Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Nhị đẳng Huyền đai Thái cực đạo.

Cô người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, tomboy, thích để tóc kiểu ‘demi garson’ kiểu thời thượng vẫn còn ăn khách đầu thập niên 70, khuôn mặt tròn với đôi mắt to như hút hồn người đối diện. Ngoài những lúc cô diện quần áo kiểu tomboy để đi học đi chơi, những khi đi nhà thờ cô mặc áo dài không ai có thể ngờ cô gái dịu dàng nhí nhảnh như thế lại đang đeo đai đen đệ nhị đẳng Thái cực đạo.

Thời trước 75 phong trào học Thái cực đạo được phát triển rầm rộ thông qua lực lượng quân đội Đại Hàn, môn võ này được khuyến khích cả trong quân đội miền Nam lẫn ngoài dân chúng. Cô Hiền là một trong những cô gái hiếm có ở vùng Xóm mới theo học võ và mang đai đen, cô hay qua lại chơi với các bạn học xứ tôi, thế mới bén duyên anh Minh chồng cô sau này.

Anh Minh chồng cô là sỹ quan quân đội, anh lính trẻ yêu cô học trò xứ đạo là câu chuyện tình muôn thưở mà ta vẫn thường nghe qua những bài Bolero, kết thúc là đám cưới rộn ràng. Hai người vui duyên mới chẳng bao lâu thì biến cố 30/4 phủ tràn xóm đạo, anh Minh như bao nhiêu sỹ quan lìu tìu trong quân đội miền Nam qua một khoá học tập cải tạo, hơn 2 năm sau anh được tha về với cô vợ trẻ và không nghề nghiệp.

Chuyện! nghèo thì gia đình hay lục đục, gia đình anh Minh không thoát khỏi lẩn quẩn đời thường đó, lâu lâu tôi lại thấy anh rượt cô Hiền chạy vòng quanh xóm, thậm chí có lần cô còn bị anh đánh dập dụi ngay ngoài ngõ. Tôi nhớ chẳng bao giờ thấy cô phản ứng lại, lần nào cũng cùng một kết thúc cô len lén về nhà và hôm sau mọi chuyện như chưa từng xảy ra. Hai người cứ thế bươn chải kiếm sống trong buổi giao thời khó khăn, rồi cô một lần sinh đôi hai cô con gái.

Cuộc sống cứ lững lờ trôi, gần 30 năm xa xứ lần tôi về gần đây, thấy gia đình anh chị vẫn yên ấm hai cô con gái đã chồng con, cũng chưa bao giờ nghe hàng xóm kể cô Hiền có lần nào dùng Taewondo chống lại anh chồng vũ phu.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Rừng Amazon

Những tấm hình Satellite cho ta thấy gì về chuyện cháy rừng Amazon.
Nhiều người đang làm rộn lên chuyện rừng Amazon của Brazil bị cháy, thậm chí than khóc cho ngày tàn của kỷ nguyên loài người đến ngày diệt vong.

Sự tực ra sao, chúng ta cần biết chút xíu cho đỡ sợ, hí hí

Theo các chuyên viên nghiên cứu về các tấm hình Satellite chụp trên khu vực 'cháy rừng' tại vùng Amazon cho biết, đại đa số các vùng cháy đó là vùng rừng đã được dọn sạch thành nông trại để làm nông nghiệp.

Theo các khoa học gia của đại học Maryland, hầu hết các đám cháy là do nông dân đốt rẫy -Việt nam trên vùng cao bà con dân tộc vẫn làm- sau vụ mùa để chuẩn bị đất cho năm tới, hình chụp không ảnh cho thấy là nông dân đốt rẫy sau thu hoạch, nông nghiệp của vùng Amazon thuộc Brazil hiện nay đều đã được hình thành từ phá rừng để làm thành đất nông nghiệp.

Hầu như đất nông nghiệp hiện nay tại vùng Amazon đều từ phá rừng mà có, Brazil muốn làm nông nghiệp thì phải phá rừng để có đất làm, chỉ có khác biệt là thay vì trước đó từ khu rừng giờ này nó là nông trại trồng đậu nành.

Những vùng nông trại này có chu kỳ lập đi lập lại hàng năm và theo từng tháng mức độ cháy lớn hay nhỏ đều đặn, mức độ cháy lớn nhất hàng năm dồn vào các tháng 8-9-10 phù hợp với mùa trồng đậu nành và bắp.

Kèm theo đây là bản đồ không ảnh để so sánh của tháng 8 hàng năm 2011-2018 và bản đồ mới nhất của năm 2019, các nhà khoa học Brazil cho thấy chỉ có điều khác biệt là năm nay cường độ đốt lớn hơn các năm trước khoảng 35%.

Các đám cháy này không phải cháy tự nhiên, mà do nông dân đốt, giải thích về những đám cháy với cường độ mạnh bất thường, chuyên gia tại đại học Maryland giải thích: "Khi nông dân khai phá một vùng rừng để chuẩn bị cho nông trại, họ thường gom cây vào một chỗ để cây khô sau đó đốt nó, vì thế sẽ cháy rất mạnh và tạo nên rất nhiều khói -vì cháy tập trung- và khuynh hướng phá rừng đang tăng lên sau nhiều năm giữ ở mức thấp.

