Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Chuyện kể của anh Bảy.

Chuyện kể của anh Bảy,
Ngày 21/9/1966 trong chuyến bay tuần tiễu gồm phi đội 4 máy bay, nhận chỉ thị từ trạm điều khiển mặt đất -GCI, trạm rada đánh chặn- cho lệnh tấn công mục tiêu khoảng 16 km phía trước, anh Bảy lúc đó đang dẫn đầu, sau khoảng 7 phút anh phát hiện 2 chiếc tiêm kích F105 khoảng cách chừng 3-4 km. Cả phi đội xông lên rượt theo, sau đó anh rẽ vào phía đuôi của hai chiếc F105 nhưng vẫn xa ngoài tầm bắn, biết rằng các máy bay F105 bao giờ cũng bay đội hình 4 chiếc, Bảy dùng mắt lùng tìm khắp bầu trời chung quanh để tìm 2 chiếc còn lại. Thường thì chúng rất dễ thấy -do những vệt khói đen xịt ra từ động cơ, kiểu sơn ngụy trang xanh đậm và nâu đặc trưng- rất khó nhìn thấy trên nền rừng xanh thẫm, nhưng lại nổi bật trên nền trời xanh lơ, nhưng Bảy không thấy gì, chắc ăn không thấy gì thêm, anh cho lệnh người wingman bay kế bên Đỗ Huy Hoàng tấn công chiếc F105 phía trước bên trái.

Những phi công Hoa Kỳ khi bay trên đất địch, do không có ra đa mặt đất hướng dẫn luôn bay cặp gần nhau -welded wing, gọi là vị trí phòng thủ- ở thế bay này, người wingman luôn bay sát với chỉ huy nhằm kiểm soát phía sau đội hình bay để cho người chỉ huy lái chiếc kia chỉ cần tập trung chú ý tấn công hay tác xạ tiêu diệt mục tiêu phía trước. Tuy vậy chiến thuật tách wingman ra tác chiến riêng lẻ cũng được không quân VNDCCH cho phép xử dụng.

Hoàng quẹo rộng bên trái, nhắm thẳng ngay sau chiếc F105 bên trái và cùng với Bảy chờ hai mục tiêu quẹo cua để tấn công, bất chợt 2 chiếc F105 nghiêng xoắn vào một đường bay thấp xuống.

Bảy hét lên trong máy "Bị phục kích rồi"

Bay thấp -ở mức quá thấp để radar mặt đất bắt được- và xa phía sau 2 chiếc F105 là 2 chiếc chiến đấu cơ F105 khác dẫn đầu là Trung úy Karl Richter và Đại úy Ralph J. Beardsley, hai người đang bay tìm kiếm các địa điểm SAM để tấn công, Richter và đồng đội của anh đang bay ở cao độ rất thấp, theo họ đến mục tiêu thì bất ngờ Richter nhìn thấy nhóm máy bay MiG17. Sau này anh có kể lại: "họ lướt ngay trước mặt chúng tôi rất ngộ, cách khoảng 2 km, thật là hài hước. Chúng tôi rất ít khi gặp được  MiG, phải mất cả một giây trước khi điều này làm tâm trí tôi sôi lên...Chúng không phải là loại máy bay giống như bất kỳ máy bay nào chúng ta đang bay."

Richter bấm bỏ bình xăng phụ, với họng súng M-61 Gatling sẵn sàng, hướng thẳng về chiếc MiG17 bên trái (do Hoàng lái) anh kể lại: "mục tiêu thật dễ dàng" "tôi đưa ống nhắm hơi chếch về phía trước mũi anh ta và bắt đầu bắn"

Richter tiếp tục bắn loại đạn 20 mm với tốc độ 100 viên/giây "tôi tự nhủ, thiệt là nhục nếu mà mình bắn trật chiếc này" cùng lúc đó giọng wingman, Beardsley vang trong máy "mày bắn trúng rồi, trúng rồi" Richter nhìn thấy lửa phụt ra từ phía đuôi chiếc MiG, nhưng dường như chiếc MiG vẫn bay được bình thường.

