cô ấy có sẵn sàng tranh luận với tôi trên TV hay không? Cô ấy đã không trả lời tôi nhưng chồng cô, Tom Hayden đã trả lời thay cho cô ấy, cô này bị kiểm soát tâm trí bởi chồng cô ấy?

Jane Fonda không nên được tôn vinh trong chương trình "100 năm, những phụ nữ vĩ đại". Sau khi tôi được thả, được hỏi tôi nghĩ gì về Jane Fonda và phong trào chống chiến tranh, tôi đã nói rằng tôi đã tôn trọng chồng của Joan Baez, vì khi ông nghĩ rằng chiến tranh là sai, đã tự đốt lệnh gọi nhập ngũ của ông và vào trại giam để phản đối.

Nếu những người biểu tình chống chiến tranh khác đi theo con đường tương tự, nó đã đưa hệ thống tư pháp của chúng ta dừng lại và chấm dứt chiến tranh sớm hơn nhiều, và sẽ không có nhiều tên trên bức tường đá đen này tên là Tượng đài Việt Nam, đây là chế độ dân chủ và đây là cách của Mỹ.

Jane Fonda, ngược lại đã chọn làm kẻ phản quốc và đi đến Hà Nội, mặc đồng phục VC, tuyên truyền cho cộng sản, và kêu gọi lính Mỹ đào ngũ. Trong khi chúng tôi bị tra tấn, và một số tù binh bị sát hại, cô ta gọi chúng tôi là những kẻ dối trá.

Sau khi các anh hùng của cô ta - bọn Cộng sản Bắc Việt - chiếm miền Nam Việt Nam, họ đã giết hại 80.000 tù nhân chính trị Nam Việt Nam một cách có hệ thống, hãy để cho linh hồn của họ yên nghỉ trong tâm trí cô mãi mãi. Xấu hổ! đáng xấu hổ!

Trân trọng,
Michael D. Benge

Kính chuyển: ông Eisner, giám đốc Walt Disney

Mike Benge bị bắt từ 28/1/68 - 5/3/73

(http://www.1stcavmedic.com/shame_on_jane.htm)

Giải cứu bất thành.

Câu chuyện giải cứu Benge.

Tối 28/1/1968, Michael Benge, 37 tuổi leo lên chiếc xe Jeep, tự lái từ nhà lên thị xã Buôn Mê Thuột. Là nhân viên của cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID), công việc chính là cố vấn những kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến cho nông dân Việt Nam. Là nhân viên dân sự, Michael Benge vẫn chưa biết gì mấy về trận tổng công kích Tết Mậu Thân cho đến khi một toán du kích vũ trang xuất hiện, chặn xe anh ta lại và lôi anh ra khỏi xe.

Mặc dù bị trói tay, Benge vẫn cố gắng thuyết phục người chỉ huy toán VC rằng anh ta chẳng dính dáng gì đến quân đội, anh chỉ là nhân viên dân sự làm việc cho chương trình phát triển nông nghiệp, họ bắt tháo giày để anh khỏi chạy trốn và dẫn giải anh đi, mỗi khi đi chậm lại là mũi súng AK lại thúc vào lưng giục anh đi tiếp, Benge bị coi như tù binh và bị áp giải sang đất Campuchia.

Sau đó toán quân áp giải Benge nhập vào với một toán tù binh khác, chừng 12 người gồm cả người Việt Nam và người Thượng, ngày hôm sau, Benge được đưa đến một trại tù binh của VC nằm sâu trong rừng, tại đây anh ta chứng kiến Tòa án Nhân dân Giải phóng xử tội tù binh, một số người Việt bị tuyên án là biệt kích, ác ôn, có nợ máu với dân, cả tội phản quốc, những người này bị xử bắn tại chỗ. Vài ngày sau, Benge có thêm những bạn tù Mỹ. Trong số tù binh bị giam giữ tại trại, có cả những người khoác áo thầy tu, lý luận của VC cho rằng trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam có phần can dự của những người tù binh này, không phân biệt dù họ khoác áo gì hay dưới danh nghĩa nào đi nữa.