Theo các chuyên gia phân tích của New York Times cho thấy các biện pháp thực thi để bảo vệ chống phá rừng của cơ quan môi trường Brazil đã giảm 20% trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ sau vài ngày thế giới biểu lộ sự phẫn nộ về các vụ cháy, tổng thống Bolsonaro đã hứa hẹn sẽ huy động quân đội vào việc giúp bảo vệ môi trường và gnăn chặn các đám cháy.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Woman in love.

Bài hát này là lời trần tình của cô gái với người yêu, cô phạm lỗi lầm khiến 2 người chia tay, theo mạch lời hát, cô chắc gian dối gì đó với người tình, trước nguy cơ mộng tình tan vỡ, cô tự biện hộ:
"Em là một phụ nữ đang yêu, nên em có quyền tự vệ để bảo vệ tình yêu" (It's a right I defend). 
"Em có làm gì sai đâu" (what do I do?) 
Không biết rồi cô có kéo lại được tình yêu không, tội cô bé. 

Life is a moment in space
When the dream is gone
It’s a lonelier place
I kiss the morning goodbye
But down inside you know
We never know why
The road is narrow and long
Đời chỉ là khoảnh khắc, khi mộng tình đã tan, chỉ còn trống vắng, buổi sáng đó hôn anh tạm biệt, tự thâm tâm chúng ta không thể hiểu, sao đường tình mình lắm trắc trở.

When eyes meet eyes
And the feeling is strong
I turn away from the wall
I stumble and fall
But I give you it all...
Gặp anh, cảm xúc thật mãnh liệt, em thoát khỏi cõi cô đơn, em yêu anh, trao anh tất cả.

I am a woman in love
And I do anything
To get you into my world
And hold you within
It’s a right I defend
Over and over again
What do I do?
Em là gái đang yêu, làm tất cả để anh đến với em, và giữ chặt anh, điều này đúng chứ, em vẫn tự vấn, em làm gì sai

With you eternally mine
In love there is
No measure of time
We planned it all at the start
That you and I
Would live in each other's hearts
Anh là riêng em, tình yêu là thế, vĩnh viễn, mình đã định, rằng anh và em mãi thuộc về nhau

We may be oceans away
You feel my love
I hear what you say
No truth is ever a lie
I stumble and fall
But I give you it all
Mình dù xa cách, anh có nhớ tình em, vẳng lời anh nói, không chấp nhận dối gian, mà anh ơi em yêu anh đã trao anh tất cả tình em.


Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Nhìn lại Hongkong 1967.

"Trước đây... Hongkong chỉ là nơi tá túc vay mượn, nhưng sau cuộc bạo loạn mọi người hiểu ra rằng Hongkong là ngôi nhà của chính họ"

Cuộc bạo loạn từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1967, tổng cộng 51 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương, hơn 8.000 quả bom đã phát nổ (phần lớn là các vụ nổ có kiểm soát, do cảnh sát phá hủy), trong đó có khoảng 1.100 quả là bom thật.

Hồng Kông là một nơi rất khác biệt cách đây nửa thế kỷ, rất nhiều người dân là những người tị nạn từ cuộc hỗn loạn tại nội địa Trung Quốc, những người tị nạn đã tá túc, dựng nhà của họ trong các trại tị nạn, các vùng đất vô chủ tồi tàn, các sườn đồi tràn nghập khu ổ chuột, nơi không có nước sinh hoạt hoặc nhà vệ sinh, việc làm không có và nhà chủ có thể thoải mái chọn người họ muốn, nhưng bằng cách nào đó mọi người sống sót, là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng sự bất mãn trong dân chúng.

Vào đầu 1967, tác động của Cách mạng văn hoá từ Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng lên Hồng kông, công nhân bị sa thải mang tâm lý bị đối xử bất công. Các cuộc bạo loạn tại Macau nổ ra 12/1966 và 5/1967,  sự leo thang tranh chấp lao động tại một nhà máy sản xuất hoa giấy ở San Po Kong-Cửu Long đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đụng độ sẽ làm rúng động Hồng Kông sau này.

Vào lúc 1 giờ chiều ngày 6/5 thì sự việc rắc rối tại nhà máy sản xuất hoa giả Hồng Kông xảy ra, tại nhà máy các công nhân đình công vì bất bình về tiền lương và việc sa thải 29 công nhân chạy máy, hôm sau các đại diện công đoàn đưa thỉnh nguyện rồi mọi người giải tán.

Biểu tình tiếp tục xảy ra, cảnh sát phản ứng cứng rắn, bắn đạn cay và dùng dùi cui, và rồi rắc rối lan sang Wong Tai Sin, đến Đông Cửu Long và tập trung tại Shek Kip Mei.

Số ra ngày 12/5 của tờ South China Morning Post viết rằng: Chỉ 13 tháng sau cuộc nổi loạn [Star Ferry] năm ngoái, đêm qua một phần của Cửu Long một lần nữa bị lệnh giới nghiêm sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và đám đông công nhân và thanh thiếu niên.