Hoàng chợt nghe tiếng 'bình bình' đập vào thân máy bay, chiếc máy bay xoay tròn một vòng. Phản ứng anh bấm afterburner, chiếc máy bay vừa vọt về phía trước và càng nghiêng về bên phải, anh gắng thử điều khiển nó, chiếc máy bay có vẻ tuân theo nhưng anh cảm thấy không bình thường, nhìn qua cửa kính anh thấy cánh máy bay bên phải rách tươm "nhưng nó vẫn điều khiển được nên tôi vẫn cố lái nó".

Richter bắn thêm một loạt đạn nữa.

Hoàng nhanh chóng kiểm tra bảng điều khiển trước mặt, hệ thống máy phản lực chỉ dấu bình thường nhưng "khi tôi nghĩ mọi chuyện ổn rồi thì bất ngờ thân máy bay vỡ ra từng mảng" bảng điều khiển rung lên rồi vỡ tan, Hoàng chợt thấy nhói bên hông và lưng, anh chỉ kịp chộp lấy chiếc cần thoát hiểm giữa hai chân.

Vừa lúc Richter xả hết loạt đạn, cánh phải của chiếc MiG gẫy rời ra, nhiều mảnh vụn văng ra từ đuôi và từng phần máy bay văng tung ra bầu trời chung quanh máy bay. Trong khi Richter phóng cao lên để tránh những mảnh máy bay vỡ vụn anh nhìn thấy người phi công MiG bắn ra khỏi máy bay đồng thời trong máy vang lên tiếng Beardsley "hắn bung dù ngon lành", cả 2 chiếc Thud -tiếng lóng để gọi Thunderchief  F105- tống hết ga vọt lên phía trước.

Bung dù ngon lành hay không, đại nạn của Hoàng chưa chấm dứt ở đây, các phi công VNDCCH luôn mang theo cờ đỏ sao vàng kèm theo balô đựng dù sau lưng để lấy ra vẫy báo hiệu khi sắp tiếp đất nhằm phân biệt bạn thù, đã có trường hợp phi công Bắc Việt bị chính dân quân bắn chết vì nhầm lẫn.

Hoàng kể lại "tôi bị thương chảy máu nhiều bên hông và sau lưng, cánh tay trái bị gãy nên không thể thò ra sau lấy lá cờ ra được"

Trong lúc đó Bảy chỉ còn một mình chống chọi với nhóm F4 vừa xuất hiện, anh cố lạng lách tránh các hoả tiển hết chiếc này đến chiếc khác bắn về phía anh, anh tránh được nhưng làm tiêu hao toàn bộ nhiên liệu, anh kể lại: "tôi né tránh được nhưng đang trong tình thế rất nguy hiểm, xăng cạn gần hết, tôi định nhẩy dù bỏ máy bay nhưng khi hạ độ cao thì các máy bay Mỹ bay vượt qua, chợt thấy chiếc máy bay của anh Võ Vân đang bay phía trước, tôi bám theo và hạ cánh an toàn."

Dù của Hoàng đáp xuống một ánh đồng lúa, anh la lớn lên cho biết anh là phi công miền Bắc nhưng khi các dân quân nghe giọng Nam bộ của anh, họ càng nghĩ anh là phi công VNCH -còn đáng ghét hơn cả phi công Mỹ- Hoàng kể lại: "họ lột bộ đồ bay của tôi ra, trói ngoặt tay ra sau, một nông dân bắt đầu đánh tôi cho tới khi một người lính cản lại"

Hoàng bị thương không đứng nổi nên mọi người chở anh trên chiếc xe bò vào thị trấn, cả hàng giờ sau người ta mới xác nhận được nhân thân anh là phi công VNDCCH. Khi phát hện ra lầm lẫn, họ nhanh chóng cởi trói và đưa anh đi bệnh viện.

Kết,
Sau khi phục hồi, Hoàng được chuyển qua lái MiG19 và bị bắn rớt lần nữa ngày 29/9/1967, những vết sẹo ở cổ và tay trái giờ vẫn còn rõ mồn một từ trận đụng độ với Richter.

Mười tháng sau trận này Richter tử nạn trong một phi vụ khác trên bầu trời Bắc Việt.

