Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Chuyện Biệt kích: Núi Bà Đen 4/4

Bình minh trên đỉnh núi Bà.

Cùng trong khi đó, Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt tại Tây Ninh đã được đặt trong tình trạng báo động và đang sắp xếp chuẩn bị một nhóm giải cứu sẵn sàng. Các chiến binh mũ xanh đang lên máy bay trực thăng với đạn dược, vật tư y tế, thực phẩm, nước, chăn và một máy phát điện, toán giải cứu đã được lên kế hoạch để di chuyển ra trận vào sáng sớm. Bộ chỉ huy đã nhận được điện cầu cứu từ một trong những người lính của họ trên núi báo cáo cho biết hầu như tất cả các lô cốt phòng thủ đã bị phá hủy ngoại trừ một căn nhà còn đứng vũng, họ cần tiếp viện ngay lập tức, nhưng hiện giờ không ai có thể đến được đỉnh núi Bà Đen trước khi trời sáng hẳn do sương mù, mưa và gió đang hoành hành dữ dội trên khu vực đỉnh núi. 


Hầu hết các binh sĩ Mỹ trên núi vẫn nằm im tại chỗ trong suốt đêm, họ đã rất cảnh giác để không di chuyển một cách mù quáng trong cơn bão đất đá do tiếng súng với đạn từ chuyên cơ Spooky và do nghi ngờ vẫn còn Vc trong khu vực. Bóng tối bao phủ hoàn toàn mọi ngõ ngách, ngoại trừ thứ ánh sáng kỳ lạ của hoả châu khi chúng phát nổ trong giữa đám sương mù đặc quánh rồi xoay vòng vèo trên vách đá, khối ánh sáng mờ mờ sẽ từ từ chìm xuống qua những đám mây dày và sau đó bóng tối sẽ chụp trở lại trên tất cả. Sau khi chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi khu vực, chỉ còn lại với các chiến binh cô đơn trên đỉnh núi là tiếng mưa lạnh rơi trên vách đá và tiếng gió hú ai oán!

Khi những tia ánh sáng đầu tiên soi trên đỉnh núi, nhóm nhỏ những người lính sống sót bắt đầu xuất hiện từ các hầm trú ẩn bị phá hủy và từ khu vực hồ chứa nước. Đêm vừa qua thực là một đêm dài, các binh sĩ đã tự tổ chức thành thành ba toán và một nhóm tiến xuống để bảo vệ bãi đáp trực thăng, một toán kiểm tra khu căn cứ để chắc chắn không còn bất kỳ Việt cộng nào trong khu vực và toán còn lại lo thu thập những người chết và bị thương đến bãi đáp để chờ trực thăng di tản. Những người lính lo tìm kiếm đã sớm phát hiện ra một số bẫy gài trên các xác chết, ngay cả các xác chết của Vc cũng không ngoại trừ, vì vậy những người lính đã phải cực kỳ cẩn thận trong công việc nghiệt ngã của họ. Trời vẫn còn mưa tầm tã, những giải sương mù khổng lồ dày đặc chuyển nhanh đến khu vực đỉnh núi mang theo cái lạnh cắt da và gió giật ù ù!

Khi Beeson và Goldberg nghe tiếng nói của lính Mỹ bên ngoài, họ kéo đồ đạc ra khỏi cửa bên trong ngôi Chùa, trung sỹ Beeson mở cửa và nói chuyện với một trong những hạ sĩ quan bên ngoài để tìm hiểu về tình trạng và an ninh của căn cứ hiện thời. Sau đó ông ra lệnh cho Goldberg tham gia làm việc với nhóm tìm kiếm người chết và bị thương, Beeson vốn rất quan tâm đến các chiến binh khác trong nhóm Quân báo của mình, những người đã xuống ca trực lúc tối, rời khu Chùa trước khi địch quân tấn công căn cứ. Căn cứ đã gần như bị phá hủy hoàn toàn, cùng với tất cả thực phẩm và nguồn cung cấp, chỉ có những đống đổ nát cháy âm ỉ đánh dấu nơi đã từng là những doanh trại và các cấu trúc nhà cửa bằng gỗ, Beeson ở lại Chùa và tiếp tục phá hủy các tài liệu mật theo như lệnh mà anh đã nhận từ bộ chỉ huy, anh cũng phải chắc chắn những gì còn lại của giàn thiết bị tác chiến điện tử tối mật của họ được bảo đảm an toàn cho đến khi một đội an ninh Quân báo khác đến từ Củ Chi, những người lính đó, được cho biết là sẽ đến với các chuyến trực thăng đầu tiên sau khi thời tiết khá hơn.


Goldberg đã nghe tin Jeff Haerle bị địch quân bắn chết, Haerle và "Smitty" Smith bị mắc kẹt dưới hầm trú ẩn của họ khi các căn nhà xung quanh bắt lửa cháy. Theo lời kể lại cuả Smith, khi nhìn thấy lửa càng ngày càng cháy đến gần Haerle đã nói rằng anh "không thể chịu đựng được cảnh mình bị chết cháy, và đã tìm cách chạy ra khỏi hầm" Haerle đã chạy được đến khu vực tảng đá lớn bên cạnh con đường mòn dẫn lên Chùa, anh đã cố gắng để chạy trở ngược lên khu pháo đài đá.  Khi Goldberg tìm được đến nơi đây, một vũng máu lớn bê bết còn đọng trên tảng đá của đường mòn, và cách đó không xa trong một góc đá, có thể đếm được khoảng đến gần năm mươi chiếc vỏ đạn AK47, gần phân nửa số đầu đạn đó ghim nát người Haerle. Smith đã không chạy ra khỏi hầm, bị bỏng do lửa đốt rất nặng nhưng anh còn sống! Brocato đã thoát khỏi phòng ăn bị phá hủy, trải qua một đêm lạnh lẽo và khủng khiếp ẩn núp một mình trong khe đá hẹp nhưng cuối cùng mọi chuyện đều ok, anh nhập cùng với nhóm Goldberg để đi thu thập các tử thi đưa xuống sân bay trực thăng. 

Chiếc trực thăng đầu tiên của Lực Lượng Đặc Biệt từ Tây Ninh đến khoảng 07:00 sáng. Những chiếc trực thăng đầu tiên đến khu vực núi hứng chịu hoả lực dữ dội của súng tự động khi nó đến gần đỉnh núi, một trong những phi hành đoàn đã bị thương, hai người lính quân y cuả toán Mũ xanh mới đến đang hối hả cứu cấp hàng chục người lính bị thương từ đêm không được săn sóc vì người bác sỹ quân y duy nhất cuả căn cứ đã bị chết trong cuộc tấn công tối qua.

Khi máy bay trực thăng vừa đáp xuống, đã xảy ra sự lộn xộn ngay lập tức, một nhóm những người lính trẻ sống sót đang đứng xung quanh khu vực sân bay, nhiều người trên mình chỉ có mỗi chiếc quần đùi ướt, một số khác đi chân trần, cơn mưa phùn lạnh vẫn rơi đều từ tối, những người lính trẻ người sũng bùn, lạnh và có dấu hiệu bắt đầu bị cóng, một vài người lính rõ ràng là bị sốc và khi trực thăng vừa hạ cánh, đã cố gắng leo lên trên một trong các trực thăng trước khi những người lính bị thương nặng được cáng lên, họ đã bị đuổi xuống khỏi trực thăng bởi một trung sĩ trưởng toán Biệt kích và cuối cùng những người bị thương đã được ưu tiên đưa lên trực thăng, trật tự được lập lại tại sân bay. 

Nhóm thứ nhì của trực thăng đưa vào thực phẩm, quần áo, vật dụng y tế, máy truyền tin, rất nhiều mền và một thùng whisky. Khu vực bãi đáp vẫn còn chất đống với các thiết bị và các nhóm lính bộ binh mới được đổ xuống đang đi lòng vòng xung quanh nói chuyện với nhau. Hầu hết những người bị thương đã được di chuyển đi nhưng khu sườn đồi xung quanh bãi đáp thì phơi đầy xác chết của những người lính đã bị giết chết trong đêm qua được gom lại, nhiều thân thể nát bét không còn nguyên ven nằm ngổn ngang không che đậy, người sĩ quan cao cấp đến hiện trường và nhận ra tác động bất lợi cuả những hình ảnh này trên những người lính trẻ tuổi mới đến chưa có nhiều kinh nghiệm chiến trường, hầu hết trong số họ chưa bao giờ trải qua chiến trận hay chứng kiến những trận chiến liên quan đến thương vong hàng loạt như vậy, ông ra lệnh cho che phủ các tử thi, tổ chức một nhóm lo gói các xác chết và chất lên trực thăng càng nhiều càng tốt để vận chuyển về các căn cứ quân sự Mỹ tại Tây Ninh ngay tức khắc.