Sự phẫn nộ tiếp tục âm ỉ và sôi sục suốt mùa hè, nhưng sau những cuộc đình công và biểu tình ôn hoà ban đầu, mọi người bắt đầu nhận ra rằng các vấn đề chính trị mới là cốt lõi của phong trào lao động, và rồi mọi thứ trở nên tồi tệ. Nhiều người bắt đầu không ủng hộ phong trào lao động một khi nó xử dụng đến bạo lực trắng trợn bằng cách đặt bom khắp nơi -khủng bố đô thị- là một thuật ngữ chính xác để mô tả tình hình trong nửa cuối năm 1967. Phong trào lao động cánh tả dần biến thành phong trào khủng bố.

Bạo động
Giới giàu có tại Hồng Kông bắt đầu tìm cách rời khỏi khi tình trạng bạo động ngày tăng lên, nững người biểu tình -chống chính phủ- copy nguyên bản của cuộc Cách mạng văn hoá đang nở rộ tại TQ, mọi người mặc sơmi trắng với quần xám, đeo hình lãnh tu Mao trên ve áo. Các loại bom tự chế được đặt khắp nơi trong thành phố, đa số là bom giả nhưng chỉ cần vài quả bom thật trong số đó cũng đủ để khủng bố tinh thần dân chúng, sự sợ hãi gieo rắc vào dân chúng đến độ khi thấy một cái lon cũ bên vệ đường, vì sợ là bom, người ta sẵn sàng đi phía bên kia để tránh nó.

Tại trường trung học Chung Hwa, học sinh được yêu cầu chế bom trong lab của trường, gây ra tai nạn làm nổ đứt cánh tay của một học sinh, 18 tuổi Siu Wai -trường này sau bị đóng cửa vĩnh viễn với tội danh: phổ biến giáo trình học cộng sản với ý đồ nuôi dưỡng sự thù địch và bạo động- một ngày sau vụ tai nạn, cảnh sát cũng lục soát 4 trường khác có cùng khuynh hướng giáo trình-cộng sản là trường: Mongkok Workers’ Children School, Heung To Middle School, Western’s Hon Wah Middle School và Fukien Middle School.

Khủng bố càng ngày càng trầm trọng, ngày 20/8 bé gái Wong Yee-man 8 tuổi và em trai 2 tuổi Wong Siu-fan lượm được một hộp giấy cạnh Kiangsu Chekiang college, hai em ôm về nhà thì bom phát nổ, cô bé chết tại chổ vì thủng bụng, cậu em chết trên đường cấp cứu.

Ngày 24/8 Lam Bun, một phát thanh viên radio với những chỉ trích về chủ nghĩa cánh tả cực đoan cùng người em họ lái xe đi làm thì bị chặn lại, tưới xăng lên người và đốt, cả hai anh em chết vì bỏng nặng vài ngày sau trong bệnh viện. Giết chóc làm dân chúng thêm hoảng loạn, dân Hồng Kông bắt đầu quay lại chống thành phần cánh tả.

Ngày 8/7, Khảng 300 dân quân có vũ trang TQ và người biểu tình đã tấn công đồn cảnh sát trên khu vực biên giới giới hạn 2 dặm, giết chết 5 cảnh sát, vây đồn cảnh sát, nhốt toàn bộ 86 cảnh sát trong toà nhà Ủy ban thôn Shataukok khoảng 10 tiếng.

Hạ sỹ Fung Yin-ping, thư ký Kong Shing-kai, Mohamed Nawaz Malik, Khurshid Ahmed và Wong Loi-hing đã bị mất mạng trước khi chính quyền Anh quốc kịp điều 500 lính Gurkha thuộc lữ đoàn 48 Bộ binh tại Sek Kong -đóng quân tại Sha Tow Kok và dọc biên giới phía Tây- đến để giải cứu, phá vỡ vòng vây.

Những người nông dân đại lục tại biên giới luôn biểu thị bằng cách vừa đi vừa hát những bài hát cách mạng, mang theo các biểu ngữ màu đỏ khi họ phải đi qua biên giới Hồng Kông để canh tác mùa màng của họ.

Ngày 29/2, hai cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra vô tình chạy xe máy qua biên giới và bị băt giữ, khi thanh tra cảnh sát cấp cao Frank Knight cùng phái đoàn đi điều tra, sau hồi tranh luận lớn tiếng tại hàng rào biên giới ông đã bị một nhóm nông dân xúm lại lôi qua cầu biên giới.

Hệ quả là cây cầu thông thương qua Hồng Kông bị chắn lại, việc di chuyển qua biên giới chấm dứt, những nông dân đại lục ủ rũ vì mùa màng không được chăm bón, dân Hồng Kông tức giận vì việc giam giữ các cảnh sát viên HK. Ông Akers Jones và ông cố vấn chính trị Kenneth Kinghorn được đưa đến đàm phán với các giới chức TQ, cuộc đàm phán bắt đầu với thủ tục đọc ba câu từ cuốn sách đỏ "Mao tuyển", kết qủa chính quyền Hồng Kông phải trả tiền đền bù cho các cây trồng bị hư hại do đóng cửa biên giới, phía TQ thả 2 cảnh sát cùng vũ khí và tư trang.