Lý luận của họ càng có cơ sở khi một tù binh người Thượng trốn thoát, anh ta lập tức tìm đến đơn vị của “Nhóm cấp cứu hỗn hợp” (JPRC) thuộc lực lượng đặc biệt (SOG), cung cấp thông tin xác định vị trí trại tù binh của đối phương. SOG tức tốc ra lệnh cho 5 toán biệt kích cùng 3 đại đội thuộc lữ đoàn dù 173 của Mỹ hành quân tìm kiếm những công dân Mỹ bị đối phương bắt. Giải cứu tù binh là mục tiêu lớn nhất, thường xuyên nhất và lâu dài nhất của chiến dịch Bright Light (giải cứu tù binh) của biệt kích.

Ngày 18/2/1968, LLĐB thả 5 toán biệt kích vào khu vực mà tay chỉ điểm người Thượng và những chuyên viên của LLĐB vừa đánh dấu trên bản đồ. Bốn toán không tìm được gì, đến ngày thứ 3, toán do Trung sĩ Larry White làm trưởng toán, cùng Grant Bollenback và 4 biệt kích Thượng phát hiện được 1 cái hang, họ nghe có người nói tiếng Việt, toán biệt kích bò lên quan sát, họ đếm được chừng 25 lính Bắc Việt, nhưng đối phương đã biết có biệt kích xâm nhập, đang báo động dàn quân ra để lùng tìm. Toán biệt kích bắn xối xả, khiến cho đối phương phải lui ra khỏi hang, dưới hoả lực dữ dội của đồng đội che chắn, White cố chạy lên tìm những tù binh Mỹ, anh chỉ đủ thời gian chụp được 1 nắm giấy tờ, nhét vào áo rồi rút chạy. Sau đó nhờ trực thăng vũ trang yểm trợ, White dẫn toán di chuyển đến bãi đáp và được bốc trở về an toàn.

Qua phân tích những tài liệu mang về, LLĐB cho rằng trong số những người bị bắt có 3 công dân Mỹ là Benge, Olsen và Blood (Olsen là nữ y tá tình nguyện tại trại cùi, Blood là nhà giảng đạo làm việc tại trại cùi Ban mê Thuột), cả 3 người đều còn sống, tuy nhiên còn sống thì không có nghĩa là khỏe mạnh. Ba người bị xích chung lại với nhau, không được ăn uống đầy đủ, làm cho họ yếu đi để không đủ sức chạy trốn và cả 3 vẫn tiếp tục bị áp giải hướng đến khu vực biên giới Campuchia. Một tháng sau ngày bị bắt, Benge ngã bệnh sốt rét, rồi Betty cũng lên cơn sốt.

LLĐB vẫn tiếp tục tìm dấu vết của họ để giải cứu, thêm một tù binh Thượng khác lại trốn thoát, dựa vào tin tức người này cung cấp, ngày 7/4/1968, biệt kích mở cuộc đột kích vào trại tù binh với thêm lực lượng tham gia là trung đội thám báo thuộc chương trình Phượng Hoàng, họ tìm được một chiếc lán bỏ trống và dấu vết của 3 người Mỹ mới được di chuyển đi nơi khác, chỉ trước đó khoảng 2 ngày.

Đến giữa tháng 5, hai người Thượng nữa trốn thoát, báo cáo cho biết Blood, Benge và Olsen bị giam giữ ở một địa điểm cách Buôn Mê Thuột khoảng 60km về hướng nam, lần này biệt kích và toán Phượng Hoàng vào tìm thì chạm trán với một đơn vị cấp đại đội của VC và phải rút chạy. Năm ngày sau, LLĐB thả hai toán biệt kích khác vào tìm nhưng địch quân đã di chuyển trại giam tù binh đi nơi khác.

Mùa mưa năm 1968, Blood chết trong trại tù vì bệnh sưng phổi. Benge và Olsen bị suy dinh dưỡng trầm trọng, răng rụng tóc rụng, cộng thêm khắp cơ thể bị ghẻ ngứa lâu ngày không khỏi. Cuối tháng 11/1968, LLĐB thả toán biệt kích gồm 15 người từ Sở chỉ huy Nam (Buôn Mê Thuột) đi lùng tìm trại tù binh lần nữa theo tin tức tù vượt ngục cung cấp, toán đụng độ với địch trước khi tìm được đến trại giam, địch quân lại di chuyển trại giam đến nơi khác.