Đến lúc 09:00 giờ, chu vi phòng thủ của căn cứ đã được bảo vệ chắc chắn bởi những người chiến binh có mặt sẵn ở đây sau khi các người lính này đã được cung cấp quân phục mới và cho ăn uống, mưa đã dừng lại và mặt trời đã xuyên qua những đám mây cao chiếu những giải ánh sáng rực rỡ trên toàn khu căn cứ. Một nhóm lính trẻ đang bắt tay vào dựng những lều dã chiến dùng để làm nhà ở tạm thời và kho lưu trữ vật dụng, nhóm khác di chuyển các trang thiết bị vào lều tạm trước khi những cơn mưa bão tiếp theo kéo tới, các thiết bị thông tin liên lạc mới được kéo lên đến khu vực Chùa. 

Nhóm Quân báo đến từ Củ Chi, lo tháo dỡ những gì còn lại của giàn thiết bị tối mật của họ và thực hiện một cuộc rà soát an ninh kỹ lưỡng nội thất của ngôi Chùa. Đơn vị tác chiến điện tử 372 đã bị tổn thất trong trận này là một chết và một bị thương nặng, nếu không có phản ứng nhanh chóng của Beeson và Goldberg họ có thể bị tổn thất nhiều hơn nữa. NSA coi đây là một vị trí quá nguy hiểm và không an toàn cho hoạt động tối mật của họ, hoạt động trên núi Bà Đen sẽ phải chấm dứt. Beeson và toàn bộ toán còn lại của mình sẽ được sơ tán trở lại trụ sở đoàn 372 đặt tại khu căn cứ sư đoàn 25 tại Củ Chi ngay sau này. 

Sau khi Chùa đã được kiểm tra an ninh xong, các thiết bị vô tuyến mới đã được chuyển vào bên trong và lắp ráp cho hoạt động. Đây là tòa nhà duy nhất còn lại, đủ vững chắc để bảo vệ các thiết bị khỏi bị đe doạ ảnh hưởng bởi thời tiết. Vào đầu giờ chiều, thông tin liên lạc đã được khôi phục hoàn toàn, và một đại đội tiếp ứng cuả tiểu đoàn 2/22 Bộ Binh thuộc sư đoàn 25 được không vận bằng trực thăng đến đỉnh núi để củng cố phòng thủ của căn cứ. 

Cuối cùng, số thương vong cuả người Mỹ trong trận Núi Bà Đen là hai mươi bốn người thiệt mạng, ba mươi lăm người bị thương và 2 bị bắt làm tù binh, một trong số đó là Hạ sỹ Donald G. Smith, thuộc đại đội 194 quân cảnh, bị bất tỉnh vì đạn cối trong đợt tấn công đầu tiên và bị Việt cộng bắt mang đi, anh được trao trả tù binh vào ngày 01/01/1969. Phiá địch để lại 25 xác chết, không có người bị thương. 

Ba người lính biệt kích mũ xanh của A-324 đã được tặng thưởng huy chương đồng cho các hành động dũng cảm, anh hùng của họ trong cuộc tấn công.

Đây là danh sách những binh sĩ thiệt mạng trên Núi Bà Đen:
Capt. George Coleman, Birmingham, Alabama, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Capt. Arthur L. Davis, Beaufort, North Carolina, 587th Sig Co, 86th Sig Bn
2nd Lt. Thomas N. Teague, Mountlake Terrace, Washington, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Staff Sgt. Ray W. Owen, Columbia, South Carolina, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID (Medic)
Staff Sgt. Harold A. Stone, Champaign, Illinois, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Staff Sgt. Bobby C. Wood, Monroe, Louisiana, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Sgt. Joseph Adams, New Orleans, Louisiana, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Sgt. Fernando Calle-Zuluaga, Los Angeles, California, 587th Sig Co, 86th Sig Bn
Sgt. Timothy J. Noden, Linwood, Pennsylvania, A Co, 2nd Bn, 18th Infantry
Spc.4 John A. Anderson, Williamsville, New York, HHC, 4th Bn, 9th Infantry, 25th ID
Spc.4 Ralph R. Black, Crystal Falls, Michigan, C Co, 121st Sig Bn, 1st ID
Spc.4 Moses J. Cousin, Detroit, Michigan, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Spc.4 Albert E. Dahl, Aurora, Illinois, B Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Spc.4 James A. Davis, Orlando, Florida, B Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Spc.4 Gary J. Gilin, Detroit, Michigan, A Co, 4th Bn, 9th Infantry, 25th ID
Spc.4 Jeffrey W. Haerle, Minneapolis, Minnesota, HQ, 372nd Radio Research Co., 25th ID
Spc.4 Paul R. Hoag, Poughkeepsie, New York, Prov Sig Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Spc.4 Garland D. Jackson, Jackson, Michigan, HHC 65th Engrs, 25th ID
Spc.4 Michael J. Juneau, Hessmer, Louisiana, B Co, 125th Sig Bn, 25th ID
Spc.4 Paul R. Lozano, Bay City, Texas, 587th Sig Co, 86th Sig Bn
Spc.4 Frank J. Makuh, Placentia, California, C Co, 121st Sig Bn, 1st ID
Pvt. 1st Class Samuel G. Connelly, Hammond, Indiana, A Co, 2nd Bn, 18th Infantry
Pvt. 1st Class John Patrick McGonigal Jr., Belle Harbor, New York, 194th MP Co, 1st Signal Bd
Pvt. 1st Class Wayne Richards, Tulsa, Oklahoma, HHC 65th Engrs, 25th ID



Based on Chapter 18 of “Unlikely Warriors" and "After Action Reports from 125th Signal Battalion and Special Forces A-324."

Chuyển ngữ, XâyXậpZì.

Bài dịch này, riêng tặng những chiến hữu trong Biệt đội 25 Kỹ thuật đặc biệt, đã từng sống trên  đỉnh Bà Đen, nhớ đến trung sỹ nhất Toàn, một trưởng toán đã bị Vc bắt tù binh.
 

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Chuyện Biệt kích: Núi Bà Đen 2/4

Tấn công - Núi Bà Đen

Tháng 5 năm 1968.  
Câu chuyện mà sau này đã được nhiều người gọi là "vụ tàn sát Núi Bà" bắt đầu vào một đêm trăng sáng vào lúc 21:45 tối ngày 13/05/1968. Nhóm Quân báo mới vừa được bố trí ở đây và hệ thống tác chiến điện tử chỉ vừa chính thức hoạt động tuần trước, và nhóm trực đêm đang đến ca làm nhiệm vụ bên trong Đảnh. Trung sỹ Beeson là người chỉ huy, và anh cùng với hạ sỹ nhất Goldberg đang giám sát hệ thống truyền tin vô tuyến cuả bộ đội Bắc Việt dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh tại phía trong biên giới Campuchia, phần còn lại của đội quân báo đã xuống ca trực ban ngày, họ được nghỉ đêm và sẽ trở lại vào buổi sáng sớm. Chuyên viên tín hiệu Morse Jeff Haerle và "Smitty" Smith đã về đến doanh trại của họ, hạ sỹ nhất Brocato và một trong những người lính khác đã đến khu nhà ăn để tìm chút gì cho một bữa ăn muộn. Điều kiện sống trên đỉnh núi "The Rock" thì không thoải mái lắm, nhưng thực phẩm ở đây rất là đặc biệt không chê vào đâu được, nó góp phần nâng cao tinh thần binh sỹ đáng kể.  

