Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Cái cuốc chim vấy máu.

Tranh giành quyền lực của hai thế lực cộng sản.


Vào buổi tối ngày 20/8/1940, một thanh niên tên Frank Jacson ghé vào một căn nhà lớn vùng ngoại ô thành phố Mexico City của Mexico, căn nhà của ‘Ông cụ’ cái tên mà mọi người dùng cho Leon Trotsky, một người Nga nổi tiếng đang ẩn náu bên trong.

Vài phút sau đó, lưỡi cuốc chim cắm sâu 5 phân vào sọ của Trotsky và trở thành cây cuốc chim nổi tiếng nhất trong vụ giết người có thể làm thay đổi lịch sử cận đại. Mấy hôm sau, chiếc cuốc chim xuất hiện tại buổi họp báo ngắn ngủi của cảnh sát Mexico và rồi sau đó biến mất trong hơn 6 thập niên.

Thế nhưng sang năm tới, chiếc cuốc chim vấy máu này sẽ được mang ra trưng bày cho công chúng tại Viện bảo tàng Gián điệp ở Washington nhân dịp bảo tàng này mở cửa tại một tòa nhà mới để có chỗ trưng bày hàng vạn di vật được tìm lại từ trong bóng tối.

Câu chuyện về chiếc cuốc chim đã bổ vào đầu Trotsky là một câu chuyện phức tạp, ly kỳ và ghê rợn liên quan đến vụ truy sát người được xem là đối thủ của Stalin. Sau buổi họp báo năm 1940, chiếc cuốc chim được cất giữ nhiều năm trong phòng tang chứng sở cảnh sát Mexico City cho đến khi nó được một viên chức cảnh sát mật tên Alfredo Salas ký nhận mang ra, ông ta cho rằng cần bảo tồn tang vật quan trọng này cho hậu thế. Salas qua đời, để lại chiếc cuốc chim cho cô con gái Ana Alicia Salas, bà này cất giấu nó trong 40 năm trước khi quyết định mang ra rao bán vào năm 2005.

Ông Esteban Volkov là người cháu nội của Trotsky sẵn sàng cho máu để thử DNA với điều kiện bà Salas sẽ hiến tặng chiếc cuốc chim này cho nhà lưu niệm Trotsky, là căn nhà cũ ở Mexico City được giữ gìn nguyên vẹn sau vụ truy sát, nhưng bà Salas không chịu: “Tôi muốn có một lợi ích tài chính nào đó. Tôi nghĩ rằng một vật có ý nghĩa lịch sử quan trọng như thế này phải có một cái giá của nó, đúng không?”
Chiếc cuốc chim tang vật. 
Nhà sưu tầm người Mỹ Keith Melton, Florida đã mua chiếc cuốc chim, ông là tác giả nhiều sách về gián điệp và là một trong những người sáng lập Viện bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington. Đối với Melton, sở hữu chiếc cuốc chim là một ám ảnh trong đời cuả ông: “Tôi đã mất 40 năm mới tìm ra nó, sau nhiều lần chạy theo đầu mối và nhiều lần thất vọng.” Ông đã hăng hái lần theo những tin đồn, kể cả tin đồn Tổng thống Mexico đã dùng cây cuốc chim để chận giấy tờ, cuối cùng mới lòi ra bà Salas.
Ông Melton không cho biết đã trả cho bà Salas bao nhiêu về cây cuốc chim. Bà Salas trả lời với báo bà không biết gì về chuyện cây cuốc chim đã được bán. Ông Volkov cháu nội Trotsky, trả lời mình chẳng quan tâm số phận nó nữa: “Tôi đã không thử DNA, tôi chẳng liên quan gì đến vụ mua bán của bà ấy, chuyện này chẳng có ý nghiã gì, có thể là súng là dao, ý nghiã của nó chỉ là một vũ khí đã được chọn để gây án, và vụ án cũng được thực hiện một cách vụng về. Có ai dám chắc đó quả thật là cái cuốc chim đã giết ông tôi?”