Vào khoảng 12/1967 cuộc bạo loạn quay cuồng như lốc xoáy cuối cùng đã lắng xuống, chính thời gian này rất nhiều cải cách xã hội lớn, những nền tảng mới được đặt ra và định hình xã hội Hồng Kông sau này, chính quyền sau cuộc bạo loạn nhận ra sự thờ ơ với dân chúng đã tự thay đổi, thành lập những Văn phòng hội đồng quận -District Council offices- để cho những người dân bình thường có thề truyền đạt nhu cầu của họ, vụ bạo loạn đã làm thay đổi mối quan hệ giữa dân chúng và chính quyền sâu sắc.

Chính quyền thuộc địa Anh đã nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe công chúng và do đó, mối quan hệ cộng đồng đã được tăng cường, không lâu sau đó vào năm 1971 Hồng Kông đã có một thống đốc mới, Murray MacLehose.

Ông đã chủ động công khai chủ trương nhà ở công cộng và giáo dục miễn phí, việc cải thiện dịch vụ xã hội công cộng, nhiều người đã chạy trốn khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa ở trong các khu định cư tồi tàn ở Cửu Long, dưới khu Lion Rock vào năm 1972 bắt đầu nhìn thấy một Hồng Kông tiến lên thoát ra khỏi nghèo đói.

Quốc tịch Hồng Kông được phát triển lần đầu tiên vào năm 1967, trước khi xảy ra sự cố rất nhiều người nghĩ Hồng Kông chỉ là một nơi tá túc vay mượn, nhưng sau các cuộc bạo loạn, mọi người biết rằng Hồng Kông chính là nhà của họ và họ sẽ không quay trở lại Trung Quốc nữa.

42 Phỏng dịch.

“Looking Back – Hong Kong 1967 Riots,” South China Morning Post archives.





https://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/2089195/witnesses-anarchy-1967-riots-hong-kong-some-those

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

Chuyện kể của Mai Hoà.

CHUYỆN BUỒN, CHUYỆN VUI NHỚ CHUYỆN CHIẾN TRƯỜNG !

Viết cho Trần Văn Lại nhân dịp 27/7/2017.
Mỗi khi có dịp vào Nam dù là theo đoàn CCB E205 hay cá nhân mình thường dành thời gian đi thăm lại chiến trường xưa. Đi với ai? Người mà nghĩ đến đầu tiên ở Sài Gòn là Mai Đăng Tiến, chia tay Trung đoàn từ tháng 10/1977 mãi cho đến năm 2010 mình mới liên lạc được với ông này qua ông Trường Bắc Giang. Khỏi cần biết Tiến giầu hay nghèo, sự nghiệp ra sao? Lý do là với những anh em bạn bè đồng ngũ Bắc vô Tiến nhiệt tình số 1 trong số những đồng đội định cư ở Sài Gòn.


Ngồi với Tiến trên lầu của quán Bia Hà Nội tại đường Nguyễn Thị Minh Khai vào một buổi trưa mình biết thêm về Lại. Phải nói thật là một trong những bất ngờ thú vị khi biết Lại có vợ là cô bạn học cùng lớp với mình trong 3 năm cấp III, từ đó mới liên lạc thường xuyên với Lại. Đi với Tiến mình được biết thêm nhiều bất ngờ, một trong những câu chuyện đó là gặp gỡ gia đình anh Sáu Nọ ở Bàu Cỏ, gặp Quy ở Lộc Tấn…

Chuyện anh Sáu kể trong và sau bữa nhậu cuốn hút suốt đêm, trong đó Lại là một phần của thời 1975. Nhân dư âm ngày buồn 27/7 mình muốn chia sẻ tới anh Lại về trận đánh đồn Thốt Nốt ngày 13/01/1975, với tinh thần là biết gì kể nấy vì mỗi cá nhân chỉ biết một phần của sự kiện, góp nhặt câu chuyện buồn xưa, anh Lại có mang đại liên tăng cường cho bọn mình trận này nhưng chứng kiến còn có những ai khác?

Sau trận Suối Đá ngày 07/12/1974 mấy ngày, cả Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm cỏ qua đất Cambodia rồi về rừng Nhum (rừng có cây nhum nên gọi rừng Nhum, anh em mình hay gọi rừng Nhôm), tại đây đã thấy truyền đơn của bên kia rải xuống rừng nói về E205 tại Suối Đá rồi, nội dung là đại bại.

Đại đội 1 quân số còn rất mạnh, lính trải qua Chiến dịch Bù Bông – Kiến Đức và được mấy anh cán bộ đi học về bổ sung. C1 làm thao trường bằng cành cây mô hình chốt Thốt Nốt trong rừng Nhum để luyện tập, chiến thuật kỳ tập (kiểu như đánh Suối Đá) là bí mật cắt rào, đánh bộc phá phá rào rồi tràn diệt địch trong tường hộp và đánh nhà chỉ huy bằng hỏa lực, không hiểu sao Trung đoàn vẫn ngoan cố chơi kiểu này vì bộ binh và C1 cũng chưa từng thành công, đồn Thốt Nốt hình tam giác, bên trong có nhà chỉ huy và tháp canh, ba góc tam giác là 3 lô cốt bát úp.