Các chiến binh hãy yên nghỉ, Hết.

https://www.airspacemag.com/military-aviation/nguyen-van-bay-and-the-aces-from-the-north-1606486/?all

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

MiG 17

http://nasicaa.org/uploads/3/4/7/6/3476155/col_tomb.pdf

Câu chuyện về chiếc MiG17 mang số 3020 sơn cờ VNDCCH trong Bảo tàng không quân Mỹ National Museum of the United States Air Force - Ohio.

Vào năm 1986 chính phủ Ai cập tặng cho bảo tàng Hoa Kỳ mộc chiếc MiG17 cũ để bảo tàng phục chế và trưng bày, chiếc MiG17 được gởi đến Ohio.

Các chuyên viên phục chế tại bảo tàng ở Ohio có ý định phục dựng một phiên bản MiG17 trong chiến tranh Việtnam, qua tìm hiểu nhóm quyết định phục dựng chiếc MiG17 này mang số hiệu 3020 nổi tiếng trong chiến tranh Việtnam.

Huyền thoại về chiếc MiG17-3020.
Trong suốt cuộc chiến, huyền thoại về chiếc MiG17-3020 (từ nay viết gọn là 3020) nó được các phi công Mỹ biết đến vì trong các trận không chiến thông qua các tín hiệu truyền tin thu được nổi bật một cái tên Đại tá Toon/Tomb trong tín hiệu liên lạc phía Bắc Việt -người này được cho là đẳng cấp ace, đã bắn hạ trên 5 mắy bay địch- Câu chuyện càng nổi hơn khi tạp chí Koku-Fan, một tạp chí chuyên về hàng không của Nhật, đăng 2 tấm hình về Mig17 của VNDCCH trong đó có chiếc 3020 với 6 ngôi sao đỏ sơn trên thân -cho biết là nó đã bắn hạ được 6 máy bay địch- mọi người đều cho rằng chiếc 3020 này do Đại tá Toon lái.

Huyền thoại này mãi đến ngày 10/5/1972, Hải quân Trung uý Phi công Randy Cunningham với chiếc F4 Phantom mới phá vỡ, cuộc đụng độ chớp nhoáng ngày hôm đó kết thúc với việc Randy bắn hạ chiếc MiG17-3020, kết thúc một trong những huyền thoại dai dẳng trong cuộc chiến, mọi người đều cho rằng Đại tá Toon đã chết hoặc ít nhất cũng không còn khả năng chiến đấu.

Vấn nạn của bảo tàng.
Trong 2 tấm hình của tạp chí Koku-Fan, chiếc 3020 được sơn ngụy trang vằn vện, chiếc kia nguyên màu bạc kim loại không sơn. Chiếc MiG quà tặng của Aicập thì trong tình trạng quá tệ, thời gian bỏ bê trên khí hậu sa mạc đã làm lớp vỏ hư hỏng phải dặm vá, muốn che những chỗ dặm vá thì tốt nhất là sơn kiểu ngụy trang để dấu những chỗ vá dặm.

Điều ngại ngùng nữa, chiếc 3020 là do Hải quân Mỹ bắn hạ mà bây giờ Bảo tàng Không quân lại dùng nó để trưng bày -điều này hơi nhạy cảm với 2 lực lượng từ trước đến nay- nhưng cuối cùng, không còn lựa chọn, chiếc MiG đã phải sơn ngụy trang và mang số hiệu 3020 với cờ VNDCCH sơn bên hông và cánh.

TB: Trên mạng thấy có phiên bản MiG17-3020 trưng bày tại Bảo tàng San Diego, đây có thể là phiên bản khác.













Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Chiến dịch 'Bọ ngựa bắt mồi'

Chiến dịch Bọ Ngựa bắt mồi -Operation Praying Mantis- con Bọ Ngựa khi chuẩn bị bắt mồi lúc đứng rình và đưa hai càng trước lên trong tư thế như chắp tay cầu nguyện nên trong tiếng Anh có từ 'Praying Mantis' (nghĩa đen là Bọ Ngựa chắp tay cầu nguyện) có nghĩa là con Bọ Ngựa sắp sửa tấn công, đây cũng là ý nghĩa của chiến dịch. Đây là một cuộc tấn công của Hải quân Mỹ vào 2 giàn khoan dầu của Iran trong vịnh 'Persian Gulf'.