Nhà sưu tầm Melton nói ông đã xác nhận được chính xác chiếc cuốc chim, từ những phân tích và bằng chứng, những giấy tờ chứng tỏ nó đã được lưu truyền tới bà Salas, thân cuốc chim có dấu khắc của nhà sản xuất Werkgen Fulpmes bên Áo và có cùng kích thước với chiếc cuốc chim được ghi trong báo cáo của cảnh sát (chi tiết này hoàn toàn không công khai ra ngoài công chúng). Trên chiếc cuốc chim còn dấu tay dính máu của hung thủ đúng như dấu vết trong ảnh trưng trong trong buổi họp báo năm 1940.

Melton cũng tin là mình đã giải mã được một trong những bí ẩn của vụ án là tại sao hung thủ có một súng ngắn và một dao găm dài 3 tấc mà không dùng, lại đi xài cây cuốc chim thể thao?

Sau khi Lenin chết, hai người con cưng của cách mạng Nga 1917 – Trotsky và Stalin – giành nhau để thay chỗ Lenin, cuộc tranh giành này chỉ có thể giải quyết bằng cái chết của một trong hai.

Stalin chấp thuận phương án khử Trotsky năm 1939, gồm hai nhóm song song hoạt động. Vụ ám sát thứ nhất là tấn công từ mặt tiền căn nhà, trưởng nhóm là David Alfaro Siqueiros họa sĩ người Mexico chuyên vẽ tranh tường cổ vũ cách mạng vô sản ở Mexico, tự nguyện hợp tác với mật vụ NKVD của Stalin và xem việc thanh toán Trotsky là nghĩa vụ của người cộng sản quốc tế, thế giới đại đồng. Ngày 24/5/1940, Siqueiros và tổ sát thủ giả mặc đồng phục cảnh sát và quân đội, tấn công bằng súng và nã hơn 200 viên đạn vào nhà Trotsky, nhưng ông và bà vợ Natalia không bị gì cả.

Điều này như một phép lạ, nhưng phép lạ đã không kéo dài vì cú ám sát thứ hai đã được tiến hành từ lâu nhằm dự phòng, muốn hiểu vụ thứ nhì ta phải lui về quá khứ một chút.
Năm 1938 tại đại hội những người Trốt-kít được tổ chức ở Paris để lập ra đệ Tứ Quốc tế - Cộng Sản đệ Tứ, cô Sylvia Ageloff người New York, một người ái mộ Trotsky. Tại đây, cô Ageloff được giới thiệu với một thanh niên 25 tuổi tên Jacques Mornard, nhận mình là con của một nhà ngoại giao người Bỉ.

Tên thật anh ta là Ramón Mercader, đảng viên đảng cộng sản Tây Ban Nha, anh có bà mẹ trung thành với Stalin và bà này đã cài anh vào phe Trốtkít với mục đích là tìm cách giết Trotsky.

Cô Ageloff được thuyết phục nên qua Mexico City làm việc cho gia đình Trotsky cùng Mercader, Mercader cũng nói rằng nếu đi cùng cô thì anh ta phải dùng giấy tờ giả để khỏi phải đi nghĩa vụ quân sự, anh kiếm được giấy tờ mang tên Frank Jacson (NKVD đã làm giả hộ chiếu và ghi sai tên anh, đúng ra phải là Jackson)

Cô Ageloff không nghi ngờ gì lời giải thích này và những người cận vệ của Trotsky dần quen với cảnh thường ngày Jacson đưa Ageloff đến khu nhà Trotsky đang sống.

Ngày 20/8/1940 cũng là lần thứ 10 Jacson đưa Ageloff đến khu nhà của Trotsky, nói với đám cận vệ rằng anh có một bài báo định đăng và muốn nhờ Trotsky xem qua trước. Sau cú tấn công bằng súng tự động hồi tháng 5, các biện pháp an ninh đã được tăng cường, muốn vào phòng Trotsky phải qua một cửa thứ nhì có khóa và khóa này được điều khiển bởi người trên một tháp canh. Nếu Mercader muốn thoát thân sau khi giết Trotsky, anh ta phải làm như chẳng có chuyện gì xảy ra thì tháp canh mới mở cửa thứ nhì cho anh ra được.