Những người lính biệt kích trong nhóm không phải làm nhiệm vụ canh gác đang tụ tập trong hầm chính cuả nhóm thưởng thức tài nghệ cuả Jimmy Durante trên chiếc truyền hình mờ mịt đen trắng khi họ nghe một tiếng nổ lớn. Những người lính biệt kích nghĩ rằng đó là tiếng đạn súng cối bắn hoả châu đêm... nhưng càng ngày tiếng nổ càng nhiều và lớn hơn; họ nghe tiếng đất đá và mảnh đạn văng vào mái nhà, và nhận ra có điều bất thường. Chộp lấy vũ khí cá nhân, những người chiến binh phóng chạy ra ngoài. Bóng đêm yên ả bất chợt bùng lên thành một khối lộn xộn ồn ào với tiếng nổ và lửa cháy. Đạn B40 và đạn cối 82 ly nổ chát chúa trên nóc các boongke và các căn nhà chính, vung ném tung toé ra chung quanh những đợt sóng kinh hoàng của các loại đất đá và mảnh thép nóng hổi sắc lẻm, đạn pháo cũng đồng thời làm cho mấy căn  nhà chính bắt lửa cháy bừng bừng. 

Trong tình trạng bình thường, chỉ có một nửa các lô cốt phòng thủ có người gác cùng một lúc, và cứ luân phiên từ ngày sang đêm thay nhau như vậy. Các lô cốt có người gác nổ súng chống trả với vũ khí tự động và súng máy, nhưng một vài lô cốt đã nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến bởi súng cối và B40 thổi trực tiếp. Một lực lượng lớn địch quân di chuyển đến bãi đậu trực thăng phía dưới, là khu vực nằm bên ngoài vành đai phòng thủ. Địch nhanh chóng thiết lập một bộ chỉ huy tạm thời với máy truyền tin và một nhóm cơ động nhỏ để bảo vệ, và sau đó chia thành các nhóm nhỏ hơn tấn công ngược lên khu lô cốt, một nhóm địch di chuyển ngược lên dốc về phía Chùa ở đầu núi, đội nhỏ khác của Vc chạy đến phiá kia đỉnh núi và tản rộng ra, thành từng nhóm nhỏ hơn nữa tấn công về phiá những căn nhà và khu hầm cuả sĩ quan chỉ huy căn cứ.

Tường thật từ nhóm tác chiến điện tử: 

Khi nghe tiếng đạn cối và B40 nổ rền chung quanh, Beeson và Goldberg nhanh chóng chặn chiếc cửa đã bị khóa của căn pháo đài đá họ đang làm việc và bắt đầu phá hủy các tài liệu mật. Trung sỹ Beeson gọi điện cho Đại úy Carter, sĩ quan chỉ huy của đội tác chiến điện tử 372 tại Củ Chi báo cáo với ông là họ đang bị tấn công, vị chỉ huy ra lệnh báo cáo mỗi năm phút và chỉ thị cho viên trung sĩ tiến hành phá hủy các thiết bị tối mật của mình càng nhanh càng tốt không để bất cứ thiết bị nào lọt vào tay địch quân. 

Một lát sau, một tiếng đập rất lớn vào cánh cửa. Hai người lính Mỹ đã di chuyển những chiếc bàn nặng nhất của họ chặn vào cửa. Nắm chặt súng của họ, hai người lính đưa lưng về phía những chiếc bàn và đẩy với tất cả sức mạnh của mình hầu chống lại quân địch đang cố gắng đẩy vào. Chiếc cửa nặng nề và gia cố đặc biệt đã đứng vững. Đột nhiên một tràng đạn súng tự động bắn xuyên qua chiếc cửa sổ cao nhỏ bên trên, đạn văng tứ tung xung quanh phòng, những tiếng đạn chát chuá liên tục lập lại bên trong những bức tường đá trong khi Beeson và Goldberg cùng nhau nép sâu xuống phiá dưới gầm chiếc bàn kim loại làm việc nặng nề. Tiếp theo đó là hai tiếng nổ lớn đinh tai khi chiếc máy phát điện và các loại ăng-ten định hướng trên nóc Chùa đã bị thổi bay đi mất dạng khi những gói bộc phá phát nổ. Bên trong toà nhà chợt tối xầm, đèn điện biến mất, các điện đài im tiếng, tất cả điều có thể làm lúc đó đối với hai người lính là ngồi xổm xuống bên trong pháo đài của họ ôm chặt súng và chuẩn bị đón nhận bất cứ điều gì xảy đến tiếp theo. 

Một lượng lớn địch quân đã di chuyển lên phía bên trái của căn cứ được che phủ bởi một đoạn tường bằng bê tông từ sân bay trực thăng. Vc tung các bó bộc phá và ném lựu đạn vào phòng ăn, khu hầm ngủ, các khu hầm sĩ quan và câu lạc bộ, một vài căn nhà trong số đó đã đang cháy phừng phừng vì trúng đạn pháo kích. Căn nhà cuả nhóm lực lượng đặc biệt A/324 đã bị phá hủy hoàn toàn khi một trái B40 bắn trúng ngay bình ga Butane gắn bên cạnh ngôi nhà. 

Gần như tất cả những người quân nhân truyền tin trẻ trong căn cứ không có mang theo vũ khí và đang cố gắng ẩn núp, trốn vào trong bóng tối, vài người đang hiện diện tại chỗ câu lạc bộ nhỏ, nhưng hầu hết đều đang ngủ khi bị địch quân tấn công. Với những tiếng nổ lớn kinh hoàng, tiếp theo lửa và khói dày tràn ngập, thật là may mắn cho bất cứ người lính nào có thể thoát ra khỏi các tòa nhà hầu nương trong bóng tối để ẩn nấp, họ đã hầu như không mang theo người bất cứ thứ gì. 

Các chiến binh Lực lượng đặc biệt và lính bộ binh bám trong các lô cốt tiếp tục chiến đấu và tìm cách rút ra ngoài để cố gắng tái nhóm hầu phản công lại địch quân. Vài người lính Mũ nồi xanh sau khi bị đánh bật ra khỏi hầm trú ẩn của họ cố di chuyển đến khu vực hồ chứa nước và gặp được khoảng hai mươi người lính trẻ đang giấu mình ở đó giữa những tảng đá. Hầu hết các người lính trẻ này đã bị lôi ra khỏi giường ngủ khi cuộc tấn công bắt đầu và không mấy người có đầy đủ quần áo trên người, một số chỉ đi giày và quần xà-lỏn, vài người đang bị thương. Những người lính trẻ lộ vẻ khiếp đảm rõ ràng trên khuôn mặt, một số người đang khóc, và cả nhóm chỉ có tổng cộng bốn khẩu súng trên tay. Hầu hết những người lính trẻ này là lính truyền tin với rất ít kỹ năng đào tạo căn bản bộ binh và càng không có kinh nghiệm chiến đấu, do đó nhóm chiến binh mũ nồi xanh đã nhận trách nhiệm điều khiển và bảo vệ nhóm. 

Một vòng đai phòng thủ được thành lập với trang bị vũ khí tối thiểu của họ, và các chiến binh sơ cứu những người bị thương với những gì họ có sẵn trong tay. Một trong những biệt kích có đeo theo một máy vô tuyến liên lạc đã liên hệ được với Katum và sư đoàn 25, anh được thông báo cho biết chiến đấu cơ AC47 "Spooky" đang trên đường đến để yểm trợ họ. Mỗi Spooky được trang bị ba khẩu Mini với cỡ đạn 7.62 ly có thể bắn với tốc độ 6.000 viên mỗi phút cho một khẩu, tổng cộng 18.000 viên đạn/phút cho ba khẩu súng. nó có thể bắn trải đều cứ cách 1,5 mét một viên đạn trên một diện tích kích thước của một sân bóng đá trong một lần xiết cò súng chỉ dài 3 giây, nó cũng đồng thời mang theo MK24, loại hoả châu có thể được bắn xuống từ máy bay từ từ hạ xuống mặt đất bằng dù, với độ sáng tương đương 2.000.000 candlepower (hai triệu nến). Những người lính biệt kích nằm lại với nhóm lính trẻ, quan sát quân Vc, và chờ đợi chiếc Spookys bay đến, thời gian còn rất dài trước khi bình minh đến chiếu sáng trên đỉnh núi. 