Chiến tranh Iran-Iraq  và cuộc chiến tàu chở dầu (Tanker War)

Năm 1988 lúc cuộc chiến giữa Iran-Iraq đang diễn ra rất quyết liệt -còn có tên gọi là Chiến tranh vùng vịnh I, hay còn gọi là chiến tranh vùng Persian Gulf (vịnh Pécxích)- hai phe chiến tranh bắt đầu tiến hành cuộc chiến nhằm tấn công vào các tàu dầu của các bên liên hệ ở eo biển Hormuz.

Năm 1984, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã có một mưu kế rất táo bạo nhắm vào Iran nhằm lôi kéo quốc tế hoá cuộc chiến đó là cho Hải quân Iraq tấn công và bắn chìm các tàu dầu của Iran trong vịnh Ba Tư với mục đích là khiêu khích Iran trả đũa bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz -một eo biển rất quan trọng của vùng Trung Đông- nơi mà khoảng 40% lượng dầu mỏ của thế giới phải di chuyển ngang qua đây.

Đúng như Saddam tính toán, eo biển Hormuz bị Hải quân Iran phong tỏa sau đó, mọi tàu dầu của Iraq và các nước Ả Rập ủng hộ Iraq đều bị Iran tấn công hay bắn chìm. Điều này dẫn đến việc Mỹ và các nước Đồng Minh bắt buộc phải nhảy vào can thiệp để bảo vệ nguồn an ninh năng lượng của mình. Cho dù Mỹ đã cảnh cáo về việc phong tỏa eo biển Hormuz sẽ gây ra hậu quả khó lường nhưng hải quân Iran tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các tàu chở dầu dân sự của Kuwait và Ả Rập Saudi.

Hải quân Iran vào những năm 80 được xem là mạnh nhất trong khu vực Trung Đông với lực lượng tàu hộ vệ do Anh sản xuất (từ thời Pahlavi), đặc biệt là các tàu hộ vệ tên lửa lớp Alvand.

Trước tình hình này, Hải quân Mỹ bắt buộc phải  tiến hành chiến dịch Earnest Will đưa các tàu chiến của Mỹ vào khu vực vịnh Ba Tư nhằm hộ tống các tàu dầu Kuwait khỏi sự tấn công của Hải quân Iran với lời cảnh báo cứng rắn: ''bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhằm vào tàu chiến Mỹ sẽ bị đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ nhất".

Tàu hộ vệ Mỹ trúng thủy lôi, lý do cho chiến dịch 'Bọ Ngựa bắt mồi' khởi động.

Ngày 14/4/1988, tàu hộ vệ tên lửa USS Samuel B.Roberts của Hải quân Mỹ khi đang làm nhiệm vụ hộ tống tàu chở dầu mang cờ Kuwaitt rong vịnh Ba Tư thì đụng phải thủy lôi của Hải quân Iran rải tại đây. Vụ nổ gây ra vết thủng rộng 4,5m (15 feet) tại thân tàu, rất may là không có thiệt hại về nhân mạng nào xảy ra, tàu sau đó được câu vào Dubai ngày 16/4 để sửa chữa.

Sau vụ nổ, lực lượng người nhái của Hải quân Mỹ tiếp tục thu được thêm rất nhiều ngư lôi tại vùng biển này. Sau khi so sánh các số seri trên thân các ngư lôi này thì hoàn toàn trùng khớp với số ngư lôi mà Mỹ đã thu được từ tàu rải ngư lôi Iran Ajr của Iran bị Mỹ đánh chìm trước đó. Dựa vào những chứng cứ thu được, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lập tức ra lệnh cho hạm đội Mỹ trong khu vực tấn công những mục tiêu của Iran trong khu vực vịnh Ba Tư.

Diễn tiến trận hải chiến

Ngày 18/4, hai nhóm tàu chiến Mỹ bao gồm cả Tàu sân bay USS Enterprise với Tuần dương hạm USS Truxtun đi bảo vệ trực chỉ hướng hai gian khoan dầu Sassan và Sirri của Iran.

Cuộc chiến được bắt đầu với sự tấn công của 2 nhóm Thủy quân lục chiến:
- Một nhóm gồm khu trục hạm USS Merrill (gồm trong đó là đội không quân đa dụng, biệt đội 1- trực thăng vũ trang HSL35)
- USS Lynde McCormick cùng với tàu vận tải đổ bộ USS Trenton với lực lượng đặc nhiệm hàng không của nó và biệt đội 5 trực thăng vũ trang HSL44.
Với nhiệm vụ phá hủy vũ khí và các cơ sở quân sự đặt trên khu vực giàn khoan dầu Sassan.

