Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Đối lập vs Maduro

Bài viết ngày 25/01/2019
Guaidó có thắng canh bạc này?
Ngày 23/1 vừa rồi Quốc hội đối lập Venezuela đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố tổng thống Nicolás Maduro bất hợp pháp, tuyên bố bỏ trống chức vụ tổng thống, và cho chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời theo quy định hiến pháp Venezuela, sau đó Hoa Kỳ, Canada và hầu hết các chính phủ lớn ở Tây bán cầu đã công nhận Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Thật là một động thái táo bạo và mạnh mẽ đến bất ngờ: Năm 2018 là một năm ảm đạm cho phe đối lập Venezuela, mặc dù đã giành được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp từ 2015 và từng lãnh đạo một chiến dịch bất tuân dân sự lớn vào năm 2017, nhưng phe đối lập dường như càng không có hy vọng loại bỏ chính quyền độc tài không được lòng dân của Maduro, các chính đảng chống Maduro đã mất hàng năm để đấu đá với nhau, tranh cãi về việc ai sẽ là nạn nhân để đổ lỗi cho sự thất bại của họ và cào bằng những lời buộc tội rằng ai trong số họ đã bí mật bán mình cho chế độ.

Cùng lúc cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela xấu đi, nền kinh tế đã bị sụt giảm mất gần 50% kể từ khi Maduro nhậm chức năm 2013, sản lượng dầu giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1950, lạm phát đạt tỷ lệ ước tính là một triệu phần trăm/một năm. Suy dinh dưỡng bắt đầu xuất hiện trên số gần 90% người Venezuela hiện đang sống trong nghèo đói và hàng triệu người trốn ra nước ngoài để tìm cuộc sống tốt hơn, cuộc khủng hoảng di cư ở Venezuela được coi là tồi tệ thứ nhì trên thế giới chỉ sau Syria.

Nhưng Maduro vẫn tại vị, chính phủ của ông giữ được quyền lực với sự trợ giúp tài chính từ Nga và Trung Quốc, hỗ trợ tình báo từ Cuba và tăng doanh số bán vàng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt năm 2018 Maduro liên tục trên chân phe đối lập, thậm chí tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5, cuộc bầu cử được các nhà quan sát độc lập và hơn 50 chính phủ nước ngoài cho là bất hợp pháp, nói tóm lại suốt phần lớn năm ngoái, dường như Maduro đã dồn phe đối lập vào một góc.

Vậy điều gì giải thích cho sự thay đổi đột ngột? Có phải phe đối lập Venezuela đã có lại phép thuật của mình? Câu trả lời là có.
- Trước tiên, phe đối lập ít nhất đã tạm thời khắc phục xu hướng tự phá hoại và tệ nạn phe phái.
- Thứ hai, họ đã thành công tìm ra cách tiếp cận mới để huy động được những người Venezuela bất mãn chống lại chính phủ.
- Thứ ba, họ đã chuyển đạt được cho các lực lượng vũ trang -chỗ dựa của chế độ Maduro- một đảm bảo đáng tin cậy rằng các sĩ quan quân đội sẽ được ân xá cho tất cả tội lỗi nào mà họ đã phạm phải trước đây nếu họ ủng hộ quá trình chuyển đổi sang dân chủ.
- Và cuối cùng với sự bảo đảm nhanh chóng -và khó có thể đảo ngược- công nhận Guaidó của chính quyền Trump và các chính phủ Mỹ Latinh, phe đối lập đã ra tín hiệu cho những người còn lại đang ủng hộ Maduro, đặc biệt là những quân nhân, rằng cộng đồng quốc tế thực muốn thay đổi.

Nhìn lại
Trước đây liên minh đối lập Venezuela, ban đầu được tổ chức với mục đích giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử không tự do và không công bằng và nó đã thành công thắng cuộc bầu cử lập pháp năm 2015 với đa số hai phần ba, nhưng phe đối lập nhanh chóng hiểu rằng các cuộc bầu cử không còn thực sự quan trọng ở Venezuela. Tổng thống Maduro đã vô hiệu hóa các cuộc bầu cử của hai viện lập pháp để chống lại đa số phe đối lập, không cho các quan chức giải trình với quốc hội, phủ quyết tất cả các luật và cuối cùng dựng lên một quốc hội lập hiến do chính phủ thống trị để đảm nhận những chức năng lập pháp, khi không còn quyền lực, các đảng đối lập có quá ít điểm chung lẫn ý thức hệ hoặc lộ trình để làm việc cùng nhau hiệu quả.

Hôm nay mọi sự đã thay đổi, sự kiện bất ngờ ngày 23/1 cho thấy rằng ít ra một số nhà lãnh đạo phe đối lập, đặc biệt là từ các đảng Primero Justicia và Voluntad Poplar đã âm thầm lên kế hoạch, thúc đẩy hành động cả trong nước và quốc tế để buộc Maduro phải từ chức. Guaidó của đảng Voluntad Popular -mà chủ tịch đảng là Leopoldo López bị quản thúc tại gia kể từ năm 2014- chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch Quốc hội vào tháng 12/2018, là trụ cột của các đảng đối lập kiểm soát quốc hội.

Xuất thân từ phong trào sinh viên Venezuela, 35 tuổi, Guaidó là một gương mặt mới đã được chứng minh là hấp dẫn hơn các nhà lãnh đạo phe đối lập trước đây, Guaidó và các cộng sự của mình đã theo đuổi một chiến lược tiếp cận mới, tổ chứcc các cuộc vận động ngoài trời (gọi là cabildos abiertos) để tiếp cận giới bình dân. Lần đầu tiên kể từ cuộc biểu tình năm 2017, công chúng đã tỏ ra có phản ứng. Khi tình trạng bất ổn xảy ra sau cuộc nổi dậy quân sự nhỏ thất bại vào ngày 21/1, các 'cabildos' đã giúp đặt nền móng cho các cuộc biểu tình rộng lớn trên khắp Venezuela vào ngày 23/1.

Phe đối lập cũng sử dụng quyền lập pháp của mình tại Quốc hội để ra tín hiệu cho quân đội rằng họ sẽ không bị đe dọa trừng phạt trong quá trình chuyển đổi dân chủ. Vào ngày 15/1 Quốc hội đã thông qua luật ân xá cấp quyền miễn trừ cho các thành viên của quân đội, những người hành động để giúp khôi phục nền dân chủ ở Venezuela. Ngoài ra chính Guaidó đã phát biểu rằng anh ta không có ý định quy trách nhiệm cho giới quân sự vì đã ủng hộ Maduro.

Việc trấn an quân đội là rất quan trọng vì đây là một trụ cột thiết yếu của liên minh cầm quyền Maduro. Quân đội kiểm soát các bộ của chính phủ, ngành công nghiệp dầu mỏ, phân phối thực phẩm và an ninh nội bộ. Các chỉ huy quân sự cấp cao cho đến nay vẫn không có hành động chống lại Maduro vì sợ phải chịu trách nhiệm trước chính phủ kế nhiệm và họ có lý do chính đáng để sợ trách nhiệm vì họ đã đồng lõa trong nhiều tội ác của chế độ, gồm cả tham nhũng, vi phạm về nhân quyền và buôn bán ma túy. (Các sĩ quan trẻ hầu như ít hài lòng với chế độ này, nhưng họ phải chịu sự giám sát chặt chẽ về tư tưởng và phản gián không chỉ bởi chế độ mà còn từ đồng minh Cuba nhằm phát hiện và triệt phá các âm mưu đảo chính ngay trong trứng nước.) Guaidó tuyên bố rõ rằng phe đối lập không kêu gọi đảo chính và mong rằng toàn bộ lực lượng vũ trang ở trong doanh trại của họ và chống lại lệnh đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng.

Phe đối lập cũng đã tìm được một đồng minh sẵn sàng và quan trọng ở Hoa Kỳ, chính quyền Trump đã trở nên thất vọng về thất bại của các lệnh trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ, đã không đạt bất kỳ tác động thực sự nào đối với chế độ Maduro. Trong năm qua, họ đã thử nhiều giải pháp từ việc cấm nhập khẩu dầu của Venezuela cho đến việc truy tố những người thân cận trong mạng lưới của Maduro tại các tòa án ở Hoa Kỳ.

