Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Tùng xẻo.


Tùng xẻo.
Những lần cộng đồng cùng nhau lên đồng, tố khổ một ai đó, đòi trừng phạt một tội phạm nào đó bằng những hình phạt tàn khốc nhất để trả thù cho nạn nhân, hãy tưởng tượng ngày nào đó luật pháp chiều theo ý nguyện đám đông. Chúng ta hãy tự xét đâu là giới hạn cho sự trừng phạt.

Mình làm cái caption cho video này để những người không sử dụng
 tiếng Anh có thể thưởng lãm.

Tóm tắt video: Sự biến dạng của Willie Bingham.
Đạo diễn Matt Richards kể câu chuyện về Willie Bingham, tù nhân đầu tiên chịu hình phạt mới được đưa ra trong luật sửa đổi về loại tội phạm nghiêm trọng.

Dưới áp lực gia tăng từ cộng đồng, Nhà nước đã đưa ra "Luật tùng xẻo" như một hình phạt gây tranh cãi. Các trừng phạt được thực hiện trực tiếp với ý muốn và sự chứng kiến của gia đình nạn nhân, được thực hiện trong nhiều năm và chỉ dừng lại theo yêu cầu của gia đình nạn nhân.

Willie được thông báo hình phạt này sau khi bị kết tội hãm hiếp rồi giết một nữ sinh và chặt thành nhiều khúc trong lúc say. Anh ta muốn bị xử tử, nhưng anh không có lựa chọn nào khác, gia đình nạn nhân muốn cắt từng phần thân thể anh ta để trả thù chứ không muốn tử hình.

Vào ngày thi hành án đầu tiên, gia đình nạn nhân bước vào để chứng kiến ca phẫu thuật. Người cha nhấc điện thoại lên và xác nhận anh ta muốn bắt đầu, bác sĩ lấy dao mổ và cắt tay trái của Willie.

Sau phục hồi, Willie được đưa đến các trường học, nhằm giáo dục bọn trẻ về những hậu qủa tội phạm.

Vào tháng 3, họ cắt cánh tay phải của Willie. Sau đó, họ mang anh đến trường trung học đang dạy những học sinh cá biệt...

Người giám sát của Willie cho rằng mọi người đều thoả mãn với những điều đang tiến triển và mong là cha của nạn nhân sẽ sớm hài lòng không đòi trừng phạt thêm.

Nhưng gia đình nạn nhân vẫn tiếp tục, họ loại bỏ tay chân của anh ta, rồi một quả thận và phổi... Willie chỉ còn là một khối thịt, ngồi trong trạng thái mơ màng xem những video về các lần hành hình của mình...

Cuối cùng phẫu thuật lần cuối, ngay cả người cha nạn nhân cũng tàn tạ đến độ không còn cảm xúc với việc hành hình. Họ cắt tai, mũi và đầu lưỡi, dùng laser đốt trụi hết lông của anh. Khi Willie nằm trên giường, bất động, bị băng bó, cha của nạn nhân bước vào và ký giấy tờ đồng ý chấm dứt.

Caption của 42.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Tao ngộ, những người thầy bên đường thiên lý.

Giáo sư Giàu, đại học Vạn Hạnh.

Anh tên H V Giàu, là giáo sư đại học Vạn Hạnh bị bắt sau tôi, khi tôi được cho ra phòng tập thể thì anh bị bắt vào -khoảng cuối 1976- anh người Huế, đối diện anh ngoài những nét khắc khổ chung của những người miền ngoài con người anh toát lên vẻ trí thức chắc do khả năng học vấn của anh biểu hiện.

Theo lời anh kể, anh tốt nghiệp tại Mỹ và về dạy triết tại đại học Vạn Hạnh, Sàigòn. Anh bị bắt trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi trụy miền Nam, một giáo sư dạy triết thì đáng đủ tội để vào tù rồi!

Anh có kể về những kỷ niệm lúc học đại học tại Mỹ, nhưng hấp dẫn nhất lại là những phân tích về tình dục cho bọn trẻ chúng tôi, những thanh niên mới 20 đang trong tù thiếu thốn mọi bề.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh với tôi là lần khám phòng đột xuất, anh nằm kế tôi và chúng tôi chia nhau con dao -con dao trong tù thời đó được làm từ nửa cái nắp lon sữa bò mài bén- khi bất ngờ sau tiếng khoá phòng rổn rảng mở ra, lệnh cán bộ khám phòng đột xuất, anh lại đang giữ con dao trong người.

Con người khi sợ hãi đến mức độ vượt khả năng chịu đựng thì cơ thể không còn phản ứng được nữa, anh Giàu chỉ ngồi và run lẩy bẩy, khuôn mặt trắng bệt ra và không thể cử động được. May mắn anh tỉnh lại và nói nhỏ với tôi về con dao, tranh thủ khi mọi người đang lộn xộn với đống đồ tư trang mang ra cho cán bộ xét, tôi lách nhanh vào cầu tiêu ngồi giả bộ đi cầu rồi thả nhẹ lưỡi dao, lấy tay gẩy nó nhảy ngược vào trong con thỏ bồn cầu.