Vào 8 giờ sáng, chỉ huy của Khu trục hạm Merrill phát đi một cảnh báo cho những nhân viên dân sự lẫn quân nhân Iran đang phòng thủ trên giàn khoan dầu, ra lệnh rút lui khỏi đó thời hạn là 20 phút, sau đó phía Mỹ sẽ nổ súng. Tại dàn khoan Sassan, lính Iran chống trả quyết liệt bằng đại liên 23 ly ZU-23, các ổ đại liên này nhanh chóng bị dập tắt bởi pháo của các tàu chiến Mỹ bao gồm: USS Merrill, USS Lynde McCormick và phi đội trực thăng vũ trang Cobra, cuối cùng thì lực lượng Iran cũng liên lạc xin ngừng bắn để rút lui, sau khi cho phép một tàu kéo di chuyển phần lớn số nhân sự trên giàn khoan, phía Mỹ tiếp tục tấn công, khi các ổ kháng cự cuối cùng bị diệt, lính thủy đánh bộ và biệt kích SEAL đổ bộ lên dàn khoan -chỉ tìm thấy một lính Iran sống sót bị thương nặng- và đặt bom xung quanh toàn bộ dàn khoan sau đó kích nổ, phá hủy toàn bộ giàn khoan.

Sau khi tiêu diệt giàn khoan Sassan đội tàu chiến Mỹ trực chỉ dàn khoan Rakhsh kế tiếp, đúng lúc này thì 2 chiếc F-4 của Iran vừa bay đến khu vực với ý định tấn công nhóm tàu chiến, gần như lập tức tàu khu trục USS Lynde McCormick lock 2 chiếc F-4 này vào tầm bắn của tên lửa đối không RIM-66 Standard, kết quả 2 chiếc F-4 sợ hãi rút lui, bay trở lại căn cứ mà không dám bắn phát súng nào vào hạm đội Mỹ. Trên đường đến giàn khoan Rakhsh hạm đội Mỹ được lệnh dừng cuộc chiến nhằm cho phía Iran thấy ý định xuống thang chiến tranh của Mỹ.

Lúc này tại giàn khoan Sirri một nhóm khác gồm tuần dương hạm tên lửa USS Wainwright, khu trục hạm USS Simpson và khu trục hạm USS Bagley, đã đồng loạt dùng hoả lực tấn công giàn khoan dầu Sirri. Lực lượng SEAL của Hải quân được giao nhiệm vụ đổ bộ tấn công, bắt giữ tù binh và phá hủy hoàn toàn giàn khoan dầu Sirri nhưng do thiệt hại quá nặng trước cuộc tấn công bằng hoả lực của hải quân, các chỉ huy đã xác định rằng không cần thiết có cuộc đổ bộ của biệt kích lên giàn khoan nữa.

Đáp lại hải quân Iran quyết định tấn công bằng chiến thuật 'du kích trên biển' bất ngờ áp sát mục tiêu bằng tàu cao tốc Boghammar (do Thụy Điển chế tạo) để tấn công các tàu mang cờ Mỹ, Anh và Panama trong khu vực này, trong đó có tàu tiếp liệu Willy Tide, tàu chở dầu York Marine, tàu hàng Scan Bay đều là các tàu dân sự. Trả đũa lại hành động liều lĩnh này của Iran, hai máy bay A-6E Intruder của Mỹ do Trung úy James Engler và Trung úy Paul Webb điều khiển được lệnh xuất kích từ Tàu sân bay USS Enterprise mang theo bom chùm CBU-100 nhằm tiêu diệt các tàu cao tốc này, 2 chiếc A-6E đánh chìm được 1 tàu cao tốc và làm hư hỏng nhiều chiếc khác, buộc nhóm tàu này phải tháo chạy, quay đầu về phía đảo Abu Musa.