Phe đối lập Venezuela đã trình bày cho chính quyền Trump một cách tiếp cận mới mẻ, họ đưa ra một hành động pháp lý theo đó Hoa Kỳ có thể công nhận Guaidó là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Nếu phe đối lập chứng minh việc tái trúng cử của Maduro là bất hợp pháp, đi đến kết luận hợp lý là chức vụ tổng thống Venezuela sẽ bị bỏ trống khi Maduro chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 10/1. Chiếu theo Điều 233 của Hiến pháp Venezuela, nếu chức vụ tổng thống bị bỏ trống, thì người đứng đầu Quốc hội sẽ trở thành tổng thống lâm thời và tổ chức bầu cử mới để bầu tổng thống.

Washington chấp nhận lý do này, bằng cách công nhận Guaidó, chính quyền Trump và các đối tác đã giúp phe đối lập Venezuela có được tín hiệu đáng tin cậy hơn để thông báo cho quân đội, rằng việc chuyển đổi sang dân chủ là khả thi và sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã công nhận Guaidó, khi làm như vậy họ đã thực hiện một bước ngoại giao rất rõ ràng -và rủi ro- là sẽ rất khó để xoay ngược lời các chính phủ nước ngoài đã cam kết ủng hộ phe đối lập.

Tiếp theo là gì?
Chiến lược của phe đối lập được tiến hành phối hợp với Hoa Kỳ, rõ ràng đã thay đổi cuộc chơi, liệu nó có hiệu quả? Có hai lý do để hoài nghi:
- Đầu tiên, chính quyền Maduro tiếp tục có sự hỗ trợ và công nhận từ các đồng minh quốc tế quan trọng nhất: Trung Quốc, Cuba, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quốc gia này là những nguồn cho vay cuối cùng, cứu tinh của chế độ Maduro, hoặc cả hai.
- Thứ hai, mặc dù đã có tín hiệu rõ ràng với quân đội rằng họ sẽ hạ cánh an toàn trong trường hợp chuyển đổi dân chủ, các tướng lãnh cao cấp đã công khai tuyên bố ủng hộ Tổng thống Maduro vào ngày 23 và 24/1. Điều kiện khuyến khích đưa ra cho quân đội vẫn bị che khuất bởi khuynh hướng ủng hộ chính phủ.

Có nhiều hậu quả khó lường đối với sự công nhận quốc tế của Guaidó, từ các câu hỏi về việc định đoạt tài sản của Venezuela ở nước ngoài cho đến tình trạng các nhà ngoại giao của các nước đã không công nhận Maduro là tổng thống hợp pháp hiện trong các sứ quán ở Venezuela. Chính quyền Trump rõ ràng muốn tăng áp lực lên Maduro và trong những ngày tới sẽ có nhiều cơ hội để làm điều đó theo lời yêu cầu của Guaidó.

Hoa Kỳ đã đúng khi hợp tác với phe đối lập Venezuela, trong những năm gần đây chế độ Maduro đã tỏ ra không có thiện chí đàm phán với phe đối lập, ngay cả khi có sự can thiệp qua trung gian hoà giải của Vatican. Nay Washington đã chọn một đường lối đầy rủi ro, bằng cách leo thang với Maduro, chính quyền Trump đã dâng cao khả năng nhận định sai và hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột vô ý, đặc biệt là hiện nay khi chính phủ Hoa Kỳ và Venezuela có rất ít hiểu biết và tôn trọng nhau.

Hành động hung hăng của Hoa Kỳ cũng sẽ có nguy cơ chia rẽ liên minh quốc tế hiện đang ủng hộ phe đối lập Venezuela và nó có thể biến tướng thành một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ-Venezuela thay vì nỗ lực khôi phục nền dân chủ hiện nay. Điều thứ hai, nếu xảy ra sẽ cho Maduro có lý do để quay trở lại với những lời hoa mỹ của chủ nghĩa chống đế quốc và sẽ là một cái cớ cho đồng minh của ông ta -ở đây là Nga, nhưng không loại trừ cả Trung Quốc- cũng tiếp tục ủng hộ Maduro. Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ tránh được cái bẫy này, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ xem các sự kiện ở Venezuela là một phần trong chiến lược của phương Tây nhằm triệt tiêu các đồng minh độc tài và các quốc gia thân cận với họ, họ sẽ tìm các biện pháp đối phó, và những điều này sẽ chẳng dễ chịu gì.

Có thể là dưới áp lực gia tăng trong nước và quốc tế, Maduro có thể mất tinh thần và bỏ chạy khỏi đất nước, các sĩ quan cấp thấp có thể cá cược vào một cuộc nổi dậy để buộc các sĩ quan cao cấp thay đổi, dẫn đến một kết quả bạo lực.

Nhưng cũng có một rủi ro rất lớn rằng Maduro sẽ vẫn nắm quyền với sự hỗ trợ từ quân đội và các đồng minh của ông ở nước ngoài, mặc dù ông ta sẽ bị quốc tế cô lập hơn bao giờ hết, cú thử lửa của đối lập có thể kết thúc với các nhà lãnh đạo đối lập vào tù hoặc lưu vong, điều này sẽ khiến chính quyền Trump và cộng đồng quốc tế rơi vào tình thế rất khó khăn, với rất ít công cụ ngoại giao hơn bao giờ hết để có thể tác động đến tương lai của Venezuela theo hướng tích cực hơn.
Chuyển ngữ 42.

https://www.foreignaffairs.com/articles/venezuela/2019-01-25/venezuelan-oppositions-high-stakes-assault-maduro

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Venezuela

CARACAS, Venezuela - Ngay khi rất nhiều người Venezuela tràn ra đường biểu tình ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido và danh sách các nước ngoài công nhận ông là Tổng thống lâm thời vẫn ngày càng nhiều hơn, các tướng lãnh hàng đầu của quân đội lại đang gửi một thông điệp khác hoàn toàn: "Không có chuyện ủng hộ đâu".

Các tướng lĩnh cao cấp, hôm thứ năm vừa rồi trong một buổi duyệt binh đứng trước hàng quân nghiêm chỉnh đã cam kết ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro củng cố lại quyền lực.

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo chính phủ Venezuela năm 2013, ông Maduro -một người dân sự, kế nhiệm nhà lãnh đạo xã hội quá cố Hugo Chavez- đã liên tục củng cố sự ủng hộ của quân đội quốc gia bằng cách thăng thưởng cho những người trung thành, cho họ quyền kiểm soát các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và bổ nhiệm họ vào các vị trí bộ trưởng.

Theo nhận xét từ các cựu sỹ quan của quân đội Venezuela: Tất cả điều đó có nghĩa là các tướng lãnh cao cấp của quân đội được sự ưu ái từ Maduro lo sợ bị mất đi những đặc quyền và có thể bị truy tố nếu phản bội ông ta, tuy vậy các binh sỹ cấp thấp trong quân đội -những người đang phải khó khăn chật vật để lo cho gia đình- có thể không có chung lòng trung thành kiên định như thế, nhưng tỷ lệ để có một lực lượng đủ mạnh ủng hộ Guaido hiện nay cũng rất nhỏ.

Ông Jose Antonio Colina, cựu trung úy cho biết: "Cần phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong 48 giờ tới, nếu các quân nhân hạng trung và cấp thấp không có bất cứ động thái nào biểu lộ sự chống đối của họ trong vòng hai ngày tới, chúng ta có thể đoan chắc rằng họ tuân theo các tướng lãnh trên.

Truyền thống của các lực lượng vũ trang thường đảm trách như là trọng tài trong các tranh chấp chính trị, ngay cả theo hiến pháp được Chávez ủng hộ "Quân đội không phục vụ ai hay đảng phái chính trị nào cả"

Đúng 61 năm trước khi Guaido đứng tuyên thệ trước đám đông những người ủng hộ để làm tổng thống lâm thời Venezuela, quân đội đã lật đổ nhà độc tài Marco Perez Jimenez, trong bối cảnh bất ổn ông đã phải trốn lên máy bay đến Cộng hòa Dominican. Chavez từng là một chỉ huy quân đội trẻ tuổi đã tổ chức một cuộc đảo chính bất ngờ vào năm 1992 và một thập kỷ sau đó đã nắm giữ được quyền lực quốc gia.

Hôm thứ Sáu, Guaido đã yêu cầu những người ủng hộ ông chia sẻ thông báo về "luật ân xá các quân nhân hợp tác khôi phục nền dân chủ của đất nước" với bất cứ ai mà họ biết trong lực lượng vũ trang, ông cũng kêu gọi quân đội hãy để số viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ đã cam kết được mang vào nước này.