“Cách duy nhất để giải quyết là phải giết thật êm thấm và đi ra như mọi người khách bình thường, trước khi người ta phát hiện xác chết,”

Trong tình huống như vậy dùng súng sẽ không ổn, còn dao cũng không gì bảo đảm sẽ làm Trotsky gục tại trận mà không gây ồn ào. Theo kinh nghiệm trước đây, NKVD gợi ý cần có một lực cực kỳ vũ bão đánh dứt điểm vào gáy để có một cái chết hoàn toàn im lặng, nhanh và gọn. Để làm được như thế, Mercader đánh cắp chiếc cuốc chim thể thao của người con trai chủ nhà anh ta đang thuê.

Thế nhưng trong thực tế, khi Trotsky ngồi đọc bài báo và bị Mercader bổ chiếc cuốc vào đầu, Trotsky hét lớn và vật lộn với hung thủ cho đến khi cận vệ chạy tới.

Người cháu nội Volkov nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ khi nhìn qua cánh cửa còn mở, ông tôi nằm dưới sàn, chung quanh đầu là máu, ông thấy tôi và hét "đem thằng bé đi chỗ khác, đùng để nó thấy cảnh này", "quả là một con người đầy nhân bản, giờ phút đó mà ông vẫn còn lo lắng cho tôi.”

Trotsky chết tại bệnh viện khoảng 24 tiếng sau đó, Mercader bị mang ra xử và ở tù gần 20 năm. Trong thời gian ngồi tù, người Soviet đặc trách vụ của anh cung cấp rất đầy đủ những nhu cầu anh cần, mỗi tuần đều gửi tiền tiêu xài, thậm chí còn thu xếp tìm bạn gái, một ngôi sao điện ảnh sắp nổi của Mexico tên Roquella, sau này trở thành vợ anh, theo anh về sống tại Moscow khi ra tù.

Mercader ung thư chết năm 1978 tại Cuba, có Roquella bên cạnh. Những lời cuối của Mercader là: “Lúc nào tôi cũng nghe, tôi nghe tiếng hét, tôi biết ông ta đang chờ tôi ở phía bên kia.”
https://www.theguardian.com/world/2017/sep/13/trotsky-ice-axe-murder-mexico-city?CMP=twt_gu&wpmm=1&wpisrc=nl_daily202

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Xác của nhà độc tài.

Triển lãm "Xác nhà Độc tài" gây tiếng vang lớn tại Hong Kong

Hình nộm Fidel castro nằm thở thoi thóp cùng với xác vài lãnh tụ cộng sản tập trung tại Hong Kong - một trung tâm của tư bản trên thế giới - trong một chương trình triển lãm táo bạo tại trung tâm Art Basel.

Các bản sao của Mao Trạch Đông, Vladimir Lenin, Kim Il-Sung, Hồ Chí Minh và Fidel Castro đang được trưng bày ở trong trung tâm hội nghị của thành phố, thu hút những người đam mê nghệ thuật và chụp ảnh.

Được làm từ acrylic và silica gel, các xác được khoác lên người những bộ đồng phục đã làm nên "thương hiệu" của họ, tất cả đều nằm trong quan tài bằng kính, ngoại trừ Castro "đang hấp hối" trên giường bệnh (vì lúc hoàn thành bộ sưu tập ông ta vẫn còn sống).

Các hình nộm được tạo ra bởi nghệ sĩ Trung Quốc Shen Shaomin. Shen gọi tên triển lãm của mình là "Dead Dictators" (Nhà Độc tài đã chết). Phòng trưng bày các lãnh tụ độc tài được gọi là "Hội nghị thượng đỉnh" theo cảm hứng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Thoạt đầu nó được dàn dựng cho lễ hội nghệ thuật đương đại Sydney Biennale vào năm 2010 - khi đó Castro vẫn còn sống - nhằm thể hiện ý tưởng là một cuộc gặp tưởng tượng của các nhà độc tài cũ để nhại lại nhóm G8 đã ngừng hoạt động của các quốc gia công nghiệp giàu có.