Một nhóm khác gồm bộ binh Mỹ và biệt kích cũng đã tập hợp lại trong một trong những căn hầm bị phá hủy và tổ chức một vành đai phòng thủ. Những người lính chỉ nằm im chứ không dám bắn vì họ không thể xác định mục tiêu là bạn hay địch quân trong bóng tối, đạn dược cũng gần cạn, họ có thể nghe thấy quân Việt Cộng gọi với nhau khi họ lục soát các hầm đã bị bộc phá phá hủy và đi vòng quanh trại tìm bắn những người lính Mỹ bị thương. Một người lính bộ binh đã cố gắng rời khỏi chu vi phòng thủ và tìm tới được khu hầm đạn gần Chùa, anh tìm được một súng phóng lựu M79 và hai thùng lựu đạn, và một mình di chuyển đến một hầm trú ẩn khác, từ nơi này anh đã trút tất cả hoả lực có trong tay xuống vị trí địch quân đặt súng cối tại khu vực sân bay trực thăng phiá dưới. Quân tấn công Vc bắt đầu rời khỏi khu vực ngay không lâu sau đó. Lúc này đồng hồ chỉ chính xác là 23:30. 

Cũng vào ngay lúc này, cứu tinh xuất hiện ngay trên đỉnh núi. Một chiếc trực thăng chiến đấu Huey đến từ Lữ đoàn Kỵ binh 17, và chiếc chuyên cơ "ma quái" Spooky đầu tiên từ Phi đoàn 5 Không quân đến bắt đầu tấn công các lực lượng của đối phương. Thời tiết vẫn còn đang rất tốt và hai chiếc máy bay đã thu hút hỏa lực phòng không cuả địch từ chân núi làm bẩu trời rực sáng. Chiếc gunships Spooky tấn công bên sườn núi bắn tung toé khu vực bên ngoài chu vi phòng thủ của căn cứ với súng minigun, các phi công với ý định ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập thêm của quân địch vào khu căn cứ này và hy vọng sẽ đẩy nhanh thêm ý định rút lui của địch quân, chiếc gunships được hướng dẫn bởi một chiến binh biệt kích sống sót sau đợt tấn công mở màn của Vc vào căn cứ và vẫn còn giữ được một điện đài còn có thể hoạt động. 

Một chiếc Spooky thứ hai đến khu vực núi đúng vào 01:00, tuy nhiên vào đúng thời điểm này một màn sương mù dày đặc bao phủ toàn bộ đỉnh núi trong vòng hơn ba mươi phút, và nó đã gây trở ngại rất lớn cho những chiếc máy bay trong việc tác xạ, tấn công vào các địa hình. Rất khó để nhìn thấy mục tiêu tấn công, ngay cả với hoả châu chiếu sáng rực, các chiến đấu cơ tiếp tục nhận lãnh hoả lực phòng không đối phương lúc nặng lúc nhẹ từ hai bên sườn và chân núi, vào lúc 02:00 giờ, một cơn mưa nặng kéo đến và trời mưa tầm tã kéo dài trong suốt vài giờ liền. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, các gunships vẫn thi hành nhiệm vụ cho đến khi súng cuả họ hết đạn, lúc này là  02:30 . Một trong những chiếc máy bay trụ lại trong khu vực tiếp tục thả pháo sáng cho đến khi thời tiết trở nên quá tệ và nhiên liệu xuống thấp hết cỡ, cuối cùng buộc nó phải bay trở về căn cứ.

Còn tiếp...

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Chuyện Biệt kích: Núi Bà Đen 1/4

Hoài niệm về một thất bại, núi Bà Đen - Tây Ninh.

Tháng 5 năm 1968. Ngọn núi này tiếng Pháp gọi là "La Montagne de la Dame Noire" tiếng Việt chỉ đơn giản gọi là "núi Bà" hay "núi Bà Đen". Theo truyền thuyết, đỉnh cao 986 mét này đã được đặt tên  Bà Đen do một truyền thuyết vào thế kỷ 18, một thầy tu người Trung hoa đi qua vùng này, yêu thích cảnh quan hùng vỹ nên ông đã xin với vị tộc trưởng vùng để dựng chùa tu hành, ngôi chùa mang tên "Chùa Tàu" sau này vẫn còn tàn tích ở phía đông chân núi. Cô con gái tộc trưởng là "nàng Đen" nguyện chí tu hành theo Phật, khi cha ép gả chồng nàng trốn vào núi và từ đó không ai nghe đến nàng nữa.

Thời gian mãi trôi, một tu sỹ khác khi đi ngang núi lại thấy bóng nàng Đen thấp thoáng trong núi, ông lập đền thờ "Trinh nữ Đen" trên sườn núi nơi ông nhìn thấy bóng nàng, dân gian gọi là Bà Đen nhằm tỏ lòng kính ngưỡng.


Do vị trí chiến lược của nó, ngọn núi luôn rất quan trọng trong các quyết định liên quan đến quân sự. Với khoảng cách chừng 25 cây số từ biên giới Campuchia, và vào những ngày nắng ráo, với chiều cao gần một cây số, ngọn núi là một cứ điểm quan trọng với một cái nhìn bao quát hàng trăm dặm vuông các khu rừng chung quanh cũng như khu đồng bằng, ruộng lúa xung quanh. Nhật Bản đã chiếm đóng vùng đỉnh núi này trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, nó đã bị liên tục giành giật, chiếm đóng từ Việt Minh, Pháp, Việt Cộng và sau này là cả người Mỹ. (Việt cộng có ý chỉ MTGPMN khác với Bộ đội Bắc Việt)

Vào năm 1967, quân đội Mỹ xác định nhu cầu cần thiết phải có nhiều căn cứ yểm trợ và cần nhiều hơn những địa điểm tốt cho việc triển khai hệ thống tình báo vô tuyến nhắm vào các mục tiêu của đối phương ở Campuchia. Đây là phản ứng từ việc số lượng lớn quân đội Bắc Việt và Việt Cộng di chuyển qua lại từ những căn cứ họ đã thành lập dọc theo biên giới Campuchia, với hy vọng tìm được một địa điểm tốt cho nhu cầu, cơ quan Quân báo bắt đầu tiến hành thử nghiệm đặt những nhóm tác chiến điện tử trên đỉnh núi Bà Đen. 

Đỉnh núi vốn dĩ là một loại tiền đồn nguy hiểm, chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng khi thời tiết cho phép. Không gian đỉnh núi bị giới hạn chỉ trong vòng hai mẫu Anh, các khối đá to như căn nhà rải rác đây đó. Sương mù dày đặc thường xuyên mọi ngày và mưa bão rất thường trong năm, có khi gió giật đến 120 km/giờ, làm điều kiện sống và làm việc ở đây hầu như không thể hoạt động bình thường được. Toán thí nghiệm chạy thử các máy móc trong bốn ngày, tuy điạ điểm bị giới hạn bởi điều kiện thời tiết, nhưng những kết quả đạt được quá sức thuận lợi, và sau khi phân tích chất lượng của các thông tin mà nhóm đã thu thập được từ địch quân, quyết định thành lập một toán yểm trợ bán kiên cố trên núi. Tính đến tháng 05/1968, quân báo đã có một biệt đội nhỏ tách từ Biệt đội tác chiến điện tử 372 tại Củ Chi đến trú ngụ trong "Đảnh", Đảnh/Chùa là một cấu trúc bằng đá và xi măng ở trên đỉnh của ngọn núi. Ngôi Chùa này hội đủ điều kiện an toàn để toán tác chiến điện tử đặt những thiết bị nghe lén tối mật và che dấu các hoạt động mật cuả nhóm đang làm từ những con mắt tò mò cuả cả hai kẻ thù lẫn thân thiện. (trên đỉnh núi, có sẵn một ngôi chùa xây bằng đá đẽo và xi măng do dân chúng cúng dường, bị bỏ hoang do chiến tranh)

Về mặt kỹ thuật khu vực đỉnh núi Bà thuộc thẩm quyền của Sư đoàn 25 bộ binh, nhưng trên thực tế, nó chủ yếu là nơi đặt một trạm tiếp vận vô tuyến cho Tiểu đoàn 125 Truyền tin, đơn vị Red Horse, nhóm tiếp vận truyền tin cho không quân, những đơn vị quân đội khác cũng gửi các toán thông tin liên lạc lên núi để tiếp vận truyền tin nếu họ họat động hay hành quân trong khu vực và một nhóm với mật danh A324, là một nhóm ba mươi chiến binh lính Biệt kích Mũ xanh đã đóng chốt trên núi để tiếp vận vô tuyến cho các đơn vị lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ và Việt Nam trên toàn khu vực quân Đoàn III.