Chúng tôi thoát nạn lần đó, anh Giàu cũng từ đó không dám dùng dao, rồi chúng tôi bị đổi phòng, từ ngày đó tôi cũng chưa bao giờ nghe về anh, người giáo sư dạy triết tại đại học Vạn Hạnh.

Giáo viên đại học bách khoa Hànội.

Anh tên Tuyến, làm giáo viên -anh sửa bọn tôi nhiều lần: miền Bắc không gọi là giáo sư đại học, chỉ đơn giản là giáo viên- đại học bách khoa (hay tổng hợp, lâu quá quên rồi?) anh du học và tốt nghiệp bên Trung Quốc, anh thông thạo tiếng Quan Thoại và cũng không ngần ngại khi chỉ dẫn bọn tôi học tiếng Tàu cho đỡ buồn chán.

Anh kể rất nhiều về cuộc sống miền Bắc XHCN mà bọn người miền Nam chúng tôi hầu như chưa ai biết, về kiểu ăn gà bằng kéo và quà biếu giáo viên đại học là cỗ lòng heo, anh vui vẻ kể về cuộc sống của anh với lối nói rất nhanh và giọng Bắc đặc làm nhiều khi bọn tôi nghe không kịp hiểu anh nói gì, anh người mảnh khảnh, kiểu người không phải lao động nặng nhọc gì từ bé, chắc dân Hànội gốc. Với giọng nam cao và nhịp phát âm nhanh như chim hót, anh làm phòng giam đôi lúc như bùng lên cùng anh về những mô tả miền Bắc lạ lẫm mà hấp dẫn (mãi sau này, tôi mới nghiệm ra anh nổ không ít!).

Anh bị bắt về tội vào Nam buôn hàng TV, tủ lạnh, giường tủ ra Bắc. Cuộc đời anh sau này ra sao, có kịp trở thành đại gia hay chìm theo những đợt đánh tư sản, tôi không biết gì về anh nữa?

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Ngân hàng


Đọc một số còm trong post của anh Tư mới thấy hệ thống ngân hàng VN có vấn đề, ngân hàng VN hiện nay không có trách nhiệm bảo vệ khách hàng -theo như thú nhận của chính anh Tư và vài Fbkers- khi đụng đến vấn đề tiền bạc mua bán trên mạng anh Tư và những bạn ở VN đều lý luận rằng: "Mình mua bán chứ ngân hàng có mua đâu, khi rắc rối là giữa mình với công ty mua bán, không phải trách nhiệm ngân hàng."

Đây là tư duy sai lầm của những người VN khi xử dụng ngân hàng hay chính là tư duy của ngân hàng VN đã cố tình nhồi vào đầu khách hàng VN.

Nếu thật có lối hoạt động ngân hàng như thế, thì nên học tập từ cung cách vận hành ngân hàng nước ngoài, đơn cử là hệ thống ngân hàng Mỹ: Mình không là chuyên gia ngân hàng, chỉ đứng trên góc nhìn thực tế của một khách hàng xử dụng dịch vụ ngân hàng Mỹ từ trước đến nay có vài vấn đề muốn chia sẻ:

Ngân hàng là đối tác chính bảo vệ tiền của người gửi, trường hợp anh Tư, là ngân hàng bên Mỹ họ sẽ trực tiếp tiến hành lấy lại tiền cho anh Tư -vì anh Tư là khách hàng gửi tiền tại ngân hàng- đây là trách nhiệm của ngân hàng và là quyền lợi thiết thân của khách hàng. Trong suốt quá trình tiến hành giải quyết khiếu nại của khách, ngân hàng là đối tượng trực tiếp liên hệ (bằng email, thư, phone) để giải trình cho khách hàng chứ không phải "khách hàng phải liên lạc với ngân hàng để biết tiền mình tới đâu" đây là một trong trách nhiệm chính của ngân hàng "bảo vệ khách hàng".

Ngay cả trong trường hợp ta dùng dạng credit trung gian (thí dụ Paypal) nếu ta bị ai đó ăn cắp thông tin từ Paypal để mua hàng, khi ta hoặc ngân hàng phát hiện [Ngân hàng sẽ luôn theo dõi các dịch chuyển về tiền của ta trên mạng, nếu do nghi ngờ -thí dụ: IP mua hàng ở quá xa chỗ ta ở đăng ký với ngân hàng, nhịp độ chi dụng đột biến tăng bất thường- họ sẽ trực tiếp liên hệ mình và xác nhận. Còn về thẻ Visa, Mastercard xử lý tương tự, và họ làm rất nhanh gọn] cho dù đã giao dịch xong, ngân hàng vẫn đòi lại tiền cho chính chủ như thường, không cần biết bên bán đã hoàn thành với ai (dĩ nhiên là với những công ty mua bán chứ không phải với cô bán cá ngoài chợ thì đòi vào mắt) 

Nên đấu tranh với hệ thống ngân hàng làm tốt hơn, bọn này đã không làm tròn bổn phận:

Ngân hàng là để bảo vệ quyền lợi của người gởi tiền chứ không chỉ là chỗ lấy tiền dịch vụ của khách hàng.

Với các bạn không ở Mỹ, thật ra có một nước Mỹ như thế.