Shen nói với AFP tại triển lãm Hồng Kông: "lúc này nhiều học giả phương Tây đã trở nên nghi ngờ về chủ nghĩa tư bản, họ đang so sánh và thảo luận các lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản, vì vậy tôi đã sáng tạo ra chủ đề 'G5'.

Shen, trong khi vừa nói vừa giỡn nhét chiếc iPhone của mình vào tay Castro: "Người dân của các quốc gia khác nhau, nền văn hoá khác nhau, kinh nghiệm khác nhau có cách giải thích vấn đề theo cách riêng của họ"

Gallerist Agnes Lin, người đại diện cho phòng triển lãm Art Basel, cho biết cô đã lo lắng liệu triển lãm này có được phép ở Hong Kong hay không, nơi Trung Quốc đang thắt chặt sự kìm kẹp của mình. Mao Trạch Đông vẫn là một nhân vật gây tranh cãi ở đại lục và sự xuất hiện của ông tại triển lãm này là rất nhạy cảm!

Mặc dù trên thực tế hình nộm của Mao và các nhà độc tài khác đã được sản xuất ở Bắc Kinh, tại cơ sở của Shen, nhưng theo cô Lin cho biết:
"(Art Basel) thực sự đã cố gắng hết sức để có được cái xác Mao trạch Đông  trưng bày ở nơi này".

"Tôi nghĩ Hong Kong vẫn còn tự do ... chúng tôi vẫn có thể tự do thể hiện tác phẩm này và tôi rất hạnh phúc về điều đó". Ông Shen cho biết ông với một nhóm 7 đến 8 nghệ nhân làm việc trong 6 tháng để tạo ra các hình nộm lãnh tụ sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hình dạng của các nhà lãnh đạo, thậm chí từ nốt ruồi đến lông và tóc của họ.

Tiernan Breen, 18 tuổi, một sinh viên đến từ Fiji cho biết, "Những hình nộm này kích thích làm cho mọi người muốn tìm hiểu thêm về họ", "Bạn sẽ tự đặt cho mình những câu hỏi mà chắc chắn rằng bạn sẽ không hỏi nếu bạn đã không bao giờ nhìn thấy những cái xác này."

Shen không mong đợi một nhà sưu tập cá nhân nào đó sẽ mua, mà hy vọng tác phẩm của ông sẽ được một viện bảo tàng mua và lưu giữ.

Triển lãm này đã ra mắt công chúng tại Úc, Pháp và Singapore.

http://www.straitstimes.com/lifestyle/arts/dead-dictators-draw-hong-kong-art-crowds

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Điện thư.



Hà nội ngày 28 tháng 2 năm 1946.

Tổng thống Hochiminh Việt nam dân chủ cộng hòa Hà nội gởi Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa kỳ Washington DC.

Nhân danh chính phủ Việt nam và nhân dân tôi xin báo cho ngài rằng theo thoả thuận giữa chính phủ VN và đại diện Pháp quy định cuối cùng về rút quân ở Đông dương và sự trở lại của lực lượng Pháp tại Hà nội. Trong lúc này người Pháp và quân đội đang chuẩn bị một cuộc đảo chánh tại Hà nội và quân đội đang lấn chiếm. Do đó tôi rất nghiêm túc khẩn cầu riêng với ngài và với dân chúng Hoa kỳ xin can thiệp ngay lập tức nhằm ủng hộ cho sự độc lập của chúng tôi và giúp tuân thủ những điều khoản của thoả ước Đại tây dương và Cựu kim sơn.

Kính thư. Hochiminh,




























Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Vụ bê bối Biệt kích-The Green beret affair.

Án mạng thời chiến, vụ thủ tiêu Thái khắc Chuyên.

Giọt nước tràn ly.