Sư đoàn 25 đã có một đại đội biệt phái tại chỗ để phòng thủ căn cứ, nhưng nhiều người tin rằng sự phòng thủ tốt nhất của căn cứ được cho là do vị trí đặc biệt của nó ở đỉnh núi, và có rất ít chọn lựa nào khác cho việc phòng thủ căn cứ thêm an toàn. Tuy nhiên, một loạt các lô cốt bằng gỗ như cắm sâu trên sàn đá núi và một hàng rào concertina (kẽm gai cuốn) đơn giản hình như không được thiết kế đầy đủ để ngăn chặn những quyết tâm triệt hạ căn cứ này của bộ đội Việt cộng, do vậy toán Alpha Lực Lượng Đặc Biệt đã báo cáo mối quan tâm về an toàn phòng thủ cuả Núi Bà Đen vài tháng trước đó, nhưng không có bất cứ hồi đáp nào. Càng ngày qua, hệ thống phòng thủ đã dần dần trở nên tệ hơn và nhiều sơ hở hơn. Đặc công Việt cộng đã thử dò dẫm, thăm dò căn cứ nhiều lần trong mùa hè và mùa thu năm 1967 bằng những đột kích nhỏ lẻ. Quân Mỹ nắm giữ điểm cao nhất trên đỉnh của ngọn núi, nhưng xuôi xuống khoảng 3.000 feet của vách đá cheo leo, các khe đá và hang động tự nhiên cuả phần thân núi thì hoàn toàn thuộc về Việt Cộng, khu căn cứ đỉnh núi Bà Đen được gọi bằng tiếng lóng là "The Rock" nôm na là khối đá.

Còn tiếp...

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Trận Phú Hoà Đông, Củ Chi 1967

Trận chiến ở Ann Margret/ Phú Hoà Đông - ngày 26 tháng 2 năm 1967 

Khoảng đầu năm 1967, căn cứ Sư đoàn 25 bộ binh "Ánh Sét Nhiệt đới" tại Củ Chi vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng và hiếm khi một ngày trôi qua êm ả mà không có đụng độ với Việt cộng. Trung đoàn 165 Việt cộng, một trong những đơn vị tốt nhất là trụ cột chính của lực lương vũ trang địch trong khu vực, thường ngày họ pháo bốn hoặc năm trái đạn súng cối vào căn cứ chỉ để cho người Mỹ biết rằng họ vẫn còn ở đó.

Hai trung đội của đại đội Alpha, Tiểu Đoàn 4, sư đoàn 9 bộ binh biệt danh "Mãn Châu" đang tiến hành nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho các đơn vị công binh 65, là đơn vị kỹ thuật đang sửa chữa một con đường và cây cầu dẫn xuyên qua các đồn điền cao su và chạy ngang qua khu làng Phú Hòa Đông. Một tiền đồn chiến đấu đã được bố trí nằm ngay phía bắc của cây cầu ở bờ rìa phía nam của cánh rừng cao su già cỗi và được đặt tên lóng gọi là "Ann Margret" (là tên một nữ danh ca), đó là cái tên ban đầu được vài sỹ quan đặt cho các tiền đồn và tất nhiên, nó cũng được các binh sĩ dùng thoải mái. 

Hôm đó là một đêm thứ bảy ở miền Nam Việt Nam 25/02/1967. Những chiến binh cuả đại đội Alpha đã phát hiện được một số rất nhiều biểu hiện hoạt động bất thường trong các bụi rậm xung quanh doanh trại của họ. Đó là một đêm nóng oi bức với vầng trăng tròn đầy, từng hàng cây cao su sơn trắng sạch sẽ tỏa sáng kỳ lạ thẳng theo từng hàng dài mút mắt. Không khí nặng nề và những âm thanh đêm dường như đáng ngại khi một số người lính đi ra để giăng võng ngủ bên ngoài hầm hố của họ. sự căng thẳng càng tăng hơn bình thường, khi các người lính gác cố căng mắt để nhìn vào đêm đen để cố phát hiện bất kỳ dấu hiệu di động nào. Vành đai phòng thủ của căn cứ đã được làm thành một vòng cung, phòng thủ về phía bắc là trung đội 1 đại đội  Alpha còn trung đội 2 nằm về phía đông, và một đơn vị QLVNCH với hầm trú ẩn ở phía bên trái tức là phía tây của con đường. Lọt trong hình bán nguyệt phòng thủ này là đơn vị công binh với xe ủi đất và các xe bồn, thùng phi cung cấp xăng dầu và bộ chỉ huy đại đội. 

Ngay sau nửa đêm Việt cộng tấn công. Sử dụng tiểu liên AK47, Carbin, súng máy, lực lượng địch với cấp số tiểu đoàn tấn công căn cứ từ ba mặt sử dụng chiến thuật "biển người" cuả Trung quốc. Đạn súng cối và đạn súng phóng lựu trút xuống như mưa trong chu vi của trại trong khi những người lính bộ binh Mỹ nhảy chúi vào hầm và bắt đầu phản kích từ những lô cốt. Làn sóng tấn công đầu tiên của quân địch bị đốn ngã nằm như ngả rạ trên đồng vì mìn Claymore và hoả lực súng máy, nhưng nó đã nhanh chóng được thay thế bởi một làn sóng thứ hai, và sau đó là tiếp làn sóng thứ ba.

Những đợt tấn công cuả địch quân tràn lên như sóng theo hiệu còi cộng với  hoả lực ác liệt cuả súng tự động tác xạ ráo riết vào chu vi phòng thủ, và chỉ trong khoảng 15 phút tuyến phòng thủ đầu tiên đã bị chọc thủng. Dưới hoả lực ngày càng nặng, ngay cả hầm chỉ huy cũng có nguy cơ bị tràn ngập khi một vài trái lựu đạn do địch quân ném đã rớt bên trong hầm. Thượng sỹ Max Yabes hét lên cảnh báo và lao tới, sử dụng cơ thể của mình như một lá chắn để bảo vệ các sỹ quan chỉ huy còn lại trong góc hầm. Yabes bị thương bởi các mảnh lựu đạn, đau điếng người, nhưng mặc dù chịu đựng hoả lực nặng cuả địch bắn về phiá mình, vẫn trụ lại ở vị trí của mình và tiếp tục bắn chặn để phần còn lại của nhóm chỉ huy có thể thoát qua hầm trú ẩn khác. Sau đó, anh chạy vượt qua cơn mưa đạn súng máy vào một hầm khác cách khoảng 50 mét. Sử dụng một súng phóng lựu từ người chiến binh đã bị tử thương trong hầm, Yabes bắn trực diện vào toán quân Việt Cộng đang tấn công ngay lập tức chặng đứng đà thâm nhập cuả địch vào trung tâm khu vực. Cuộc chiến tiếp tục, thượng sỹ Yabes nhìn thấy một ổ súng máy cuả địch đã được thiết lập trong nội vi trại và giờ đây đang tác xạ đe dọa toàn bộ vị trí. Không chút do dự, anh lao qua khu vực trống trải và tấn công hủy diệt ổ súng máy, giết chết đối phương và phá hủy khẩu súng máy. Yabes đã bị đối phương bắn chết trong khi anh cố chạy trở về hầm trú ẩn.  