Trên đường di chuyển trại, sức khỏe của Betty ngày càng yếu, đi không nổi, cô chết và xác vùi đâu đó trong rừng biên giới Campuchia, riêng Benge sau khi di chuyển vào lãnh thổ Campuchia thì hoàn toàn bặt tin, tin tức về Benge sau này được chính Benge kể lại nhờ ăn rễ cây, côn trùng mà Benge mới sống đến ngày được trả tự do năm 1973, từ miền Bắc.

42, tổng hợp trên mạng.

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Tấn công ở vịnh Bắc bộ.

Ngày 02/08/1964
Tàu ngư lôi Bắc Việt tấn công tàu khu trục USS Maddox.

Tàu trinh sát của Mỹ đã hiện diện trên khắp vịnh Bắc bộ nhằm theo dõi các tín hiệu truyền tin và radar sau trận các khinh tốc đỉnh của VNCH đổ biệt kích tấn công các mục tiêu Bắc Việt trên đảo hòn Mê và hòn Ngư ngoài khơi bờ biển Bắc Việt trong chiến dịch Oplan 34A.
Khi giải mã các tín hiệu thông tin của phía Bắc Việt, các chuyên viên Mỹ tiên liệu là phía Bắc Việt đang chuẩn bị "các hoạt động quân sự", thuyền trưởng John Herrick của tàu Maddox đã đi đến kết luận có thể xảy ra tấn công trả đũa từ phiá địch, xin ý kiến thượng cấp, nhưng cấp trên ra lệnh giữ tàu hiện diện trong khu vực.
Chiều hôm đó, ba tàu tuần tra Bắc Việt bắt đầu đuổi theo tàu Maddox. Khoảng 3 giờ chiều, khi những tàu ngư lôi của Bắc Việt đã đuổi qúa gần, còn cách khoảng 1km, thuyền trưởng Herrick ra lệnh cho thủy thủ đoàn của mình bắt đầu bắn trả, đồng thời phát tín hiệu cầu cứu tới tàu sân bay USS Ticonderoga xin không quân hỗ trợ.
Các tàu của Bắc Việt mỗi chiếc bắn một trái ngư lôi vào Maddox, nhưng hai trái trượt mục tiêu, trái thứ ba không nổ.
Hoả lực từ Maddox bắn trúng một tàu tuần tra của Bắc Việt, ngay tiếp theo là ba máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ tấn công tàu địch. Trong vòng 20 phút ngắn ngủi, các xạ thủ Maddox đánh chìm một tàu và làm 2 tàu còn lại bị hỏng nặng, ghi nhận chỉ có 1 viên đạn trúng tàu Maddox và không có thương vong nào phía Hoa Kỳ,tàu Maddox sau đó được lệnh rút lui và chờ lệnh mới.

Tại Washington, Tổng thống Lyndon B. Johnson sau khi nhận được thông báo này, trước tiên đã bác bỏ bất kỳ cuộc trả đũa nào chống lại Bắc Việt Nam. Johnson đã thông báo qua đường dây nóng với Khrushchev rằng ông không có ý muốn mở rộng cuộc xung đột này.
Trong thông điệp ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ gửi đến Hà Nội, ông Johnson đã cảnh báo rằng "sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nếu có bất cứ hành động quân sự nào gây hấn với tàu Mỹ trên biển".
Trong khi đó, các lực lượng quân đội Hoa Kỳ đã được đặt trong tình trạng báo động, các máy bay tiêm kích đã được gửi thêm tới Nam Việt Nam và Thái Lan, tàu sân bay USS Constellation được lệnh đến Biển Đông để tham gia cùng tàu USS Ticonderoga.
Đô đốc Grant Sharp chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương, ra lệnh tàu khu trục USS C. Turner Joy, tham gia hải trình cùng với Maddox vào ban ngày tiếp cận trong vòng 15km bờ biển của miền Bắc Việt Nam và 8km của các đảo, nhằm khẳng định "quyền tự do hàng hải".

42,