Update: 26/1/2019
(CNN) Một quan chức quân đội Venezuela đã đổi phe trong cuộc đấu tranh quyền lực Venezuela vào thứ Bảy, gây ra phản ứng từ các nhà lãnh đạo bộ quốc phòng.

Tùy viên quân sự của Venezuela tại Washington, Đại tá Jose Luis Silva Silva, tiết lộ với CNN rằng ông sẽ rời bỏ phe Tổng thống Nicolas Maduro và ủng hộ ông Juan Guaido, Tổng thống lâm thời.

Trong một video trên mạng, Silva phát biểu: "Tôi ủng hộ đường lối của Tổng thống lâm thời Juan Guaido". Silva nhấn mạnh lộ trình bao gồm việc "chấm dứt việc tiếm quyền", "bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một chính phủ mới" và "bầu cử tự do, minh bạch cho tất cả người dân Venezuela nào muốn tham gia."

Việc này đã khiến Bộ Quốc phòng Venezuela phải đưa ra một phản ứng tức thời chính thức của bộ, văn bản chụp màn hình từ video của Silva tuyên bố, in lớn trên đó là dòng chữ "PHẢN QUỐC".






















Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Venezuela, lãng mạn cộng sản.


Một bi kịch -hoàn toàn có thể tránh được- của một nền kinh tế dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Tháng 7/2018. Tại sao Venezuela rơi vào nghèo đói.

Xuân 1959, tại câu lạc bộ du thuyền Cairo một cuộc gặp mặt kín đáo giữa các bộ trưởng của các nước sở hữu dầu mỏ, ông Juan Pablo Pérez Alfonso bộ trưởng dầu mỏ Venezuela lúc đó ấp ủ ý tưởng liên hiệp các nước xuất khẩu dầu mỏ lại nhằm dễ dàng chủ động kiểm soát tài nguyên vàng đen vốn là sở hữu của đất nước họ, một năm sau OPEC ra đời. Năm 1960 Venezuela chính thức là thành viên duy nhất của OPEC -Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ- không nằm trong vùng Trung Đông và nó được liệt vào loại top các nước có dự trữ dầu nhiều nhất thế giới, thật là một minh chứng hùng hồn về địa vị quan trọng của Venezuela với kinh tế thế giới.

Thời 1960 Venezuela đứng vào hạng giàu có trên thế giới, nó sản xuất hơn 10% lượng dầu thô trên thế giới và có GDP trên đầu người bỏ xa các nước láng giềng Brazil và Colombia và nó không cách xa Hoa kỳ bao nhiêu. Vào thời điểm này, để tránh "lời nguyền tài nguyên" -hiện tượng các nước có nhiều tiền do giàu tài nguyên như vàng, dầu mỏ nên bỏ bê không đầu tư vào các ngành sản xuất khác- Venezuela đã muốn đa dạng hoá các ngành khác ngoài dầu mỏ. Nhưng may mắn thay -hay bất hạnh- thập niên 1970 là thời vàng son của dầu hoả, giá dầu tăng vọt mang đến viễn cảnh huy hoàng dường như không bao giờ kết thúc, cùng với nền dân chủ nhiều năm ổn định, Venezuela lúc này như một quốc gia kiểu mẫu cho cả khu vực Nam mỹ luôn mất ổn định.

Nhìn lại quá khứ thành công càng làm cho ta tiếc nuối cho ngành công nghiệp dầu mỏ hiện nay của Venezuela, sáu thập niên trước từ một đất nước rộng lớn với ước mơ là một tập đoàn xuất khẩu dầu mỏ, giờ đây phải nhập xăng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Sản lượng dầu thô chỉ còn khoảng 2 triệu thùng/ngày, xuống thấp nhất trong vòng 28 năm qua. Ông Francisco Mondali (chuyên gia về Latin America tại đại học Baker) nhận xét: "Chưa bao giờ thấy một quốc gia có thể bị sụp đổ với cường độ này mà lý do hoàn toàn không do chiến tranh hay cấm vận gây ra"

Trong những năm gần đây, Venezuela không dính vào bất cứ cuộc chiến tranh nào nhưng giá dầu giảm mạnh cùng với việc nhiều năm quản lý sai lầm của chính phủ đã gần như giết chết nền kinh tế đất nước, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đe dọa nhấn chìm cả khu vực. Từ tháng giêng/2018 chính quyền từ chối theo dõi lạm phát (hoặc có nhưng không công bố kết quả của mình), nhưng Quốc hội tính toán tỷ lệ hàng năm là hơn 4.000% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán có thể đạt 13.000% trong năm nay, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần.

Ngày nay, theo báo cáo của trung tâm quan sát bạo lực của Venezuela, tỷ lệ giết người ở Venezuela hiện đã vượt qua cả Honduras và El Salvador là nơi trước đây có mức độ cao nhất thế giới. Mất điện là chuyện xảy ra gần như hàng ngày và nhiều nơi không có nước. Trên truyền thông, báo chí học sinh và công nhân dầu mỏ đã bắt đầu thấy biểu hiện nạn đói và những người Venezuela bị bệnh đã lùng sục các cơ sở y tế để tìm thuốc. Sốt rét, sởi và bạch hầu đã quay trở lại tại Venezuela, hàng triệu người Venezuela chạy khỏi đất nước (theo cơ quan Khủng hoảng Quốc tế có hơn 4 triệu người) và từ họ đang lan truyền các căn bệnh trên khắp khu vực, cũng như làm căng thẳng các nguồn lực và ổn định khu vực.

Điều gì có thể giải thích cho sự suy sụp của đất nước này, từ vị trí là một trong những quốc gia giàu có và ổn định nhất ở Mỹ Latinh? Theo ông Mark Green (giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ): "Không thể hoàn toàn quy lỗi cho Tổng thống Nicolás Maduro" -vị tổng thống hồi tháng Năm vừa rồi đã thắng thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận- "với các chính sách ảo tưởng của ông". Thật ra không phải lỗi hoàn toàn của Maduro, để hiểu đầy đủ về việc một quốc gia được may mắn sở hữu những mỏ dầu lớn nhất thế giới lại có thể đi đến kết thúc nghèo đến mức như quay trở lại thời xưa khi chưa hề có dầu mỏ, chiếc ngòi nổ cho quả bom đang nổ tung ngành công nghiệp dầu lửa của Venezuela -và cùng với nó là cả nước Venezuela- đã được cố tình châm ngòi bởi người tiền nhiệm và cố vấn của Maduro, người hùng Hugo Chávez, không lâu sau khi ông ta nắm được quyền lực vào cuối những năm 1990.

Sự suy giảm và sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela thực ra bắt đầu từ việc quốc hữu hóa vào năm 1976, thời điểm giá dầu thô bùng nổ và chủ nghĩa dân tộc tài nguyên lên cao, Tổng thống Carlos Andrés Pérez muốn nhà nước đóng một vai trò lớn hơn đối với nền kinh tế và đặc biệt muốn sử dụng sự giàu có từ dầu mỏ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các mỏ dầu, Caracas đã trục xuất các công ty dầu khí nước ngoài và lập ra một công ty độc quyền dầu mỏ quốc doanh gọi là Petróleos de Venezuela (PDVSA). Các động thái trên đã đánh dấu việc Venezuela giành toàn quyền kiểm soát vận mệnh của mình, đó cũng là hệ quả của niềm tin về dân tộc tự quyết của Venezuela.

Thời gian đầu thành lập, công ty quốc doanh dầu mỏ Venezuela PDVSA hoàn toàn nổi bật so với các công ty cùng ngành như Petróleos Mexicanos trên nhiều phương diện:
- Số lượng lớn các giám đốc điều hành của nó trước đây đã từng làm việc lâu năm cho các công ty nước ngoài và thông thạo điều hành công ty mới với triển vọng định hướng kinh doanh và mức độ chuyên nghiệp cao.
- PDVSA có lực lượng công nhân lao động chuyên nghiệp rất tinh gọn, cơ cấu chi phí hiệu quả và triển vọng hoạt động toàn cầu, thậm chí một thập kỷ sau khi thành lập công ty đã mua lại một nửa Citgo, nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ và đặt cọc mua một cặp nhà máy lọc dầu tại châu Âu.