Số lượng các tử thi đối phương sau đó được tìm thấy trong khu vực chung quanh hầm chỉ huy và chu vi trại cho thấy bằng chứng về sự ác liệt của các cuộc tấn công do đối phương. Đạn pháo từ tiểu đoàn 7/11 pháo binh đã được gọi để tác xạ trong vòng 25 mét cách vòng đai của khu vực làm chùn lại các mũi tấn công chính cuả địch, và các trực thăng vũ trang cuả sư đoàn 25 bộ binh, cùng với đại đội 116 Không quân cũng tiếp sức hỗ trợ cuộc chiến. Trận tấn công cuối cùng đã bị thất bại vào lúc 01:15 sáng, khi hai trung đội quân tiếp viện từ tiểu đoàn 3, lữ đoàn 4 Kỵ binh và một trung đội dự trữ từ đại đội Bravo, tiểu đoàn 4/9 bộ binh  đến hiện trường. Không quân được gọi tới oanh kích trong khi lực lượng địch nhanh chóng tan vào bóng tối rừng cao su. Và trong một khoảnh khắc thật bất ngờ, sự im lặng đến kỳ lạ tràn ngập!
Đại tá Frank Conaty, chỉ huy của Lữ Đoàn 1, đã chờ đợi một giờ căng thẳng trước khi gửi các đơn vị dự trữ để đến giải cứu, vì sợ cuộc tấn công vào đại đội Alpha có thể chỉ là một mồi nhử (dương đông kích tây) cho một cuộc tấn công lớn hơn vào bộ chỉ huy căn cứ chính đóng tại Củ Chi, chỉ cách đó một vài dặm. Đại đội 372 Tác chiến điện tử (ASA), biệt đội đặt tại sư đoàn 25 trụ sở tại Củ Chi, đã chặn nghe được một khối lượng thông tin liên lạc của đối phương tăng cao hơn bình thường trong vài ngày qua. Các chuyên viên phân tích cho biết có một sự tập trung lớn của các lực lượng quân cộng sản trong khu vực, nhưng không nắm rõ được mục tiêu quân sự nào trực tiếp bị địch chuẩn bị tấn công. Bộ chỉ huy sư đoàn 25 bộ binh đã bị giảm bớt lực lượng phòng thủ trong thời gian gần đây do các đơn vị chính đang tham gia hành quân xa về phía Bắc, trong cuộc hành quân rất lớn với mật danh "Junction City". 

Cuộc tấn công lại sớm tiếp diễn suốt đêm với từng đợt sóng tấn công của Vc, đôi khi địch tràn đến trong vòng vài bước của hầm trú ẩn. Đại úy Yamashita, là người đại đội trưởng mới nhậm chức khoảng tháng trước, bị trúng miểng lựu đạn ở cánh tay phải và đầu gối. Ông bị chảy máu nặng nhưng đã bằng mọi cách cố gắng để chỉ huy đại đội, ngay cả khi nó có nghĩa là bò ra chui vào hầm chỉ huy để chỉ đạo quân của mình. 

Chuẩn uý John Lowe, Jr, một phi công trực thăng 22 tuổi, mới có mặt tại Việt Nam chỉ có hai tuần. Anh đã được yêu cầu đến với đại đội bộ binh tại tiền phương nhằm tìm hiểu "những nhu cầu cần thiết mà không quân có thể phải cung cấp cho họ", hôm nay là đêm thứ năm và cuối cùng của anh trong công tác này, Việt cộng tấn công. Chuẩn úy Lowe, trong lúc chạy tới hầm chỉ huy đã bị thương ở chân do một quả lựu đạn trong đợt tấn công ban đầu. Một thời gian ngắn sau đó, khi anh và một số sỹ quan đang tổ chức phản kích một cuộc tấn công đợt mới vào hầm chỉ huy, một quả lựu đạn đã rớt ngay ở giữa họ. Lowe ném mình về phiá ụ quan sát phiá trước, che chắn cho các sỹ quan trẻ từ vụ nổ, và hứng thêm lấy mảnh đạn vào cánh tay của mình. " Tôi nghĩ đó là bản năng" anh nói, "khi tôi nghe tiếng đập tôi chỉ có phản xạ nhảy tới để bảo vệ các chỉ huy" Ròng rã bốn tiếng đồng hồ tiếp sau đó Lowe đã trực tiếp dùng máy vô tuyến điều chỉnh máy bay trực thăng chiến đấu bắn vào các mục tiêu Vc. chuẩn úy Lowe đã được tặng thưởng một huy chương Silver Star cho sự dũng cảm của mình, hiệu quả trong việc hướng dẫn tác xạ cuả các gunships, và một vài cú bắn rất chính xác từ khẩu súng trường M14 mượn cuả ai đó.

Hai trung đội thuộc đại đội Alpha, 4/9 Mãn Châu, cùng với các đơn vị tiếp viện và hỗ trợ không quân chiến thuật, giết chết 114 Việt Cộng đêm đó, và làm thất bại ý đinh chiến thắng cuả đơn vị Vc có quân số tiểu đoàn bộ đội, 47 xác của Vc chết đã được tìm thấy trong chu vi vòng rào kẽm gai của trại. Một Vc bị bắt làm tù binh và hai người khác trong khu vực đã bị bắt giữ để thẩm vấn. Lời khai từ tù binh và tài liệu bị bắt chỉ ra đơn vị địch có thể là tiểu đoàn 1, thuộc công trường 4 Việt cộng. Gần một nửa số quân Mãn Châu phòng thủ căn cứ, cả Hoa Kỳ và VNCH, đã hoặc tử trận hoặc bị thương. 

Có rất nhiều hành động anh hùng cá nhân đêm đó đã được ghi nhận, và huy chương đã được trao bao gồm Huân chương Medal of Honor cho Thượng sỹ Maximo Yabes, sáu Huy chương Bạc, bảy huy chương Đồng, và nhiều Purple Heart (chiến thương bội tinh).

Tiếng Việt do XâyXậpZì, dịch từ Unlikely Warriors: The Army Security Agency's Secret War In Vietnam


Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Trận tấn công lễ Phục sinh 1972 #2

Cồn Thiện, mật danh Đồi Angels. (Alpha-4)
 

Các binh lính tại bộ chỉ huy biệt đội 407 ở Quảng Trị không có thể làm gì để giúp đỡ những người lính đã bị mất mạng tại căn cứ hỏa lực Sarge, và giờ đây họ đặc biệt quan tâm đến nhóm yểm trợ đặt tại Cồn Thiện. Màn đêm buông xuống dần, và người chỉ huy đơn vị đã không nhận được lệnh cho phép rút nhóm yểm trợ khỏi đó. Các chiến binh giữ liên lạc với tổng đài mỗi mười lăm phút để kiểm tra tình trạng của họ, và các binh sĩ đã được thông báo là sẽ phải chuẩn bị hứng chịu hoả lực mạnh mẽ của tên lửa, súng cối, pháo binh cuả đối phương. Nếu phân tích tình báo của họ chính xác, các lực lượng bộ đội Bắc Việt sẽ tấn công tràn ngập các khu vực trong vòng 24 giờ sắp tới. Mỗi khi nhóm Cồn Thiên lên máy liên lạc, những người hiệu thính viên đã hỏi cùng một câu hỏi : "Khi nào thì trực thăng đến để di tản" và cho đến giờ này, bộ chỉ huy ở Quảng Trị vẫn không có câu trả lời rõ ràng. Họ cũng không đả động hay giải thích gì khi nhóm A-4 hỏi về tình trạng của Crosby và Westcott hay về nhóm yểm trợ Sarge. 

Cuộc sống tại Alpha-4 được mô tả là "khắc khổ", và những người lính tình nguyện làm việc tại căn cứ hỏa lực là một câu chuyện khác. Những người chiến binh sống bằng Ration C (khẩu phần đồ hộp), chịu đựng thời tiết lạnh đáng ngạc nhiên và một biển bùn nhão trong suốt mùa mưa nhiệt đới, họ ngủ và làm việc trong đống bao cát, trong những hầm nửa nổi nửa chìm là nơi thu hút đám rắn rết, chuột bọ, vòi tắm hoa sen với nước nóng trong phòng tắm sạch sẽ chỉ là chuyện của quá khứ. Vào ban đêm những người lính thường được giải trí miễn phí bằng các dạ khúc liên tục từ súng cối, súng máy, thượng liên 50, và tất cả các loại đạn khác nhau của pháo binh mà các đơn vị Bắc Việt có thể mang vào miền Nam. Nếu quá buồn chán, các chiến binh  có thể leo lên trên nóc hầm của họ nằm ngửa ngắm sao và xem những điều gì đang diễn ra trên vùng phi quân sự (DMZ), miễn là địch quân không đến quá gần, mà đôi khi họ đã làm vậy. 