Phương án tác chiến: Đánh đồn bằng cả 3 mũi trong đó mũi chủ công (anh Việt cà lăm C trưởng và anh Sáu Chính trị viên phó chỉ huy) được phá rào bằng mìn ĐH10 với giá 3 quả, mình đi mũi này, 2 mũi còn lại chỉ dùng 1 quả ĐH10. Một mũi do anh An C phó chỉ huy (Minh, Nga Thiện đi mũi này), mũi còn lại mình ko rõ ai chỉ huy (Trường, Bắc Giang đi mũi này). Phá rào giữa cạnh đồn không thẳng lô cốt, thêm một bộc phá sào dọn rào nếu rào chưa sạch, nếu sạch rào bằng mìn ĐH10 rồi thì sẽ dùng bộc phá sào phá tường hộp, bộ đội xông vào phát triển ra hai bên diệt địch.

Diễn biến trận đánh.
Xuất phát từ rừng Nhum từ mờ tối, theo ruộng của dân đến đồn Thốt Nốt trong đêm, mình đeo một trái ĐH10 đến cách đồn 1 quãng gần hàng rào thép gai thì dừng lại tổ hợp trên một cái giá tam giác có cọc chống thành cụm 3 quả, khi đó nhóm của Tạo trinh sát tiểu đoàn đã cắt rào. Được lệnh tiếp cận hàng rào mình cùng Thực (Hàm Rồng – Hoằng Hóa) khênh giá ĐH10 vào vị trí, anh Sáu dù là Chính trị viên phó nhưng rất xông xáo trong việc đấu kíp điện và kiểm tra giá mìn, chính anh là người bấm điện cho ĐH10 nổ. Phương án đã nói ở trên, có 1 bộc phá sào dự phòng cho việc ĐH10 nếu không phá sạch hàng rào, nếu hàng rào được quét sạch sẽ dùng bộc phá sào thọc lỗ châu mai phá tường hộp.

ĐH10 nổ tất cả nghe lệnh xông lên bởi ko thấy bộc phá sào nổ (lý do Thực đút bộc phá sào vào rồi nhưng không giật nụ xòe), tất cả ào ào xông lên vì ĐH10 quét rất sạch, sát tường hộp là một hào rộng chừng 2,5m sâu chừng 70cm (có thể do đào lấy đất đắp tường hộp) nước lúp xúp và dây thép gai rải bùng nhùng nhưng vẫn lội qua được, anh em khá đông lúp xúp dưới chân tường hộp, mình và Tĩnh – Nga Thạch (Tĩnh mang trung liên RPD, mình AK) leo lên nóc lô cốt phiá bên phải. 

Thời điểm oan nghiệt bắt đầu khi địch thẩy trái láng ra ngoài chân tường chỗ anh em đang tập trung và chưa leo lên được tường hộp, tiếng nổ và ánh sáng bùng lên, anh em la hét đau đớn. Đồn Long Giang bắt đầu bắn cối sáng sang chi viện cho Thốt Nốt, nằm trên nóc lô cốt dưới ánh cối sáng mình và Tĩnh quan sát được toàn bộ cái đồn và nhìn được đường ra phía ấp. Nói về cái đồn, tường hộp trên 3 cạnh tam giác hoàn toàn bằng bao cát đất, nóc mái bằng để đi lại và có lỗ để lính nhô lên. Chiều dài tường chừng 15m, chiều cao tường chừng hơn 2m ngoài tầm với chút (nếu muốn trèo lên phải kênh kiệu), chiều rộng chừng 2m. Ba góc là ba lô cốt đất hình bát úp cũng cao bằng tường, bên trong có một cái nhà bằng bao cát và một chòi canh bằng thép góc. Cái lô cốt mình và Tĩnh leo lên có độ thoải và đặt được chân để bám lên, trên nóc lô cốt nó xếp bao cát làm cái tăng sê rộng chừng 1m, cao 70cm đủ cho một người ngồi, nó làm 4 cọc và che nắng bằng lá dừa, ĐH10 thổi làm bay cọc nhưng lá dừa vẫn nằm gần đấy, mình và Tĩnh nấp vào chân tăng sê, mình nằm bên trái nó nằm bên phải, trong tăng sê có cái đèn 3 pin vẫn còn sáng (khi tiếp cận và trước lúc ĐH10 nổ vẫn thấy lính nó đi lại), từ lô cốt nhìn sang chỗ anh em hy sinh chân tường hộp là bên trái. 

Nói lại về thời khắc đen tối, chỉ trái láng đầu tiên đã làm sát thương khủng khiếp cho anh em rồi cứ thế đều đều tiếng nổ và ánh lửa nháng nháng cho đến khi tiếng kêu im lặng dưới hào nước dưới chân tường hộp, hai mũi còn lại hầu như không động tĩnh. Mũi của Trường hình như cũng mở được rào nhưng không lên. 