Tuy nhiên số tài sản này đã không giúp được gì khi tình trạng dầu mỏ toàn cầu sụt giá vào giữa những năm 1980 và làm trì trệ nền kinh tế quốc gia. Các thành viên OPEC cố đấu tranh để đẩy giá lên bằng cách cắt giảm sản lượng, đến giữa thập kỷ sản lượng của Venezuela đã giảm xuống dưới 2 triệu thùng mỗi ngày, ít hơn khoảng 50% so với thời hoàng kim ngay trước khi quốc hữu hóa.

Nghịch lý là khi dầu rẻ, các nước có dầu cố bơm thêm nhiều -ngay cả khi việc sản xuất thêm đó càng giữ giá thấp- và vì vậy để điều chỉnh nền kinh tế Venezuela đang tuột dốc vào đầu những năm 1990, chính phủ đã tìm cách cho các công ty quốc tế khai thác trở lại công nghiệp dầu mỏ, những công ty nước ngoài đặc biệt hữu ích trong việc khai thác loại mỏ dầu của Venezuela, vành đai dầu nặng Orinoco nơi chứa hơn một nghìn tỷ thùng (loại dầu nặng như nhựa đường, không giống như dầu thô nhẹ thông thường -có thể được bơm thẳng ra khỏi mặt đất và được bán ngay- dầu nặng khó khai thác hơn và sau đó cần phải được trộn với dầu nhẹ thành một hỗn hợp gần như dầu lỏng trước khi bán ra), để làm được chuyện này PDVSA hoàn toàn không có đủ khả năng tiền bạc lẫn kỹ thuật cao để làm.

Vào giữa những năm 1990 các công ty quốc tế gồm cả Chevron và Conoco Phillips đã quay trở lại nước này và tiến hành khai thác các mỏ dầu vĩ đại của Venezuela, nhưng vào năm 1998 giá dầu thô đã sụp đổ một lần nữa, giảm xuống còn 10 đô la một thùng, tác động này đối với Venezuela thật là nghiêm trọng (giống như nhiều quốc gia giàu dầu mỏ khác đã không quan tâm tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, mặc dù đã từng có nỗ lực cải cách trong thập niên 1970) lúc này xuất khẩu xăng dầu chiếm khoảng một phần ba doanh thu của nhà nước. Tiếp sau đó người hùng Chávez -một cựu trung tá quân đội, người đã từng bị tù vì một cuộc đảo chính không thành năm 1992- đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998 với lời hứa sẽ định hình và khôi phục lại nền kinh tế đang xuống dốc của Venezuela.

Mục tiêu đầu tiên của ông: các chuyên viên điều hành cao cấp của PDVSA, đặc biệt là ông tổng giám đốc điều hành lúc bấy giờ Luis Giusti, người đã có công làm khởi sắc ngành dầu khí của đất nước, do Chávez coi "Giusti là đối thủ tiềm năng". Trên thực tế, Chávez đã sử dụng khẩu hiệu đả kích gọi công ty ''PDVSA là một đế chế trong một nước'' khi tranh cử. Ông Giusti, khi được biết về các kế hoạch của Chávez sẽ làm với công ty dầu mỏ sau khi thắng cử, đã từ chức ngay khi ông Chávez nhậm chức vào đầu năm 1999, ngay sau đó ông và các đồng sự được thay thế bằng nhóm người được chỉ định chỉ bằng quan điểm chính trị, sự ra đi của Giusti người đã làm việc ba thập kỷ trong ngành dầu mỏ của Venezuela và đã giành được sự khen ngợi quốc tế vì đã hiện đại hóa công ty nhà nước kể từ khi tiếp quản vào năm 1994 là tin rất xấu cho tương lai PDVSA.

Mục tiêu của Chávez là cố gắng kiểm soát tối đa doanh thu của PDVSA, ông ta cần tiền để tài trợ cho chương trình nghị sự xã hội của mình. Nhưng đồng thời Venezuela vẫn cần phải hợp tác với các nước còn lại của OPEC như trong thoả thuận 1980, tức là phải cắt giảm sản xuất để tăng giá dầu thô. Nghịch lý khi Chávez muốn các nhà quản lý PDVSA tăng sản lượng, tiếp tục khai thác các mỏ dầu nặng đầy thách thức về mặt kỹ thuật của Venezuela, nhưng để tiếp tục khai thác được các mỏ dầu này, họ cần giữ lại tiền để tái đầu tư nhiều hơn vào công ty thay vì giao tất cả số tiền thu nhập cho chính phủ, vì không thể thoả mãn điều đó các nhà quản lý cũ của công ty dầu mỏ đã phải lần lượt ra đi.

Thật không may cho Venezuela, ông Chávez -cũng giống như những người mới mà ông chỉ định điều hành PDVSA- hoàn toàn không biết gì về dầu mỏ, vốn là nguồn mang lại thịnh vượng cho đất nước. Ông Pedro Burelli (cựu thành viên ban giám đốc, người đã rời khỏi công ty khi Chavez lên nắm quyền) cho biết: "Ông ta không biết gì về dầu mỏ, mọi thứ liên quan đến địa chất, kỹ thuật, kinh tế của dầu mỏ, một sự ngu dốt hoàn toàn về kiến thức".

Nhưng Chávez không là loại người để sự ngu dốt ngăn cản ông ta, năm 2001 ông đã thúc đẩy thông qua một đạo luật năng lượng mới bắt các công ty dầu khí nước ngoài phải trả thêm phần trăm tiền lợi nhuận cho chính phủ, nó cũng bắt buộc PDVSA sẽ lãnh đạo tất cả hoạt động thăm dò và khai thác mỏ dầu mới, giới hạn các công ty nước ngoài chỉ có thể nắm giữ thiểu số cổ phần trong bất kỳ mối quan hệ đối tác làm ăn nào với công ty quốc doanh.

Năm 2002, Chávez đã thực hiện hai bước nữa để biến PDVSA từng là niềm tự hào quốc gia thành như một công ty riêng của mình, đầu tiên ông bổ nhiệm một chủ tịch mới, ông Gastón Parra Luzardo một giáo sư kinh tế cánh tả, một người luôn công khai chống lại chủ trương mở rộng nền kinh tế tư nhân, sau đó vào tháng Tư ông Chávez đã lên truyền hình trực tiếp, sau những tuyên bố làm bẽ mặt và sa thải một số các nhà quản lý PDVSA rồi thay thế họ bằng các người có cùng quan điểm chính trị. Các việc trên đã là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình dữ dội của công chúng, thậm chí cấu thành một âm mưu đảo chính chống lại Chávez.

Tổng thống Chávez đã sống sót cuộc đảo chính, nhưng tiếng tăm của ông đã giảm mạnh -đặc biệt là nội bộ công ty  PDVSA- đến cuối năm 2002, sự phản đối Chávez đã bùng nổ mạnh, các nghiệp đoàn lao động lớn kêu gọi một cuộc đình công quốc gia với hy vọng gây áp lực buộc ông rời khỏi chức vụ, các công nhân dầu mỏ cũng tham gia ủng hộ nỗ lực này, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo hủy diệt hoàn toàn PDVSA.

Trong suốt hai tháng đình công sản lượng dầu mỏ của PDVSA giảm mạnh, khi các công nhân tại hiện trường ngừng bơm và các đội tàu chở dầu từ chối rời cảng, sản lượng dầu của Venezuela đã giảm từ mức gần 3 triệu thùng mỗi ngày trước khi cuộc đình công xuống mức thấp tới 200.000 thùng mỗi ngày vào tháng 12/2002. Điều may mắn của Chávez là các công ty dầu khí quốc tế đã từ chối tham gia các cuộc biểu tình, các công ty đa quốc gia tiếp tục sản xuất trong suốt cuộc đình công, điều này đã cứu ông qua việc giúp giảm bớt tác động xấu tới kinh tế của cuộc biểu tình.

Chávez ngay lập tức phản công, trong khi đình công đang tiếp diễn, ông tập trung mục tiêu vào các nhà điều hành cấp cao vô hiệu hoá Juan Fernández, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, trong những tháng tiếp theo danh sách đen càng dài ra và đến khi khói lửa của các cuộc biểu tình cuối cùng cũng tan, Chávez đã sa thải hơn 18.000 công nhân chuyên nghiệp ngành dầu khí, hầu hết là các chuyên gia quản lý và thợ kỹ thuật của PDVSA, những người đã may mắn thoát khỏi cuộc thanh trừng trước đó.