Mặc dù vậy, đối với hầu hết những chiến binh trẻ, sống trên một căn cứ hỏa lực xa xôi như vầy cũng có nhiều lợi thế hơn những tiêu cực. Nói cách sống của các chiến binh là "dân sự" có thể là một cách nói hoa mỹ. Ở đây tồn tại một sự tự do mà sẽ không ai tìm thấy trong những khu quân sự truyền thống, ngay cả trong ASA. Tinh thần là tốt. Những người lính trẻ rất thông minh, vui vẻ làm việc với nhau để hoàn thành nhiệm vụ, và rất giỏi trong công việc chuyên môn của họ. Các chiến binh dành thời gian rảnh rỗi đọc sách, viết thư, nói chuyện phiếm và nhiều khi lắng nghe đài phát thanh Bắc Kinh ra rả những bài đọc về "những kẻ xâm lược Mỹ" Đây là một nơi không tệ lắm, miễn là nó không bị tấn công bởi quân Bắc Việt. 

Vấn đề quan trọng mà bộ chỉ huy biệt đội 407 phải đối diện, thật sự không phải là việc tìm ra một chiếc trực thăng để di tản nhóm yểm trợ ở A-4. Điều quan trọng nhất ở đây là việc phá hủy hệ thống Explorer cuối cùng được thiết kế tại Việt Nam và NSA (cục an ninh quốc gia) là cơ quan duy nhất có quyền ra lệnh đó. NSA đã đầu tư hàng triệu đô la để triển khai tổng cộng bốn hệ thống Explorer từ tháng 06 năm 1970 cho tới tháng 11 năm 1971 và các hệ thống này đã nhanh chóng trở thành một trong những nguồn quan trọng cung cấp hệ thống liên lạc và thông tin tình báo trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống Explorer I đã bị phá hủy trên đồi 950 (Hickory Hill) vào tháng 06 năm 1971. hệ thống Explorer II đã được triển khai trên những đỉnh cao hàng ngàn feet trải dài trên biên giới Lào (Leghorn), và hệ thống Explorer III tại căn cứ Sarge và  căn cứ Cồn Thiện A-4. Với việc tổn thất, bị phá hủy hoàn toàn ở căn cứ Sarge , Alpha-4 giờ đây có tầm quan trọng chiến lược quan trọng. NSA sẽ chỉ cho phép phá hủy hệ thống Explorer này chỉ khi có đủ chứng cứ thuyết phục rằng hệ thống này không thể được cứu thoát để khỏi rơi vào tay địch quân. 

Khi màn đêm bao trùm hoàn toàn "Hill of Angels" (đồi cuả các thiên thần, A-4, Cồn Thiện) tám chiến binh trẻ cuả Quân báo đã cố gắng để nâng cao tinh thần của họ. Thật là khó khăn khi bỏ ngoài tai những tiếng pháo kích dồn dập không ngừng, với hơn hai trăm trái đạn đủ loại rơi xuống trên nóc hầm trú ẩn liên tục suốt hàng giờ qua, cường độ pháo kích chỉ giảm đi với màn đêm buông xuống. Bộ chỉ huy tiếp tục yêu cầu giữ liên lạc vô tuyến mỗi mười lăm phút. Toàn nhóm 8 người đã phải nhồi nhét chung vào chiếc hầm trú ẩn khẩn cấp đúc bằng bê tông trong gần 24 tiếng rồi.  

Chiếc hầm trú ẩn bê tông này được chôn chìm dưới lòng đất khoảng 10 feet, và đã được thiết kế để có thể chứa từ sáu đến tám người lính trong trường hợp xảy ra một cuộc pháo kích hoặc tấn công bằng tên lửa bình thường trong ngắn hạn, nó đã không được thiết kế cho tám chiến binh dồn vào đây, ăn ngủ hoặc sinh sống. 

Do vậy, đối với Chuck Billingsly, Chuck Glaubitz, Randy Kruger, Chuck Martin, Rex Millspaugh, John Parks, Rick Stauter, và John Stone, cái hầm này thực ra hơi chật hẹp, điều này thì khỏi phải thắc mắc! không loại trừ chuyện hầm lúc nào cũng ẩm ướt, ngột ngạt và mùi ẩm mốc nồng nặc. Tuy nhiên trong thời gian này, đó là nơi trú ẩn duy nhất. Các chàng lính trẻ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đợi cho đến khi bộ chỉ huy biệt đội gửi trực thăng đến để giải cứu họ. 

Buổi sáng "Thứ sáu tuần Thánh" (ngày thứ sáu trước chủ nhật lễ Phục sinh) trời sáng dần tại Quảng Trị với sương mù và nhiệt độ ấm áp khoảng 24C. Khu vực bộ chỉ huy biệt đội 407 cũng đồng thời bị pháo kích dữ dội bằng các loại đại bác, cối và hoả tiễn. Các người lính đã bắt đầu nhận lệnh phá hủy các tài liệu bí mật để chuẩn bị cho việc rút lui về phía nam, cũng đồng thời chờ lệnh cho phép được sơ tán nhóm yểm trợ Cồn Thiện. 

Cho đến khi toán Alpha-4 lên máy liên lạc và báo cáo tình hình, mọi người mới phát hiện ra một điều sửng sốt. Tám người lính cuả Quân báo (ASA) là "những người duy nhất vẫn còn lại trên đồi" Các binh sỹ VNCH do an toàn của họ đã lặng lẽ rút ra khỏi khu vực trong đêm. Tám binh sĩ trẻ, chỉ được đào tạo chủ yếu là khai thác các tín hiệu điện tử, cách sử dụng tín hiệu Morse và tiếng Việt, giờ đây đang chuẩn bị đối diện với hàng ngàn bộ đội Bắc Việt được dự kiến là ​​sẽ tấn công lên trong vòng vài giờ nữa. 

Khoảng giữa trưa, bộ chỉ huy biệt đội cuối cùng đã nhận được lệnh cho phép rút lui nhóm A-4 và một trực thăng UH-1 Huey "Chuồn chuồn" được hộ tống bởi hai chiếc Gunships Cobra trực chỉ đến Cồn Thiện. Nhóm Quân báo giờ đây được lệnh phá hủy hệ thống Explorer III cùng với tất cả các thiết bị mật mã tối mật khác, tài liệu mật, và bất cứ cái gì khác mà kẻ thù có thể tịch thu, sử dụng - tất cả mọi thứ ngoại trừ chiếc máy vô tuyến dùng để liên lạc với bộ chỉ huy. 

Cũng giống như ở nhóm yểm trợ Sarge, hệ thống Explorer tại nhóm A-4 cũng được đặt trong một hầm tiền chế, đúc sẵn bằng bê tông và được chôn một phần trong lòng đất, phần nổi được bảo vệ bằng nhiều lớp bao cát. Hầm này cũng có gắn thêm tấm "chất cháy phá huỷ" trên đầu kệ cuả giàn máy thu vô tuyến dùng để tiêu hủy hoàn toàn, nhanh chóng các máy móc trong trường hợp khẩn cấp. Các tấm chất cháy này được nối với nhau và có thể được kích hoạt bằng pin từ phiá bên ngoài hầm trú ẩn. Công nghệ cuả Explorer là loại công nghệ tiên tiến, phát minh này được phát triển đi trước hàng năm trời so với khối cộng sản, lệnh bắt buộc bằng mọi giá không thể để hệ thống này lọt vào tay của Liên Xô hay Trung Quốc. 

Những người lính trẻ đổ dầu Diesel xung quanh bên trong hầm trú ẩn, ngập các tài liệu bí mật, thực phẩm, vũ khí còn dư bỏ lại, đạn dược dư thừa và tất cả các vật liệu khác được xếp chồng lên nhau bên cạnh các giá đỡ thiết bị điện tử tinh vi, sau đó đóng chiếc cửa thép đặc biệt, rút qua bên căn hầm khác cách xa, rút chốt an toàn và kích hoả để phát nổ các tấm chất cháy. Căn hầm tiền chế sẽ cháy suốt hai ngày ở nhiệt độ khoảng chừng 6.000 độ F, sẽ biến tất cả mọi thứ trong vòng lửa thành tro. Đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh sẽ không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy NSA từng cài đặt một hệ thống Explorer tại A-4 hoặc Sarge. Nếu chịu khó tìm kiếm sẽ may ra trong đống đổ nát tìm được những giọt kim loại tan chảy, thủy tinh, và tro. 