Đêm 19/2/1969 trung sỹ Terry McIntosh, thuộc biệt đội A-141 dẫn tiểu đội biệt kích 12 người Thượng đi phục kích, trong đó có Thái khắc Chuyên đi với nhiệm vụ thông dịch viên, theo tin tình báo cung cấp một trung đội vc trang bị vũ khí nặng đang trên đường di chuyển để tấn công Mộc Hóa. Khi trời chớm bình minh, toán phục kích phát hiện du kích tiến ra từ ven bià rừng, tuy không thể chắc chắn bao nhiêu địch quân, nhưng qua ống kính nhìn đêm nhóm vc đúng là đang di chuyển về hướng Mộc Hóa. Trung sỹ Terry lệnh qua Chuyên báo động toàn tiểu đội, mọi người sẵn sàng nằm im chờ lệnh, sau trái M79 của Terry bắn về phiá vc phát nổ tung toé, toàn bộ tiểu đội biệt kích khai hoả với tất cả hoả lực về phía trái M79 vừa rớt xuống.

Phía vc hoàn toàn không bắn trả, qua ống kính nhìn đêm Terry thấy lố nhố bóng vc chạy ngược vào trong rừng cây, Terry đưa ống kính đêm cho Chuyên cùng nhìn, anh ta cầm ống kính quan sát một hồi, Terry nhìn thấy trên môi Chuyên nở nụ cười kỳ quái, tuy lạ nhưng Terry cũng không lưu tâm mấy!

Khi Terry gọi về căn cứ để xin hoả lực pháo binh tiêu diệt địch, máy truyền tin không kiên lạc được, chỉ có tiếng ''rè rè'' trong ống liên hợp. Trung sỹ Terry quyết định truy kích địch cho dù không có pháo binh yểm trợ, toàn bộ tiểu đội tràn lên rượt theo vc vào đến bià rừng, đội hình toán biệt kích trải dài kề nhau và trút hết tất cả hoả lực họ mang theo, bắn đuổi theo những bóng du kích đang rút chạy sâu vào trong bóng tối. Terry nằm giữa với Chuyên bên trái, bên kia là một biệt kích người Thượng, lúc này Terry mới để ý là Chuyên không hề bắn một phát đạn nào, khẩu súng vất nằm lăn lóc kế bên, sau trận đánh khi được hỏi, Chuyên giải thích là súng bị hóc đạn nên không bắn được, Terry nghe vậy rồi cũng không hỏi gì thêm.

Trong khi đó ở căn cứ hoả lực, hạ sỹ Mesa khi thấy hướng tiểu đội biệt kích đi hành quân tiếng súng nổ ran và các vệt lửa đạn văng tứ tung lên trời, biết chắc là toán biệt kích chạm súng với địch, nhưng khi cố liên lạc qua máy truyền tin không được trả lời, đoán là Terry có thể đã chết hay bị thương, Mesa liên lạc với hậu cứ xin chỉ thị. Cùng lúc này, phiá vc tổ chức phản công với hoả lực rất mạnh, toán biệt kích không thể rút về hướng hậu cứ, Terry ra lệnh toàn bộ tiểu đội rút ngược ra khỏi khu bià rừng chặn hướng về Mộc Hóa và tổ chức phòng thủ chờ trời sáng, trong suốt toàn bộ trận đánh Chuyên luôn tỏ ra rất bình thản.

Mesa với hy vọng giải cứu nhóm biệt kích đã cố gắng dùng hoả lực súng cối, bắn vào những toạ độ đánh dấu trước trận phục kích và vài loạt đạn vào rặng cây ven rừng, toán biệt kích nằm im trong bóng đêm lặng lẽ nhìn đạn cối nổ từ xa và súng đạn luôn sẵn sàng nổ vào bất cứ bóng vc nào rút chạy về hướng họ đang phục kích. Sáng hôm sau khi tiểu đội về lại căn cứ hoả lực Mesa phát hiện ra chiếc máy truyền tin của nhóm phục kích bị ai đó vặn chuyển tần số khác!

Chiến dịch Gamma.

Năm 1969, can thiệp của quân đội Mỹ càng ngày càng sâu vào chiến tranh VN trong đó, dưới sự quản lý của Đoàn 5 biệt kích Mỹ, đã có khoảng 80 biệt đội A được thành lập rải rác trên khắp miền Nam, lực lượng mà sau này là những mũi nhọn trong các công tác đặc biệt của cuộc chiến chính thức và không chính thức trong cuộc chiến VN, lực lượng này đã sống, làm việc, hướng dẫn, chiến đấu và thậm chí cùng chết với những chiến binh bản địa. Một trong những nhiệm vụ chính là thu lượm tin tình báo, theo tính toán có hơn 50% tin tình báo hàng ngày trong chiến tranh là đến từ các đơn vị biệt kích.