Cú triệt hạ vốn nhân lực của PDVSA này sẽ chứng minh sự thiệt hại lớn nhất của Chávez trong nhiều động thái chống lại công ty, ngay cả chính phủ của ông cũng sớm nhận ra tác hại mà quyết định sa thải đã gây ra. Càng ngày tai nạn và sự cố tràn dầu càng nhiều do công nhân không biết vận hành và vào năm 2005, một quan chức cấp cao của bộ năng lượng đã thừa nhận rằng sẽ mất ít nhất 15 năm để đào tạo lại các công nhân với kỹ năng chuyên nghiệp bị mất bởi vụ sa thải hàng loạt này, một quan chức khác của bộ năng lượng thậm chí còn bắn tiếng yêu cầu các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Caracas giúp sắp xếp đào tạo công nhân tại Hoa Kỳ. Kể từ đó và những năm kế tiếp, tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn, tại công ty (và cả nền kinh tế) bây giờ tình hình tệ đến mức công nhân mang về nhà một khoản tiền -chỉ một vài đô la một tháng- và vẫn phải đối mặt với áp lực chính trị là phải luôn ủng hộ  chế độ. Điều kiện tồi tệ như vậy đã dẫn đến chuyện nghỉ việc hàng loạt của các công nhân lành nghề, kể từ năm ngoái có hơn 25.000 người xin nghỉ việc. Theo Reuters, sự việc đã phát triển lớn đến mức một số văn phòng PDVSA đã từ chối không cho công nhân của họ nộp đơn từ chức.

Một nhà điều hành của một công ty khai thác dầu nước ngoài lâu năm tại Venezuela nhận định: "Trước đây công ty PDVSA là một trong những công ty tốt nhất trong ngành dầu khí, họ biết cách vận hành hiệu quả nhất, các cuộc thanh trừng ồ ạt làm họ tan tác, làm mất đi những chuyên gia ở nhiều cấp độ và họ sẽ không bao giờ hồi phục được nữa".

Trong khi những thuộc cấp của ông hiểu rõ sự tàn phá mà ông đã gây ra thì Chávez hoặc không biết hay không quan tâm đến vẫn quyết tâm tài trợ cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang diễn ra của mình và sử dụng cách xuất khẩu dầu thô giá rẻ để mua bạn bè ở nước ngoài (xuất dầu giá rẻ hơn thị trường cho Cuba, ND), ông tiếp tục vắt kiệt ngành dầu khí. Sử dụng các phương pháp không rõ ràng về mặt pháp lý ông bắt đầu rút ra hàng tỷ đô la từ doanh thu PDVSA để trả cho các chương trình xã hội của mình bao gồm nhà ở, giáo dục, phòng khám bệnh và bữa trưa ở trường. Mặc dù chiến lược này có vẻ mang đến nhiều lợi thế chính trị trong thời gian ngắn, nhưng điều này cực kỳ nguy hiểm: Vì chính phủ đã rút rất nhiều tiền khỏi PDVSA, công ty dầu mỏ đành phải đầu tư ít hơn vào việc duy trì sản xuất và tìm kiếm nguồn mỏ mới (do các mỏ dầu cũ dần dần cho ít dầu hơn theo thời gian khai thác, các công ty cần phải liên tục thăm dò đào giếng mới và tân trang lại các mỏ cũ đã bị thu hẹp sản lượng bằng cách bơm thêm nước hoặc khí). Đặc điểm địa chất của các mỏ dầu của Venezuela là loại mỏ có tỷ lệ sụt giảm nhanh và hiện có tỷ lệ sụt giảm sản lượng rất lớn, có nghĩa là công ty khai thác mỏ Venezuela cần chi tiêu mạnh hơn các loại mỏ hóa dầu khác chỉ để giữ cho sản xuất ổn định, nhưng từ khi Chávez chi thêm thu nhập của công ty vào các lĩnh vực khác của ông, PDVSA đã buộc phải thế chấp tương lai mình để có tiền chi cho hiện tại chính trị của Chávez.

Năm 2005, Chávez một lần nữa chĩa mũi dùi vào các công ty nước ngoài, ông một lần nữa tăng lãi suất khai thác và phạt hàng tỷ đô la tiền thuế không có thật. Sau đó ông bắt buộc các công ty nước ngoài nhượng lại phần lớn các hoạt động của mình cho PDVSA, một quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ mô tả vào thời điểm đó là: "Cưỡng đoạt có hệ thống, chính quyền Chávez hàng năm đã cố tình làm khó gì đó cho các công ty quốc tế hoặc là tăng thuế hoặc buộc họ phải bán dầu lấy tiền địa phương". Những hành động khiêu khích làm bực tức các giám đốc điều hành nước ngoài, ngay cả các quan chức của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cũng từng than phiền với các quan chức Hoa Kỳ về sự can thiệp của Caracas. Hai công ty Exxon Mobil và Conoco đã không chịu đựng được và rời đi. (Mùa xuân 2018, Conoco cuối cùng đã thắng kiện trị giá 2 tỷ đô la cáo buộc PDVSA đã chiếm đoạt tài sản của mình) Tuy nhiên, nhiều hãng khác chẳng hạn như Chevron bị hấp dẫn với tiềm năng dầu khí khổng lồ của Venezuela, họ vẫn chấp nhận các điều khoản khó khăn mới.

Bất chấp sự hiện diện của các công ty bám trụ này, hành vi của Chávez ngày càng thất thường, ông càng yêu cầu giảm thêm khoản đầu tư cần thiết để đưa dầu nặng ra khỏi mặt đất. Chính phủ cũng đã sử dụng doanh thu PDVSA để tài trợ cho các chương trình xã hội và trả các khoản nợ cấp bách của Venezuela. "Trong suốt thời kỳ bùng nổ giá dầu mỏ cao nhất trong lịch sử, khi mọi quốc gia khác trên thế giới tăng đầu tư vào mỏ dầu, Venezuela đã không làm như thế và sản lượng tiếp tục giảm", theo ông Monaldi nhận định.

Mặc cho tất cả các hành vi lạm dụng và sai lầm của Chávez, công nghiệp dầu thô Venezuela đã đứng trụ được trong một thời gian dài đáng ngạc nhiên, sản xuất hầu như ổn định từ năm 2002 (ngay trước cuộc đình công) cho đến năm 2008, khi giá dầu thế giới đạt đỉnh gần 150 đô la một thùng. Năm đó Venezuela thu được khoảng 60 tỷ đô la từ dầu mỏ. (Những con số sản xuất này đến từ OPEC, ước tính của chính phủ cao hơn nhưng không đáng tin cậy)

Giá cao hơn nhiều so với sự sụt giảm nhẹ trong sản xuất -từ năm 2002 đến 2008, sản lượng của Venezuela đã giảm từ 2,6 triệu thùng/ngày xuống còn 2,5 triệu- cho phép Chávez tiếp tục chi tiêu và che giấu nhu cầu cần đầu tư lớn để sống còn của ngành dầu khí, nhưng ngay cả giá dầu thô cao cũng không thể che giấu những rối loạn kinh tế sâu sắc hơn do những nỗ lực của Chávez đã gây ra để xây dựng cái mà ông gọi là ''chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21''. Một quốc gia từng xuất khẩu nông sản giờ phải bắt đầu nhập khẩu thực phẩm (một đặc điểm chung của lời nguyền tài nguyên) Patrick Duddy, là cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Caracas hai nhiệm kỳ từ 2007-2008 và 2009-2010, đã kể lại: "Vào thời điểm 2007, đôi khi không có bất cứ loại sữa nào trên các kệ bán hàng: không sữa tươi, không sữa bột, ngay cả sữa cô đặc cũng không, mà đây là lúc giá dầu đang tăng vọt, thật đáng ngạc nhiên".

Tuyệt vọng, chính phủ lại tìm ra một cách khác để khai thác triệt để PDVSA bằng cách sử dụng bất kỳ chuyên môn quản lý nào mà công ty có nhằm để điền vào sự thiếu hụt nhân sự điều hành các bộ phận khác của nền kinh tế đang bị đổ vỡ, chẳng hạn đến năm 2007 PDVSA đã bị lôi kéo vào việc sản xuất và phân phối sữa, sau đó công ty dầu khí bắt đầu nhập khẩu các loại thực phẩm cơ bản khác, từ dầu ăn đến gạo và đậu. Công ty dầu khí làm việc trong các lĩnh vực này có thể đã giúp cho quốc gia một số cứu trợ ngắn hạn cần thiết, nhưng nó càng làm phân tâm PDVSA khỏi những gì đáng lẽ phải làm là tập trung vào dầu khí, mặt kinh doanh cốt lõi của nó.