Trong một khoảng im lặng Tĩnh phát hiện một tên nhô lên khỏi nóc tường hộp bên phải, Tĩnh bảo: Hòa ơi bắn đi, mình hỏi: đâu? Tĩnh nói: đây này, mình bảo: Mày bắn đi, nó nói: súng tao nghiêng không bắn được. Trong khoảnh khắc mình nhìn thấy thằng địch cách chừng 2m nhô lên nóc tường hộp ngang ngực, mình điểm xạ 2 phát AK, nó tụt xuống, sau chừng 30 phút tất cả im ắng. 

Cối sáng từ Long Giang vẫn thay nhau bắn sang, biết là hỏng rồi mình bảo Tĩnh: Tĩnh ơi ra thôi, nó bảo: Mày ra trước tao ra sau, cái thằng rất lì nó mang trung liên nhưng vẫn không cùng ra, tôi nói: tao ra đây. Lợi dụng lúc ánh sáng cối tắt mình phóng theo cừa mở và thoát ra ngoài, bên ngoài anh em vẫn chưa rút hết, vẫn còn người loanh quanh ngoài hàng rào. Mình gặp Hùng, Tới – Nga Thành và cả 3 cùng hướng rừng Nhum để về trong đêm tối, cả Tới và Hùng đều bị thương, mình không sao do nằm trên nóc lô cốt nên mảnh trái không tới, ba thằng cùng về. trên đường đi mình rơi tõm xuống cái giếng nước làm ruộng của dân, giếng sâu chừng gần 3m có nước ngang đùi, giếng tròn đường kính khoảng 1m, Hùng thò khẩu AK cho mình bám để leo lên, sau này nó có nói lại là khẩu AK nó chưa khóa chốt an toàn, thật may mắn, nếu không đi cùng nhau chắc sớm mai xong vì không thể tự lên được. Cả 3 bị lạc nên núp vào bụi cây để quan sát, khi loáng thoáng thấy có người đi về mang băng trắng vậy là lặng lẽ theo về đến trạm phẫu tiểu đoàn.

Lại nói về Tĩnh, khi mình rút nó chưa bị thương và chưa bắn phát đạn nào, lúc nó ra nó đã bị thương và nồi trung liên chỉ còn 3 viên, không biết nó nằm lại bao lâu, mình nhớ không nhầm thì chỉ có Tĩnh sau trận này trở về đơn vị, số còn lại loanh quanh K23 cho đến ngày 30/4/1975. 

Sau này mình gặp lại Tĩnh một lần tại Thanh Hóa khi nó từ Nông trường 3 Cao su Phú Riềng ra giám định lại, trước khi về Long Khánh lần đầu mình đã nhờ Tiến chọi hỏi nó để rủ đi cùng thì được biết nó đã về miền cực lạc.

Mình nhớ, địch chỉ ném trái láng chứ không hề bắn ra một viên đạn nhọn, địch không hề chạy hết sau khi ĐH10 nổ và chỉ còn tên bị thương nằm ném trái như lời đồn đại, tuy nhiên số còn trong đồn có thể chỉ vài tên.

Mất mát trận này C1 mất rất nhiều lính kì cựu từ thời Vĩnh Phú, Nam Hà, Bắc Thái xưa và thông tin tiểu đoàn…Riêng ông Việt cà lăm mình không hề ấn tượng, mình không thấy hình ảnh của ông Đại đội trưởng này qua trận Suối Đá và trận này.

Mình chỉ viết những gì mình thấy, không có ý hơn thua, như đã nói: mình chứng kiến một phần sự kiện đau lòng này, ví như thầy bói xem voi sờ chỗ nào thì phán chỗ ấy, mình đã tự về Long Khánh 2 lần và còn muốn về thăm nữa.

Hy vọng sẽ được bổ sung thêm trong ngày gặp mặt 28/8/2017.
Viết dài, lan man chịu khó đọc nhé ! — với Tran van Lai.

Phụ lục:
Trở lại Long Khánh sau ngày 30/4 được người dân kể lại:
Địch đổ quân bằng cam nhông chặn đường rút của ta nhưng do sương mù nên không phát hiện được hướng rút, mặt khác ta cứ thẳng hướng về rừng Nhum địch lại dự đoán hướng khả nghi nên an toàn.

Địch cho xe bịt kín chở tử sỹ đi luôn sáng sớm người dân ko được đến gần nên không rõ, địch gom anh em hy sinh đặt trên đường xe bò sau 1 ngày thì người dân Cao Đài xin phép chôn anh em, giống như việc chôn cất ở Suối Đá 07/12/1974.

Có chuyện anh Sáu bị thương nặng nhưng chưa chết, sáng tỉnh dậy biết ko qua khỏi nên đã rút chốt da láng tự vẫn (?).

Cũng nghe dân kể: Sau khi DH10 nổ địch bỏ chạy khỏi đồn, chỉ có một người lính bị thương mang theo một đứa con trai vào đồn vì vợ chồng bỏ nhau, người lính đó hướng dẫn con thẩy trái láng ra lỗ châu mai tường hộp. Sát thương khủng khiếp, 12 anh hy sinh tại chỗ, 1 hy sinh tại phẫu, bị thương đáng kể.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Tản mạn về bựa.