Không sợ hãi, Hải quân Iran tiếp tục đưa tàu khu trục Joshan lên nghênh chiến với tàu USS Wainwright, mặc cho thuyền trưởng tàu Wainwright ra lệnh dừng tàu và đầu hàng nếu không sẽ đánh chìm, tàu Joshan bất ngờ khai hoả một tên lửa Harpoon về phía hạm đội Mỹ. Tàu USS Simpson và Wainwright lập tức bắn trả bằng 3 tên lửa Standard làm tàu Joshan hư hỏng nặng đồng thời giết chết toàn bộ lực lượng sĩ quan chỉ huy trên tàu, tàu Joshan trả đũa bằng một tên lửa Harpoon khác nhắm vào tàu USS Bagley nhưng trật mục tiêu, tàu USS Wainwright nhanh chóng áp sát và cùng với USS Bagley dùng hoả lực bắn chìm chiếc tàu Joshan đang bốc cháy rừng rực.

Tàu Joshan vừa chìm xuống đáy biển thì 2 chiếc F-4 nữa của Iran lại bay gần đến khu vực với ý định tấn công tàu USS Wainwright, khi còn cách tàu khoảng 48 km chiếc Wainwright bắn 2 hoả tiễn tầm xa nhằm xua đuổi 2 chiếc chiến đấu cơ, một chiếc ngay lập tức bỏ chạy khi bị lọt vào tầm ngắm của hệ thống radar, chiếc F-4 còn lại không kịp né tránh nhận 1 trái tên lửa nổ cự ly gần, làm một bên cánh hư hỏng và phần thân bị trúng mảnh đạn, hư hỏng nhưng chiếc F-4 này vẫn bay về được căn cứ tại Bandar Abbas.

Mặc dù liên tiếp thiệt hại, Hải quân Iran vẫn tiếp tục tung lực lượng chiến đấu, khu trục hạm Sahand (lớp Alvand do Anh sản xuất) lại được lệnh xuất kích từ Bandar Abbas, chiếc tàu Sahand này nhanh chóng bị 2 máy bay A-6E của chiến hạm USS Joseph Strauss Mỹ phát hiện khi đang bay tuần tra. 

Một cuộc đấu tên lửa giữa Iran và Mỹ diễn ra, Sahand đã bắn tên lửa vào 2 chiếc A-6E Intruder, đáp trả các chiến đấu cơ bắn hai tên lửa Harpoon và 4 tên lửa Skipper dẫn đường bằng laser về phía tàu Sahand, tàu trúng đạn và bốc cháy, chiếc khu trục Sahand cháy từ mũi tàu lan đến đuôi và lửa nhanh chóng lan tới kho đạn của tàu gây nổ làm con tàu thứ hai của Iran chìm.

Xung đột vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, cuối ngày khi một tàu tên lửa khác của Iran là khu trục hạm Sabalan dùng tên lửa tấn công các máy bay A-6E của Mỹ, các chiến đấu cơ này đáp trả bằng cách thả một quả bom Mark 82 dẫn đường bằng laser tấn công tàu Sabalan, làm tàu này bốc cháy và hư hỏng hoàn toàn, đuôi chìm dưới nước, không thể tiếp tục chiến đấu.

Để trả đũa các cuộc tấn công, Iran đã bắn tên lửa đất đối hải Silkworm từ các căn cứ trên đất liền chống lại hạm đội Mỹ ở eo biển Hormuz và chống lại USS Gary ở phía bắc vịnh Ba Tư, nhưng tất cả đều bị trật mục tiêu do kỹ thuật né tránh và ngụy trang của hạm đội. Thậm chí một tên lửa có lẽ đã bị bắn rớt bởi đạn súng 76 mm của tàu Gary.

Lầu Năm Góc và Chính quyền Reagan sau đó đã phủ nhận cuộc tấn công bằng tên lửa Silkworm đã xảy ra, có thể là để giữ cho tình hình không leo thang hơn nữa -vì họ đã hứa công khai rằng bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy sẽ bị đáp trả vào các mục tiêu trên đất Iran- nhắc lại, chiến dịch Bọ Ngựa bắt mồi chỉ nhằm đánh các mục tiêu trên biển, phía Mỹ đã cảnh cáo Iran sẽ không tấn công Iran trên bộ nếu Iran không dùng các căn cứ trên bộ để tấn công hạm đội Mỹ.