Thực tế cuối cùng đã sụp đổ vào mùa hè năm 2014, khoảng một năm sau khi Chávez chết vì ung thư và được Maduro tiếp tục thúc đẩy. Giá dầu đã giảm từ mức cao hơn 100 đô la một thùng vào mùa hè xuống còn chưa đến một nửa vào tháng 1/2015, vào cuối năm đó dầu thô Venezuela chỉ bán được với giá dưới 30 đô la một thùng, trong khi đó ngân sách quốc gia đã dự toán dựa trên giá 60 đô la một thùng. Đến thời điểm này Venezuela đã trở nên phụ thuộc gần như hoàn toàn vào doanh thu từ dầu mỏ, chiếm khoảng 95% thu nhập xuất khẩu. Giá dầu rẻ đã đẩy nền kinh tế vào suy thoái năm 2014 và đến một cuộc khủng hoảng toàn diện vào năm 2015, với GDP thu hẹp chỉ còn gần 6% và lạm phát bùng nổ, cùng  bởi vì Venezuela đã bỏ bê việc đa dạng hóa nền kinh tế, nên đất nước này không còn bất cứ lựa chọn nào khác.

Một điểm sáng tương đối trong ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela ngày nay là sản lượng tại các mỏ Orinoco siêu nặng khai tháccùng với các công ty nước ngoài kể từ khi mở cửa từ thời những năm 1990, sản xuất dầu thô từ Orinoco thực sự đã tăng trưởng trong nửa đầu thập kỷ này, và cho đến bây giờ sự sụt giảm sản xuất vẫn không đáng kể. Đây lại là một sự tương phản rõ rệt với sản lượng tụt dốc giảm tại các mỏ dầu truyền thống chỉ do PDVSA vận hành. Nhưng ngay cả lĩnh vực dầu siêu nặng đang cố gắng để giữ mức sản xuất gần với ổn định, trước khi có thể xuất khẩu loại dầu bitum nặng (heavy bitumen) PDVSA cần phải trộn nó với dầu nhẹ mới có thể bán ra được và phải kể đến từ năm 2010, sản xuất dầu nhẹ của riêng Venezuela đã giảm, điều này buộc công ty năng lượng nhà nước phải chi tiền mặt -rất cần thiết- để nhập khẩu dầu nhẹ. Venezuela cũng phải nhập khẩu xăng -thứ mà nhà nước bán lại cho người tiêu dùng với giá chỉ 4 xu một gallon- và một vấn đề ngày càng phổ biến Venezuela mất tiền khi người mua từ chối hàng dầu thô vì chất lượng kém, trong vài trường hợp khác PDVSA thậm chí không được trả tiền. Thí dụ, trong khi nước này hiện bơm cho Trung Quốc khoảng 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày, Bắc Kinh lấy dầu và trừ vào các khoản nợ quốc gia của Venezuela chứ không trả tiền cho PDVSA.

Trong khi đó, bất chấp sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela vẫn tiếp tục mua dầu thô của nước ngoài -với giá chắc chắn lỗ- để rồi vận chuyển mang cho người anh em cùng theo chế độ tư tưởng ở Cuba, một di sản cay đắng của Chávez với ý định sử dụng sự giàu có từ dầu hoả của Venezuela để mua tình bạn bè trong khu vực.

Tất cả những vấn đề này làm cho PDVSA tiêu tốn một lượng tiền mặt khổng lồ. Ông Monaldi ước tính: "Bán dầu với giá chiết khấu, chuyển nó sang Trung Quốc (và Nga) để trả nợ quốc gia và trợ cấp cho các tài xế ở Venezuela đã khiến công ty (và cả nước Venezuela) phải trả giá hơn 20 tỷ USD mỗi năm". Cùng với trở ngại khác, sự thiếu hụt tiền quá lớn này đã khiến PDVSA ngày càng khó trả tiền cho các công ty dịch vụ như Halliburton và Schlumberger, là các công ty giúp họ khoan dầu, năm ngoái hai công ty đã đòi hơn 1,5 tỷ đô la trong các hóa đơn chậm chưa thanh toán của PDVSA. Dĩ nhiên vì họ không được trả tiền, công việc của họ đã bị chậm trễ trên các mỏ dầu đã từng là sinh kế của Venezuela, điều đó có nghĩa là dầu nhẹ được bơm lên thậm chí còn ít hơn, khiến cho khó khăn của tất cả các ngành công nghiệp phụ thuộc càng khó giải quyết hơn.

Hỗn hợp độc hại đó đã bùng nổ vào năm ngoái, khi sản lượng đột ngột sụt mất 30%, đánh dấu mức giảm ròng 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ khi Chávez đưa ra kế hoạch sử dụng nguồn dầu khổng lồ của Venezuela để xây dựng một thiên đường xã hội chủ nghĩa, bộ dầu mỏ được biết hiện đang chuẩn bị cho một mùa thất thu của cuối năm nay, xuống mức 1,2 triệu thùng mỗi ngày.

Cách duy nhất cho ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela ngày nay vốn bị phá sản và thiếu nhân tài trầm trọng có thể khắc phục là phải dựa nhiều hơn vào các công ty nước ngoài, tuy nhiên ngay cả khi họ được trao quyền tự do không chắc rằng các công ty quốc tế có thể sớm xoay chuyển mọi thứ. Việc thiếu đầu tư trong những năm gần đây đã làm hại tình trạng các mỏ dầu Venezuela "Nếu ta lạm dụng các mỏ dầu bằng cách khai thác quá mức hoặc tái đầu tư kém, thì sau đó có thể ta không làm các mỏ hoạt động trở lại được như xưa nữa" đó là ý kiến từ các giám đốc điều hành của công ty dầu khí quốc tế "Họ (Venezuela) có thể đã gây ra những thiệt hại trầm trọng cho các mỏ".

Nhưng có vẻ như Caracas không muốn thử nghiệm đề xuất này và tiếp tục làm mọi thứ có thể để xa lánh chính những doanh nghiệp mà nó đang rất cần. Chẳng hạn vào tháng Tư, các đặc vụ của chính phủ đã bắt giữ hai giám đốc điều hành của Chevron, họ được cho là đã từ chối hợp tác trong việc yêu cầu khai thác quá mức ở các mỏ dầu, hai người đã bị giam nhiều tháng trong khi phải đối mặt với tội phản quốc có thể chịu mức án tù lên tới 30 năm.

Cải cách thực sự sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong quản lý kinh tế quốc gia: Kiểm soát siêu lạm phát, thiết lập tỷ giá hối đoái thực tế và ổn định, đồng thời phải xây dựng một khung pháp lý khả thi hầu cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài sự tin tưởng vào một cam kết ở tương lai và sự an toàn cho họ. Tất nhiên với tình hình hiện nay không thể tưởng tượng là ông Maduro sẽ làm bất cứ điều gì trong số đó, đặc biệt là sau khi giành chiến thắng gần đây (hoặc gian lận) trong cuộc bầu cử, cuộc tái-bầu cử của ông càng mang đến những rủi ro ngắn hạn thêm cho ngành dầu mỏ Venezuela.

Hoa Kỳ đang xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Hoa Kỳ sang Venezuela hoặc thậm chí cấm các nhà máy lọc dầu Hoa kỳ mua dầu thô từ Venezuela. Một trong hai biện pháp trên, hoặc cả hai sẽ giáng một đòn mạnh khác vào một ngành công nghiệp đã rệu rã.

Nhận định về khả năng cho việc tái cấu trúc công ty quốc doanh khai thác dầu mỏ Venezuela, theo ý kiến ông Burelli: "Không có tiền của nào có thể mang lại điều đó, bạn có thể tái cấu trúc một khu vực dầu mỏ với nhiều đối tác tư nhân nhưng sẽ không thể làm vậy với một công ty quốc doanh như PDVSA".

Tổng kết, nhà nước đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ và khẳng định chủ quyền của mình đối với tài nguyên vàng đen của đất nước chỉ để càng ngày càng làm giảm đi sự thịnh vượng của dân chúng Venezuela đáng lẽ được có.