Khi những người lính Quân báo phát hiện ra họ bị bỏ lại một mình, họ đã hành động ngay lập tức, bố trí trạm quan sát và lính gác. Quân số rất ít, nhưng các chiến binh phải làm bất cứ điều gì họ có thể để tận dụng lợi thế từ vị trí an toàn này, và giả định rằng đối phương vẫn không biết khu đồi đã bị bỏ trống, không ai bảo vệ. Pháo binh và tên lửa, bắn đến từ một khoảng cách xa xôi trong rừng vẫn tiếp tục không suy giảm, nhưng nỗi lo lắng nhất chính là việc bộ đội tấn công vào trận tuyến sau những đợt pháo kích, theo chiến thuật tiền pháo hậu xung. Đạn pháo kích chỉ gây tiếng nổ lớn và khó chịu nhưng bộ binh tấn công chắc chắn chết người. 

Đột nhiên, một trong những người quan sát gọi điện báo về hầm trú ẩn. Dùng ống nhòm quan sát, anh ta đã phát hiện ra một đám mây bụi màu đỏ, và anh tin rằng đó là dấu hiệu đầu tiên cuả số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép với đầy bộ đội Bắc Việt Nam. Liên lạc gấp với biệt đội 407, các chiến binh thông báo cho bộ chỉ huy về những phát hiện mới nhất và yêu cầu họ gởi trực thăng đến gấp. Địch quân đến tại vòng rào khu hoả lực và tiến rất nhanh. Bộ chỉ huy ra lệnh toán A-4 chuẩn bị mọi hành trang cá nhân và thiết bị thông tin liên lạc chính của nhóm, và sẵn sàng cho một chuyến hành trình gấp rút. Các Choppers đang trên đường đến. 

Kế hoạch giải cứu là hai gunships (trực thăng vũ trang) sẽ bay đến trước, tấn công giải toả, tiêu diệt càng nhiều quân địch càng tốt, đồng thời tiếp cận các lô cốt cuả nhóm quân báo và sân bay trực thăng, "Chuồn chuồn" sau đó sẽ bay vào và chạm đất chỉ đủ lâu để những chiến binh có đủ thời gian nhảy lên. 

Trong vòng vài phút, tất cả tám người lính đã ra khỏi hầm trú ẩn. Mỗi người với khẩu M-14 của mình, với cấp số đạn tối đa, và rất ít đồ cá nhân. Các chiến binh mang theo một điện đài di động. Các tiếng động kinh hoàng cuả hoả lực pháo binh đột nhiên dừng lại và sự im lặng nặng nề như nghiền nát mọi ý nghĩ. Một không khí lo âu chết chóc khi những người lính chăm chú quan sát qua những lỗ châu mai chắn bằng bao cát và căng hết cỡ thính giác lắng nghe tiếng trực thăng cứu hộ. Nhưng, tất cả điều họ cảm nhận được là sự im lặng đáng nguyền ruả. Nhiệt độ giờ là khoảng 80F bất chợt một làn gió nhẹ từ hướng bờ biển thổi tới làm tung các ngọn tóc trên đầu vài chiến binh. Họ gần như có thể cảm nhận được mùi cuả Biển Đông cách xa đây hàng cây số. Nếu chỉ có họ ở bãi biển với một thùng bia lạnh!

Không lâu lắm, sự im lặng bị phá vỡ như nó đột ngột ngưng lại, nhưng đó không phải là những âm thanh mà các người lính mong đợi để nghe. Nó là tiếng bánh xích nghiến trên đá cùng với tiếng rú ầm ầm của xe bọc thép đang tăng tốc. Những người lính giờ đây đã có một cái nhìn rõ ràng về đội quân Bắc Việt đã tiếp cận đến gần chu vi phòng thủ của Cồn Thiện, các "Máy xay thịt", cái mà rất nhiều Thủy quân lục chiến đã chiến đấu và chết vì nó trong năm 1967. Các xe tăng của Nga sản xuất đang bung ra khắp nơi  theo hình nan quạt và từ trên những chiếc xe bọc thép, hàng trăm bộ đội với quân phục màu tối xẫm trang bị súng AK47 nhảy xuống chạy lúp xúp.

Nhìn qua ống nhòm, người lính gác có thể nhìn thấy những người lính trinh sát địch quân đang thận trọng từ phiá dưới đồi tiến lên. Không có hoả lực bắn chặn từ các lô cốt hay từ các toán lính phòng thủ, sẽ không bao lâu nữa các cán bộ Bắc Việt có thể nhận ra thận trọng là không cần thiết. Không cần phải triển khai tấn công từng chốt, hay chiến đấu dành từng tấc đất. Một khi toán quân địch tiến được đến con đường bụi bẩn uốn cong vòng lên theo sườn núi, địch quân có thể tràn đến cửa chính vào khu vực trại rất nhanh. Các chiến binh trẻ cuả Quân báo đã luôn luôn được nhắc nhở rằng họ không thể đầu hàng địch quân vì giá trị tình báo quá quan trọng của họ, nhưng với hỏa lực tối thiểu, những chiến binh trẻ có rất ít sức đề kháng với lực lượng địch quân mà họ thấy đang tiến về phiá họ. Và tự sát không phải là một sự lựa chọn phổ biến lắm!

Khi tâm trạng chung của nhóm càng ngày càng trở nên bi đát hơn, họ nghe thấy tiếng đập phành phạch không thể nhầm lẫn của hai chiếc trực thăng vũ trang AH1G Cobras. Với tên lửa và súng "Mini gun" (loại súng sáu nòng, khi bắn xoay vòng để giải nhiệt) bắn như vãi đạn, hai chiếc trực thăng đáng sợ hiện lên ngay bên trên và làm cho toàn bộ toán bộ đội Bắc Việt cuống cuồng bổ nhào tìm chỗ ẩn núp. Biết rằng chiếc "chuồn chuồn" cứu hộ sẽ theo sát phía sau và thời gian của cả nhóm để lên máy bay sẽ rất là ngắn ngủi, nhóm lính Quân báo nhanh chóng di chuyển xuống phía đường dẫn ra sân bay. Họ sẽ phải chạy khoảng 500 mét dọc theo con đường mòn hằn sâu vết bánh xe đến sân bay trực thăng, và trong tình trạng cả hai họ và trực thăng đều bị phơi ra dưới hoả lực súng cối và vũ khí hạng nhẹ cuả địch quân. 

Trong khi hai chiếc Cobras bắn quấy rối quân địch đang hoảng loạn với hoả lực của nó và tấn công các chiến xa địch bằng tên lửa, chuồn chuồn không vũ trang xà đến ở cao độ rất thấp và bắt đầu hạ cánh trên sân bay. Tám binh sĩ đã chạy bán sống bán chết từ trên đỉng xuống sườn đồi, gập gềnh và quanh co, nhanh như họ là những vận động viên chạy đua. Hai người lính đầu tiên chạy đến bãi trực thăng trước khi nó chạm hẳn xuống đất, ném vũ khí của họ vào sâu bên trong, quay ra giúp kéo những người khác lên tàu trong một cuộc vật lộn hoang dã, và chiếc chuồn chuồn bốc lên cao trong đám bụi mù. Theo sát sau chiếc chuồn chuồn không lâu là hai chiếc trực thăng vũ trang Cobra vừa bay bảo vệ vừa nhả đạn.

Toàn bộ những người lính ở bộ tham mưu biệt đội tại Quảng Trị đã tập trung quanh chiếc máy điện đàm chờ đợi nghe những tín hiệu từ đầu kia. Pháo cuả địch vẫn gầm rú chung quanh, và trước đó mọi người ép sát gần hơn khi họ nghe tiếng phi công trực thăng quát lên trong máy liên lạc "Mang theo máy bộ đàm và chạy!" 

Một khoảng lặng ngắt, mọi người như đông cứng lại, và không lâu sau đó vang lên tiếng sè sè đứt quãng từ loa cuả giàn máy liên lạc, họ nhận được tín hiệu lần cuối từ chuồn chuồn:

"Đủ tám người trên tàu và đang trở về"...nhận rõ...trả lời...


[Based on “Unlikely Warriors: The Army Security Agency’s Secret War in Vietnam 1961-1973” – Chapter 29, by Lonnie M. Long and Gary B. Blackburn]
Tiếng Việt do 42 dịch.