Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Chuyện Biệt kích: Núi Bà Đen 1/4

Hoài niệm về một thất bại, núi Bà Đen - Tây Ninh.

Tháng 5 năm 1968. Ngọn núi này tiếng Pháp gọi là "La Montagne de la Dame Noire" tiếng Việt chỉ đơn giản gọi là "núi Bà" hay "núi Bà Đen". Theo truyền thuyết, đỉnh cao 986 mét này đã được đặt tên  Bà Đen do một truyền thuyết vào thế kỷ 18, một thầy tu người Trung hoa đi qua vùng này, yêu thích cảnh quan hùng vỹ nên ông đã xin với vị tộc trưởng vùng để dựng chùa tu hành, ngôi chùa mang tên "Chùa Tàu" sau này vẫn còn tàn tích ở phía đông chân núi. Cô con gái tộc trưởng là "nàng Đen" nguyện chí tu hành theo Phật, khi cha ép gả chồng nàng trốn vào núi và từ đó không ai nghe đến nàng nữa.

Thời gian mãi trôi, một tu sỹ khác khi đi ngang núi lại thấy bóng nàng Đen thấp thoáng trong núi, ông lập đền thờ "Trinh nữ Đen" trên sườn núi nơi ông nhìn thấy bóng nàng, dân gian gọi là Bà Đen nhằm tỏ lòng kính ngưỡng.


Do vị trí chiến lược của nó, ngọn núi luôn rất quan trọng trong các quyết định liên quan đến quân sự. Với khoảng cách chừng 25 cây số từ biên giới Campuchia, và vào những ngày nắng ráo, với chiều cao gần một cây số, ngọn núi là một cứ điểm quan trọng với một cái nhìn bao quát hàng trăm dặm vuông các khu rừng chung quanh cũng như khu đồng bằng, ruộng lúa xung quanh. Nhật Bản đã chiếm đóng vùng đỉnh núi này trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, nó đã bị liên tục giành giật, chiếm đóng từ Việt Minh, Pháp, Việt Cộng và sau này là cả người Mỹ. (Việt cộng có ý chỉ MTGPMN khác với Bộ đội Bắc Việt)

Vào năm 1967, quân đội Mỹ xác định nhu cầu cần thiết phải có nhiều căn cứ yểm trợ và cần nhiều hơn những địa điểm tốt cho việc triển khai hệ thống tình báo vô tuyến nhắm vào các mục tiêu của đối phương ở Campuchia. Đây là phản ứng từ việc số lượng lớn quân đội Bắc Việt và Việt Cộng di chuyển qua lại từ những căn cứ họ đã thành lập dọc theo biên giới Campuchia, với hy vọng tìm được một địa điểm tốt cho nhu cầu, cơ quan Quân báo bắt đầu tiến hành thử nghiệm đặt những nhóm tác chiến điện tử trên đỉnh núi Bà Đen. 

Đỉnh núi vốn dĩ là một loại tiền đồn nguy hiểm, chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng khi thời tiết cho phép. Không gian đỉnh núi bị giới hạn chỉ trong vòng hai mẫu Anh, các khối đá to như căn nhà rải rác đây đó. Sương mù dày đặc thường xuyên mọi ngày và mưa bão rất thường trong năm, có khi gió giật đến 120 km/giờ, làm điều kiện sống và làm việc ở đây hầu như không thể hoạt động bình thường được. Toán thí nghiệm chạy thử các máy móc trong bốn ngày, tuy điạ điểm bị giới hạn bởi điều kiện thời tiết, nhưng những kết quả đạt được quá sức thuận lợi, và sau khi phân tích chất lượng của các thông tin mà nhóm đã thu thập được từ địch quân, quyết định thành lập một toán yểm trợ bán kiên cố trên núi. Tính đến tháng 05/1968, quân báo đã có một biệt đội nhỏ tách từ Biệt đội tác chiến điện tử 372 tại Củ Chi đến trú ngụ trong "Đảnh", Đảnh/Chùa là một cấu trúc bằng đá và xi măng ở trên đỉnh của ngọn núi. Ngôi Chùa này hội đủ điều kiện an toàn để toán tác chiến điện tử đặt những thiết bị nghe lén tối mật và che dấu các hoạt động mật cuả nhóm đang làm từ những con mắt tò mò cuả cả hai kẻ thù lẫn thân thiện. (trên đỉnh núi, có sẵn một ngôi chùa xây bằng đá đẽo và xi măng do dân chúng cúng dường, bị bỏ hoang do chiến tranh)

Về mặt kỹ thuật khu vực đỉnh núi Bà thuộc thẩm quyền của Sư đoàn 25 bộ binh, nhưng trên thực tế, nó chủ yếu là nơi đặt một trạm tiếp vận vô tuyến cho Tiểu đoàn 125 Truyền tin, đơn vị Red Horse, nhóm tiếp vận truyền tin cho không quân, những đơn vị quân đội khác cũng gửi các toán thông tin liên lạc lên núi để tiếp vận truyền tin nếu họ họat động hay hành quân trong khu vực và một nhóm với mật danh A324, là một nhóm ba mươi chiến binh lính Biệt kích Mũ xanh đã đóng chốt trên núi để tiếp vận vô tuyến cho các đơn vị lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ và Việt Nam trên toàn khu vực quân Đoàn III.

Sư đoàn 25 đã có một đại đội biệt phái tại chỗ để phòng thủ căn cứ, nhưng nhiều người tin rằng sự phòng thủ tốt nhất của căn cứ được cho là do vị trí đặc biệt của nó ở đỉnh núi, và có rất ít chọn lựa nào khác cho việc phòng thủ căn cứ thêm an toàn. Tuy nhiên, một loạt các lô cốt bằng gỗ như cắm sâu trên sàn đá núi và một hàng rào concertina (kẽm gai cuốn) đơn giản hình như không được thiết kế đầy đủ để ngăn chặn những quyết tâm triệt hạ căn cứ này của bộ đội Việt cộng, do vậy toán Alpha Lực Lượng Đặc Biệt đã báo cáo mối quan tâm về an toàn phòng thủ cuả Núi Bà Đen vài tháng trước đó, nhưng không có bất cứ hồi đáp nào. Càng ngày qua, hệ thống phòng thủ đã dần dần trở nên tệ hơn và nhiều sơ hở hơn. Đặc công Việt cộng đã thử dò dẫm, thăm dò căn cứ nhiều lần trong mùa hè và mùa thu năm 1967 bằng những đột kích nhỏ lẻ. Quân Mỹ nắm giữ điểm cao nhất trên đỉnh của ngọn núi, nhưng xuôi xuống khoảng 3.000 feet của vách đá cheo leo, các khe đá và hang động tự nhiên cuả phần thân núi thì hoàn toàn thuộc về Việt Cộng, khu căn cứ đỉnh núi Bà Đen được gọi bằng tiếng lóng là "The Rock" nôm na là khối đá.

Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét