Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

ADM-160 Hàng thật để làm giả-Miniature Air-Launched Decoys.

(Đây có thể là một trong những câu trả lời cho câu chuyện 4 máy bay Nga bị bắn rớt gần như cùng thời điểm trên không phận của Nga, có thể do hệ thống phòng không tại Bryansk đã bị quá tải do ADM-160B.)

Hỏa tiễn nhử mồi ADM-160. Hỏa tiễn thật phát tín hiệu giả.

Hỏa tiễn nhử mồi phóng từ trên không thu nhỏ ADM-160 do Mỹ sản xuất, hay còn gọi là MALD (Miniature Air-Launched Decoys) là hỏa tiễn bay tự động, có thể lập trình để phát giả tín hiệu của các máy bay Mỹ hoặc đồng minh do đó gây nhiễu cho Hệ thống Phòng không Tích hợp (IADS) của địch. Tất cả các biến thể của MALD căn bản là các tên lửa hành trình nhỏ được sử dụng để đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương chứ không dùng để tấn công, chúng không mang thuốc nổ. Tùy thuộc vào biến thể những hỏa tiễn mồi nhử này có thể được sử dụng để gây nhiễu radar của địch hoặc dùng để đánh lừa những người điều khiển radar của địch rằng các mối đe dọa đang đến từ nhiều hướng khác nhau nhằm thu hút sự chú ý và làm quá tải hệ thống phòng không nhằm che lấp khỏi các cuộc tấn công thực sự đang đến.

Bức ảnh sau đây được thấy xuất hiện trên Twitter cho thấy các mảnh vỡ sau vụ tấn công của Ukraine vào thành phố Luhansk, phía đông Ukraine.

Miếng nhãn lớn trên thân hỏa tiễn xác định đây là biến thể ADM-160B cũ, đây là phiên bản đầu tiên của MALD dùng cho chiến tranh được giao cho Không quân Hoa Kỳ vào năm 2009.

Mẫu B -do Raytheon chế tạo- về căn bản khác với Mẫu A ban đầu của Teledyne Ryan (sau này là Northrop Grumman), quá trình phát triển mẫu này đã bắt đầu vào cuối những năm 1990. Mẫu hỏa tiễn B lớn hơn và nặng hơn, đồng thời có động cơ phản lực mạnh hơn và tầm hoạt động lớn hơn mẫu thử nghiệm A.

ADM-160B có tầm bắn tối đa khoảng 500 dặm và có khả năng làm giả tín hiệu radar của nhiều loại máy bay khác nhau. Nó được thiết kế để đi theo một lộ trình được lập trình sẵn, gồm cả việc lảng vảng trên các khu vực được chỉ định.

Năm 2012 Không quân Mỹ cũng bắt đầu mua các biến thể ADM-160C, còn được gọi là MALD-Jammers hoặc MALD-Js, bổ sung thêm khả năng gây nhiễu radar chủ động. Hải quân Hoa Kỳ cũng đang mua các biến thể cải tiến hơn nữa của MALD để trang bị.

Tại thời điểm viết bài này, chính phủ Hoa Kỳ chưa công bố bất kỳ việc chuyển giao MALD nào dưới bất kỳ hình thức nào tới Ukraine, các quan chức Ukraine dường như cũng chưa xác nhận điều này cho đến nay.

Điều đáng chú ý là vào hồi tháng 12/2022, Ngũ giác đài đã công bố gói viện trợ mới cho các lực lượng vũ trang Ukraine bao gồm những vũ khí được mô tả vào thời điểm đó là "năng lực phản công phòng không". Gói hỗ trợ quân sự đó của Hoa Kỳ cũng được gọi là "chuyển giao" nghĩa là tất cả các vũ khí trong đó sẽ đến trực tiếp từ các kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ.

Nếu quân đội Ukraine thực sự đã nhận MALD thì đây không phải là lần đầu tiên Ngũ giác đài chuyển vũ khí cao cấp và các thiết bị khác mà không tiết lộ ra công luận. Sự xuất hiện đột ngột của mảnh vỡ MALD cũng sẽ phù hợp với cùng một mô hình chung về cách lần đầu tiên quân đội Hoa Kỳ cung cấp cho các đối tác Ukraine tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) AGM-88 vào năm ngoái, điều này cuối cùng đã được bão chí xác nhận.

Việc chuyển giao ADM-160B thay vì các biến thể MALD mới hơn hoàn toàn phù hợp với việc chuyển giao trước đó các tên lửa thế hệ cũ và các loại vũ khí, đạn dược khác từ kho dự trữ của Hoa Kỳ cho Ukraine. Việc gửi vũ khí cũ, bao gồm các vũ khí đã bị loại biên hoặc sắp bị loại bỏ khỏi biên chế của Hoa Kỳ chỉ có nghĩa là nó sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của chính quân đội Hoa Kỳ.

Không quân Ukraine đã thành công thực hiện việc tích hợp các loại phi tiễn phương Tây như AGM-88 và  JDAM lên các máy bay chiến đấu thế hệ Liên Xô nên không có gì trở ngại cho việc bổ sung MALD vào kho vũ khí của những máy bay đó, cũng không loại trừ một số loại biến thể MALD phóng từ mặt đất có thể đã được phát triển cho Ukraine, mặc dù điều này dường như khó có khả năng xảy ra hơn?

Vài ứng dụng của ADM-160B có thể sẽ được tận dụng:

- Ví dụ, MALD có thể giúp các hỏa tiễn tấn công cao cấp như Storm Shadow (mà Ukraine có rất ít) tránh được lưới phòng không Nga, nó có nhiệm vụ làm cho hệ thống phòng không Nga bị báo động hết cỡ, thậm chí còn phát những tín hiệu giả nguy hiểm hơn (như tín hiệu máy bay B52 chẳng hạn) làm cho những hỏa tiễn bay tầm thấp như Storm Shadow khó bị phát hiện, kiểu tấn công có tính phối hợp cao này chính là mục đích mà MALD được thiết kế.

- Chúng cũng có thể giúp trực tiếp trong việc phá hủy hệ thống phòng không của Nga bằng cách kích thích các đài radar Nga hoạt động để chúng có thể bị phát hiện, định vị và sau đó các loại vũ khí như AGM-88 HARM hoặc thậm chí cả tên lửa dẫn đường HIMARS và JDAM-ER có thể được sử dụng để tiêu diệt các radar này.

Đối với quân đội Ukraine những gì ADM-160 mang lại có thể thậm chí còn quan trọng hơn trong thời điểm này khi nước này chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn, tức là sẽ đưa lực lượng của họ tiến sâu hơn vào các khu vực do Nga kiểm soát. Đã có một sự gia tăng đáng chú ý trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở các khu vực do Nga chiếm đóng ở miền nam và miền đông Ukraine, và ngay cả ở chính trong đất Nga trong những tháng gần đây, tất cả điều này dường như là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các lực lượng Ukraine.

Việc sử dụng MALD cũng sẽ tiêu hao những vũ khí phòng không có giá trị của Nga khiến việc thay thế phải mất thời gian và tiền bạc, chúng thậm chí có thể được sử dụng để liên tục kích động phản ứng lực lượng phòng không Nga nhằm làm mệt mỏi, cạn kiệt nguồn dự trữ của Nga.

Mặc dù vẫn chưa có xác nhận chắc chắn rằng quân đội Ukraine hiện có ADM-160 MALD, dù thế nào đi chăng nữa, vũ khí này chắc chắn sẽ phù hợp với nhu cầu chiến đấu cấp bách của Ukraine.