Ngừng chiến

Nhận thấy phía Iran bị thất bại hoàn toàn, Hải quân Mỹ quyết định ngừng chiến dịch tấn công, nhằm tạo lối thoát cho Iran, ngay lập tức phía Iran chấp nhận ngừng bắn và bãi bỏ phong tỏa eo biển Hormuz.

Tổn thất của Iran trong cuộc chạm trán ngắn ngủi với Mỹ: 2 giàn khoan dầu bị phá hủy (giàn khoan bị cho là xử dụng cho mục đích tình báo), 3 tàu cao tốc tấn công nhanh Boghammar, một tàu khu trục tên lửa Sahand và một tàu khu trục Joshan bị bắn chìm hoàn toàn, tàu Sabala thì trúng bom laser hoàn toàn mất khả năng chiến đấu.

Phía Mỹ có 2 tổn thất nhân mạng xảy ra khi một máy bay AH-1T Sea Cobra gặp tai nạn trong khi đang bay trinh sát trên biển.

Trận hải chiến của Chiến dịch Bọ Ngựa bắt mồi này là một trong những trận hải chiến lớn nhất của Mỹ sau Thế Chiến II, nó cũng thể hiện sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ so với các thế lực đối nghịch tại Trung Đông, đặc biệt là đập tan hy vọng ảo tưởng của Hải quân Iran với chiến thuật 'du kích trên biển' mà trước đó Iran thường rêu rao có thể tiêu diệt Hạm đội Mỹ bằng các tàu, ca-nô tốc độ cao áp sát tấn công.

42, tổng hợp.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Lãng mạn Cộng sản.

Câu chuyện Liên Xô đổi hạm đội lấy Pepsi.

Cuối năm 1958 Liên Xô và Mỹ thoả thuận tổ chức một cuộc triển lãm ở hai quốc gia nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau, triển lãm của Liên Xô diễn ra tại New York vào tháng 6/1959. Mỹ tổ chức triển lãm tại công viên Sokolniki ở thủ đô Moscow sau đó 1 tháng, tại cuộc triển lãm phía Mỹ quảng cáo văn hóa công nghệ cũng như các sản phẩm tiêu dùng ô tô, hàng gia dụng. Rất nhiều doanh nghiệp của Mỹ tham gia trưng bày sản phẩm.

Ngày 24/7/1959 trước khi triển lãm tại Moscow chính thức khai mạc, phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã mời nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tham quan các gian hàng. Họ dừng lại trước một căn bếp -nơi sau nà̀y nổi tiếng vì trở thành hiện trường cho cuộc tranh luận nổi tiếng trong chiến tranh lạnh- khi so sánh giữa người dân Mỹ và Liên Xô có sở hữu được những tiện nghi như trong triển lãm, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã không hài lòng nên phản ứng. Chủ đề được mở rộng đến các vấn đề chính trị như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản, chiến tranh hạt nhân... Ngày hôm sau đoạn tin về "Cuộc tranh luận nhà bếp" (Kitchen Debate) xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo Mỹ và điều thú vị nhất là khi ở đoạn kết Nixon và Khrushchev cùng uống Pepsi. Một nhiếp ảnh gia đã bắt được khoảnh khắc Nixon và Khrushchev đứng cạnh nhau trong khi lần đầu tiên nhà lãnh đạo Liên Xô thưởng thức nước ngọt của một thương hiệu phương Tây. Kể từ đó, nó như trở thành một thứ ma tuý đối với người Nga, một loại đồ uống có ga mùi như "mùi xi đánh giầy" (theo ý kiến của những người Nga lần đầu thử Pepsi).

Sau khi thỏa thuận cho phép Pepsi được hoạt động kinh doanh tại Liên Xô có hiệu lực vào năm 1972, một vấn đề được đặt ra là cách thanh toán, đồng Ruble lúc này không có giá trị trên thị trường quốc tế và không thể quy đổi ra Dollar. Một giải pháp được đưa ra là Pepsi cung cấp đồ uống giải khát, thức ăn nhanh còn Liên Xô sẽ thanh toán trở lại bằng Vodka Stolichnaya -thương hiệu rượu lâu đời của nước này- từ đây Pepsi trở thành đại lý độc quyền Vodka Stolichnaya tại Mỹ.