Nhiều biệt đội thậm chí nắm rõ từng tên tuổi, vùng hoạt động của du kích và khi cần họ lặng lẽ truy lùng và tiêu diệt đối phương. Để bảo mật nhiệm vụ thu thập tin tình báo, một số sứ mệnh, hoạt động bí mật của tình báo sẽ được thành lập và đặt tên mật mã như tất cả các chiến dịch khác, tên của chương trình này được bộ chỉ huy đoàn 5 biệt kích và CIA đặt tên là "chiến dịch Gamma".

Chương trình thu thập tình báo bí mật đơn phương nhắm vào quân đội Bắc Việt và mục tiêu là tiêu diệt các cơ sở của Việt Cộng ở Campuchia, bao gồm cả chính quyền Căm Bốt đang hỗ trợ cho vc. Bản thân chương trình phải rất bí mật vì nó liên quan đến những phản ứng quốc tế nếu bị tiết lộ, hệ quả từ các cuộc ném bom chiến lược B-52 bí mật đã được tiến hành tại biên giới Campuchia vào thời đó nhằm tiêu diệt cơ sở cộng sản. Nếu chương trình này bị phát hiện, những hậu quả về mặt chính trị ở Hoa Kỳ và những nước đồng minh sẽ rất nghiêm trọng.

Các chiến binh biệt kích hoạt động trong chương trình Gamma hoạt động dưới các vỏ bọc dân sự như: chuyên gia chiến tranh tâm lý, xã hội. Các biệt đội A được đặt dọc theo biên giới Campuchia, 5 toán thu thập tin đã xây dưng được 13 mạng lưới tình báo gồm 98 điệp viên dưới các bí danh nhằm cung cấp tin tức.

Mạng lưới tình báo này, vào 10/68 khi tổng kết, đã cung cấp 65% tin tình báo cho biết về thực lực, địa điểm đóng quân của các lực lượng Bắc Việt trên đất Campuchia, hơm 75% nguồn tin như thế về lực lượng Bắc Việt hoạt động trong lãnh thổ VN. Chương trình được đánh giá là thành công và hiệu qủa nhất của Hoa kỳ tại Đông nam á, phiá Bắc Việt đã không hề biết gì về chiến dịch Gamma này. Cho đến đầu năm 1969, Biệt đội B-57 Thạnh Trị, đơn vị quản lý các toán biệt kích A nhận thấy rất nhiều các đầu mối gián điệp quan trọng cung cấp tin tình báo qúy giá ngày càng bị biến mất một cách bí ẩn, theo suy diễn chắc chắn trong nội bộ chương trình có điệp viên hai mang hoạt động cho cộng quân. Chương trình Gamma có thể bị phá hoại hoàn toàn từ tên gián điệp vc nào đó chui vào trong hệ thống của biệt kích.




Thái khắc Chuyên.

Ngày 15/10/1968, Trung sỹ Peter Sands bí danh là Alvin Smith nhận nhiệm sở tại B-41 đóng ở Mộc Hoá (Các biệt đoàn B là đơn vị chỉ huy của những biệt đội A). Một tuần sau, Chuyên xin vào làm thông dịch viên và từ đó Sands và Chuyên thành đôi bạn thân, Sands đồng thời cũng là chỉ huy trực tiếp của Chuyên trong công tác.

(Sinh năm 1938 tại miền Bắc, Thái Khắc Chuyên là con ông Thái Khắc Qui và bà Thái Thị Lục. Năm 1954, gia đình Chuyên di cư vào Nam, do thương nhớ ba đứa con trai và hai đứa con gái còn ở lại miền Bắc nên bà Lục quay về Bắc).