Bựa, chẳng là gì cả, chỉ là một trào lưu phá cách, ra khỏi những ràng buộc đời thường. Bựa không có nghĩa là chửi tục văng mạng, không phải là lật ngược giá trị sống tiêu chuẩn, bựa chỉ là lối thoát cho những ẩn ức không giãi bày được từ phong cách cũ, là lối thoát ra khỏi những đời thường sáo mòn vốn dĩ không đủ không gian cho bản thân người đó vùng vẫy, khỏi những suy nghĩ bó cứng, khuôn phép cũ từ ngàn xưa.

Văn bựa, không có gì đặc biệt, chỉ dùng những lối hành văn khác với lối cũ sáo mòn, tự mỗi người sẽ xây dựng cho mình một lối viết, cách hành văn -khi đọc một bài viết, ta sẽ tự cảm thấy văn phong của từng người khác biệt cho dù bài viết đã không đề tên tác giả- trên hết, văn bựa phải trên nền tảng của người có khiếu văn chương, nếu không nó chẳng là văn bựa. Không một quy tắc nào làm chuẩn để viết văn bựa, người viết nhiều, với khiếu văn chương sẽ từ từ hình thành cung cách của mình.

Không ai tự xưng mình là bựa cả, chỉ bị gọi là bựa, khi những đoản văn họ viết theo phong cách khác hẳn lối mòn thông thường và thường khi làm độc giả rối trí vì không nắm bắt được ý đồ tác giả.



Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

"Hà nội trong mắt ai" 2

Em hãy phân tích và diễn giải đoạn văn sau (Thời gian 45 phút, thang điểm 5):

"Hình như để bù lại với nỗi thất vọng buổi trưa, tối đó vài người Hà nội quen sơ trên Fb chiêu đãi trận bia hơi, khung cảnh thật ồn ào không tả nổi, mọi người cùng hét vào tai nhau những câu vô nghĩa với toàn bộ âm lượng có thể, bia ngon uống không thấy say như để bù cho khí hậu quá nóng nực, sự đón tiếp có hơi quá thân mật, làm mình có cảm giác như bọn này đang thay mặt xin lỗi cho những bất cập của ngày qua mà mình gặp phải -ít ra cũng không phải mọi người Bắc đều khó ưa- trận uống bia ngon cho mình một đêm yên ả." Trích.

Bài làm:
Đây là một đoạn văn được viết theo cung cách 'bựa', một trào lưu phá cách phát xuất từ nhóm "An Hoàng trung tướng" được nhiều người sử dụng từ thập niên trước.

"Hình như để bù lại với nỗi thất vọng buổi trưa, tối đó vài người Hà nội quen sơ trên Fb chiêu đãi trận bia hơi" Đoạn nhập đề, tác giả nhắc đến nỗi thất vọng từ việc bị đối xử không thân thiện tại Ninh Bình-Bái đính, giờ đây là lúc được vài người bạn ở tại Hà nội đã quen trên Fb chiêu đãi uống bia hơi, tiếp đó là diễn tiến tại quán bia hơi "khung cảnh thật ồn ào không tả nổi" cho thấy đây là một quán rất đông khách, suy từ điều này cho thấy tụ điểm này có bia ngon. Trên bàn nhậu "mọi người cùng hét vào tai nhau những câu vô nghĩa với toàn bộ âm lượng có thể'' tác giả mô tả lại sự hưng phấn của mọi người trong bàn, cái ồn ào vốn dĩ của quán nhậu cộng hưởng với sự vui nhộn từ từng thành viên làm cho ai ai cũng như muốn tuôn hết những hưng phấn trong người ra, từng tràng ngôn ngữ tuôn ra không theo thứ tự, mọi người như đồng loạt cùng nói với hết âm lượng, điều này làm cho men bia như bay mất, uống bia nhiều mà không cảm thấy say.

Để chứng minh ý trên, "bia ngon uống không thấy say như để bù cho khí hậu quá nóng nực" kết luận của tác giả chứng minh cho việc khi hưng phấn, nói nhiều với âm lượng hết cỡ sẽ giúp cho bớt say, "sự đón tiếp có hơi quá thân mật" điều làm cho tác giả ngạc nhiên là sự đón tiếp thân tình ngoài sức tưởng tượng, không ngờ đến tấm lòng của những người bạn chỉ quen qua Fb đã dành cho sự đón tiếp nồng hậu như thế.

Từ sự đón tiếp nồng hậu như trên, tác giả chợt liên tưởng "làm mình có cảm giác như bọn này đang thay mặt xin lỗi cho những bất cập của ngày qua mà mình gặp phải" không phải những người miền Bắc mình gặp đều không thân thiện, rõ ràng ở đây đang có một nhóm người tiếp đãi mình nồng hậu đến như vầy cơ mà, điều này cho thấy "-ít ra cũng không phải mọi người Bắc đều khó ưa-" không phải mọi người Bắc mình gặp đều khó chịu, có những người rất thân thiện như bọn đang ngồi nhâu đây mà.