Năm 1988 Pepsi lần đầu tiên quảng cáo thương mại trên truyền hình địa phương với sự tham gia của vua nhạc Pop Michael Jackson. Đây cũng là thời điểm thăng hoa của thương mại hai nước khi hãng rượu Vodka Stolichnaya trở nên phổ biến tại thị trường Mỹ, cho đến cuối thập niên 80 phong trào tẩy chay Liên Xô vì chiến tranh Afghanistan ngày càng lên cao ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ Vodka cộng thêm lợi nhuận tăng trong kinh doanh, Pepsi phải tìm nguồn khác hơn nhằm chuyển lợi nhuận về Mỹ.

Mùa Xuân năm 1989 Liên Xô đã ký thỏa thuận đáng chú ý với phương thức thanh toán đặc biệt hơn với Pepsi, Liên Xô bán cho tập đoàn nước giải khát 17 tàu ngầm cũ (loại chạy Diesel-Điện, mỗi chiếc khoảng 150.000 USD) và ba tàu chiến bao gồm một khu trục hạm, một tuần dương hạm và một khinh vận hạm. Pepsi cũng mua các tàu chở dầu đóng mới của Liên Xô để cho thuê hoặc bán dầu cùng công ty đối tác Na Uy, đổi lại Pepsi có thể tăng gấp đôi số lượng nhà máy tại Liên Xô.

Ông Kendal có lúc đã cười nhạo Brent Scowcroft -Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống George H.W Bush- rằng Pepsi giải giáp Liên Xô còn nhanh hơn chính quyền Mỹ.

Ngày 9/4/1990 Pepsi ký hợp đồng trị giá lên tới 3 tỷ USD với Liên Xô với phương thức thanh toán là tàu chiến. Với hợp đồng mới này Liên Xô chuyển nhượng cho Pepsi 10 chiếc tàu. Đây là thỏa thuận hợp tác thương mại có một không hai khi Liên Xô mua sản phẩm từ Mỹ được coi như kẻ thù lớn nhất khi đó. Chuyện này đã biến Pepsi bất ngờ trở thành 'cường quốc hải quân', với số lượng tàu chiến này Pepsi đứng hàng thứ 7 về lực lượng hải quân thế giới lúc đó. Pepsi hy vọng hợp đồng khổng lồ này sẽ tạo ra cơ hội mở rộng thêm hoạt động kinh doanh tại Liên Xô. Pepsi thậm chí còn đưa thêm chuỗi nhà hàng Pizza Hut vào Liên Xô và tin rằng nó cũng sẽ có triển vọng tốt như mặt hàng nước ngọt.

Bất ngờ cho Pepsi là khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì thỏa thuận hấp dẫn này cũng không còn được duy trì. Chuỗi nhà hàng Pizza Hut bị rơi vào khó khăn khi nguồn nhập phômai đến từ Lithuania. Pepsi cũng bị khủng hoảng khi công ty cung cấp chai nhựa lại được đặt ở Belarus. Những tàu chiến của Pepsi mua nhưng chưa kịp chuyển đi bị mắc kẹt ở Ukraine, một quốc gia mới độc lập cũng muốn được chia phần trong thương vụ mua bán này. Sau khi các mối làm ăn với Liên Xô bị đình trệ trong nhiều tháng và Pepsi cố gắng kéo lại doanh thu chuyện mà trước đây chỉ phải đối phó với một nước duy nhất ngày nay họ phải làm việc với 15 quốc gia khác nhau.

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Coca Cola nhân cơ hội Liên Xô tan rã đã nhảy vào thị trường hoàn toàn mới mẻ này. Nước Nga ngày nay vẫn là thị trường lớn thứ hai của Pepsi ngoài Mỹ nhưng phong độ đã không còn, Pepsi đã mất đi lợi thế khi không còn độc quyền nữa, bởi chỉ sau vài năm Coca Cola đã thay thế Pepsi là thương hiệu nước giải khát phổ biến nhất tại Nga hiện nay, chấm dứt một huyền thọai.

Điều cuối cùng của câu chuyện này mà ai cũng muốn biết, đó là toàn bộ số tàu ngầm và chiến hạm cũ của Liên Xô được Pepsi bán lại cho một công ty tái chế của Thụy Điển với giá đồng nát.

Phỏng dịch 42.