Hiện Venezuela không có ngành kinh tế chủ lực nào khác, cách duy nhất để tài trợ cho chính phủ là tăng sản lượng dầu, điều này đòi hỏi phải đầu tư khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm liền trong thập kỷ tới và cách duy nhất để thu hút loại đầu tư đó là cung cấp các điều khoản dễ dàng thuận lợi cho những công ty quốc tế, điều đó cũng có nghĩa là phải chia miếng bánh lớn hơn cho họ và chỉ một phần nhỏ hơn cho nhà nước.

Như Burelli đã nhấn mạnh: "Để phục hồi ngành dầu mỏ, ai đó sẽ phải đầu tư vào nó theo các điều kiện có lợi của họ, không phải điều kiện của chúng tôi và điều đó sẽ không tạo ra doanh thu. Vậy, chúng ta (người Venezuela) trong tương lai sẽ sống bằng gì?


https://foreignpolicy.com/2018/07/16/how-venezuela-struck-it-poor-oil-energy-chavez/


Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Đoàn văn Toại

Đoàn Văn Toại,
Sinh năm 1945 tại Vĩnh Long, thời sinh viên là phó chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đại học Sài Gòn, có khuynh hướng thân cộng, năm 1971 ông đã đi Mỹ đến các đại học trong đó có Đại học Berkeley và Stanford để kêu gọi sinh viên phản chiến ủng hộ quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam bằng cách đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam vì thế ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam nhiều lần. Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm tại một ngân hàng cho đến 4/75.

Sau khi MTGPMN làm chủ Sài gòn, ông trở thành cán bộ của Ban tài chính dưới thời Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam mới được thành lập. Không lâu sau đó ông bất đồng ý kiến về các chính sách kinh tế của các cán bộ cấp trên, ông từ chức và sau đó bị bắt giam 28 tháng.

Được thả, ông được đi đoàn tụ gia đình -vợ ông có quốc tịch Pháp và đã được hồi hương năm 1977- với hy vọng ông sẽ nói tốt cho chế độ khi đó đang bị thế giới lên án vì chính sách cai trị hà khắc, ông đã không làm như ý lãnh đạo Hà Nội. Sau khi đến Pháp, ngày 30/5/1978 ông tổ chức họp báo và công bố “Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt Nam” được một số trí thức ký tên, cuối năm đó ông qua Mỹ cũng có họp báo, gặp gỡ nhiều dân cử Quốc hội Hoa Kỳ, đến nói chuyện tại nhiều đại học về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.

Lần trở lại Đại học Berkeley năm 1979, theo lời mời của Viện Nghiên cứu Đông Á (Institute of East Asian Studies) dưới sự điều hành của Giáo sư Robert Scalapino, ông đã gặp bà Laola Hironaka là trưởng nhóm Ân xá Quốc tế (Amnesty International - Campus Network). Qua bà Hironaka và Ginetta Sagan, ông và nhà thơ Nguyễn Hữu Hiệu gặp ca sĩ phản chiến Joan Baez và đã kể ra nhiều sự thật khiến bà tỉnh ngộ.

Sau khi biết đến những trại học tập cải tạo giam giữ hàng trăm nghìn người, những nhà tù giam văn nghệ sĩ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, Joan Baez đã vận động cả trăm trí thức, nghệ sĩ ký tên vào một thư ngỏ lên tiếng về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội. Lá thư được đăng trên các báo lớn tại Hoa Kỳ cuối tháng 5/1979.

Chống nhà cầm quyền Cộng sản nhưng ông có cùng quan điểm với Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Bộ Chính Trị vừa trốn sang Trung Quốc và Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng tư pháp của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mới vượt biển đến Pháp, cùng với Thái Quang Trung là những người có khuynh hướng thân Trung Hoa chống lại Việt Nam, vì thế ông bị nhiều người Việt hải ngoại phản đối, bị nghi ngờ là cộng sản nằm vùng, là người của CIA.

Trở lại miền Đông nước Mỹ, Đoàn Văn Toại cùng với Nguyễn Hữu Hiệu thành lập Ủy ban Tranh đấu cho Tù nhân Chính trị tại Việt nam và đã xuất bản tập thơ “Tiếng vọng từ đáy vực” của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, mà khi đó danh tính của nhà thơ còn được giữ kín. Những hoạt động của Đoàn Văn Toại được chính giới Mỹ chú ý và ủng hộ. Ông viết những bài báo về hiện tình Việt Nam đăng trên Wall Street Journal, New York Times và làm việc nghiên cứu tại Fletcher School of Law and Diplomacy, Đại học Tuft ở Boston; Institute of East Asian Studies, Đại học Berkeley ở California.

Ông đã cho ra đời 3 tác phẩm về Việt Nam, viết chung với David Chanoff, là: “The Vietnamese goulag”, nguyên bản tiếng Pháp “Le goulag Vietnamien” xuất bản năm 1979; “Vietnam : A Portrait of its People at War” và “Portrait of the Enemy”.

Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, khi thế giới có những thay đổi và khối cộng sản đang tan rã, Đoàn Văn Toại thành lập Institute for Democracy in Vietnam -Viện Vận động Dân chủ cho Việt Nam- qua đó ông thúc đẩy Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội và công khai lên tiếng cổ võ cho quan điểm của mình vì tin rằng giúp Việt Nam phát triển kinh tế sẽ đưa đến thay đổi chính trị.

Ông cũng lên tiếng chỉ trích Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam của Tướng Hoàng Cơ Minh, lúc đó đang quyên tiền cho phong trào kháng chiến mà ông cho là lừa gạt.

Trung tuần tháng 8/1989 tại Fresno, California ông bị kẻ lạ mặt bắn ba phát làm bể hàm, lủng ruột nhưng ông chỉ bị thương nặng và thoát chết. Thủ phạm tẩu thoát và cho đến nay cũng không tìm được, dư luận đồn đoán là Mặt trận của Tướng Hoàng Cơ Minh đứng sau vụ ám sát, sau vụ ám sát ông không còn coi Hoa Kỳ là nơi an toàn nên đã về Việt Nam làm ăn và sống trong im lặng nhiều năm.

Tên ông cũng đã đổi để ít gây chú ý, trên mạng xã hội Facebook có ghi Prof. Patrick T Doan, Ph. D kèm với chức danh Founder, Bristol University, California và Emeritus Chancellor, California Southern University -những đại học tư này đã cấp bằng tốt nghiệp cho một số người Việt và gần đây tạo dư luận ồn ào trong nước khi nhắc đến bằng cấp của các quan chức cũng như về phẩm chất và giáo trình-.

Năm 1991, nhân danh giám đốc Institute for Democracy in Vietnam, ông đề nghị Hoa Kỳ thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam -khi mà Philippines tỏ ý không muốn cho Mỹ thuê Subic Bay- để giúp Việt Nam thoát nghèo và sẽ đưa đến thay đổi chế độ mang bản chất Stalin sang tự do. Ông cũng từng đưa ra đề nghị Hoa Kỳ trả 5 nghìn đôla cho mỗi H.O. để họ ở lại Việt Nam sinh sống thay vì qua Mỹ định cư.

Ông trở lại Mỹ thời gian ngắn trước khi mất tại California ngày 26/11/2017.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Chuyện Biệt kích: Núi Bà Đen 3/4

Tường thuật của nhóm tiếp vận truyền tin:

Đúng 21:45 ngoại trừ những người trực máy, các người còn lại đang tụ họp coi TV thì một tiếng nổ chát chúa của B40 ở phía Đông vòng đai  phòng thủ, Trung sỹ Gilbert chỉ huy nhóm cùng hạ sỹ Kelly mang theo máy truyền tin PRC25 tức tốc chạy ra phía hầm phòng thủ để lại trung sỹ  Holguin trực máy và trung sỹ Hager gác cửa, ngay khi vừa đụng đến khẩu đại liên thì hàng loại đạn AK bắn tung toé vào lỗ châu mai, Kelly lùi lại ra phía cửa sau của hầm đúng lúc nhìn thấy nhóm người cởi trần đang chạy vượt qua, mới đầu vì tối trời anh tưởng lính Mỹ, nhưng khi một trong số đó vượt qua với cây B40 trên vai, anh chắc chắn không phải lính Mỹ mà là những cán binh Vc đang tràn qua.