Câu kết, tác giả đã ngầm cám ơn, thừa nhận sự dễ chịu và nồng hậu của những người bạn đã đãi một trận bia thú vị "trận uống bia ngon cho mình một đêm yên ả." mang đ́ến một buổi tối yên ả cho tác giả bên bờ hô Tây. Hết.

Bonus. Bựa từ điển.
Bọn, bỏn: Từ chỉ số nhiều, một nhóm người.
Trận: Bữa, Lần.
Hét: Nói to
Hơi quá: Nhiều trên mức bình thường.
Đọc văn bựa cần chút 'bựa' và trí tưởng tượng.













Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

"Hà nội trong mắt ai"

Mình ra Hà nội đúng ngày nóng kinh khủng, sau chuyến bay từ Đà nẵng xuống Nội bài -sân bay quốc nội bé như cái móng tay, cú ngạc nhiên này kéo dài cho đến khi mình thấy những căn nhà trong khu phố cổ mới hết, những ngôi nhà bé đến độ không thể hẹp hơn- chuyến du lịch bắt đầu về hướng Ninh bình, khu Tràng an với cảnh sông núi đẹp không tả xiết, rời Bái đính với cảm giác hụt hẫng khủng khiếp về người miền Bắc, nói chuyện tục tĩu, coi du khách miền Nam như quân thù.

Bọn mình nói giọng miền Nam đối diện với thái độ thù địch rõ ràng từ ánh mắt nhìn cho đến từng câu đối thoại, sự kỳ dị của chuyện đi vệ sinh phải trả tiền (có hẳn một người ngồi đó thâu tiền -những bà thím trên 50 với lối nói liến thoắng như chim rất khó nghe- chuyện trả tiền để đi vệ sinh không đáng nói nhưng thái độ thù địch của đám người làm, thu tiền này thật đáng kinh sợ, những phụ nữ khá lớn tuổi có lẽ bị ký ức ác cảm với miền Nam từ cuộc chiến còn sót lại?) Trải nghiệm tồi tệ nhất là bà thím coi khu vệ sinh chùa Bái đính, ngôi chùa dùng để kinh doanh nhưng coi du khách như quân thù từ kiếp trước. Cũng may, nét đẹp kỳ vĩ của cảnh vật khu Tràng an đã xoá đi những những khó chịu trong chuyến đi.

Hôm về Hà nội, mình được chào đón với món bánh tôm chiên bờ hồ, một thất vọng không nhẹ sau những giới thiệu có cánh về nó, sau nhiều háo hức mong chờ, giờ đây ngồi trong quán bờ hồ với cái nóng không chịu nổi, nhấm chiếc bánh tôm chiên và tự nhủ mình hảy bớt tin vào những mô tả, những mộng mơ về một Hà nội trong thơ ca!

Sau chầu ăn uống, mình băng qua đường để tham gia chút nhộn nhịp phố phường, một Hà nội lộn xộn của bến xe người lên xuống và hàng rong, không tìm được chút lãng mạn nào mình thất vọng về khách sạn ngắm mặt hồ Tây từ khhung cửa khách sạn Hoàng hôn bên bờ hồ.

Buổi chiều với chuyến xe điện chạy vòng phố cổ, những căn nhà bé như tổ chim xen lẫn với nhiều con hẻm sâu hun hút (mình khi nhìn những căn nhà này tự thán phục những cô bạn xinh xinh trên Fb với những góc chụp Hà nội thật đẹp, không biết các cô nàng Hà nội này phải tốn bao nhiêu công sức tìm tòi để có những góc chụp đẹp không tưởng như vậy, hí hí) Phố đi bộ có hơn Sài gòn nhưng cũng không đáng để phí thời gian ra đó. Kem Tràng tiền, không như mình tưởng tượng qua những áng văn, nó nhếch nhác và bẩn đến không ngờ.

Hình như để bù lại với nỗi thất vọng buổi trưa, tối đó vài người Hà nội quen sơ trên Fb chiêu đãi trận bia hơi, khung cảnh thật ồn ào không tả nổi, mọi người cùng hét vào tai nhau những câu vô nghĩa với toàn bộ âm lượng có thể, bia ngon uống không thấy say như để bù cho khí hậu quá nóng nực, sự đón tiếp có hơi quá thân mật, làm mình có cảm giác như bọn này đang thay mặt xin lỗi cho những bất cập của ngày qua mà mình gặp phải -ít ra cũng không phải mọi người Bắc đều khó ưa- trận uống bia ngon cho mình một đêm yên ả.

Hà nội trong mắt mình, hiếm gái xinh, không biết bỏn trốn đâu hay chỉ có trên Fb? Điều đọng lại trong mình nhiều nhất là các loại biển hiệu và tiệm buôn bán, Hà nội có vẻ hướng ngoại -Âu Mỹ- hơn Sài gòn, mình không tưởng được có ai đó dám nói với dân Hà nội là chuẩn bị quay về thời XHCN ngày xưa, chuyện gì sẽ xảy ra?

Tóm lại, Hà nội trong mắt mình không có gì hấp dẫn, hí hí