Vì tổn thất trong chiến đấu, nhiều thông dịch viên của các biệt đội A bị chết và bị thương nên cần bổ xung, Thái khắc Chuyên được biệt phái đến B-57 Thạnh Trị nhằm bổ xung chỗ thông dịch viên đang thiếu.

3/3/1969, Sands gởi yêu cầu sưu tra lý lịch với tên Chu Yên Thái Khắc, vài ngày sau báo cáo cho thấy "không có lưu trữ" suy ra lý lịch Chuyên không có vấn đề gì. Tuần sau đó, Chuyên được lăn tay, chụp hình và chính thức nhận mật danh hoạt động SF7-166, làm việc cho CIA. Điều đáng chú ý là Sands đã không hề yêu cầu Chuyên tiến hành thử qua máy nói dối. Thêm nữa, trong khi không hề có ghi chép nào về nghề nghiệp và học vấn nhưng Chuyên nói tiếng Anh lưu loát đến độ mọi người phải ngạc nhiên.

Vào 10/5/1969, trong một trận đột kích vào chiến khu bên kia biên giới Campuchia khu Mỏ Vẹt, biệt kích thu được nhiều tài liệu trong đó có một số hình chụp, sau khi đưa cho Sands nhận diện, xác nhận người trong hình chụp với một nhóm cán binh Việt cộng đúng là Chuyên đứng cạnh một sỹ quan Bắc việt.

Với kết luận Chuyên là gián điệp vc, chỉ huy đơn vị biệt kích ra lệnh thủ tiêu Thái khắc Chuyên, Chuyên bị chích thuốc mê, mang ra ngoài khơi Nha Trang bắn chết, cột niềng xe và thẩy xuống biển phi tang.

Sau cái chết của Chuyên, Sands tự thấy không an toàn nên đã chạy vào trụ sở CIA tố cáo vụ thủ tiêu này. Vụ giết Thái Khắc Chuyên đến tai tướng Abrams, Tư lệnh MACV. Theo luật của quân đội Mỹ, không ai có quyền đơn phương xử tử nghi can nên tướng George Marbry, phụ tá tình báo thừa lệnh Abrams ra quyết định bắt giam những nhân vật chủ chốt và những người liên quan đến vụ Thái Khắc Chuyên, gồm Brumley, Boyle, Marasco, Williams, Middleton, Crew, Ken Facey, Kautson, Wayne Ishimato. Riêng trung sĩ Sands bị bắt và bị dẫn độ về Sài Gòn một mình vì Sands là nhân chứng rất quan trọng. Theo lời khai của Sands, người chủ mưu chính trong vụ giết Thái Khắc Chuyên là đại tá Rheault, Chỉ huy trưởng biệt kích.

Phiên tòa xét xử vụ Thái Khắc Chuyên diễn ra ở căn cứ Long Bình vào tháng 8/1969. Vì thiếu chứng cứ và lý do chính trị, cùng với sự can thiệp của tổng thống Nixon vụ xử đã không tiến hành, các bị can được trả tự do. Liên Xô lợi dụng sự việc nầy phát động chiến dịch tuyên truyền rầm rộ. Đài phát thanh Moscow, Hà Nội tố cáo lực lượng biệt kích Mỹ là những kẻ tâm thần, cướp bóc, các nhóm chống chiến tranh đã nhân vụ này làm rùm beng lên về việc Mỹ can thiệp trong chiến tranh Việt Nam, sau này vụ việc được gọi tên "The Green Beret Affair" tức vụ tai tiếng mũ nồi xanh.

Kết:

Sau 1975, Phan Kim Liên và hai con trai sống trong khó nghèo, cô quạnh ở Sài gòn. Các anh trai của Chuyên kẹt lại Bắc Việt cũng chỉ là dân bình thường của chế độ như bao nhiêu tín đồ Thiên Chúa giáo khác. Vào tháng 8/1991, con trai cả của Thái Khắc Chuyên là Thái Quốc Việt vẫn tin cha mình còn sống, có viết thư cho ký giả J. Stein hỏi về số phận của cha mình và thú nhận: "thật khó sống với những năm tháng dài ngờ vực. . .".

Cho tới hôm nay, không ai biết sự thật của câu chuyện!