Một trái cối nổ ngay trên nóc hầm làm một người biệt kích Thượng bị thương nhẹ, Gillbert ra lệnh toàn nhóm ra khỏi hầm chiếm vị trí phía trước công sự và bắn về hướng vách đá mà nhóm Vc vừa khuất vào, cùng lúc đó căn hầm lãnh thêm 3 trái B40 bốc cháy, nhóm Vc tiến thẳng lên đỉnh chỗ ngôi Chùa.

Căn hầm bốc cháy rực sáng, cả nhóm rút xuôi theo vách núi khoảng 20m và nằm phục trên các tảng đá, sau khi liên lạc vô tuyến với nhóm Red Horse (nhóm tiếp vận truyền tin cho không quân) xác định vị trí, nhóm từ từ di chuyển về hướng của nhóm Red Horse đang phòng ngự, đang trên đường di chuyển, từng tiếng nổ dữ dội vọng về từ ngôi Chùa, Vc đang đánh bộc phá ngôi Chùa, tất cả chìm trong bóng tối.

Trên đường di chuyển Gillbert và Kelly rẽ về ngôi nhà truyền tin tìm Holguin và Hager, căn nhà bị trúng pháo vào bình ga Butan và căn nhà đang bốc cháy rừng rực, cho là 2 chiến binh đã chết cả nhóm tiếp tục di chuyển về phía nhóm Red Horse.

Sau khi tìm đến được với nhóm Red Horse, trong một khe đá lớn gồm khoảng 20 người nhưng chỉ có 4 khẩu súng, Gillbert sắp xếp phòng thủ, mọi người nín thở chờ đợi và núp kín trong hốc đá.

Về phần trung sỹ Holguin, sau khi Gilbert và hạ sỹ Kelly phóng ra khỏi phòng truyền tin, Holguin tiếp tục ở lại cùng Hager báo cáo tình trạng về bộ chỉ huy đồng thời tìm cách liên lạc với các nhóm khác trên núi, sau nhiều cố gắng mà không có nhóm nào trả lời, hai người lính biết rằng họ là những người cuối cùng còn trong khu căn cứ, một trái B40 bắn trúng bình ga Butan bên hông nhà, cú nổ làm toàn bộ hệ thống liên lạc tắt ngóm, góc nhà bắt lửa bùng lên Holguin và Hager chộp lấy súng và phóng ra khỏi căn nhà truyền tin, hai người vừa thoát ra khỏi cửa thì thêm 2 trái cối rớt vào thổi bật tung mái nhà lên không trung.

Hai người trực chỉ các khe đá gần đó phóng đến mặc cho tiếng đạn bắn rượt theo chát chúa trên khắp mặt đá, mảnh đạn cối rớt nóng hổi như mưa chung quanh, luồn sâu vào các khe đá họ nghe được tiếng Vc hô hoán phía trên, không một tiếng Mỹ nào vọng xuống, qua khe đá từ phản chiếu của căn nhà đang cháy rừng rực 2 chiến binh thấy thấp thoáng bóng Vc chạy qua lại, vì họ đang ở trong một hốc đá cạn và không muốn lãnh một trái lựu đạn để thành đống thịt nát bấy, 2 chiến binh cố thu nhỏ người lại đồng thời gạt bỏ ý định bắn vào nhóm Vc, họ trải qua đêm chờ trời sáng với tiếng nổ ầm ĩ chung quanh không dứt.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Tao Ngộ 23: Hai ông giáo sư đại học.

Số 4 Phan Đăng Lưu.
Khoảng giữa năm 76 phòng tôi có một tù nhân đặc biệt, người Hà nội chính gốc -phải nói rõ rằng, thời điểm này những "người Bắc" là loại công dân hạng chiếu trên, mà người Hà nội lại là giáo viên dạy đại học nữa, không ai trong bọn tù chúng tôi có thể tưởng tượng được cơ hội gặp họ trong tù cả, người Bắc thời này là người chiến thắng, họ không bắt bọn tôi thì thôi, ai lại bắt được họ vào tù- thế mà ông giáo viên này lại đang ngồi gãi ghẻ với tôi trong này.

À, dạy đại học trong Nam gọi là giáo sư, nhưng ông giáo viên này không chịu, nói rằng miền Bắc chỉ gọi là 'giáo viên' cho dù ông ấy dạy đại học.

Ông tên Hưng, người gầy cao, dáng thanh mảnh, bàn tay thuôn ngón tay nhỏ dài rõ ra là người ít lao động, chỉ có điều nét lém lỉnh như trùm lên khuôn mặt phảng phất trí thức của ông, ông khoảng trên dưới 40 còn rất nhanh nhẹn, là giáo viên của đại học tổng hợp Hà nội, ông bị bắt vì tội vào Nam buôn TV tủ lạnh ra Bắc, đó là theo lời ông kể -hình như nhà nước cấm buôn bán mấy thứ này ra Bắc thì phải?- ông vào tù dạng 'con bà phước' nên đói dài dài, không thấy ông nhắc nhiều về gia đình ngoài Bắc. Ông rất giỏi tiếng Quan Thoại do du học tại Trung Hoa, tôi học một mớ từ đối thoại bằng tiếng Quan thoại cũng từ ông dạy.

Do là con bà phước không ai thăm nuôi nên đói, suốt ngày ông ngồi kể về các món ăn, ông kể khi dạy đại học, cha mẹ sinh viên mang biếu ông cả cỗ lòng heo, bọn tù tụi tôi chưng hửng hỏi ông sao kỳ vậy, ông giải thích mãi chúng tôi mới từ từ hiểu ra do điều kiện thiếu thốn, đói kém ngoài Bắc nên việc biếu một giáo sư đại học cỗ lòng heo là cả một sự kính trọng?! Chuyện này hơi lạ với đám miền Nam chúng tôi, rồi từ những chuyện kể về Hà nội của ông, tôi mới biết về cuộc sống trong khu tập thể đến việc ăn gà bằng kéo và phải thủ tiêu sau khi ăng uống, lại thêm chút lạ lùng về xứ sở chỉ nghe mà chưa thấy, ông cũng kể về nhiều loại đồ ăn mà tôi đến giờ cũng không còn nhớ nhưng hoàn toàn lạ lẫm với tôi.

Từ ngày ông chuyển trại, nay đã hơn 40 năm tôi chưa một lần nghe tin về ông.

Nằm kế tôi là một giáo sư triết học tại đại học Vạn Hạnh, ông tên Giàu người Huế. Ông người tầm thước hơi mập, nói giọng Huế đặc. Là một Phật tử du học từ Mỹ về ông vào dạy trong đại học Vạn Hạnh cho đến ngày bị bắt, tôi cũng không hỏi ông tội gì.

Cũng khoảng trên dưới 40, ông khác với giáo viên Hưng, ít nói hơn nhưng kể rất nhiều chuyện về thời du học Mỹ (sau này tôi ở Mỹ nghiệm ra ông nổ cũng hơi nhiều, hí hí) kiến thức về tình hình thế giới của ông đáng khâm phục, ông bình luận về các vấn đề quốc tế rút ra từ những bài đọc trên báo Nhân Dân (hay Sàigòn giải phóng?) rất hay, không hiểu sao người uyên bác như ông lại kẹt lại để vào tù?

Tôi hơi thất vọng về ông do một lần trong tù có lệnh khám tư trang đột xuất, ông vì một con dao -làm từ nửa cái nắp hộp sữa mài ra- nhưng không kịp dấu đi, lúc ông nhờ tôi dấu đi, ông run bần bật mặt không còn chút máu tưởng như ông có thể ngất tại chỗ, mãi lâu sau ông mới lấy lại được bình tĩnh trở lại, tôi không ngờ một người ăn nói lưu loát như ông, lại quá dở khi đối diện với sự cố nho nhỏ như thế. Cái gan dạ, sự liều lĩnh hình như không hợp với giới trí thức lắm! Sau này ông chuyển trại qua Chí Hoà, không biết ông trôi nổi phương nào.

Không biết kiểu dấu đồ trong tù ngày nay có khác không, chỗ an toàn nhất là con thỏ của bồn cầu, chỉ cần cột nylông cho kỹ, với một sợi chỉ để dễ lần theo, đút vào sâu trong khúc cong xuống của con thỏ, đồ sẽ nằm đó yên ổn, dĩ nhiên là không được dội nước bồn cầu. Hí hí